Chúa Nhật, December 29th, 2013

Các Vấn Đề Quan Trọng, 12

2Côrinhtô 3:7–18

Tạ ơn Đức Chúa Trời đã đem chúng ta sang một giai đoạn mới. Trước đây không lâu, những lời tiên tri Chúa phán qua môi miệng các đầy tớ Ngài về tương lai gần và xa của Hội-thánh nầy, mà hầu hết chúng ta đều nghe, bây giờ đã được ứng nghiệm gần hết; như vậy, những lời tiên tri còn lại cũng sẽ thành tựu. Thời gian nào chúng sẽ ứng nghiệm hết, thì thuộc về chương trình của Chúa. Phần của chúng ta là trung tín làm theo các lời dạy dỗ và những dấu hiệu mà Chúa đã cho chúng ta thấy. Ai cũng muốn thấy kết quả là nhiều người thân quen với mình bằng lòng tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa. Bởi vì thêm nhiều người tin Chúa thì Hội-thánh mới tăng trưởng đúng mức Chúa mong muốn. Đồng thời qua vài lần thử áp dụng cách thức mới về giới thiệu Tin mừng cho người thân và bạn bè chưa tin Chúa, chúng ta thấy họ sẵn lòng nhận lời mời trở lại tham dự các buổi sinh hoạt cách đông đảo, chúng ta tin rằng mình đang làm đúng ý muốn của Chúa trên mặt trận truyền giáo. Chúng ta cứ giới thiệu, còn chính Ngài sẽ thuyết phục lòng tội nhân tin Ngài.

Phần của chúng ta là tiếp tục tăng trưởng trong đời sống đức tin và lòng hiểu biết Chúa, sống làm gương sáng để những người quen với chúng ta được Đức Thánh Linh thuyết phục khi họ xét thấy cách sống của chúng ta phản chiếu được những tính cách cao quý tuyệt đỉnh của Đức Chúa Trời, khác hẳn với vô số tính chất xấu xa mà người trần gian vẫn hành xử mỗi ngày. Vấn đề nầy mặc dù không dễ dàng, nhưng không phải là không làm được. Mấu chốt của bí quyết sống đạo thành công, tức là tính chất cao quý nhất mà một tín hữu có thể phô bày, là hoàn toàn thành thật mở lòng mình ra trước mặt Chúa để được Ngài biến đổi thành tấm gương phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời cho nhiều người khác thấy; mà không cần nỗ lực cách vất vả. Mở lòng ra tức là không che giấu con người bên trong, trình bày cho Chúa thấy và xin Ngài thay đổi, không còn lưu tâm tới những điều vụn vặt, tầm thường, hèn kém của tâm lý mê tham vật chất nữa.

Thảm trạng của một số người là vẫn nghĩ rằng có thể che giấu được con người thật của mình trước mặt Chúa, vì tưởng đã có thể qua mặt được anh chị em trong Hội-thánh. Những cá nhân ấy hãy xưng tội với Chúa, ăn năn từ bỏ lòng mê tham vật chất thấp hèn, chịu áp dụng các giáo huấn của Kinh-thánh và lắng nghe lời khuyên nài kiên nhẫn của người lãnh đạo tâm linh mình. Bởi vì những cơ hội đã qua sẽ không bao giờ trở lại. Hãy tận dụng các cơ hội tuyệt vời Chúa đang hành động trên Hội-thánh hiện nay để nhận được ích lợi cho chính linh hồn mình. Bởi vì mỗi chúng ta đều bị đòi hỏi phải làm gương phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời cho thế gian thấy. Làm sao chúng ta phản chiếu vinh quang Ngài nếu không chịu mở lòng ra? Người ta được thuyết phục khi họ thấy ánh sáng Đức Chúa Trời phản chiếu từ những cuộc đời đã được biến đổi. Vì họ có hi vọng họ cũng sẽ được biến đổi như vậy.

