Tín Đồ Của Chúa, bài 13

Giăng 20:24-31

Bác sĩ Luca nói trong sách Công vụ rằng ông “viết về mọi điều Đức Chúa Jesus đã làm và dạy từ ban đầu cho đến ngày Ngài được cất lên trời, sau khi Ngài cậy Đức Thánh Linh mà răn dạy các sứ đồ Ngài đã chọn. Ngài cũng dùng nhiều cách chứng tỏ cho các sứ đồ rằng Ngài đang sống sau khi đã chịu chết, và hiện đến với họ trong bốn mươi ngày phán dạy về Vương quốc Đức Chúa Trời” (Công Vụ 1:1-3).

Bản Việt ngữ khác dịch câu 3 chính xác hơn: “Ngài nêu nhiều bằng cớ vững chắc chứng tỏ cho họ Ngài đang sống, sau khi chịu khổ hình.” Ngài nêu các bằng cớ vững chắc bằng cách hiện ra cho nhiều người khác nhau, chứng tỏ Ngài đang sống để không ai có thể nghi ngờ.

Gần hai mươi thế kỷ trọn đã trôi qua kể từ thời điểm lịch sử ấy, rất nhiều bộ óc hoài nghi thời nay không tin vào những lời chứng ngày xưa, nghi ngờ sự kiện phục sinh đã không xảy ra.

Có hai giới người hoài nghi; một là không tin những gì họ không thấy tận mắt, không rờ tận tay; giới thứ hai khi đã nghi ngờ thì nhất quyết từ chối không nhìn hay chạm vào bằng chứng sờ sờ trước mắt. Có lẽ là sợ nếu mình nhìn thấy hay chạm đến vật có thật thì bao nhiêu lý luận niềm tin bị gãy đổ hết sạch.

Sau khi bác sĩ Luca đã điều tra cặn kẽ, ông xác nhận rằng Đức Chúa Jesus đã nêu nhiều bằng cớ vững chắc chứng tỏ Ngài đã sống lại. Một trong các bằng cớ vững chắc ấy là Ngài hiện ra đưa hai bàn tay còn dấu đinh đóng xuyên qua và vết thủng do ngọn giáo đâm vào hông (Giăng 20:20) cho các môn đồ xem thấy.

Sứ đồ Giăng thuật rằng ông Thomas không có mặt ở đó trong đêm ấy. Khi nghe mấy người khác kể lại họ đã thấy Chúa phục sinh, ông Thomas quyết lòng không tin: “Nếu tôi không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào chỗ dấu đinh, và không đặt bàn tay tôi vào sườn Ngài thì tôi sẽ không tin” (Giăng 20:25).

Hội thánh ngày nay đặt tên sứ đồ Thomas là Thomas hoài nghi, thật ra không chính xác lắm, vì ông nói rằng ông sẽ không tin; có hai điểm tốt của sứ đồ Thomas trong sự kiện nầy, một là ông không giả bộ tin khi ông không tin, hai là ông vẫn gần gũi với các môn đồ khác của Đức Chúa Je sus chứ không bỏ đi hẳn.

Lý do nào ông vắng mặt lúc Đức Chúa Jesus hiện ra lần đầu cho các sứ đồ thì không ai biết rõ; hoặc là do ông quá buồn phiền chán nản, hoặc là lánh mặt vì sợ bị người Do-thái bách hại. Nhưng ngay sau đó ông gặp lại các sứ đồ. Ông tìm họ hay họ tìm ông thì cũng không ai xác định được, chỉ biết là ông dứt khoát không tin Đức Chúa Jesus đã sống lại từ cõi chết.

Người ta để ý thấy ông Thomas không nói gì tới dấu đinh nơi hai bàn chân của Chúa, những ký thuật trong ba sách phúc âm kia cũng không nói gì tới hai chân Ngài bị đóng đinh như hình người ta vẽ hay tượng người đời sau tạc. Cách thông dụng lúc đó là chân bị cột vào trụ gỗ.

Tám ngày sau, tức là Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần lễ, ông Thomas cũng có mặt trong phòng đóng kín cửa với mọi người khác, Đức Chúa Jesus đến đứng giữa họ và nói: “Bình an cho các con!” Rồi Ngài bảo Thomas, “hãy đặt ngón tay con vào đây và xem bàn tay Ta. Hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào sườn Ta. Đừng vô tín, nhưng hãy tin” (Giăng 20:26-27).

Ông Thomas vội quỳ xuống thưa: “Lạy Chúa của con và Đức Chúa Trời con!” (Giăng 20:28). Đức Chúa Jesus nói: “Có phải vì thấy Ta nên con tin chăng? Phước cho những người không thấy mà tin” (Giăng 20:29).

Vài chi tiết được mô tả ở đây nói lên rất nhiều điều. Ông Thomas là hạng người chỉ có thể tin khi nào thấy tận mắt. Khi đã thấy, tin, thì ông xác nhận điều ông tin. Đức Chúa Jesus biết rõ lời Thomas nói khi Ngài không có mặt. Điều đó chứng tỏ Ngài có mặt ở mọi nơi, mọi lúc và nghe hết những lời người ta tưởng rằng người vắng mặt sẽ không thể nghe được.

Trước đó, Đức Chúa Jesus làm rất nhiều phép lạ trước mặt vô số người, nhưng giới lãnh đạo Do-thái -giáo không muốn chấp nhận sự thật ấy. Thay vì chấp nhận để tìm hiểu sự thật, giới người ấy bàn tính cách nào ngăn chận sự thật:

Chúng ta phải làm gì đây? Người nầy thực hiện quá nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục như thế nầy thì tất cả sẽ tin ông ta” (Giăng 11:47-48).

