Chúa Nhật, April 3rd, 2016
Các Vấn Đề Căn Bản, bài 10
2Côrinhtô 5:21
Kinh-thánh dạy rằng Đức Chúa Giêxu đã sống lại để những người tin Ngài được xưng công chính, tức là được xem như chưa từng phạm tội gì hết. Vì Đấng Công Chính đã dùng huyết mình để chuộc tội cho những người ấy, thì Ngài có quyền xưng công chính cho những người mà Ngài đã hy sinh để chuộc họ về.
Xưng công chính không phải chỉ là xoá tội và biện hộ, mà còn là ban năng lực để người tin có thể sống đời công chính nữa. Năng lực ấy được ban cho bởi Đức Thánh Linh ngự vào lòng người tin giúp họ thực hiện được nếp sống công chính mà họ mong muốn.
Sự khác biệt giữa người có Đức Thánh Linh với người chưa có thì rất rõ ràng. Bởi vì một bên thì nỗ lực mà vẫn thất bại, bên kia không cần nỗ lực gì hết mà cứ thong dong sống đời công chính.
Bí quyết để được Đức Thánh Linh ngự vào lòng là gì? Hãy lấy một sự kiện thực tế để làm ví dụ. Sự thật về việc chưa có ai trong nhân loại thuộc bất cứ đạo giáo nào thành công trong việc tu hành là điều không thể chối cãi.
Nguyên nhân là vì những người ấy không biết nguyên lý của sự thánh hóa. Tu dưỡng là nhằm mục đích thoát khỏi dục vọng, ác tâm và tạp niệm, tức là ý nghĩ ô uế, để đạt tới một tình trạng thánh thiện thoát tục. Kinh-thánh gọi đó là đời sống được thánh hóa.
Thánh thiện hay được thánh hóa là cái quả sẽ đạt đến; nhưng gốc rễ để sinh ra cái quả thánh hóa là phải được xưng công chính. Không có rễ thì không thể sinh ra trái được. Người tu hành không thành công bởi vì không ai có khả năng tự trở thành công chính vô tội cả (Rô-ma 3:23).
Do đó một tâm linh phải được xưng công chính là bước vô cùng quan trọng để vươn tới nếp sống thánh hóa. Đức Thánh Linh sẽ chỉ ngự vào, dẫn dắt và ban năng lực cho tấm lòng nào đã được Đấng Christ phục sinh xưng công chính.
Nói như vậy không có nghĩa là sự được xưng công chính với việc sống đời thánh hóa là hai lãnh vực khác nhau. Đừng ai hiểu lầm như thế. Cả hai việc xưng công chính và thánh hóa đều là công việc của Đức Chúa Trời thực hiện trong lòng tín hữu.
Mặc dù hai biến cố ấy thì khác nhau nhưng không thể tách rời. Hai món quà tuyệt vời ấy chỉ được ban cho những người đã quyết tâm hợp nhất với Đức Chúa Giêxu Christ qua sự chết và sự sống lại của Ngài mà thôi (Rôma 3:26).
Vì thế nhờ việc được xưng công chính là gốc rễ, nên thánh hóa là trái từ gốc đó sinh ra. Những người muốn đạt đến đời sống đạo đức bằng nỗ lực riêng đã thất bại, vì họ giống như một cái cây thiếu gốc rễ mà muốn có khả năng sinh quả.
Khi nào chúng ta đã thật hiểu rằng mọi việc cần phải giải quyết để giải hòa giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, đã được Đức Chúa Giêxu Christ thực hiện xong rồi, thì sẽ hiểu lời Ngài phán: “Mọi việc đã hoàn tất!” (Giăng 19:30) trước khi Ngài trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá.
Tất cả những ai xưng mình là tín đồ của Đức Chúa Giêxu đều phải hiểu rằng vì Đấng Christ đã chịu chết để mọi tội lỗi mình được tha, Ngài đã sống lại để mình được xưng công chính; hai lãnh vực mình không thể làm nổi đã được Ngài hoàn tất, thì chúng ta không còn thiếu nợ con người xác thịt của mình nữa.
Hãy bắt đầu cuộc sống của một người biết chắc mình đã được xưng công chính, được yêu thương vô điều kiện. Có hiểu biết như vậy mới giúp chúng ta biết sống để yêu thương và phục vụ người khác.
Vì Đấng Christ đã làm xong công tác tha tội và xưng công chính cho tôi, và Ngài đang hành động trong tôi, thì tôi sẽ tích cực sống đời ban cho thay vì chiếm đoạt, khiêm nhường thay vì bon chen tìm kiếm danh vọng, hi sinh thân mình cho người khác thay vì lợi dụng người khác để kiếm chút lợi lộc cho mình.
Nhờ sống với một tinh thần và tâm tình như thế, thì chúng ta không cần nỗ lực hay gắng sức để duy trì tình trạng được xưng công chính, mà chỉ cần vâng theo sự chỉ dẫn, ban năng lực của Đức Thánh Linh trong nếp sống bình thường mỗi ngày.
Bởi vì không phải nhờ làm công việc thiện hảo mà chúng ta được kể là công chính, nhưng vì đã được xưng công chính nên chúng ta vui vẻ làm các việc thiện hảo một cách tự nhiên, không cần phải cố gắng.
Tuy vậy, vẫn có một số người bị lấn cấn, chưa hiểu một cách thông suốt về đời sống đạo ứng dụng luật thánh của Đức Chúa Trời như thế nào là đúng. Kinh-thánh có luật Cựu-ước và Tân ước xem ra có vẻ mâu thuẫn.
