Chúa Nhật, November 24th, 2013

Các Vấn Đề Quan Trọng, 08

Công Vụ 26:17–18

Việc tin Đức Chúa Giêxu là Chúa Cứu Thế, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã xuống thế gian để chết đền tội thay cho nhân loại trong đó có chúng ta, thì không phải là điều quá khó tin. Lòng tin theo đạo để hưởng các phước lành và sự thịnh vượng cho đời mình cũng không khó lắm. Việc tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng đầy lòng yêu thương và sẵn sàng tha tội cho chúng ta, thì vẫn được thường xuyên rao giảng. Hầu hết người nghe đều chấp nhận ý tưởng đó cách dễ dàng mà ít khi suy xét một cách tận tường về điều mình nghe giảng hoặc những điều mình tin. Tình trạng ấy dẫn tới một kết quả xấu cho Hội-thánh chung. Vì Đức Chúa Trời từng phán: “Dân Ta bị tiêu diệt vì thiếu hiểu biết” (Ô-sê 4:6); nhất là thiếu hiểu biết về các giáo lý cực kỳ quan trọng mà rất nhiều tín hữu nghĩ rằng họ đã hiểu hết rồi. Thật ra, đã có các quan điểm rất sai lạc về Đức Chúa Trời.

Lúc chúng ta suy nghiệm về bản tính cực thánh của Đức Chúa Trời, thì sẽ nẩy sinh một câu hỏi khó! Nếu Đấng cực thánh không bao giờ chấp nhận tội lỗi, lại chỉ vì tình yêu thương bao la của Ngài, sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi hết sức nhớp nhúa của loài người, không nỡ trừng phạt chúng sinh, thì Đức Chúa Trời đó có phải là toàn thánh như Ngài tự xưng không, hay là Ngài tự mâu thuẫn? Người ta thường suy diễn theo tâm lý riêng, hay quan niệm riêng về sự thánh khiết, rồi tưởng tượng hoặc gán cho Đức Chúa Trời cách xử sự theo lối suy diễn khiếm khuyết của mình; cũng xây dựng các giáo lý và sự giảng dạy trên nền tảng đó, không căn cứ trên lời Kinh-thánh là bức thư yêu thương mà Đức Chúa Trời mặc khải Ngài cho chúng ta được biết. Việc đó đã tạo nên nhiều loại tín hữu có nếp sống Cơ-đốc hâm hẩm và hoàn toàn không kết quả.

Khi nào chúng ta chịu khó tìm hiểu và suy gẫm để có một sự hiểu biết khá rõ ràng về những tính cách toàn hảo của Đức Chúa Trời, thì chắc chắn tâm linh chúng ta sẽ được gần gũi với Ngài hơn, và con người bề trong của chúng ta sẽ ngày càng tiến lên những trình độ cao hơn. Chúng ta đã nhận ra rằng nền móng để có một đức tin vững chắc làm chìa khoá mở các nhà kho chứa sự thịnh vượng của chúng ta, trước hết là phải nhận được một tâm linh đã được tạo nên mới. Chúng ta cũng đã biết rằng sự tái sinh chỉ có thể được thực hiện sau khi mọi tội lỗi chúng ta được tha thứ. Mà sự tha thứ từ Chúa sẽ ban cho khi chúng ta biết ăn năn nhìn nhận các tội lỗi của mình đã phạm, bởi sự cáo trách của Đức Thánh Linh trong lòng chúng ta.

Tuy nhiên, theo TS Oswald Chambers, thì rất ít tín hữu có sự hiểu biết sâu nhiệm về sự cáo trách tội lỗi. Tất cả chúng ta đều có thể đã kinh nghiệm được sự bất an trong lòng khi phạm pháp hay một lỗi lầm chi đó. Nhưng sự cáo trách tội lỗi bởi Đức Thánh Linh sẽ khiến chúng ta nhận ra mình phải chịu trách nhiệm trước một Đức Chúa Trời mà thôi: “Con đã phạm tội với Chúa, chỉ với một mình Chúa thôi, và làm điều ác dưới mắt Chúa” (Thi-thiên 51:4). Và nếu chúng ta học biết bản tính của Đức Chúa Trời, thì biết rõ rằng Ngài không thể vì tình yêu thương mà tha tội cho chúng ta lại vẫn duy trì được bản chất hoàn toàn công chính của Ngài mà không bị tổn hại gì hết. Nếu Ngài cứ tha thứ như vậy mà không cần một sự đền tội nào, thì Chúa đã tự huỷ bỏ đức công chính của mình. Các tạo vật trong vũ trụ sẽ không còn tôn trọng hay kính mến Ngài nữa.

Nhưng Chúa đã tha tội cho loài người. Đó là một thực tế đã hoàn thành. Tuy nhiên, để có thể tha thứ tội lỗi, Đức Chúa Trời đã phải chịu sự đau khổ tan nát lòng trong cái chết đền tội cho thế gian của Con Ngài là Đức Chúa Giêxu Christ. Đúng thế! Chỉ có cái chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu mới mở lối cho Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi chúng ta mà đức công chính của Ngài không bị tổn hại chút nào. Phép lạ vĩ đại của ân sủng Đức Chúa Trời là Ngài có thể tha thứ tội lỗi, và sự chết hi sinh của Đức Chúa Giêxu đã tạo điều kiện cho Đấng Tối Cao có thể tha thứ tội lỗi nhưng vẫn duy trì được bản chất công chính cực thánh của Ngài. Vì vậy, đừng ai trong chúng ta tin hay hiểu một cách ngốc nghếch rằng vì Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương nên sẽ tha tội cho chúng ta. Không ai đã thực sự bị cáo trách về tội lỗi bởi Đức Thánh Linh còn dám nói như thế.

