Theo Dõi Tận Thế, bài 53

Khải Huyền 15:1–8

Đoạn 15 là đoạn ngắn nhất của sách Khải Huyền và là phần giới thiệu đoạn 16. Nên nhớ là sự ghi chép sách Khải Huyền không theo trình tự thời gian. Nhiều lúc sứ đồ Giăng mô tả toàn cảnh rồi trở lại chi tiết về những sự kiện đã chép trước. Vì thế hai đoạn 15, 16 bổ sung thêm các chi tiết về những sự kiện đã mô tả trước rồi. Đoạn 15 nói về những điều diễn ra trên trời, còn đoạn 16 mô tả những việc tương ứng xảy ra ở thế gian trong lúc đang xảy ra cơn đại nạn. Câu (1) nói về một điềm lớn và lạ ở trên trời “Tôi thấy một dấu lạ khác ở trên trời vừa vĩ đại, vừa diệu kỳ: Bảy thiên sứ cầm bảy tai họa cuối cùng,” mà mấu chốt của huyền nhiệm ấy là “ bởi những tai họa nầy, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời kết thúc.

Bảy tai hoạ cuối cùng sẽ đổ xuống thế gian để hoàn tất cuộc tận thế, bởi vì người thế gian vẫn cứng lòng không chịu ăn năn tội lỗi. Các tai họa nầy không phải để nhắc nhở những người thờ ơ dễ bị chao đảo, nhưng để trực tiếp trừng trị những kẻ cố ý cứng lòng chống trả Đấng Toàn Năng. Sự diệu kỳ của cảnh tượng không phải chỉ là sự xuất hiện của bảy thiên sứ, nhưng còn là các món đặc biệt, tức là bảy tai họa, họ cầm trong tay. Trước khi ông Giăng thấy bảy thiên sứ, thì ông thấy cái gì giống như biển thủy tinh pha trộn với lửa (2a); ở đoạn 4, khi mô tả cảnh vật quanh ngai Đức Chúa Trời, ông Giăng viết: “Trước ngai dường như có biển thủy tinh trong như pha lê” (4:6a), là biểu tượng về sự bình an trọn vẹn ở quanh ngai Đức Chúa Trời.

Nhưng bây giờ thì biển thủy tinh trong vắt ấy pha trộn với lửa. Lửa là biểu tượng về sự phán xét. Trước ngai của Đức Chúa Trời luôn luôn có biển thủy tinh trong như pha lê. Bây giờ thủy tinh trộn với lửa vì đã đến lúc sự phán xét cuối cùng của Đức Chúa Trời đổ xuống thế gian. Ông Giăng cũng thấy “những người chiến thắng con thú và hình tượng nó cùng số của tên nó đang đứng bên biển thủy tinh, với những chiếc thụ cầm của Đức Chúa Trời trong tay” (2b). Chiến thắng có nghĩa là không phục tùng mệnh lệnh thờ lạy con thú, hình tượng nó và cũng không nhận dấu của tên hắn trên trán hay trên tay phải. Bây giờ họ đứng bên biển thủy tinh trong như pha lê trộn với lửa.

Nhóm người nầy là những người thắng con thú, khác với đoàn đông những “người đã ra khỏi cơn đại nạn, đã giặt và tẩy trắng áo mình trong huyết của Chiên Con” (7:14b). Đoàn đông nhiều vô số không ai đếm hết nổi, từ mọi dân tộc, đều cầm lá kè trong tay (7:9) đứng trước ngai Đức Chúa Trời để ngày đêm phục vụ Ngài. Còn những người thắng con thú thì mỗi người có thụ cầm của Đức Chúa Trời trong tay. Gọi là những cái đàn của Đức Chúa Trời vì những tiếng nhạc tuyệt diệu dâng lên Chúa phát ra từ đời sống đức tin, chịu thống khổ và yêu mến Chúa. Họ thực sự thuộc về Ngài, và những tiếng nhạc ấy là âm thanh đắc thắng xứng đáng được Chúa chấp nhận.

