Năm Mới 2021

2Timôthê 1:9–12

Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bằng sự kêu gọi thánh, không phải do việc làm của chúng ta, nhưng theo mục đích riêng của Ngài và ân điển mà Ngài ban cho chúng ta từ muôn đời trước trong Đấng Christ Jêsus. Ân điển ấy bây giờ mới được thể hiện qua sự hiện đến của Đấng Christ Jêsus, Cứu Chúa chúng ta, Đấng đã tiêu diệt sự chết, dùng Tin Lành làm sáng tỏ sự sống và sự bất diệt. Chính vì Tin Lành nầy mà ta đã được lập làm người truyền giảng, sứ đồ và giáo sư; đó chính là lý do mà ta chịu khổ. Nhưng ta không hổ thẹn vì biết ta đã tin Đấng nào, và ta đoan chắc rằng Đấng ấy có quyền năng bảo vệ điều ta đã ủy thác cho đến Ngày ấy.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ vô cùng bấp bênh. Những gì mình tưởng rằng sẽ vững bền, bỗng lung lay hòng sụp đổ. Một xã hội văn minh, phồn thịnh và giàu có; một chế độ chính trị khiến cả thế giới tưởng là gương mẫu và đáng tin cậy nhất, bỗng lòi ra toàn là những kẻ tham tiền, những kẻ tự xưng là chính giáo rồi hăng hái tranh giành địa vị chính trị cũng chỉ nhắm vào lợi lộc tiền bạc. Vì thế, mặc dù biết lũ ma giáo gian lận, chơi bẩn, họ vẫn không dám chống lại kẻ ác đang lộng hành. Tại sao đa số những người đó đều tự xưng là con cái Chúa mà hành xử hoàn toàn trái ngược với những điều Chúa dạy được chép rõ ràng trong Kinh Thánh?

Bước qua một năm mới nữa trong đời, chúng ta vẫn nghe công việc Chúa phát triển ở những nơi bị bắt bớ và đầy khó khăn. Hội Thánh của Chúa tại những nơi ấy rất kết quả cho Vương quốc Ngài. Trái lại, vô số tín hữu đang được tự do thờ phượng Chúa ở xã hội tự do thì rất nghẹt ngòi và không hiệu quả. Ông Phaolô nói rằng ông không hổ thẹn khi làm chứng về Chúa, vì ông biết ông “đã tin Đấng nào, và đoan chắc rằng Đấng ấy có quyền năng bảo vệ điều ta đã ủy thác cho đến Ngày ấy” (1:12). Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu xem tại sao ông Phaolô bị cầm tù mà ý chí và lòng tin rất vững vàng, còn đa số tín hữu tự do đọc Kinh Thánh mà không có được lòng tin đó.

Đức Chúa Trời không bao giờ muốn con dân Ngài bị thế gian đánh bại. Đã tiếp nhận Chúa mà hổ thẹn chẳng dám nói về Đức Chúa Trời tuyệt vời, Đấng đã cứu và biến đổi mình, thì sự tiếp nhận ấy chỉ mới là mong muốn được cứu rỗi, được Ngài bảo vệ sống bình an khỏe mạnh, để hưởng hạnh phúc vật chất ở cõi trần chứ chưa thực sự có mối tương giao với Chúa; cho nên, những người như vậy chưa có kinh nghiệm rõ ràng về niềm tin mình đang theo đuổi. Để có thể nói như Phaolô: “Ta biết ta đã tin Đấng nào,” thì người nói phải có đức tin thật vững vàng vào Chúa mà mình tin. Tuy vậy, đức tin của mọi tín hữu đều phải bị trải qua thử thách. Những người vững vàng trong đức tin của họ vào Chúa sẽ được sống và bước đi trong vinh quang của Đức Chúa Trời.

Tại sao hiện nay có quá nhiều nơi gọi là Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà tinh thần tín đồ rất hâm hẩm? Trong thực tế thì rất đông tín đồ không sống với đức tin trong suốt cuộc đời họ. Bất cứ hoàn cảnh nào đòi hỏi phải vận dụng đức tin, thì những người như vậy đều bị rơi rớt dọc đường. Nhất là những tín đồ sống tại các quốc gia dư thừa vật chất và được chăm sóc y tế đầy đủ. Những tín đồ phải sống trong cảnh cùng cực lúc nào cũng phải vận dụng đức tin mới vượt qua nổi; nếu không có đức tin vào Chúa Toàn Năng và yêu thương, thì họ phải đầu hàng hoàn cảnh; họ không có cái lưới an toàn nào hứng bên dưới khi họ bị rơi xuống vực thẳm của túng thiếu và đau ốm. Họ chỉ sống trong đức tin nương cậy cánh tay đại năng của Đức Chúa Trời.

