Chúa Nhật, January 24th, 2016
Các Vấn Đề Căn Bản, bài 03
Cô-lô-se 1:15–20
Qua Kinh-thánh Cựu-ước người ta biết Đấng Tạo Hóa, là Đấng dựng nên toàn vũ trụ, đã bày tỏ Ngài là một Đức Chúa Trời toàn năng, toàn thánh, toàn thiện, và đầy lòng yêu thương loài người, loài sinh vật thượng đẳng trong mọi loài sinh vật, do Ngài tạo nên.
Kinh thánh Tân-ước trình bày và khải thị thuộc tính nhân từ và yêu thương của Thiên Chúa qua một cách thức hoàn toàn mới và bất ngờ đối với mọi sinh vật có tư tưởng và tất cả thần linh ở trong linh giới:
“Thiên Chúa xuống trần gian trong thể xác loài người để thực hiện sự bày tỏ tình yêu tuyệt đối của Ngài là: Nhận hình phạt án chết thay cho cả nhân loại mà Ngài đã tạo dựng.”
Cách làm có một không hai ấy được gọi là “Ngôi Lời Nhập Thể,” tức là trí tuệ, tư tưởng, sự khôn ngoan, và Lời Phán của Thiên Chúa xuống trần làm một người xác thịt hoàn toàn.
Kinh-thánh Tân-ước cho biết Thiên Chúa trong thể xác loài người ấy là Đức Chúa Giêxu của lịch sử, một nhân vật đã từng sống tại xứ Do-thái khoảng hai ngàn năm trước đây.
Nhưng không phải ai đọc Tân-ước đều tin như vậy.
Khi xác nhận rằng đức tin của chúng ta không phải là loại đức tin mù quáng, thì chúng ta phải hiểu biết thật rõ về Đấng mà mình tin, yêu thương và thờ kính có thật hay không.
Bởi vì sau hàng chục thế kỷ trôi qua, người đời sau thường hoài nghi về tính cách chân thực của những sự kiện được truyền tụng qua sách vở, hay qua lời truyền khẩu của những đời trước.
Nhất là thời kỳ được gọi là thời đại ‘khai sáng,’ diễn ra sau thời gian bị gọi là ‘thời ám thế’ thuộc thời kỳ trung cổ ở Âu-châu. Vài sử gia thời ấy tìm hiểu và đặt nghi vấn, họ không tin nhân vật Jesus đã thật có trong lịch sử. Thuyết hoài nghi nầy kéo dài tới năm 1953.
Đợt tìm hiểu thứ nhì từ 1953–1970, và đợt tìm kiếm thứ ba từ 1980 tới nay.
Nếu Đức Chúa Giêxu là nhân vật có thật trong lịch sử, tại sao có nhiều nghi vấn và phải tìm kiếm như vậy? Vấn đề khiến người ta không tin nhiều nhất, từ thời đại ‘khai sáng’ kéo dài tới ngày nay, là các phép lạ của Đức Chúa Giêxu đã làm, chép trong bốn sách Phúc-Âm.
Sự hoài nghi nầy dựa trên luận cứ cho rằng: Các sách Phúc Âm là do những người nhiệt tâm theo đạo ở nhiều thế kỷ về sau bịa đặt nhằm mục đích truyền giáo, chứ không phải là những việc đã thực sự xảy ra; rồi được những nhà truyền giáo sau nầy gán cho thời sơ khai của Hội-thánh.
Sự nghi ngờ ấy có thuyết phục được một số người nghiên cứu về lịch sử đế quốc La-mã; vì họ không thấy đề cập gì đến các phép lạ của một người tên là Giêxu, gọi là Christ, bị hành hình chết treo trên thập tự giá.
Nhưng, việc tìm kiếm các bằng chứng lịch sử phải tuân theo các quy ước chung của các nhà nghiên cứu lịch sử. Khi những nhà phê bình chỉ trích các phép lạ, do Đức Chúa Giêxu thực hiện chép trong các sách Phúc Âm, là huyền thoại, thì quy ước chung để tìm xem những điều ký thuật ấy có thật hay không, là phải tìm bằng chứng từ các nguồn độc lập đáng tin cậy khác ở ngoài các môn đồ của Đức Chúa Giêxu.
Quy ước ấy gọi là “tiêu chuẩn về tính xác thực,*” mà cách thực hiện là tìm sự xác nhận của nhiều nhân chứng, tức là tìm các lời xác nhận của nhiều người chứng kiến hoặc biết về các sự kiện ấy. Nếu những lời chứng từ nhiều nguồn độc lập, không có liên hệ gì với nhau, đều xác nhận sự việc có xảy ra, thì nhân vật đó không phải là do người ta bịa đặt.
Dựa trên các tiêu chuẩn ấy, ngoài lời chứng của những người đồng thời với Đức Chúa Giêxu còn có các bản văn xác nhận của ba sử gia lừng lẫy ở thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên là:
Plinii Secundi, tác giả bộ sử Naturalis Historia;
Titus Flavius Josephus, sử gia tiếng tăm lừng lẫy người La-mã gốc Do-thái, chuyên viết về lịch sử Do-thái, tác giả của hai bộ sử đồ sộ: The Jewish War và Antiquities of The Jews (Thời Cổ Đại của Người Do-thái);
Cornelius Tacitus, thượng nghị sĩ, và được xem là sử gia vĩ đại nhất của đế quốc La-mã. Trong tác phẩm Annals, Tacitus ghi chép hết lịch sử đế quốc La-mã từ thời Caesar Augustus băng hà tới cuộc chiến tranh La-mã–Do-thái (70 A.D.). Annals là một trong các sách sử ký thế tục xưa nhất có đề cập tới Đức Chúa Giêxu Christ.
