Tín Đồ Của Chúa, bài 12

Giăng 20:19-23

Tất cả các sách Phúc-âm đều tường thuật sự kiện Đức Chúa Jesus hiện ra với các môn đồ vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần sau khi Ngài sống lại. Lúc ấy các cửa phòng nơi họ ở “đều đóng vì sợ người Do-thái” (19).

Họ càng thêm bối rối vì lúc sáng sớm các nữ môn đồ đi thăm mộ, chạy về báo tin xác của Đức Chúa Jesus đã biến mất, không còn nằm trong mộ đá nữa. Hai môn đồ thân cận là Phi-e-rơ và Giăng chạy đến xem thì thấy điều các bà nói là thật.

Họ trở về và đang hết sức sợ sệt thì Đức Chúa Jesus hiện ra đứng giữa họ và nói: “Bình an cho các con!” Bác sĩ Luca thuật rằng “các môn đồ đều giật mình sửng sốt, tưởng thấy thần linh” (Luca 24:37).

Kinh hoảng khi có một người thình lình xuất hiện từ cõi vô hình là phản ứng bình thường của mọi người. Đức Chúa Jesus biết điều đó nên Ngài phán: “Bình an cho các con!” Để các môn đồ của Ngài cứ an tâm.

Sau khi cho các môn đồ xem tay và sườn mình khiến họ quá vui mừng, Ngài lại phán: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các con thể ấy.” Nói xong, Ngài hà hơi trên họ và phán: “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh. Nếu các con tha tội cho ai, thì tội của người ấy sẽ được tha; nếu các con cầm tội ai lại thì tội của người ấy sẽ bị cầm lại” (22-23).

Các chi tiết trong lời phán của Đức Chúa Jesus đã gây ra nhiều ý kiến trái ngược nhau trong các nhà thần học và giới giải nghĩa Kinh-thánh. Người ta thường tách rời từng câu để giải nghĩa, thay vì xem xét ý nghĩa của lời nói theo văn mạch trọn phần Kinh-thánh.

Tuy nhiên, mọi người đều thắc mắc có phải Chúa ban cho các môn đồ quyền tha tội cho người khác hay cầm tội họ lại không? Bởi vì ai cũng biết Đức Chúa Trời mới có quyền tha tội. Thế thì, chúng ta phải hiểu như thế nào?

Từ trước tới nay chưa có một sự giải nghĩa nào làm hài lòng mọi người. Điều đầu tiên mà tín hữu người Việt cần phải biết để có thể hiểu câu trên một cách chính xác là chữ tội‘ không có nghĩa là tội lỗi‘ theo ý nghĩa bình thường, tức là không phải tội lỗi phạm nghịch lại luật pháp của Đức Chúa Trời; đồng thời, việc tha tội, cầm tội nói ở đây liên quan tới lời tuyên bố về quyền buộc và mở mà Đức Chúa Jesus ban cho các môn đồ Ngài: “Ta sẽ giao chìa khoá vương quốc thiên đàng cho con; bất cứ điều gì con buộc dưới đất cũng sẽ bị buộc trên trời, và bất cứ điều gì con mở dưới đất cũng sẽ được mở trên trời” (Mathiơ 16:19).

Hai câu cần được kết hợp với nhau để xem xét chung thì tín hữu sẽ hiểu ý nghĩa của lời Kinh-thánh quan trọng nầy. Vấn đề sẽ đặt ra là sự tha và cầm tội đối với người khác là tha từng tội riêng rẽ hay có quyền tha mọi tội lỗi trong con người ấy?

Đối với người thời nay thì những điều nói trên có phần xa lạ và khó hiểu, những đối với dân Do-thái thì họ hiểu một cách tự nhiên. Khi Đức Chúa Jesus nói với các môn đồ thì Ngài là người Do-thái nói cho các người Do-thái khác hiểu.

Sự tha hay mở tương ứng với cầm hay buộc là quyền của người xử án được luật pháp ấn định đối với những người phạm lỗi. Vì thế, sự tha tội hay tha lỗi ở chỗ nầy không đồng ý nghĩa với Phúc âm của Đức Chúa Trời xoá sạch tội cho người tin.

Bởi vì khi áp dụng sự tha lỗi ở đây với sự buộc và mở ở Mathiơ 16:19, thì câu nói của Đức Chúa Jesus ở Mathiơ có ý nghĩa liên quan tới sự thả ra cho được tự do hay cầm tù người phạm lỗi theo quy định của luật pháp thế tục; mặc dù quyền hạn mở hay buộc của các môn đồ Chúa sẽ không áp dụng vào trường hợp luật pháp thế gian, mà là sự mở hay buộc đối với các linh trong linh giới.

Thế thì, ý nghĩa lời tuyên bố của Đức Chúa Jesus là các sứ đồ của Ngài được thẩm quyền thiết lập giáo lý và các vấn đề của Hội-thánh dựa trên sự chỉ dẫn từ thiên đàng. Vì các sự chỉ dẫn thiên đàng là không sai lầm, nên sự chỉ dẫn ấy có thẩm quyền tuyệt đối trên đất.

Vì những lý do đó, sự chấp nhận hay từ khước Tin Mừng của ý chí từng người trên thế gian sẽ quyết định người đó sẽ được tha tội và được cứu độ hoặc sẽ nhận lãnh hậu quả bị trừng phạt.

Nhưng đối với người nào xưng là tín đồ của Đức Chúa Jesus thì việc mở cửa thiên đàng cho người ta vào, hay đóng cửa lại là do tín đồ ấy có biết vâng lời Chúa rao truyền tin mừng cho người chưa biết hay không.

