Chúa Nhật, September 15th, 2013

Các Vấn Đề Quan Trọng, 02


Gia-cơ 3:8–12

Các lời nguyền rủa lịch sử và nguyền rủa hiện thời có nghĩa là Đức Chúa Trời công bố tai hoạ cho người vi phạm luật Ngài, còn các lời nguyền rủa cá nhân là loài người rủa sả nhau. Nói cách chính xác thì loạt bài nghiên cứu nầy sẽ chỉ đề cập tới vấn đề nguyền rủa cá nhân giữa các Cơ-đốc-nhân với nhau mà thôi. Vậy, nguyền rủa cá nhân hay sự rủa sả Cơ-đốc-nhân là gì? Trước hết, có ba vấn đề nổi lên về ý nghĩa và tính không chính đáng của loại nguyền rủa nầy:

 

1. Lời nguyền rủa cá nhân là một toan tính có ý thức và cố ý cầu khẩn quyền lực cao từ linh giới chống lại một cá nhân và muốn người đó bị tai hoạ hay bị diệt mất.

 

2. Lời nguyền rủa cá nhân không tiêu biểu cho Đức Chúa Trời của Kinh-thánh hoặc sự phán xét công chính của Ngài. Nó không bao giờ là lời tuyên bố về những sự phán xét chính trực của Đức Chúa Trời chống lại một cá nhân nào. Trái lại, nó bộc lộ bản chất xấu ác của lòng người trong sự toan tính của nó, định sử dụng quyền năng thuộc linh một cách sai trật, mạo danh Chúa chống lại người khác vì các mục đích vị kỷ, nhưng không được Đức Chúa Trời cộng tác.

 

3. Một lời nguyền rủa cá nhân ‘chính đáng’ chẳng bao giờ hiện hữu, đặc biệt là giữa các Cơ-đốc-nhân với nhau. Dù cho chúng ta tin lẽ phải thuộc về mình đến bao nhiêu, hay viện đủ lý do biện minh cho sự kết án, hoặc mình đã bị xúc phạm đến mức độ nào đi nữa, nếu chúng ta trả đũa hành động sai trật bằng một lời rủa, một ước mong người đó bị tai hoạ, thì chúng ta đã phạm tội. Bởi vì mỗi khi mở miệng nói lời không thiện hảo, là đã phạm tội. Đức Chúa Giêxu từng dạy các môn đồ Ngài là: “Chúc phước cho người nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình” (Luca 6:28). Không có ngoại lệ nào cho luật nầy. Nghĩa là bằng mọi giá phải tránh không nguyền rủa ai.

 

Điều đáng buồn là rất nhiều tín hữu vẫn thường nguyền rủa nhau mà không biết mình đã làm điều không được phép làm. Những lời nguyền rủa cá nhân giữa các tín hữu với nhau ẩn nấp dưới hai hình thức: a) Hình thức thứ nhất tạm gọi là ‘tà thuật,’ nghĩa là lôi kéo, gây ảnh hưởng và điều khiển mặt tâm linh của tín hữu khác. b) Hình thức thứ hai là cắn nuốt nhau. Kinh-thánh đã nói rõ về các việc nầy. Nguyên nhân của nó luôn bắt đầu từ tánh xác thịt; các thế lực tối tăm sẽ lợi dụng tâm trạng và những toan tính đen tối của lòng người để chen quyền lực sự chết của nó vào sự bất hoà, xúi giục tín hữu nầy chống nghịch tín hữu kia. Ma quỷ không cần biết phía nào sẽ nói ra lời nguyền rủa. Nó chỉ cần một phía sử dụng lời nguyển rủa để phục vụ mục đích của nó là đủ.

