Chúa Nhật, April 13th, 2014

Các Vấn Đề Quan Trọng, 27

Luca 19:28–44

Hàng năm, Hội-thánh của Chúa ở khắp nơi vẫn nhắc lại chuyện tích Đức Chúa Giêxu được chào đón vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn bởi đoàn môn đồ của Ngài. Hầu hết các bài học từ phân đoạn Kinh-thánh nầy ít nhắc tới những lời Chúa than thở về sự thờ ơ của dân thành Giê-ru-sa-lem đối với sự thăm viếng từ Đức Chúa Trời của họ: “Ước gì, ngay hôm nay, ngươi biết được mhững điều làm cho ngươi bình an! Nhưng bây giờ, những điều ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi” (42).

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét câu nói nầy của Đức Chúa Giêxu để tìm ra những sự dạy dỗ hữu ích cho đời sống tâm linh của tất cả chúng ta.

Thời ấy, Đức Chúa Giêxu đã “đến trong đất nước Ngài, mà dân Ngài không tiếp nhận Ngài” (Giăng 1:11). Người Do-thái thời bấy giờ không tiếp nhận Đức Chúa Giêxu, vì họ không ngờ Đấng Mết-si-a mà bao đời tổ tiên họ vẫn mong đợi đã đến sống giữa họ.

Người Do-thái vẫn đọc các lời  tiên tri về Đấng Mết-si-a tại nhà hội của họ vào những ngày Sa-bát. Các lời tiên tri ấy mô tả hai hình ảnh trái ngược nhau về Đấng Mết-si-a: Một là vị Vua vinh quang; còn hình ảnh kia là một Đấng phải chịu thương khó nhục nhã.

Vì dân Do-thái bị ở dưới ách đô hộ của đế quốc La-mã, nên tâm lý của họ là trông chờ một Đấng Mết-si-a đến giải thoát, giành độc lập, thiếp lập một vương quốc hùng cường, làm bá chủ thiên hạ như thời các đế chế của Đa-vít và Solomon thuở xưa.

Mục tiêu mà người Israel nhắm tới là quyền lực chính trị và đời sống vật chất giàu có dư dật trong đời.

Nhưng khi Đức Chúa Giêxu đến, Ngài không sinh ra trong cảnh quyền quý, mà sống đời dân dã bình dị như mọi người bình thường khác. Những việc Ngài thực hiện trong thánh vụ của Ngài thì toàn là quyền phép siêu nhiên, hoàn toàn xa lạ với những sự hiểu biết có sẵn của tâm trí con người.

Sự bình an mà loài người trên trần gian vẫn tưởng rằng họ sẽ có là qua tiền bạc và danh vọng; trong khi biện pháp đem bình an của Đức Chúa Trời đến cho loài người thì khác hẳn. Vì vậy lời Đức Chúa Giêxu phán: “Ước gì, ngay hôm nay, ngươi biết được mhững điều làm cho ngươi bình an!” nghĩa là điều kiện để có bình an là nhận biết Ngài đang hiện diện giữa chúng ta.

Nhưng bây giờ, những điều ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi.” Có bao nhiêu người đọc dòng chữ nầy rồi thắc mắc, cái gì đã che khuất mắt người Do-thái đương thời khỏi các bằng chứng thể hiện quyền phép thiên đàng đang vận hành rành rành giữa họ?

Ngày nay, người xem Kinh-thánh cần phải biết rằng quan điểm về thế giới và nhân sinh quan của người Do-thái thời ấy được nắn đúc bởi các tầng lớp tăng lữ cai trị đời sống tín ngưỡng và tinh thần của họ.

Tinh thần cao ngạo giữa giới người Pha-ri-si là một thứ tà linh làm mù mắt người dân. Đức Chúa Giêxu từng tố cáo thói giả hình do lòng kiêu căng ấy phản ảnh (Ma-thi-ơ 23:2–7). Vậy thì, thủ phạm bịt mắt người Do-thái thời bấy giờ là tà linh kiêu căng của giới tăng lữ Pha-ri-si và Sa-đu-sê.

Bề ngoài của thứ tà linh nầy có vẻ tin kính và công chính, nhưng Đức Chúa Giêxu ví tính giả hình ấy của họ: “Giống như những mồ mả tô trắng, bên ngoài có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong đầy xương người chết và mọi thứ ô uế” (Ma-thi-ơ 23:27). Chính vì lý do đó mà bao nhiêu phép lạ do tay Đức Chúa Giêxu thực hiện đều bị bọn người ấy chê bai bác bỏ.

Sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa loài người sẽ thể hiện bằng các dấu kỳ và phép lạ. Đức Chúa Giêxu quở trách các môn đồ Ngài khi họ không nhận ra Thầy mình chính là Đức Chúa Cha đang ở giữa họ: “Khi Ta nói Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta thì hãy tin Ta; bằng không, hãy tin qua chính các công việc Ta làm” (Giăng 14:11). Nghĩa là họ đã thấy Chúa thực hiện rất nhiều phép lạ, nhưng vẫn chưa tin rằng Đức Chúa Cha đang ở trong Ngài, tức là đang ở giữa họ.

Đức Chúa Giêxu, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã đến để đem sự bình an thật cho người Do-thái và thành Giê-ru-sa-lem. Nhưng vì họ bị tà linh kiêu căng làm mù con mắt lòng, không nhận ra Đấng có thể gìn giữ họ được bình an; vì vậy, tương lai của thành phố và cư dân Giê-ru-sa-lem là hết sức đen tối. Đức Chúa Giêxu đã khóc cho sự mù loà tâm linh của dân Do-thái sẽ dẫn tai họa tới cho Giê-ru-sa-lem, thay vì nhận ra Đấng có thể đem sự bình an đang ở giữa họ.

