Chúa Nhật, September 8th, 2013
Các Vấn Đề Quan Trọng, 01
Sáng Thế Ký 3:14–19
Mỗi con sông đều cần có hai bên bờ để giữ nước chỉ chảy trong dòng sông giữa hai bờ. Nếu nước từ nguồn chảy xuống mà không có bờ làm giới hạn thì nó sẽ chảy tràn lan tới mọi chỗ thấp. Trong đời sống đức tin của chúng ta, sự hiểu biết cặn kẽ những vấn đề quan trọng về tâm linh sẽ giúp chúng ta đi đúng hướng, giống như hai bờ của dòng sông. Chúng ta chẳng sống kiểu không mục đích, mà biết rõ con đường mình đi, hiểu biết những điều vô cùng ích lợi mà người thế gian không thể biết, hoặc chỉ biết cách mù mờ. Mỗi người chúng ta được Đức Chúa Trời ban cho một thiên mệnh về đời sống con người trên thế gian nhắm tới mục đích vĩnh cửu trên trời. Vì thế cho nên, điều quan trọng là ở đời chúng ta phải biết cách sống sao cho có thể đạt đến đích của thiên mệnh ấy một cách suôn sẻ và ích lợi nhất cho chính mình, Hội-thánh và Vương-quốc của Chúa.
Đại đa số tín hữu cũng như người đời không biết rằng quyền năng của sự sống và quyền lực của sự chết nằm trên lưỡi chúng ta. Vì lý do đó, người trong Hội-thánh rất thờ ơ và dễ dãi đối với những lời nói xấu vô tội vạ đầy tính cách vu khống, gièm xiểm, phao tin đồn thất thiệt, mách lẻo, và hạ danh giá những anh chị em của mình trong cùng một Hội-thánh địa phương. Thậm chí các lời cầu nguyện không phải để xin Chúa ban phước cho anh chị em, nhưng lại ngụ ý chĩa sự công kích tới người mình không ưa. Vấn nạn nầy tràn lan giống như cơn lụt do nước sông tràn bờ chảy lung tung, không bị giới hạn và gây ra biết bao thiệt hại tàn phá. Có một mục sư đã đau khổ đoán rằng, có lẽ Đức Chúa Trời chưa thể đem vô số người chưa tin vào Hội-thánh cho tới khi nào mọi Co-đốc-nhân biết thật-lòng cầu thay cho nhau thay vì nhắm đánh phá nhau.
Có khả năng moi lỗi lầm của người khác không phải là một ân tứ thuộc linh như nhiều người lầm tưởng, vì người không có Chúa vẫn dư sức thấy sự thiếu sót trong người khác. Mục đích của Đức Chúa Trời không phải là chỉ giúp chúng ta thấy cái sai, nhưng là giúp cho chúng ta được trang bị khả năng tâm linh để chấn chỉnh mọi việc cho đúng. Vì vậy, chúng ta cần phải học biết các vấn đề rất thông thường dễ bị bỏ qua, nhưng vô cùng tai hại cho linh hồn mình cũng như Hội-thánh của Chúa. Cả Kinh-thánh Cựu-ước lẫn Tân-ước đều đề cập tới vấn đề nguyền rủa. Chính Đức Chúa Giêxu đã nói đến thực tế nầy (Mathiơ 25:41; Luca 6:28). Hiện nay, con cái Chúa khắp nơi đang khốn khổ vì hiệu ứng của những sự nguyền rủa. Đúng thế, Cơ-đốc-nhân có thể bị nguyền rủa, và ngược lại, có thể nguyền rủa người khác, kể cả anh chị em tín hữu của mình.