 

Sứ đồ Phaolô khuyên tín hữu Galati: “Nếu anh em cắn nuốt nhau, hãy coi chừng kẻo anh em tiêu diệt nhau” (Galati 5:15). Sứ đồ Gia-cơ, em trai một mẹ về phần xác của Đức Chúa Giêxu, viết về sự hiểm nguy của cái lưỡi: “Không ai chế ngự được cái lưỡi, một vật xấu xa không sao kiểm soát được, đầy dẫy những chất độc chết người. Chúng ta dùng lưỡi để chúc tụng Chúa, Cha chúng ta, và cũng dùng nó để nguyền rủa loài người…Từ một miệng mà ra cả sự chúc tụng lẫn nguyền rủa sao? Thưa anh em của tôi, đừng như vậy. Dòng suối xuất phát từ một mạch lại có thể chảy ra cả nước ngọt lẫn nước đắng được sao? … Dòng nước mặn cũng không thể chảy ra nước ngọt được” (Giacơ 3:8–12).

 

Khi đọc Lời Chúa nói về những tội ác xấu xa của cái lưỡi, ai cũng phải công nhận rằng Kinh thánh nói chẳng sai. Thế nhưng nhiều tín hữu vẫn để cho kẻ thù của chúng ta, là ma quỷ, sử dụng cái lưỡi của họ gây ra biết bao thiệt hại cho Vương-quốc của Đức Chúa Trời. Vì “cái lưỡi là một ngọn lửa, một thế giới tội ác” (Giacơ 3:6). Khi nói ra lời chúc phước hay nguyền rủa, cái lưỡi mở đường cho một trong hai quyền ở cõi linh. Hoặc là quyền năng của Đức Chúa Trời hoặc là quyền lực của âm phủ. Cái lưỡi giống như một cái chìa khoá có thể mở một trong hai thế giới – thế giới của Ánh sáng hay thế giới tối tăm. Như vậy cái lưỡi có thể hoặc là khai phóng ơn phước hoặc thả sự nguyền rủa ra; hoặc mở ra điều thiện hay buông ra điều ác; hoặc đưa đến sự sống hoặc nhả ra sự chết; hoặc đem đến sự chữa lành hay đem thêm sự tổn thương; hoặc mở đường cho thiên sứ, là sứ giả của ơn phước, hay mở cửa cho các thứ quỷ, là sứ giả của sự nguyền rủa tới.

 

Cái lưỡi có tiềm năng làm những việc lớn lao cho Đức Chúa Trời hay góp công cho ma quỷ. Cái lưỡi nói lời tốt hay xấu tuỳ thuộc vào tình trạng lòng của chúng ta. Cái lưỡi và lòng người đi đôi với nhau, không thể tách rời. Nếu lòng chúng ta ngay thẳng, lời nói sẽ chính trực; nhưng nếu tấm lòng chúng ta là xấu ác, thì lời nói cũng xấu xa như tấm lòng vậy. Như thế, Phaolô và Giacơ đều biết rõ những hậu quả thảm khốc của việc anh chị em tín hữu cắn nuốt nhau. Quái đản nhất là phía nào cũng đều nhân danh Đức Chúa Giêxu để làm điều đó. Sứ đồ Phierơ khuyên: “Người nào chuộng cuộc sống, muốn thấy những ngày tốt đẹp, phải giữ gìn miệng lưỡi, đừng nói lời độc ác, gian ngoa” (1Phierơ 3:10). Cựu-ước dạy: “Sống chết do nơi quyền của lưỡi” (Châm-ngôn 18:21).

 

Đức Chúa Giêxu truyền cho các môn đồ được Ngài sai đi rằng việc đầu tiên họ phải làm, khi bước chân vào một nhà nào, là phải chúc bình an cho nhà đó. Nếu nhà ấy có ai đáng hưởng bình an, thì sự bình an trong môn đồ sẽ ở trên người đó; bằng không, sự bình an sẽ trở về với môn đồ nào đã chúc bình an (Luca 10:5). Như vậy, con cái của Chúa có khả năng siêu nhiên để chúc phước cho người khác. Điều đó là một ân tứ của Chúa ban. Ngược lại, tín hữu cũng có thể nguyền rủa nhau, vận dụng quyền lực huỷ phá để hạ nhau. Hầu hết chúng ta đều ít để ý tới mặt tiêu cực của cái lưỡi. Bởi vì nếu quyền năng thiên đàng được tuôn đổ khi chúng ta chúc phước, thì quyền lực của âm phủ cũng được thả ra khi ta nói những lời có tính cách nguyền rủa.