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời phải phô bày qua cái chết hi sinh đền tội của Đức Chúa Giêxu Christ trên thập tự giá ở đồi Sọ năm xưa, không có cách nào khác! Vì nền tảng tha tội duy nhất mà Đức Chúa Trời căn cứ trên đó để có thể tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta mà vẫn duy trì công lý thiên đàng và đức công chính của Ngài, là sự chết đền tội đau đớn của Đức Chúa Giêxu, Con Ngài. Vì “theo luật pháp, … không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22). Đấng Tạo Hoá đã phải chịu đau khổ tột cùng bởi sự chết đau đớn và nhục nhã của Con Thánh vô tội, để các thuộc tánh yêu thương, thánh khiết và công chính của Ngài được hoàn toàn thoả mãn. Bất cứ một sự giảng dạy nào tẻ tách khỏi chân lý nầy đều bị sai trật trầm trọng, vì sự giảng dạy đó lạm dụng tình yêu thương của Chúa mà vô tình phỉ báng đức công chính và thánh khiết của Ngài.

Chúng ta hãy hết sức cẩn thận với các thứ giáo lý hay lập luận hời hợt của loài người. Bởi vì ngày nay có những người cho rằng vì Cha trên trời của chúng ta là vô cùng yêu thương; cho nên, chắc chắn Ngài sẽ tha tội, do Ngài biết rõ sự yếu đuối của loài người. Lập luận đó không thể tìm thấy trong Kinh-thánh Tân-ước. Người ta rất dễ chấp nhận sự tha tội, nhưng chưa bao giờ hiểu nổi cái giá tột đỉnh mà Đức Chúa Trời phải trả để chuộc chúng ta khỏi sự trừng phạt nơi hoả ngục. Tha tội là một phép lạ thiên thượng của ân sủng Đức Chúa Trời. Để có thể tha tội mà vẫn là một Đức Chúa trời thánh khiết, cái giá đền tội phải được trả bằng cách chi đó. Chúa đã chọn hi sinh Ngôi Lời Nhập Thể, tức là chính trí tuệ và sự khôn ngoan của Ngài, để tha tội cho chúng ta.

Chân lý của Đức Chúa Trời được mặc khải qua chương trình cứu độ nhân loại tuyệt vời của Ngài là: Không có sự chuộc tội, Ngài không thể tha thứ tội lỗi chúng ta đã phạm. Đức Chúa Trời chỉ có thể thực hiện sự tha tội bằng biện pháp siêu nhiên. Phép lạ của sự cứu chuộc là Đức Chúa Trời đã chuyển chúng ta, những kẻ bất khiết, vào tiêu chuẩn của Ngài, Đấng Chí Thánh. Ngài thực hiện điều đó bằng cách đặt trong chúng ta một bản chất mới, bản chất của Đức Chúa Giêxu Christ. Đem so sánh với phép lạ của sự tha tội thì kinh nghiệm về sự thánh hoá chỉ là việc nhỏ. Bởi vì thánh hoá chỉ là sự diễn đạt tuyệt diệu hay là bằng chứng của sự được tha thứ tội lỗi trong đời sống nhân loại. Hễ khi nào chúng ta nhận thức được tất cả sự đau đớn của cái giá mà Đức Chúa Trời phải trả để Ngài tha tội cho chúng ta, thì chúng ta mới biết công ơn vô giá đó.

Lòng biết ơn dẫn tới tình yêu thương đối với Đấng đã yêu chúng ta đến thế. Lòng kính mến và ngưỡng mộ ấy dẫn chúng ta vào mối tương giao thân thiết với Ngài. Rồi trong những giờ trò chuyện tương giao gần gũi với Đấng yêu thương sẽ tạo nên trong lòng chúng ta đức tin của Con Đức Chúa Trời, loại đức tin phải có để mở toang các cửa kho của đời sống thịnh vượng. Không những chúng ta phải hiểu biết mọi điều nầy, mà phải kinh nghiệm chúng trong đời sống tâm linh. Tất cả đều khởi đầu bằng nền tảng của sự tha tội từ Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Giêxu Christ thực hiện qua cái chết hi sinh cao quý, sự kiện có một không hai đối với tri thức chúng ta. Bởi lý do đó, “Đức Chúa Giêxu … được đội mão triều vinh quang và tôn trọng vì sự chết mà Ngài đã chịu” (Hê-bơ-rơ 2:9).

Nền tảng để chúng ta được Đức Chúa Trời tha tội, hoặc nói theo cách nhìn của thiên đàng thì là, nền tảng Đức Chúa Trời dựa vào đó để tha tội cho chúng ta mà không vi phạm nguyên tắc cực thánh và công nghĩa của Ngài, là sự chết của Đức Chúa Giêxu Christ bị treo trên thập tự giá, cái chết của một người bị nguyền rủa (Ga-la-ti 3:13). Mọi ơn phước vật chất từ Đức Chúa Trời cho đời sống thể xác, sự nhận lãnh Đức Thánh Linh và mọi ơn phước thuộc linh mà chúng ta được quyền vui hưởng, đều bắt đầu từ nền tảng tha tội của Đức Chúa Trời. Hãy hiểu và suy gẫm ân sủng của Đức Chúa Trời với lòng biết ơn vô hạn. Vì đó là căn bản của mọi sự thịnh vượng.

VanDeQuanTrong08.docx

Rev. Dr. CTB