Hôm nay có điều gì che khuất mắt chúng ta khỏi sự bình an của Đức Chúa Trời cho chúng ta chăng? Có lẽ mỗi người trong chúng ta không chứa một con quỷ đáng tởm nào giống như tà linh kiêu căng cai trị người Pha-ri-si ngày xưa; nhưng có ai trong chúng ta đang bị một thứ bản chất ô uế nào điều khiển đời mình không?

Có phải đã nhiều lần Đức Thánh Linh đem chúng ta đối diện với một thứ thần lạ đang hiện diện trong đời sống chúng ta; và chúng ta biết rằng mình phải từ bỏ nó, nhưng không chịu làm. Vì thế những cơn khủng hoảng diễn ra làm chúng ta lao đao; chỉ thoát qua được trong đường tơ kẽ tóc, để rồi thấy đời mình vẫn bị thứ thần lạ đó điều khiển. Minh giải nầy mô tả rõ nét hình ảnh của điều làm lòng chúng ta bị mù lòa đối với sự bình an của chính mình.

Ước gì, ngay hôm nay, ngươi biết được …” Lời phán của Đức Chúa Giêxu đi kèm với nước mắt của Ngài có đi sâu vào lòng của mỗi chúng ta chăng? Những lời ấy ngụ ý rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về các lỗi lầm của chính mình, mà mình từ chối không chịu thấy hoặc không có khả năng để thấy.

Nhưng bây giờ, những điều ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi.” Nguyên nhân là do nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ hoàn toàn đầu phục Chúa, trao phó bản chất ghê tởm của con người tội lỗi mình cho Ngài để Ngài trừ diệt nó. Đổi lại, Ngài ban cho chúng ta bản thể thánh khiết của Ngài, tức là chiếc áo lễ công nghĩa qua dòng huyết hy-sinh của Đức Chúa Giêxu để chúng ta mặc vào, rồi vâng lời Đức Thánh Linh bước mạnh mẽ trên con đường thánh hoá.

Chúng ta không phải là những người chưa tin Chúa không biết chi về tánh xác thịt. Khi tâm linh chúng ta được tái sinh lúc quyết định tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, thì xác thịt với các dục vọng, cũng gọi là bản chất tội lỗi, bắt đầu tranh chiến với Đức Thánh Linh, và Thánh Linh có những ước muốn trái ngược với xác thịt (Ga-la-ti 5:17). Con người mới bị con người cũ lôi kéo làm những điều mà mình biết Chúa không đẹp lòng.

Chính chúng ta phải lập quyết định theo phía nào. Hãy tỉnh táo để nhận biết tình trạng tâm linh của mình đang ra sao. Nếu ai dễ gây gổ và bất mãn về những điều nhỏ nhặt, thì người ấy vẫn còn bị tính xác thịt điều khiển. Nếu không còn chút dấu vết của tính tình ấy trong đời sống chúng ta, thì ta biết mình đang được thánh hoá.

Nếu Đức Thánh Linh dò thấy lòng chúng ta đang sai trật, Ngài không bắt chúng ta phải chấn chỉnh. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta chấp nhận ánh sáng của sự thật đang soi rọi vào nan đề đó, nghĩa là chấp nhận mình sai, thưa với Ngài rằng con đã phạm tội, thì Ngài sẽ biến đổi nó, chấn chỉnh cái sai trật và thiết lập cái đúng, tức là dạy ta phải làm điều gì theo ý Ngài.

Sự khác nhau giữa con cái của sự sáng với con cái của thế giới tối tăm thể hiện ở điểm nầy. Con cái của sự sáng sẽ xưng tội ngay lập tức và phơi trải lòng mình ra trước mặt Chúa. Còn con cái của thế giới tối tăm sẽ biện hộ, biện minh cho hành động của mình.

Cho nên, để khỏi bị sa vào cảnh ngộ của người bị che khuất khỏi điều làm cho mình hưởng sự bình an của Chúa, thì hãy làm con cái của sự sáng, xưng tội khi Đức Thánh Linh soi rọi và cáo trách những lỗi lầm của chúng ta.

Hiện nay chúng ta đang ở vào những ngày cuối của thời tận thế. Những biến cố có tính cách toàn cầu và vũ trụ đang tuần tự diễn ra. Trong tuần đầu tiên của tháng Tư, 2014, đã có 1,700 trận động đất lớn nhỏ diễn ra trên khắp thế giới, là điều mà Đức Chúa Giêxu đã phán trước (Ma-thi-ơ 24:7).

MS John Hagee ở San Antonio, TX, vừa nói về hiện tượng nguyệt thực toàn phần khiến mặt trăng có màu đỏ 4 lần liên tiếp sẽ diễn ra lần đầu vào ngày 4/15/14 và lần chót vào ngày 28/9/15; chúng trùng vào các ngày lễ Vượt-qua và lễ Lều-tạm của hai năm sắp tới. Ông dự đoán sẽ có các biến cố xảy ra làm rúng chuyển thế giới.

Hãy sống với đức tin vững vàng để Chúa cứ luôn hiện diện giữa chúng ta với sự bình an của Ngài, chứng tỏ bằng quyền phép chữa bệnh và trừ quỷ (Mathiơ 12:28) qua con dân Ngài trong Hội-thánh.

Hãy mạnh mẽ và tin vào sự thành tín của Chúa chúng ta.

VanDeQuanTrong27.docx

Rev. Dr. CTB