Có những lời nói trên toà giảng nhằm trả đũa các lời nói mình không đồng ý. Những người bị tổn thương khó có thể san sẻ sự sống, sự bình an, lòng vui mừng, sự tha thứ, sự hoà thuận, hay sự trọn lành, nếu chính người ấy không có những điều vừa nói. Bài học nầy sẽ vô cùng ích lợi cả cho người trình bày lẫn người nghe, bởi vì tất cả đều được học và nhận ra rất nhiều điều mình vô tình phạm phải do chưa biết rõ ràng về sự nguyền rủa mà Kinh-thánh nói đến. Nguyền rủa không phải là lời nói tục tĩu. Những lời chửi mắng, thoá mạ dù có thô tục, dơ bẩn đến đâu cũng chưa kể là lời nguyền rủa thật sự. Không có một quyền lực siêu nhiên hay sự ác nội tại nào trong các lời nói tục tĩu. Chúng ta thì không bao giờ nên nói tục và tránh chúng bằng mọi giá. Cũng không nên hiểu sự nguyền rủa theo tính cách mê tín. Bởi lẽ sự mê tín không dựa trên căn bản có thật.
Vì ‘nguyền rủa’ là một sự kiện có thật ghi trong Kinh-thánh, thế thì, ‘nguyền rủa’ là gì? Chữ nầy được từ điển định nghĩa là ‘lời cầu xin với một quyền lực siêu nhiên để tai hoạ hay khốn khó giáng trên người hoặc vật nào đó.’ Nó cũng có nghĩa là lên án, buộc tội, vu khống người bị ganh ghét. Nguyền rủa là hiểm độc, thù hận, thù ghét, nham hiểm, căm ghét, ganh tị, đồi bại, thù địch, và xấu xa. Nó chứa đựng sự đe doạ, làm hại, quấy rối tâm linh, trí não và thân thể của người bị rủa. Từ xưa, nhiều dân tộc, kể cả trong Kinh-thánh, chấp nhận sự chúc phước lẫn nguyền rủa.
Lời Chúa trong Kinh-thánh nói gì về sự nguyền rủa? Nếu trong Kinh-thánh nói tới thì nó là gì? Ngay trong 4 chương đầu của sách Sáng Thế Ký đã ghi lại những lời nguyền rủa quan trọng:
– Satan bị rủa vì đã lừa dối loài người (Sáng Thế 3:14–15)
– Ê-va và A-đam bị rủa do hành động bất tuân của mình (Sáng Thế 3:16–19)
– Ca-in bị rủa vì đã giết em mình là A-bên (Sáng Thế 4:11–12)
Nguyền rủa trong Cựu-ước có nghĩa là phỉ báng, chê bai, ghê tởm, ghét bỏ, lên án, và khinh bỉ. Hy-văn trong Tân-ước cũng có nghĩa tương tự như thế. Kinh-thánh và các nhân vật chính của Kinh-thánh quan niệm sự nguyền rủa là rất thật và là một thực tế nguy hiểm. Nếu như thế thì bây giờ chúng ta phải hiểu về sự nguyền rủa ra sao? Nó có bớt nguy hại hoặc bớt thật hơn ngày trước chút nào chăng? Dù xã hội ngày nay đã tân tiến văn minh rất nhiều so với thời xưa, nhưng dường như Kinh-thánh vẫn hỗ trợ ý tưởng về sự hiện hữu tiềm tàng của các sự nguyền rủa tân thời, vì lý do rất đơn giản là: Nếu sự xấu ác vẫn còn có, thì những sự nguyền rủa vẫn tồn tại. Kinh-thánh có nói tới ba loại nguyền rủa: Nguyền rủa lịch sử, nguyền rủa hiện thời, và nguyền rủa cá nhân.