Luật thánh là một món quà từ Đức Chúa Trời nên rất quý trọng. Luật là cách Đức Chúa Trời răn bảo con dân Ngài về lối sống thánh thiện.
Thế nhưng chẳng một chỗ nào trong Kinh-thánh nói rằng luật pháp ấy có quyền phép giúp chúng ta thực hiện được những điều luật ấy bắt buộc phải giữ. Luật cho biết đời sống thánh khiết thì phải ra sao, nhưng không có quyền năng để thánh hóa ai cả (Hê-bơ-rơ 7:18–19a).
Vì vậy, dù ai có giữ luật cách nghiêm khắc, vẫn thấy rằng việc chống trả sức mạnh của tội lỗi là điều không thể làm được. Tuy thế, luật pháp vẫn tiếp tục buộc người ta không được phạm luật, tức là không được phạm tội.
Ai đã khám phá ra sự thật khốn khổ đó thì mới biết ơn Đức Chúa Trời về Tin Mừng mà Ngài đã ban xuống cho nhân loại qua Đức Chúa Giêxu.
Bởi vì trong lúc luật pháp Cựu-ước không có năng quyền gì để biến đổi lòng người, mà những đòi hỏi nghiêm ngặt của luật pháp ấy không bớt chút nào, khiến cho bất cứ ai cố gắng tuân giữ nó đều bị thất bại, thì Tin Mừng đến ban cho sự an ủi rằng sự chuẩn thuận của Đức Chúa Trời không căn cứ trên khả năng của con người có tuân thủ được luật pháp hay không, mà dựa trên thái độ của chúng ta có thật lòng tiếp nhận Đức Chúa Giê -xu làm Đấng thay ta hoàn thành sự đáp ứng mọi đòi hỏi của luật pháp hay không mà thôi.
Kinh-thánh chép rằng: “Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, để mọi người tin đều được xưng công chính” (Rôma 10:4).
Giống như con cái trong gia đình thường dễ lén lút phạm lỗi khi chúng nghĩ rằng cha mẹ quá khắt khe và khó khăn đối với chúng. Nhưng sẽ rất yêu thương, kính mến cha mẹ khi chúng khám phá ra cha mẹ họ đầy sự nhân từ, thiện hảo, thông cảm, thương xót, và hoàn toàn hi sinh cho con.
Cũng vậy, khi chúng ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời là một ông chủ quá nghiêm khắc, thì chúng ta rất dễ phạm tội; nhưng sau khi biết rằng Ngài là Đấng đầy lòng nhân từ, thiện hảo, xót thương, thông cảm, cứu giúp, và hi sinh chính Ngôi Lời của Ngài đền tội cho nhân loại, để chúng ta được cứu thoát khỏi chốn khổ hình đời đời, thì những người con thật của Chúa sẽ đấm ngực ăn năn về thái độ phản loạn của mình trước kia đối với Ngài (1Timôthê 1:13–14).
Không phải tình yêu của Chúa sẽ gia tăng đối với người nào biết vâng lời, cũng không giảm vì sự không vâng lời của chúng ta. Tình yêu của Ngài đối với tội nhân lúc nào cũng tràn đầy.
Ơn phước được ban cho người vâng lời vì điều đó căn cứ trên lời Chúa đã hứa. Mà lời hứa của Chúa thì không bao giờ thay đổi. Cho nên, Tin Mừng, tức là mọi điều Đức Chúa Giêxu đã thực hiện vì nhân loại, tạo nên tình cảm biết ơn trong lòng người tin.
Lòng biết ơn lại trở thành động lực thúc đẩy người được xưng công chính hết lòng yêu kính Đức Chúa Trời. Nghĩa là người nào hiểu biết Tin Mừng và tiếp nhận, thì người ấy sẽ yêu kính Đấng xưng người có tội là công chính.
Có một giai thoại từ hàng trăm năm trước được truyền tụng rộng rãi ở Hoa-kỳ. Trước thời có cuộc nội chiến Nam Bắc, ở các tiểu bang miền nam có các chợ bán đấu giá những người nô lệ da đen. Trong khi đó thì chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ ở các tiểu bang miền bắc.
Một thương gia chủng tộc da trắng từ miền bắc xuống miền nam, tìm đến chợ bán đấu giá nô lệ và mua một nữ nô lệ trẻ tuổi.
Ông đem người nữ nô lệ nầy ra khỏi tiểu bang có chế độ nô lệ rồi nói với cô ta: “Cô được tự do!”
Người nữ nô lệ sửng sốt: “Ông nói sao? Tự do nghĩa là sao? Con muốn nói gì, làm gì cũng được hả? Con muốn đi đâu cũng được phải không? Có phải tự do là như vậy không?”
Vị thương gia trả lời: “Đúng vậy! Cô được tự do nói gì, làm gì, sống ở đâu, đi đâu cũng được cả. Tôi đã mua cô để trả tự do cho cô. Cô được tự do!”
Cô gái nhìn chăm chăm vị thương gia một hồi lâu rồi nói: “Vậy thì, xin ông cho phép con đi theo ông và giúp việc cho ông suốt đời con! Vì con rất biết ơn ông.”
Quý anh chị em hãy suy xét về ơn của Đấng đã chết để chúng ta được tha tội, và sống lại để chúng ta được xưng công chính.
VanDeCanBan10.docx
Rev. Dr. CTB