Hơn nữa, hai câu 22 và 23 thường bị tách rời ra để giải nghĩa nên khó hiểu, khác với cách xem xét ý nghĩa theo văn mạch của câu nói. Trong câu nói nầy của Đức Chúa Jesus, việc tha hay cầm tội liên quan tới sự nhận lãnh Đức Thánh Linh bởi sự hà hơi của Ngài trên các môn đồ Ngài.

Nhận lãnh Đức Thánh Linh ở nơi nầy cũng không phải là sự báp têm bằng Đức Thánh Linh theo cách hiểu của những người chưa từng có kinh nghiệm đó. Vì Đức Chúa Jesus cho các môn đồ biết trước khi Ngài thăng thiên là: “Giăng đã làm phép báp têm bằng nước, nhưng trong ít ngày nữa, các con sẽ được báp têm bằng Đức Thánh Linh” (Công vụ 1:5).

Cũng chẳng phải là Đức Chúa Jesus nói những lời rỗng tuếch, vô nghĩa, khi Ngài bảo những người đang có mặt trong phòng là hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh. Sự hà hơi của Ngài không phải là một hành động vớ vẩn chẳng có hiệu quả gì hết. Khi Chúa của trời đất hà hơi sự sống trên ai, người ấy sẽ nhận được hơi sống.

Vậy, khi Đức Chúa Jesus hà hơi sống của Đức Chúa Trời trên các môn đồ và bảo “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh,” thì tất cả những người đang ở đó đều đã nhận được Đức Thánh Linh vào tâm linh họ để thực hiện sự tái sinh trong lòng họ.

Nghĩa là trong hơn ba năm đi theo Thầy và đã chứng kiến biết bao dấu kỳ phép lạ mà Đức Chúa Jesus đã thi thố. Họ đã thấy, đã rờ, đã nghe, đã ở cạnh bên Con Đức Chúa Trời, nhưng vẫn chưa có Đức Thánh Linh ngự vào trong họ.

Vì trước đó, Đức Chúa Jesus đã nói rõ rằng: “Ta sẽ cầu xin Cha, Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi khác để ở với các con đời đời, tức là Thần Chân Lý mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì không thấy và không biết Ngài. Nhưng các con biết Ngài vì Ngài đang với các con và sẽ ở trong các con” (Giăng 14:16-17). Trước khi Chúa phục sinh, các môn đồ chưa được tái sinh.

Tại sao Đức Chúa Jesus phải ban Đức Thánh Linh cho các môn đồ Ngài lúc Ngài ban cho họ thẩm quyền tha tội hay cầm tội đối với người khác? Bởi vì khi các môn đồ có Đức Thánh Linh ở trong lòng thì sẽ được Ngài chỉ dẫn cho biết tội nào có thể tha, tội gì không thể tha.

Nói cách khác, Đức Thánh Linh sẽ chỉ dẫn điều gì nên tha, điều gì nên cầm buộc lại; hoặc tội nào liên quan đến pháp luật thế gian, tội gì phạm luật pháp hay sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.

Sự khôn ngoan từ Đức Thánh Linh ban cho và chỉ dẫn trong lãnh vực nầy là vô cùng cần thiết; bởi vì trí óc loài người chúng ta thường phán đoán sai lầm, hoặc có quan điểm không chính xác về các vấn đề đạo đức liên quan tới luật pháp và sự công chính.

Mọi con cái Chúa có thể dùng điểm nầy để xem xét và biết mình đang ở vị trí nào trong mối liên hệ với Chúa. Nếu ai thấy mình chưa thể xác định rõ ràng tội nào có thể tha hay phải cầm buộc, thì hãy tìm kiếm Đức Thánh Linh cho bằng được.

Có một số người nghĩ rằng mình có thể vâng theo mệnh lệnh của Chúa, hoặc nếu không thích thì có quyền không làm theo cũng chẳng hại gì. Suy nghĩ và quan điểm ấy vừa sai lầm, vừa nguy hiểm cho vận mệnh của người đó. Bởi vì khi Đấng Tạo Hoá ra lệnh, chẳng tạo vật nào không vâng lời mà được bình an cả.

Những người không tôn trọng các luật trong cõi tự nhiên thì phải lãnh lấy hậu quả sự khinh thường sức mạnh của cõi thiên nhiên. Vì thế, những ai không trốn bão hay không tránh gió lốc, người đó sẽ không toàn mạng.

Còn mệnh lệnh của Đấng tạo nên cõi thiên nhiên thì mạnh và hiệu quả hơn nhiều. Cho nên, vâng lời Chúa chắc chắn an toàn hơn không vâng lời. Như khi xưa, vua David thưa với Chúa: “Khi Chúa phán: ‘Các con hãy tìm kiếm mặt Ta,’ thì lòng con thưa với Chúa rằng: ‘Đức Giê-hô-va ôi! Con sẽ tìm kiếm mặt Ngài’” (Thi-thiên 27:8).

Mặc dù hôm nay chúng ta đang tìm hiểu ý nghĩa của lời phán ban cho quyền tha tội hay cầm tội lại do Đức Chúa Jesus truyền cho các môn đồ, nhưng sự xem xét lời đó dẫn tới việc chúng ta phải biết làm gì để nhận lãnh Đức Thánh Linh, hầu cho được Ngài ban sự khôn ngoan thiên đàng để biết cách tha hay cầm tội đối với người mình quen biết.

Nói cách khác, tất cả tín hữu đều phải biết cách mở cửa thiên đàng cho người chưa biết Chúa, để họ nhận được sự tha tội như mình; và đối với những người vô cớ thù ghét Đức Chúa Trời, thì tội họ sẽ bị cầm lại cho tới ngày phán xét của Chúa dành cho mọi người.

Tất cả chúng ta hãy cố gắng để tội của nhiều người sẽ được tha.

TinDocuaChua12

Rev. Dr. CTB