(Phục Truyền 33:27) “Đức Chúa Trời hằng hữu là nơi ẩn náu, cánh tay đời đời của Ngài nâng đỡ chúng ta.

Chính Đức Chúa Trời cho phép hoạn nạn xảy ra để thử đức tin của chúng ta. Con cái thật của Chúa là những người có đức tin thật vững vàng, đối phó với nghịch cảnh mà không lung lay, không nao núng, dù không thể biết tương lai sẽ ra sao. Lòng tin sau khi sự kiện đã xảy ra thì không phải là đức tin. Đức tin chỉ có giá trị khi mình tin lời hứa của Chúa vào điều mình chưa thấy. Đức tin đã qua thử nghiệm mà đứng vững vàng thì quý hơn vàng ròng (1Phi 1:7 [6-9]) “Hãy vui mừng về điều ấy, dù bây giờ anh em còn chịu đau buồn trong ít lâu bởi muôn vàn thử thách; để đức tin của anh em sau khi được thử nghiệm sẽ quý hơn vàng — dù vàng đã được thử lửa, vẫn có thể hư hoại — đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện đến. Dù chưa thấy Ngài, anh em vẫn yêu mến Ngài, dù chưa gặp Ngài anh em vẫn tin Ngài, và hân hoan trong niềm vui rạng ngời, khôn tả; vì anh em nhận được thành quả của đức tin, là sự cứu rỗi linh hồn mình.”

Đức Chúa Trời không cần sự giúp đỡ của loài người, nhưng Ngài cần đức tin của con dân Ngài. Ai cũng sợ chết, nhất là chết vì thứ virus không thấy được, chết vì bị lây bệnh của người đang mang virus. Sau khi đại dịch qua xong hết rồi, chỉ những người nào chẳng sợ gì virus vì có lòng tin chắc rằng Chúa sẽ bảo vệ con cái Ngài, thì người ấy mới thực sự có đức tin quý hơn vàng.

Đức tin là yếu tố quan trọng hàng đầu trên bước đường theo Chúa. Kinh Thánh nhiều lần nhấn mạnh: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin” (Habakuk 2:4b; Rôma 1:17; Galati 3:11b; Hebrew 10:38). Nhưng nếu muốn làm con cái Chúa, được Chúa kể là công chính, mà không dám sống bởi đức tin thì sao? Tức là tín hữu không tin rằng Chúa có đủ quyền năng để bảo vệ và cứu giúp họ. Lời Chúa chép rằng “Còn nếu lui đi thì linh hồn Ta chẳng vui chút nào” (Hebrew 10:38b). Chúa nói về những người lui đi vì thiếu đức tin, thì Chúa chẳng đẹp lòng người đó chút nào.

Khi tất cả chúng ta là con cái Chúa trong Hội Thánh đều phải ứng hầu trước tòa phán xét của Đấng Christ “Vì tất cả chúng ta đều phải trình diện trước tòa án Đấng Christ để mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hoặc ác mình đã làm lúc còn trong thân xác” (2Côrinhtô 5:10), thì người nào đã giữ vững đức tin sẽ được Chúa khen là: “Được lắm” (Mathiơ 25:21). Những người không được khen sẽ phải trả lời Ngài về lý do nào mình thiếu đức tin. Anh chị em cần phải nhớ rằng lúc đó chẳng ai nói dối quanh được hết. Sự lười biếng, hèn nhát hoặc không tin lời Chúa hứa là các lý do chính khiến tín hữu sợ xấu hổ, lui đi khi gặp cảnh khó khăn hoặc lúc Hội Thánh bị bách hại.