Rồi khi thấy thiên hạ lũ lượt tìm xem mặt Lazarus, người đã được Đức Chúa Jesus gọi cho sống lại từ cõi chết, sau khi đã bị chôn trong mộ bốn ngày “các thầy tế lễ cả cũng định giết luôn Lazarus nữa vì do anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin Đức Chúa Jesus” (Giăng 12:10-11).

Sự kiện nầy lặp lại ở mọi thời đại trong các tổ chức chính trị hay tôn giáo, là những tổ chức sợ người dân biết sự thật rằng họ chẳng có gì để chứng minh điều họ tuyên truyền hay rao giảng là chân lý cả.

Lời tuyên bố phục tùng của ông Thomas làm cho tín lý bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus của một số giáo phái rất là ngắc ngứ.

Vì trước khi Đức Chúa Jesus hiện ra bảo ông hãy đặt ngón tay vào lỗ thủng của dấu đinh đóng qua bàn tay và vết giáo đâm xuyên sườn Ngài, Thomas cũng có tính chất giống như họ: Chưa thấy thì chưa tin! Nhưng khi ông Thomas đã thấy và tin thì mấy người nầy vẫn tiếp tục bám lấy lý lẽ của họ. Đức Chúa Trời biết rằng dù Ngài cho các thiên thần hiện ra làm các phép lạ, người hoài nghi chẳng những vẫn không tin mà còn nói những lời phạm thượng.

Bằng chứng là Chúa đã dùng một bé gái chưa từng đến trường hay học vẽ, để vẽ các hoạ phẩm có trị giá ít nhất ba triệu mỹ kim; rồi Ngài ban nhiều viên ngọc quý từ thiên đàng cho một thợ máy ở Idaho, khiến các chuyên viên đá quý đều ngẩn ngơ, mà người ta nói: “Đó là đồ giả!

Trở lại chuyện ông Thomas, có người hỏi: “Tại sao Chúa không hiện ra ngày nào đó trong tuần cho ông Thomas thấy, mà phải đợi tới tám ngày sau?

Đức Chúa Jesus phải chờ đúng ngày các môn đồ, Ngài chọn lựa làm sứ đồ, họp mặt đông đủ và cửa đã đóng kín, thì ông Thomas mới không còn lý lẽ gì để không tin, và lúc ấy thì mười môn đồ kia sẽ làm chứng là ông Thomas đã nói những lời thuận phục.

Đức nhân từ của Chúa cũng bày tỏ ra trong chuyện nầy: Ngài tha thứ sự vô tín của Thomas; tuy nhiên, Ngài bảo ông: “Đừng vô tín, nhưng hãy tin!” (Giăng 20:27b).

Có bao nhiêu cơ hội đáng lẽ ra nhiều người đã được phước khi quyết định đặt đức tin vào Đức Chúa Jesus, nhưng bị mất phước vì tâm trí nghi ngờ chuyện thần thánh và không chịu tiếp nhận ơn cứu độ miễn phí của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại qua sự hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus.

Nhiều người cũng thắc mắc về câu nói: “Phước cho những người không thấy mà tin” vì lấy câu nầy ra khỏi bối cảnh văn mạch của nó. Phần trước là câu hỏi: “Có phải vì thấy Ta nên con tin chăng?” (Giăng 20:29).

Chúng ta có thể diễn ý câu nầy là: “Có phải vì thấy Ta hiện ra với thân thể còn mang các vết thương, nên con mới tin Ta đã chiến thắng sự chết và sống lại không? Phước cho những người không thấy thể xác Ta mà tin lời những người làm chứng đã thấy Ta sống lại.

Đúng như vậy! Tất cả tín đồ của Đức Chúa Jesus từ gần hai mươi thế kỷ qua đều được phước vì đã tin lời chứng của những người truyền giáo. Bằng cớ áp đảo chứng minh Đức Chúa Jesus thật đã sống lại là đời sống được biến đổi của vô số người trên thế giới. Phép lạ kỳ diệu về đời sống được đổi mới vẫn liên tiếp xảy ra ở khắp nơi; nhất là ở những hoàn cảnh đã hoàn toàn tuyệt vọng của những cuộc đời bị ma tuý dìm xuống đáy bùn đen của xã hội.

Sứ đồ Giăng nói: “…các việc nầy được ghi chép để anh em tin rằng Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và để khi anh em tin thì nhờ Danh Ngài mà được sự sống” (Gi.20:31).

Những lời của sách Tin Mừng nầy được ghi chép để ngày nay ai có cơ hội nghe thì tin Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế. Nhờ tin như vậy thì người tin nhờ Danh Ngài mà được sự sống, không bị trừng phạt khổ hình vì những tội lỗi mình đã phạm.

Được sự sống nghĩa là được ban cho sự sống vĩnh cửu của tâm linh, có đủ điều kiện để được phép vào sống trong cõi hạnh phúc vô bờ của thần linh.

Đâu ai biết rằng sau khi được thiên đàng ban cho Đức Thánh Linh vào lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi Đức Chúa Jesus đã thăng thiên, ông Thomas là người đã đi truyền giáo xa hơn tất cả các môn đồ khác. Ông là người đem Tin Mừng cứu rỗi đến nước Ấn-độ và Nam Dương, dù về sau ông bị tử đạo. Công trạng ấy đã được Hội-thánh của Chúa tại Ấn độ và Nam Dương ghi công.

Các bằng chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jesus là những sự thật áp đảo mà giới người vô tín không thể bác bỏ được. Phước cho người nào tiếp nhận ơn cứu độ khi nghe các lời chứng nầy.

TinDoCuaChua13.docx

Rev. Dr. CTB