Nguyền rủa lịch sử xảy ra khi Đức Chúa Trời phạt một người nào đó (trong lịch sử), vào một thời điểm (lịch sử) cụ thể, do một tội lỗi (lịch sử) cụ thể. Nhiều lời nguyền rủa trong Kinh-thánh chỉ giới hạn trong bối cảnh cụ thể của lịch sử; khi thời hạn đó qua đi, các sự nguyền rủa ấy không còn hiệu lực nữa. Ví dụ như trường hợp Ca-in bị Đức Chúa Trời nguyền rủa, khi ông đã chết thì sự rủa sả của đời ông trở nên hết hiệu lực. Lời nguyền rủa nầy chỉ áp dụng cho một khoảng thời gian lịch sử nhất định, và chỉ áp dụng cho một nhân vật Kinh-thánh cá biệt, là Ca-in. Như thế, lời nguyền rủa lịch sử giáng trên nhân vật bị rủa. Khi nhân vật đó chết, lời nguyền rủa chấm dứt. Nó không còn ý nghĩa ứng dụng riêng, trực tiếp nào cho thời nay.
Nguyền rủa hiện thời là bất cứ sự nguyền rủa nào vẫn có hiệu lực giữa Đức Chúa Trời và loài người. Khác với loại trên, sự áp dụng của nguyền rủa hiện thời là rộng và phổ quát. Nó sẽ không thể bị huỷ bỏ dù tội đã phạm hàng ngàn năm trước và Đức Chúa Trời đã bắt đầu thực hiện từ thời ấy. Nó cũng không phải chỉ là có tính cách tượng trưng. Có hai lời nguyền rủa hiện thời đáng cho chúng ta suy gẫm, vì chúng rất rõ ràng. Giống như tất cả các lời nguyền rủa hiện thời, hai sự rủa sả nầy ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta ngày nay. Tuy khác nhau nhưng có cùng lời cảnh cáo:
1) Dân tộc Israel: Đức Chúa Trời có phán với Áp-ra-ham: “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước con, nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa con” (Sáng Thế 12:3). Lời hứa ban phước của Chúa trên dân tộc Israel, là hậu tự của Áp-ra-ham từ người con của lời hứa của Chúa, chưa bao giờ huỷ bỏ. Hàng ngàn năm đã trôi qua, lời hứa ban phước đó vẫn còn hiệu lực. Cũng vậy, bất cứ người nào nguyền rủa Israel sẽ bị Đức Chúa Trời nguyền rủa. Phần lời thề đó của Chúa đối với Áp-ra-ham cho đến ngày nay vẫn còn hiệu lực và vẫn có sức mạnh như ngày đầu Chúa phán lời ấy.
2) Việc nộp một phần mười: Kinh-thánh nói rằng nếu chúng ta không tôn trọng Chúa về mặt tiền bạc, thì sẽ bị nguyền rủa bởi một lời rủa sả: “Người ta có thể ăn trộm Đức Chúa Trời được sao? Thế mà các con ăn trộm Ta! … Các con đã ăn trộm một phần mười và tế lễ phải dâng. Các con bị nguyền rủa vì tất cả các con, cả nước, đều ăn trộm Ta” (Malachi 3:8–9). Lời Chúa ở đây rõ ràng: Hãy nộp phần Chúa định và nhận ơn phước Chúa ban. Chểnh mảng không nộp hay không dâng hiến, thì bị ở dưới sự nguyền rủa của Ngài. Nếu lời hứa ban phước của Chúa vẫn còn có hiệu lực cho chúng ta ngày nay trên mọi sự dâng hiến vì lòng yêu mến Chúa, thì lời nguyền rủa về sự gian lận của chúng ta về một phần mười phải nộp cho Chúa, cũng vẫn có hiệu lực y nguyên như hàng ngàn năm trước vậy.
Chúng ta được ban phước hay bị nguyền rủa là tuỳ theo sự đáp ứng của chúng ta. Sự nguyền rủa hiện thời áp dụng theo đời sống ngày nay của chúng ta. Ơn phước hay nguyền rủa do ta chọn. (kỳ sau sẽ bàn tới nguyền rủa cá nhân).
VanDeQuanTrong01.docx (Sách tham khảo: Breaking Christian Curses, của Dennis Cramer)
Rev. Dr. CTB