Tín đồ thường đòi hỏi Chúa phải cho họ thấy một dấu hiệu gì đó sờ thấy được trong cõi thiên nhiên để họ có thể dựa vào mà giữ đức tin. Một số người hay dựa vào lời của Gideon cầu xin Chúa ban cho một dấu hiệu rõ ràng, để ông tin rằng Chúa thật có sai ông đi đánh quân Madian, để biện hộ cho đòi hỏi của họ muốn được thấy một tia hi vọng chắc chắn nào đó để tin lời hứa của Chúa. Khi dân Israel đến trước Biển Đỏ, họ không có được bất cứ một dấu hiệu gì để tin chắc sẽ thoát khỏi đoàn quân truy đuổi của vua Ai-cập. Nhưng chỉ trong một đêm, Chúa đã đảo ngược tình thế tuyệt vọng của họ (Xuất Ai-cập 14:21) “Moses giơ tay trên biển; suốt đêm đó, Đức Giê-hô-va khiến một trận gió đông thổi mạnh để dồn biển lại. Ngài làm cho nước rẽ ra, biển thành đất khô.

Ngày nay, hầu như mọi con cái Chúa, những người ủng hộ tổng thống Trump, tức giận sự gian lận trắng trợn, đều theo dõi tin tức mỗi giờ để mong thấy được một sự thật gì đó làm nền tảng cho họ có thể bám víu, đặt chút hi vọng mong manh rằng Trump sẽ đảo ngược tình thế. Đó không phải là đức tin. Thời tiên tri Êli tranh đấu và đánh bại 450 tiên tri Baal trên núi Carmel, ông nói rằng ông nghe tiếng mưa lớn (1Vua 18:41) “Ê-li nói với A-háp: “Xin vua đi lên và ăn uống, vì tôi có nghe tiếng mưa lớn.” Nhưng lúc ấy bầu trời xanh ngắt không có lấy một gợn mây. Người đầy tớ của ông leo lên đỉnh núi Carmel nhìn về hướng Địa Trung Hải, cả sáu lần đều không thấy một gợn mây nào hết. Lần thứ bảy, anh ta trở xuống nói thấy một cụm mây nhỏ bằng bàn tay.

Tiên tri Êli đã nghe trong tâm linh tiếng mưa to, trong lúc cơn hạn hán đã kéo dài gần ba năm mà chưa có dấu hiệu gì sẽ có mưa trở lại. “Sau một thời gian dài, có lời Đức Giê-hô-va phán với Êli vào năm hạn hán thứ ba rằng: ‘Hãy đi gặp Ahab. Ta sẽ khiến mưa sa xuống đất’” (1Vua 18:1).  Êli vâng lời đi gặp Ahab trong khi chẳng có chút dấu hiệu nào sẽ có mưa xuống đất. Nhưng khi Êli cầu nguyện và sai đầy tớ mình leo lên đỉnh núi nhìn về hướng biển; tới lần thứ bảy thì một cụm mây to bằng bàn tay xuất hiện. Êli biết chắc sẽ có mưa to đúng như lời Chúa đã phán với ông. Ứng dụng ví dụ nầy vào hoàn cảnh ngày nay, khi Chúa phán với tâm linh chúng ta và Ngài đòi hỏi đức tin, nếu chúng ta nhìn quanh tìm bằng chứng để tin, thì sẽ chẳng thấy gì cả.

Đức tin thành hình trong lòng chúng ta qua mối tương giao giữa chúng ta với Đức Chúa Jesus. Anh chị em nào không có đức tin là vì người ấy không có mối tương giao cá nhân với Chúa. Không ai giấu giếm được thực trạng của mình khi người đó không có đức tin. Có người nói: Đức tin đến khi người ta nghe lời Chúa phán (Rôma 10:17) Như vậy, đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.” Điều đó chỉ đúng một phần, bởi vì phải có mối tương giao thân mật với Đức Chúa Jesus thì bạn mới có thể nghe lời Rhema của Ngài tạo nên đức tin. Đừng lầm lẫn sự yêu mến ơn cứu rỗi và các ơn lành Chúa ban với tình yêu thương dành cho Chúa; Nếu ai không có tình yêu thân mật với Chúa, người đó không thể có đức tin vào lời Ngài hứa.

Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy” (Hebrew 11:1). Đức tin của chúng ta là bằng chứng Đức Chúa Trời sẽ hành động. Ngài luôn luôn chiến thắng. Dù hiện nay phe nghịch đang gáy, nhưng họ không biết tai họa đang chực chờ nuốt chửng họ. Hãy tin rằng Chúa sẽ không bỏ rơi Hội Thánh và con cái Ngài.

NamMoi2021

Rev. Dr. CTB