 

Đức Chúa Giêxu cũng đã dạy: “Người tốt do tích luỹ điều thiện nên sản sinh điều thiện; còn kẻ xấu do tích tụ điều ác nên sản sinh điều ác. …. Vì bởi lời nói, ngươi sẽ được xưng công chính; cũng bởi lời nói, ngươi sẽ bị định tội(Mathiơ 12:35, 37). Lời nói của Cơ-đốc-nhân sẽ đem đến sự sống hay sự chết, thiện hay ác, chúc phước hay nguyền rủa. Bởi vì không lời nói nào được xem là trung lập cả. Như vậy, thật ra lời nguyền rủa của các Cơ-đốc-nhân là gì? Những loại suy nghĩ hay toan tính nào sẽ bị xem như các lời nguyền rủa? Nguyền rủa là quyết chí muốn một ai đó sẽ bị thiệt hại hay bị phá huỷ phương diện nào của người bị nhắm tới. Cầu nguyện chống lại, nghịch một ai đó mà không dựa trên nền tảng công nghĩa nào, hay ước mong người đó bị điều xấu, thiệt hại, tức là “nguyền rủa” người ấy. Một sự nguyền rủa không xảy ra do tình cờ. Nó là một việc có hoạch định, tính toán và âm mưu; nhất là những lời vu khống để ly gián những người khác.

 

Nguyền rủa luôn luôn có sự suy tính trước, nó không phải là các hành vi bất chợt, vô can của chúng ta. Nguyền rủa là kết cục đầy thủ đoạn và âm mưu của một loạt thái độ, lời nói và hành vi tội lỗi. Để nguyền rủa ai đó thì phải có các nỗ lực thật sự, lòng mong muốn, quyết tâm và cần sức mạnh của ý chí kèm theo nữa. Kinh-thánh không bao giờ xem nguyền rủa là vô hại hay vặt vãnh, nhưng xem nó là một điều đầy xấu xa, đáng bị đoán phạt. Kinh-thánh cũng không kể nguyền rủa chỉ là những việc của lịch sử đã qua, hoặc không còn thích hợp cho kinh nghiệm tín hữu bây giờ.

 

Sẽ có người quan niệm theo thời nay rằng ảnh hưởng, hậu quả hay quyền lực của lời nguyền rủa chỉ là sự mê tín của thời xưa, chứ không có chút giá trị gì trong thời đại khoa học tân tiến văn minh. Họ có thể miễn cưỡng chấp nhận các sự kiện đã xảy ra trong Kinh-thánh do hệ quả lời rủa sả của Giôsuê đối với thành Giêricô (Giôsuê 6:26; 1Vua 16:34), chứ không chấp nhận nó áp dụng cho thời nay nữa. Thế nhưng, Kinh-thánh không bao giờ nói như vậy. Kinh-thánh không giảm nhẹ ảnh hưởng của lời nguyền rủa, hay dạy rằng nó sẽ biến mất dần theo thời gian. Kinh-thánh quả quyết những lời nguyền rủa là rất thật. Chúng có thật từ hàng ngàn năm trước, chúng vẫn rất thật ngày nay y như ngày xưa vậy. Hễ khi nào chúng ta chạm vào thực tế của người bị rủa sả bởi anh chị em tín hữu của mình, thì sẽ biết chúng thật đến mức nào.

VanDeQuanTrong02.docx  (Sách tham khảo: Breaking Christian Curses, của Dennis Cramer)

Rev. Dr. CTB