Chúa Nhật, April 10th, 2016

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 11

Rôma 5:6–10

Phản ứng thông thường của người ta khi thấy có người gây ra lỗi lầm hay tội ác nào đó là: Đòi hỏi phải có sự trừng phạt để người khác sợ mà không dám phạm pháp. Nhiều người trong cộng đồng muốn thấy kẻ phạm lỗi phải bị hình phạt xứng đáng với sự thiệt hại đã gây ra.

Người có lỗi thì mong có thể làm một cái gì đó để chuộc lại lỡ lầm của mình. Nhưng có nhiều lỗi không cách gì chuộc lại được, vì sự thiệt hại quá lớn, hay hậu quả của lầm lỗi là vô phương cứu chữa. Trong những trường hợp như vậy, người phạm lỗi chỉ biết run sợ chờ phán quyết giáng xuống số phận mình.

Còn những người chịu ảnh hưởng từ truyền thống của các tôn giáo Á-Đông vẫn tưởng là họ có thể tự chuộc lại tội lỗi họ đã phạm bằng con đường tu hành sám hối.

Nhưng hễ ai đã từng bước vào con đường tự tu dưỡng đều nhận ra mục tiêu mà họ mong đạt tới là quá xa, xa đến nỗi chưa có người đạo đức xuất sắc nào trong nhân loại vươn tới được.

Điều đó chứng minh lời xác quyết của Kinh-thánh: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu hụt vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rôma 3:23). Lý do khiến cho nỗ lực tự cứu của con người luôn luôn thất bại vì không người nào có khả năng tạo ra vinh quang của sự công chính và thánh thiện.

Như đã thảo luận ở bài trước, giống như cây có rễ mới có thể ra trái, chỉ có sự công chính trong lòng người làm gốc rễ, thì đời sống của người ta mới có thể sinh ra hoa trái thánh thiện; mà chẳng một ai có khả năng tự làm nên rễ công chính cho mình, cho nên việc đạt tới một đời sống thánh thiện chỉ là mơ ước viển vông.

Vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ 20, lúc xe hơi là phương tiện di chuyển mà nhiều người Mỹ đã có khả năng mua. Một cậu thiếu niên mười sáu tuổi được người cha cho lái xe đi học. Sau khi đã biết lái vững, cậu được làm chủ chiếc xe.

Cha cậu là một người tin Chúa và thực hành nếp sống đạo gương mẫu; tuy vậy, cậu con không theo niềm tin của cha mình. Một hôm, vì say rượu cậu bị tai nạn và chiếc xe bị hư hại nặng. Cậu gọi điện thoại về cho cha.

Câu hỏi đầu tiên của người cha là: “Con có bị thương tích gì không?” Cậu trả lời là cậu thì an toàn nhưng cái xe thì hư nặng lắm. Cậu thú nhận với cha là vì cậu say rượu nên mới gây ra cớ sự. Cậu rất lo lắng và kinh sợ, vì không biết khi về nhà gặp cha thì ông sẽ phản ứng và áp dụng kỷ luật đối với cậu ra sao.

Tối đó về được đến nhà, cậu vào phòng làm việc của cha, khóc sướt mướt, thú tội, cảm thấy hết sức xấu hổ và nhục nhã về hành động hư đốn của mình làm thiệt hại lớn cho cha.

Người cha lặng yên chờ cho con xưng tội xong và hết khóc, ông từ tốn hỏi: “Ngày mai cha đi mua cho con một chiếc xe khác con nghĩ thế nào?” Rod Rosenbladt, là tên của cậu thiếu niên ấy, kể lại:

Ngay giây phút đó tôi quyết định tiếp nhận ơn cứu độ, trở thành tín đồ của Đức Chúa Giêxu Christ. Vì ân sủng của Đức Chúa Trời đã trở thành rất thật đối với tôi ở khoảnh khắc ấy, biểu lộ qua đức nhân từ và sự tha thứ của cha tôi.