Cho nên, vì có các sự ghi chép của những sử gia lừng lẫy về con người Giêxu Christ lịch sử, Bart Ehrman, một người liberal hoài nghi, phải viết trên blog Huffingtonpost.com rằng: “Dù chúng ta có muốn tin hay không muốn, chắc chắn Jesus là có thật.” (huffingtonpost.com March 20, 2012).
Vì vậy, luận điệu bác bỏ của những người hoài nghi về sự có thật của con người Giêxu lịch sử đã bị thất bại thảm hại. Đức Chúa Giêxu mà Kinh-thánh Tân-ước ghi chép không phải là nhân vật hư cấu.
Và mọi điều Ngài đã trải qua làm ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu-ước về Đấng Cứu-Thế phải chịu thống khổ, chịu chết, bị chôn, sống lại, và thăng thiên.
Chính sự thay đổi thái độ của các môn đồ từ hèn nhát chạy trốn khi Thầy họ bị bắt, chối không biết Thầy khi bị hỏi lý lịch, trở thành những người vô cùng can đảm, sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho sự thật rằng Thầy mình đã sống lại, thì sự biến đổi tâm tánh và thái độ của họ chỉ trong một thời gian ngắn, đã chứng minh những chi tiết chép về Đức Chúa Giêxu trong các sách Phúc-Âm là chính xác.
Tuy nhiên, chúng ta phải nắm vững các bằng chứng cụ thể để xác nhận Đức Chúa Giêxu thật sự là Ngôi Lời Nhập Thể.
Đối với những người, vì lý do nào đó, thù ghét Cơ-đốc-giáo nên tuyên bố rằng, nhân vật Jesus không có trong lịch sử, thì cũng vẫn có những người khác trung thực với sự thật, đã đáp lại lời phủ nhận của những người kia bằng các chứng cớ có ký thuật trong sử sách thế tục.
So với hoàng đế La-mã Julius Caesar, Giáo sư Ben Whitherington viết: “Các bằng chứng lịch sử về sự hiện hữu của Đức Chúa Giêxu thì nhiều hơn các bằng chứng về sự tồn tại của Julius Caesar nữa.” Vì vậy, những người bị thất bại trong việc phủ nhận con người Jesus lịch sử bắt đầu quay sang tấn công phương diện thần tánh của Ngài.
Thần tánh và nguồn gốc thiên đàng của Đức Chúa Giêxu được chứng minh qua sự phục sinh của Ngài từ cõi chết.
Trong lịch sử nhân loại, chỉ một mình Đức Chúa Giêxu là Người đã bị giết chết, được tẩm liệm bằng mộc dược hòa với lư hội (thuốc độc đối với sự sống), bị táng trong ngôi mộ đá, tới ngày thứ ba Ngài sống lại bởi quyền phép từ thiên đàng.
Sự phục sinh của Đức Chúa Giêxu Christ vốn là trung tâm của niềm tin Cơ-đốc-giáo. Không có sự phục sinh của Đấng Cứu Thế, Cơ-đốc-giáo chỉ là một mớ lý thuyết đạo đức, chẳng có chút quyền năng, không trỗi hơn triết thuyết đạo đức nào khác.
Nhưng lấy gì để chứng minh Ngài đã thật sống lại? Ngoài sự thay đổi thái độ, tinh thần của các môn đồ từ hèn nhát sang vô cùng bạo dạn, người ta chú ý tới các tác phẩm của Phao-lô.
Kinh-thánh Tân-ước được kinh điển đầy đủ vào năm 367 A.D. Các sách Phúc Âm được viết từ khoảng năm 70 tới 95 A.D. Nhưng văn phẩm làm chứng về sự phục sinh của Đức Chúa Giêxu là do Phao-lô viết vào khoảng năm 55 A.D., là sự nhắc lại điều ông giảng dạy từ năm 50 A.D. ở Cô-rinh-tô.
Nghĩa là chỉ 17 năm sau khi diễn ra biến cố phục sinh, trước khi sách Phúc Âm sớm nhất được viết, Phao-lô đã dạy về giáo lý ấy.
Phao-lô, một luật sư vô cùng nhiệt thành với Do-thái-giáo, đã trở thành môn đồ của Đức Chúa Giêxu phục sinh sau khi được Ngài hiện ra với ông trên đường ông đi bắt bớ các môn đồ người Do-thái của Ngài ở thành Damas.
Thời điểm Phao-lô giảng dạy sự phục sinh của Chúa sớm hơn thời điểm các sách Phúc-âm được phổ biến là bằng chứng vững chắc về việc ông đã trực tiếp nghe các chứng nhân, ngoài việc chính ông gặp Ngài.
Do-thái-giáo chỉ tuyệt đối thờ kính một Thần là Đức Chúa Trời. Các môn đồ của Đức Chúa Giêxu đều xuất thân từ Do-thái-giáo, nhưng chỉ 25 năm sau biến cố phục sinh, họ đã thiết lập sự thờ kính Đức Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời.
Sự kiện vô cùng bất thường và quan trọng nầy giải thích cho sự nhận thức của các môn đồ người Do-thái về thần tánh của Đức Chúa Giêxu.
Sự thờ kính ấy là sự chính thức công nhận Ngài là Đấng Mê-si-a, Đấng Thiên Sai theo lời hứa của Đức Chúa Trời trong các sách tiên tri từ thời Cựu-ước, Đấng sẽ xuống thế gian đúng lúc để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Không người Do-thái-giáo nào dám sơ xuất trong việc thờ kính Chúa, nếu họ không biết chắc chắn sự phục sinh của Đức Chúa Giêxu.
CacVanDeCanBan03.docx (*Criteria of Authenticity)
Rev. Dr. CTB