Theo Dõi Tận Thế, bài 52

Khải Huyền 14:14–20

Đây là phần cuối của các đoạn giới thiệu. Những hình ảnh sứ đồ Giăng ghi chép ở phần nầy là những việc sẽ xảy ra về sau. Ông diễn tả rằng ông thấy một đám mây trắng và có ai giống như Con Người đang ngồi trên đám mây ấy (14). Nhiều thế kỷ về trước, tiên tri Daniel thấy khải tượng ban đêm, tức là chiêm bao, (Daniel 7:13) “Trong những khải tượng ban đêm tôi lại nhìn thấy một vị giống như con người đến với những đám mây trời.” Mây trắng tượng trưng cho công lý và sự thánh khiết. Con Người thì không ai khác hơn Đức Chúa Jesus, Đấng rất quen thuộc đối với Giăng. Ngồi trên mây trời nghĩa là đã chiến thắng hết mọi kẻ thù địch. Đầu đội mão triều thiên bằng vàng là hình ảnh và biểu tượng của Vị Vua vinh quang; lưỡi liềm gặt hái là tới hồi kết thúc.

Mùa gặt là mùa thu hoạch hoa quả ngũ cốc đã chín. Đức Chúa Jesus đã đến thế gian làm một Người. Khi Ngài phục sinh thì không ai biết rõ Ngài có thể xác phục sinh ra sao, nhưng Ngài đã về trời trong hình thể người. Vậy, Đấng có hình dáng giống Con Người ngồi trên đám mây trắng tay cầm lưỡi liềm là Đức Chúa Jesus. Khi một thiên sứ từ đền thờ đi ra báo tin mùa màng đã chín, hãy gặt đi (15), nghĩa là Ngài sẽ thu hoạch mọi con cái thuộc về mình. Đây là mùa gặt thứ nhất xảy ra trong nửa giai đoạn sau của cơn đại nạn; cho nên, trong giai đoạn đó ai muốn được cứu đều phải trải qua sự tử đạo. Từ lúc ấy trở về sau chắc không ai được cứu; nếu có, chỉ là bởi tình thương vô bờ và quyền thống trị trên vạn vật của Đức Chúa Trời mà không ai có quyền can thiệp.

Đấng ngồi trên mây ném lưỡi liềm của mình xuống đất và cả mặt đất đều bị gặt” (16). Trong Kinh Thánh, mùa gặt còn có một nghĩa khác là sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên kẻ làm ác. Vậy cả mặt đất đều bị gặt có hai nghĩa: Thứ nhất là tiếp rước người thuộc về Chúa; thứ nhì là giáng sự trừng phạt trên kẻ ác. Cũng có một khái niệm khác về mùa gặt: Một số người cho rằng gặt hái là Đức Chúa Trời kêu gọi những người Do-thái được chọn và sự báo trả của Chúa cho kẻ chống Ngài và mọi kẻ thuộc về hắn. Nhưng, nhiều người giải nghĩa câu “cả mặt đất đều bị gặt” là có nghĩa khác; ấy là giờ cuối cùng đã đến, Hội Thánh đã được cứu chuộc, mọi công tác đã hoàn tất, và kết quả công việc của Đấng Cứu Tinh giống như một mùa gặt vinh quang.

Kế đó, một vị thiên sứ khác từ Đền Thờ trên trời đi ra, tức là được chính Đức Chúa Trời sai đi; tay vị ấy cũng cầm một lưỡi liềm bén (17), biểu tượng của sự trừng phạt cuối cùng. Rồi một thiên sứ khác nữa cai trị lửa, từ bàn thờ của Đền Thờ trên trời đi ra (18). Hãy nhớ lại lúc Chiên Con mở ấn thứ năm, ở dưới bàn thờ ấy là vô số linh hồn của những thánh đồ bị tử đạo lớn tiếng kêu gào xin Chúa trả thù máu của họ (Khải Huyền 6:9–10). Ở Đền Thờ của Đức Chúa Trời có thầy tế lễ được chỉ định để chuyên lo việc đốt lửa và giữ lửa trên bàn thờ tế lễ thiêu; vậy, thiên sứ cai trị lửa là tiêu biểu cho thầy tế lễ ấy. Cũng hãy nhớ lại vị thiên sứ “lấy bình hương, bỏ đầy lửa nơi bàn thờ vào và ném xuống đất thì có những tiếng sấm, tiếng nói, những tia chớp và động đất” (8:5).

