Chúa Nhật, December 30th, 2012

Mùa Giáng Sinh 2012

Các Món Quà Yêu Thương

Mathiơ 2:1–12

Rất nhiều người đã quen thuộc với chuyện tích về các nhà thông thái Đông-phương đi tìm Hài-nhi thánh để tôn thờ. Qua tài nghiên cứu thiên văn, các nhà thông thái nầy được biết có một Đế-vương lẫy lừng vừa ra đời. Và đi theo sự dẫn đường kỳ diệu của một ngôi sao lạ, họ đã tìm được đến nơi, dù đã có lúc lầm lẫn tìm vị tân Đế-vương ở hoàng cung của vua chư hầu Hê-rốt tại Giêrusalem. Người ta đoán là có ba nhà thông thái đã đến, vì căn cứ trên ba món quà quý mà họ đã đem tới dâng cho Chúa (11). Kinh-thánh cũng không ghi lại họ đã mất bao nhiêu thời gian để đi đường, cũng không nói họ thuộc dân tộc nào, đoàn tuỳ tùng của họ là bao nhiêu người, vv.

Không hiểu ngày nay các học giả và khảo cổ gia căn cứ vào đâu, mà đưa ra kết luận rằng các nhà thông thái ấy là người Canh-đê ngày xưa, tức là người Kurd hiện nay đang sống ở vùng đất nằm vắt ngang qua biên giới giữa hai nước I-rắc và Thổ-nhĩ-kỳ. Cũng dựa trên các chi tiết do sứ đồ Mathiơ ghi chép, chúng ta được biết rằng các nhà thông thái ấy đã đến Bếtlêhem ra mắt và tặng quà cho ấu nhi Giêxu vào khoảng từ một tới hai năm sau khi Ngài giáng sinh (16).

Mỗi chi tiết của các chuyện tích Thánh-kinh đều mang ý nghĩa biểu tượng của phương diện tâm linh để chúng ta ứng dụng trong đời sống đạo. Vì thế, chi tiết về ba tặng phẩm là vàng, nhũ hương và mộc dược do các nhà thông thái mang tới có ý nghĩa đặc biệt mà người nào đến tôn thờ Chúa cũng cần phải hiểu. Vàng tiêu biểu cho tiền bạc; nhũ hương tượng trưng cho đời sống kính thờ và tận hiến; mộc dược là biết chia xẻ nỗi đớn đau của Chúa và của nhiều người trên thế giới.

Chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời nhìn xem thái độ thật trong lòng của chúng ta đối với Ngài ra sao, chứ Ngài không quan tâm tới bộ mặt bên ngoài mà chúng ta trình diễn cho người ta thấy. Mà phương diện cụ thể nhất bộc lộ thái độ thờ kính thật trong lòng chúng ta đối với Ngài là sự dâng hiến tiền bạc của chúng ta. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đồng tiền đi liền khúc ruột,” nói lên sự quan trọng của tiền bạc trong tâm lý con người. Đức Chúa Trời vẫn luôn giữ lời hứa của Ngài là ban phước cho con dân Ngài. Thế nhưng chúng ta thường lãng quên bổn phận của mình là phải đáp ứng xứng đáng với tình yêu thương không bờ bến của Ngài.

Tính tình và thái độ vô ơn của nhiều tín hữu đối với Chúa không thể giấu giếm được trong sự dâng hiến tiền bạc. Đức Chúa Trời đã cho phép con dân Ngài dùng sự dâng hiến tiền bạc cho Hội Thánh để thử nghiệm sự thành tín của Ngài trong lời hứa ban phước lành: “Hãy đem tất cả phần mười vào kho để có lương thực trong nhà Ta. Và từ nay, hãy lấy điều nầy mà thử Ta, Đức Giêhô -va vạn quân phán, xem Ta có mở các cửa sổ trên trời cho các con, và đổ phước xuống cho các con đến nỗi không chỗ chứa chăng!” (Malachi 3:10). Thực tế ở mọi Hội Thánh đều cho thấy chỉ có hai mươi phần trăm tín hữu có dâng hiến tiền bạc đều đặn hàng tháng. Số còn lại hoặc dâng thất thường, hoặc chẳng dâng hiến gì hết. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có dâng hiến đều đặn là có lòng ngay thẳng, thành thật với Chúa trong số tiền dâng hiến của họ.

Công thức 20/80 được áp dụng trong mọi lãnh vực của Hội-thánh. Nghĩa là bình thường chỉ có 20% thành viên phục vụ, 80% còn lại chỉ chuyên thụ hưởng rồi phủi tay ra về; chẳng những không đóng góp phần của mình, lại còn chờ cho người khác phục vụ, hoàn toàn thờ ơ đối với công việc chung của Hội-thánh; chực chờ gom góp của chung làm của riêng đem về nhà. Thế thì ý nghĩa của món quà tặng bằng vàng mà chúng ta có thể dâng lên cho Vua thiên đàng để bày tỏ lòng tôn kính Ngài sẽ bao gồm chẳng những tiền bạc, mà còn là công sức, tài năng, thiện chí, và lòng sẵn sàng hy sinh cho công việc chung. Những người chỉ chăm chú vào mối lợi riêng ích kỷ của họ đều không hiểu rằng thái độ và hành động ấy sẽ rước lấy tai hoạ thay vì ơn phước. Hãy tự xét mình để từ nay sẽ dâng lên Chúa lễ vật bằng vàng của lòng chúng ta mà Ngài đáng hưởng.