Nhóm người thắng con thú ôm thụ cầm hát bài ca chiến thắng mà Môise sáng tác (3a) sau khi cả đạo quân Aicập hung hãn bị Đức Chúa Trời chôn vùi dưới Biển Đỏ vì họ liều lĩnh xuống biển lúc nước còn đang rẽ ra cho dân Israel đi qua (Xuất Aicập 14:26–28), bài hát ấy ca tụng cảm tạ sự giải cứu của Đức Chúa Trời dành cho họ. Nói rằng họ hát bài ca Môise thì không phải họ hát nguyên văn như vậy, nhưng những lời hát của họ cũng đồng ý nghĩa với sự chiến thắng và được giải thoát. Họ hát vì họ được cứu ra khỏi cơn đại nạn và thoát khỏi hình phạt đời đời dành cho những kẻ chống Đức Chúa Trời công nghĩa. Bài ca Chiên Con cũng đồng một ý nghĩa với bài ca Môise, vì nhờ niềm tin nơi huyết cứu chuộc của Chiên Con mà họ đã được giải thoát.

Họ ca ngợi rằng: “Lạy Đức Chúa Trời Toàn Năng, công việc của Ngài thật vĩ đại và diệu kỳ! Lạy Vua của muôn đời, đường lối của Ngài là công chính và chân thật!” (3b). Lời ca ngợi của bài hát chẳng phải là ước lệ rỗng tuếch. Vì công việc của Chúa luôn luôn vĩ đại và diệu kỳ, đường lối Ngài luôn luôn công chính và chân thật; bởi vì “sự công chính Chúa là sự công chính đời đời, luật pháp Chúa là chân thật” (Thi Thiên 119:142). “Lạy Chúa, ai sẽ không kính sợ Chúa, và không tôn vinh danh Ngài? Vì chỉ một mình Chúa là thánh. Mọi dân tộc sẽ đến thờ phượng trước mặt Chúa, vì những việc công chính của Ngài đã được bày tỏ” (4). Từ đời xưa, tiên tri Jeremiah viết rõ ràng: “Lạy Vua các nước! Ai mà không kính sợ Ngài? Ngài đáng được tôn kính” (Giêrêmi 10:7a). Lời ca tụng chính đáng và chân thật của họ vẫn không thể diễn tả hết sự tôn thờ Chúa đáng được hưởng.

Lúc ấy, ông Giăng “thấy Đền Thờ là Lều Chứng Ước ở trên trời mở ra” (5), và có bảy vị thiên sứ “mặc áo vải gai tinh sạch rực rỡ, thắt đai vàng ngang ngực.” (6), để thi hành nhiệm vụ trút tai họa xuống đất. Họ được một trong các Cherubim trao cho bảy cái bát chứa đầy sự thịnh nộ cuối cùng của Đức Chúa Trời, là Đấng hằng sống đời đời, để đổ xuống thế gian (7). Các vị thần linh nầy đã được sửa soạn và trang bị để thi hành sự phán xét bằng phương cách thanh sạch và thánh khiết. Đền thờ bèn đầy khói vì sự oai nghi và vinh quang của Đức Chúa Trời. Không ai được phép vào đền thờ cho đến khi mọi ý muốn của Chúa đã hoàn tất (8). Điều rất lạ kỳ khiến chúng ta phải suy nghĩ là: Trên trời cũng có Đền Thờ là Lều Chứng Ước.

Chúng ta nhớ lại rằng Đền Tạm là Lều Chứng Ước do Môise vâng lời Đức Chúa Trời chế tác trong hoang mạc đúng y theo mẫu mực và hình thức của Đền Thờ trên trời mà Chúa đã dặn dò chỉ dẫn cho ông từng chi tiết trên đỉnh núi Sinaii, khi Môise dẫn dân Israael ra khỏi xứ Ai-cập. Các Đền Thờ được xây dựng về sau cũng phải theo những mẫu mực mà Chúa đã dạy Môise. Ngày nay tất cả chúng ta, những người thật lòng tin Đức Chúa Jesus, được bước thẳng vào gian chí thánh của đền thờ bởi ơn hi sinh của Đức Chúa Jesus Christ, cũng nên suy gẫm về điều nầy.

Mặc dù có rất nhiều điều thuộc cõi trời mà chúng ta chưa hiểu nổi, chúng ta vẫn kiên nhẫn chờ đợi tới ngày được Đức Thánh Linh bày tỏ. Khi ấy chúng ta sẽ hiểu mọi điều mà bây giờ chúng ta chưa hiểu. Nếu chúng ta giữ vững đức tin và thực hành nếp sống đạo trung tín trong lúc còn sống trong thân xác nầy, chúng ta sẽ về thiên đàng khi tiếng kèn chót thổi lên. Hãy giữ vững điều chúng ta đang có, vì thời kỳ cuối cùng của thế gian đang diễn ra trước mắt chúng ta.

TheoDoiTanThe53.docx

Rev. Dr. CTB