Chính vị thiên sứ có quyền trên lửa, tức là thiên sứ phụ trách bàn thờ, đại diện cho các thánh tử đạo “lớn tiếng gọi vị có lưỡi liềm bén rằng: ‘Hãy đưa lưỡi liềm của anh ra và cắt những chùm nho ở mặt đất đi, vì nho đã chín rồi’” (18). Đây là vị thiên sứ thứ sáu kể từ vị bay giữa trời truyền rao Tin Lành. Lửa tượng trưng cho sự hủy diệt; vậy nhiệm vụ của vị thiên sứ có quyền trên lửa là thực hiện sự hủy diệt khi thời điểm đã đến. Rõ ràng là vị thiên sứ ấy nhận lệnh từ Đức Chúa Trời nên lớn tiếng bảo vị thiên sứ cầm lưỡi liềm bén hãy cắt những chùm nho ở mặt đất, vì nho đã chín rồi. Hãy để ý câu nói “những chùm nho ở mặt đất,” tức là không phải những dây nho do Đức Chúa Trời trồng và chăm sóc. Nho ở xứ Do-thái không dùng để ăn mà để ép lấy nước làm rượu.

Nếu là những dây nho do Đức Chúa Trời trồng và chăm sóc thì không bị cắt vào thời cuối rốt của thế gian. Nhưng các dây nho nầy thuộc về thế gian, tượng trưng cho những người gian ác độc dữ. Loại nho chua và đắng, đầy chất độc của con rồng. Trái của loại nho ấy không ích lợi gì, cũng không dùng làm gì được. Nho đã chín nghĩa là đã đến ngày phán xét. Vì vậy, sự ném lưỡi liềm của thiên sứ xuống đất để cắt hết những chùm nho tiêu biểu cho sự thu góp mọi kẻ ác lại một chỗ, tức là đem họ tới chỗ sẽ bị hủy diệt. Cho nên, “Thiên sứ ném lưỡi liềm xuống mặt đất, cắt những chùm nho từ dây nho, và ném vào thùng ép lớn của cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời” (19).

Khác với lưỡi liềm gặt lúa của Con Người ngồi trên đám mây trắng, là gom góp hết mọi người thuộc về Đức Chúa Jesus để đem họ đi khỏi thế gian. Lưỡi liềm của thiên sứ cắt tất cả những chùm nho để ném vào thùng ép, tiêu biểu cho sự trừng phạt. Lưỡi liềm của Đức Chúa Jesus đi qua trên đất trước khi lưỡi liềm của thiên sứ ném xuống để cắt những chùm nho sẽ bị giày đạp. Nghĩa là tới lúc lưỡi liềm của thiên sứ ném xuống đất thì không một người nào thuộc về Chúa còn lại trên thế gian. Tất cả đã được đem đi rồi. Mặc dù lúa mì được gieo trồng trên đất và sống trên đất, nhưng không thuộc về thế gian. Bây giờ, khi lưỡi liềm ấy bị thiên sứ quăng xuống đất thì chẳng một ai còn lại trên đất được thoát nạn. Bởi vì những dây nho thuộc về đất và thế gian.

Chúng phải bị giày đạp trong thùng ép ấy bên ngoài thành, rồi có máu từ thùng ép chảy ra; ngập đến hàm thiếc ngựa, và trải dài khoảng ba trăm cây số” (20). Hình ảnh biển máu rộng khoảng ba trăm cây số là tượng trưng cho một số rất đông người bị giết chết; bởi vì đây không phải là hình phạt cuối cùng. Thùng ép trái nho nầy không ở trong thành, tức là ở ngoài thành Jerusalem. Bởi vì Jerusalem tượng trưng cho thành thánh. Và sự mô tả nầy cũng tiêu biểu cho trận chiến kinh hoàng sẽ diễn ra ở xứ Do-thái trước khi cơn đại nạn trên thế gian chấm dứt. Thật ra, không học giả Kinh Thánh hoặc thần học gia nào hiểu tại sao hình ảnh biển máu sâu hơn một thước tây, rộng khoảng ba trăm cây số, tức là khoảng hai trăm dặm vuông được dùng để mô tả sự trừng phạt nầy.

Nói tóm lại thì những câu cuối của đoạn 14 có nhiều biểu tượng mà chúng ta phải hiểu ý nghĩa thật của nó. Trái nho đã chín tới hồi phải cắt tượng trưng cho kẻ ác và người vô tín đã đạt tới đỉnh của sự gian ác trong vương quốc của con thú. Giống như hiện nay những người giàu có nhất lại là người từ chối Đức Chúa Trời, và họ cũng là những người bày ra đủ thứ thủ đoạn gian xảo nhất để kiếm thêm tài sản cho đầy túi tham. Những người theo đuổi đường lối của hai con thú đều là người giàu có. Sự gian ác và tội lỗi của họ đã đầy, nên họ nhanh chóng tiến tới chỗ bị trừng phạt: “Chúa thật đặt chúng trong nơi trơn trợt; Ngài làm cho chúng rơi vào cảnh diệt vong. Kìa, chúng bị hủy diệt trong chốc lát, nỗi kinh hoàng khiến chúng tiêu vong. Lạy Chúa, như người ta coi thường giấc chiêm bao khi tỉnh thức thể nào, thì Chúa cũng xua tan hình bóng của chúng khi Ngài tỉnh thức thể ấy” (Thi Thiên 73:18–20).

TheoDoiTanThe52.docx

Rev. Dr. CTB