Bây giờ gần bảy mươi tuổi, tiến sĩ Rosenbladt dành trọn đời mình để giảng dạy về ân sủng của Đức Chúa Trời, gọi là thần học ân điển.

Bất cứ ai có biết qua về hình phạt của luật pháp dành cho những người phạm tội hay lỡ lầm nào đó, mà chẳng may bị vướng vào các vụ việc phạm pháp, thì đều mang tâm trạng khiếp đảm vì chưa biết số phận mình sẽ ra sao.

Về mặt tâm linh thì những người nào chưa từng tiếp xúc với tình yêu thương của Đức Chúa Trời cũng đều lo sợ mỗi khi nghĩ tới hình phạt ở địa ngục mà các tôn giáo thường nói tới. Nhưng sự xác quyết của lời Kinh-thánh đem hi vọng và niềm vui tới cho mọi người:

Thật vậy, đang khi chúng ta không có sức tự cứu, Đấng Christ đã đến đúng kỳ hạn, chịu chết thay cho người có tội;” và

Đức Chúa Trời chứng tỏ Ngài yêu thương chúng ta: ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi, Đấng Christ chịu chết vì chúng ta” (Rôma 5:6, 8).

Không có niềm an ủi nào lớn hơn khi một người đang xấu hổ, kinh hãi, run rẩy đợi cơn thịnh nộ giáng xuống vì biết rõ mình đã phạm một lỗi quá nặng, mà được nghe lời nói tha thứ, nhân từ và thương xót từ một người có quyền trừng phạt mình.

Sau kinh nghiệm đó, cậu thiếu niên Rod Rosenbladt đã thương yêu kính qúy cha mình vô cùng, vì không những người cha chỉ bày tỏ đức tin và nếp sống gương mẫu của một tín hữu ở nhà thờ, mà ông còn biểu lộ rõ ràng các tính cách cao quý của Đức Chúa Giêxu trong nếp sống riêng ở gia đình mình.

Sẽ không ai trách người cha khi ông trừng phạt đứa con xứng với lỗi nó đã phạm; có lẽ một số người còn khen ông nữa. Nhưng cách xử sự đó không giúp thay đổi được tánh tình hoặc cách hành xử của đứa con. Ngược lại, lòng thương xót, ơn tha thứ và tính nhân từ trong lời nói của ông đã biến đổi đứa con của mình chỉ trong khoảnh khắc.

Bản chất của ân sủng Đức Chúa Trời là như vậy. Chúng ta sẽ chợt nhận ra ân sủng của Đức Chúa Trời khi biết rõ đáng lẽ mình phải bị hình phạt, nhưng thay vào đó là sự nhân từ thương xót vô biên của Ngài ban xuống trên các tội nhân đang bị tội lỗi đè nặng:

Đức Chúa Trời chứng tỏ lòng yêu thương của Ngài chúng ta, trong lúc chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ đã vì chúng ta mà chịu chết” (Rôma 5:8).

Tình yêu thương ở trong điều nầy: Không phải chúng ta đã yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con Ngài làm tế lễ chuộc tội chúng ta” (1Giăng 4:10).

Chúa đã ban sự tha thứ và đặt sự công chính vào lòng chúng ta, mặc dù chúng ta đầy tội lỗi, chẳng biết chút gì về ân sủng của Ngài mà còn thù nghịch Ngài nữa: “Vì ngay khi chúng ta còn là thù nghịch mà đã được giải hòa với Đức Chúa Trời nhờ sự chết của Con Ngài, huống chi đã được hòa giải rồi, chắc chắn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Con Ngài” (Rôma 5:10).

Tin Mừng về tình yêu và ân sủng của Đức Chúa Trời phải được truyền rao đúng cách. Đa số người nghe đều biết là họ có tội và mong muốn được biết có sự cứu giúp nào cho họ không.