Đức Giêhôva phán thế nầy:‘Hãy để tâm suy xét đường lối các ngươi. Các ngươi gieo nhiều mà gặt ít, ăn mà không no, uống mà không đã khát, mặc mà không ấm, và kẻ làm thuê thì đựng tiền công mình trong túi lủng … Các ngươi trông nhiều mà được ít; những gì các ngươi đem vào nhà thì Ta đã thổi lên trên. Tại sao vậy?’ Đức Giêhôva vạn quân phán: ‘Ấy là vì nhà Ta vẫn còn đổ nát, mà các ngươi thì ai nấy bận rộn lo cho nhà riêng mình. Bởi thế, vì các ngươi mà trời giữ lại sương móc, và đất cũng giữ lại hoa màu” (A-ghê 1:5–6, 9–10).

Người ta có thể ăn trộm Đức Chúa Trời được sao? Thế mà các con ăn trộm Ta! Nhưng các ngươi nói: ‘Chúng con có ăn trộm Chúa đâu?’ Các con đã ăn trộm một phần mười và tế lễ phải dâng. Các con bị nguyền rủa vì tất cả các con, cả nước, đều ăn trộm Ta” (Malachi 3:8–9).

Bí quyết để được ban phước vật chất là: Trung tín và ngay thẳng trong sự dâng hiến tiền bạc.

Lễ vật thứ nhì mà các nhà thông thái dâng lên cho Chúa năm xưa tại Bếtlêhem là nhũ hương. Nhũ hương được dùng trong nghi lễ xông hương trên bàn thờ trong đền thờ của Đức Chúa Trời. Hình bóng về hương thơm của nhũ hương trên bàn thờ Chúa là tâm linh thật lòng kính thờ và đời sống tận hiến cho Ngài. Mọi việc làm của chúng ta để phục vụ Chúa, phục vụ anh chị em trong Hội-thánh, nếu không xuất phát từ lòng chân thành kính thờ Chúa và tinh thần tận hiến đời sống mình cho Ngài, thì không có chút giá trị gì. Mọi việc làm của chúng ta sẽ trở thành mùi thơm đối với Chúa khi nó xuất phát từ lòng chân thành yêu kính Ngài trong ta. Kinh-thánh chép Đức Chúa Giêxu đã “vì chúng ta hiến thân mình làm của lễ và sinh tế cho Đức Chúa Trời, như một hương thơm ngào ngạt” (Êphêsô 5:2). Đời sống chúng ta cũng có thể thơm ngát như vậy trước mặt Chúa.

Đối với con dân Chúa ngày nay thì món quà có đời sống kính thờ và tận hiến thơm ngát như nhũ hương bay lên trước mặt Chúa không thể tách rời khỏi tinh thần của món lễ vật bằng vàng. Ai không thể thành tâm dâng lễ vật bằng vàng, tức là tiền bạc, của cải, thì chắc không thể có một tâm linh thật sự kính thờ, tận hiến đời sống mình cho Đức Chúa Trời. Bởi vì đối với người đó thì tiền bạc của cải là quý hơn công ơn của Chúa đã ban cho loài người. Và do đó, đời sống người ấy không thể gieo rắc mùi thơm ngào ngạt, tức là không thể gieo rắc sự hiểu biết Chúa ra khắp nơi; cũng không thể làm hương thơm của Đấng Christ dâng lên cho Đức Chúa Trời (2Côrinhtô 2:14–16).

Mộc dược là thuốc thơm để tẩm liệm xác chết khỏi bị hư thối. Lễ vật mộc dược dâng lên cho Ấu-nhi Giêxu là hình bóng tiên tri về sự chết hy sinh của Ngài sẽ diễn ra khoảng gần 32 năm sau. Ý nghĩa của lễ vật mộc dược là lòng sẵn sàng chia xẻ nỗi đau đớn của cái chết nhục nhã trên thập tự giá với Đức Chúa Giêxu. Lễ vật ấy được nêu lên sau chót, vì nếu ai không thể dâng ‘vàng’ của mình cho Chúa, thì đời sống người ấy sẽ không thể có chút ‘nhũ hương’ nào dâng lên cho Ngài. Chỉ những ai sẵn lòng dâng ‘vàng’ và ‘nhũ hương’ của đời mình mà không cần cân nhắc, thì mới có thể chia xẻ món quà ‘mộc dược’ cho Đấng yêu thương chúng ta. “Nếu chúng ta cùng chịu khổ đau với Ngài, hẳn chúng ta cũng được hưởng vinh quang với Ngài” (Rôma 8:17b).

Đức Chúa Giêxu vẫn thường dạy các môn đồ Ngài phải biết thương xót giúp đỡ người nghèo khó; đồng thời cũng phải biết cảm thông chia xẻ những nỗi đớn đau của họ. “Khi Ta đói, các con cho Ta ăn; Ta khát, các con cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con tiếp rước Ta; Ta trần truồng, các con mặc cho Ta; ta đau yếu, các con thăm Ta; Ta bị tù, các con viếng Ta.…Thật, Ta bảo các con, hễ các con làm như thế cho một trong những anh em Ta đây, dù là người nhỏ nhất, các con đã làm cho Ta vậy!” (Mathiơ 25:35–36, 40).

Trong mùa giáng sinh nầy, trước khi bước qua năm mới, mỗi người chúng ta hãy tự xét lòng mình, thử xem mình đang có đủ ba lễ vật quý mà mỗi chúng ta cần phải có hay không! Hãy bạo dạn, quyết tâm làm một sự thay đổi toàn diện để chấn chỉnh đời sống tâm linh trước khi quá trễ. Kẻo công khó theo Chúa của chúng ta trước nay trở nên vô ích chăng!

CacMonQuaYeuThuong.docx

Rev. Dr. CTB