Cho nên, nếu Kinh-thánh chỉ nói về luật pháp lên án tội nhân, thì sẽ không giúp đỡ gì được cho người phạm lỗi. Nhưng Tân-ước đưa ra vô số lời hứa ban hi vọng cho những người chưa từng nếm trải vị ngọt ngào của Tin Mừng.

Một chuyện tích do bác sĩ Luca kể lại rằng, Đức Chúa Giêxu bày tỏ lòng nhân từ cho một người đàn bà tội lỗi mà có đức tin (Luca 7:36–50). Chắc chắn rằng phụ nữ ấy trở về nhà với lòng nhẹ nhàng, hân hoan; và kể từ ngày đó trở đi, bà quyết tâm sống đời tránh xa tội lỗi.

Giả sử như người phụ nữ ấy bị Đức Chúa Giêxu lên án và giảng cho một bài học đạo đức luật pháp Do-thái-giáo, thì người Pharisi chủ nhà sẽ rất hài lòng, người đàn bà cũng chẳng có gì để phản đối; nhưng bà ra về mà lương tâm bị sức nặng của luật pháp đè bẹp trong sự tuyệt vọng.

Một cô gái trẻ không nghe lời cha, tiếp tục gần gũi với người mà cha dặn là đừng giao du; vì thế cô mang hoang thai. Cô hối hận xưng tội với cha. Người cha định giảng cho cô nghe một bài học đạo đức.

Cô thưa rằng, “Cha ơi, con biết lỗi rồi, con đã nghe nhiều bài giảng đạo đức. Điều mà con cần hiện giờ là sự giúp đỡ, vì nghe thêm một bài giảng đạo đức chẳng giúp gì được cho tình trạng hiện nay của con. Con đã biết điều con làm là sai trái rồi.

Trong trường hợp như thế, sự trừng phạt nào cũng chẳng thay đổi được lầm lỡ của người con; trái lại, nó chỉ đem thêm đau đớn cho cả nhà. Cách thức hoán cải hiệu quả nhất sẽ khiến đứa con thay đổi lối sống là sự tha thứ và giúp đỡ cho cô ta có thể chỗi dậy từ chỗ sa ngã để làm lại cuộc đời.

Tình yêu thương luôn luôn có sức thuyết phục những người có ý thức về sự lầm lỡ và tội lỗi của họ. Vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương, nên Ngài vẫn luôn kiên nhẫn với loài người chúng ta, để con người có cơ hội ăn năn, hoán cải và nhận được sự xưng công chính trong lòng và được thánh hóa trong nếp sống mới.

Nếu Chúa phải trừng phạt mỗi lần chúng ta phạm tội, thì chẳng bao lâu trái đất sẽ chẳng có ai ở nữa; và linh hồn của những người bị giết chết vì phạm tội sẽ bị trừng phạt vĩnh viễn.

Đức Chúa Trời đã không làm như thế. Chẳng những Ngài ban Đức Chúa Giêxu xuống trần gian cho chúng ta cơ hội được nghe Tin Mừng và được tha tội, Ngài còn cứu linh hồn của những người tin khỏi sự chết vĩnh viễn bằng sự được xưng công chính qua sự phục sinh của Đức Chúa Giêxu.

Tình Đức Chúa Trời yêu chúng ta được biểu lộ như thế nầy: Đức Chúa Trời sai Con Một của Ngài xuống thế gian để nhờ Con Ngài, chúng ta được sống” (1Giăng 4:9).

Sức thuyết phục của tình yêu thương từ thiên đàng là vô cùng mạnh mẽ. Những ai đáp ứng tình yêu ấy là những người biết rõ hiện trạng không có khả năng tự cứu của mình và sẵn lòng tiếp nhận món quà vô giá được ban cho miễn phí. Người tiếp nhận Tin Mừng thì chỉ được lợi ích vô cùng chứ không mất gì cả.

VanDeCanBan11.docx

Rev. Dr. CTB