Sự biến đổi và phản chiếu diễn ra như thế nào? Khi Đức Thánh Linh vào lòng chúng ta thì Ngài biến đổi chúng ta, và bởi nhìn xem Chúa chúng ta trở thành các gương phản chiếu ánh sáng vinh quang Ngài. Không thể thiếu công tác của Đức Thánh Linh để tiến trình ấy có thể diễn ra, vì chức vụ của Ngài là đem sự công chính đến: “Nếu công vụ kết án mà đã vinh quang, thì chức vụ đem sự công chính đến phải vinh quang hơn nhiều. Vinh quang trước không còn rực rỡ nữa, vì vinh quang sau quá rực rỡ. Nếu cái tạm thời đã vinh quang, cái trường tồn phải vinh quang hơn nhiều” (2Côrinhtô 3:9–11). Đức Thánh Linh đem đến sự cáo trách tội lỗi để chúng ta biết ăn năn từ bỏ thói nết cũ. Nhờ đó chúng ta nhận được sự tha tội rồi được tái sinh. Ngay giờ phút ấy chúng ta được kể là công chính và có khả năng phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời. Nhưng một số đông tín hữu đã dừng lại điểm ấy, không tiến tới nữa. Vì họ không chịu dành thì giờ suy gẫm, tự nhắc nhở, ngưỡng vọng sự thánh khiết, công nghĩa và yêu thương của Đức Chúa Trời.

Vì thế nếp sống tâm linh bị ngưng trệ, còi cọc và suy nhược. Đức Thánh Linh ở trong lòng con dân Ngài để giúp đỡ chứ không ép buộc. Ngài ban năng lực cho những tấm lòng muốn tiến tới trên thiên trình, để những người ấy được tự do thoát khỏi các sự ràng buộc của thế gian thấp hèn. Chức vụ đem sự công chính đến là cực kỳ vinh quang (9), nhưng vinh quang ấy chỉ có thể được phản chiếu khi nào chúng ta nhận ra công tác của Đức Thánh Linh và cộng tác với Ngài về mọi phương diện mà Ngài chỉ dẫn. Sự phản chiếu vinh quang có nghĩa là gì? Nếu ai là người có Đức Thánh Linh thì sẽ có thể nhận ra người mình đang gặp vẫn thường chiêm ngưỡng, tức là suy gẫm, về vinh quang của Đức Chúa Trời; bởi vì tâm linh chúng ta cảm nhận được người ấy đang phản chiếu những tính cách đặc biệt của chính Đức Chúa Giêxu qua cách cư xử và nếp sống.

Tuy nhiên, chúng ta cần hết sức cẩn thận để không làm mờ hay hoen ố cái gương phản chiếu ấy trong lòng ta. Hầu như luôn luôn cái điều tốt nào đó làm mờ gương ấy. Bởi vì điều tốt thường ngăn trở hay che mờ cái tuyệt hảo. Một ví dụ cụ thể về chân lý nầy là: Sự bận rộn hầu việc Chúa hoặc vất vả lo chu toàn công việc của Hội-thánh là điều ai cũng biết là tốt. Nhưng nếu sự bận rộn ấy che mờ mất tấm lòng chúng ta tập trung vào Đức Chúa Trời, là điều tuyệt hảo, thì việc làm tốt đó sẽ làm mờ sự phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. Ngắm xem Chúa tức là để thì giờ tương giao thân mật riêng tư với Ngài. Mặc dù chúng ta không thấy bằng mắt thường, nhưng khi ta tương giao với Chúa là lúc ta đối diện trò chuyện với Ngài. Giống như mặt Môi-se phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời sau bốn mươi ngày đêm mặt đối mặt với Chúa, vinh quang của Chúa sẽ lưu lại trong tâm linh ta và phản chiếu qua tâm tính ta.

Kỷ luật quan trọng nhất mà chúng ta phải giữ là cố hết sức tập trung chú ý mở rộng đời sống mình trước mặt Chúa. Hãy dẹp mọi thứ khác qua một bên, kể cả công việc làm, áo quần, ăn uống và những điều làm bận tâm. Cứ giữ một vị thế ngắm xem Chúa. Chúng ta có thể bị người ta phê bình hay chỉ trích. Nhưng điều đó chẳng hề gì. Bởi vì điều quan trọng hơn hết là mối tương giao liên hệ giữa cá nhân ta với Đức Chúa Trời, chứ không phải ý nghĩ của người khác về mình là ra sao. Đời sống bận rộn là mối nguy hại làm xáo trộn mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa; nó cũng là một điều mình dễ dàng cho phép nó xảy ra. Nhưng chúng ta hãy cảnh giác chống lại nó. Bài học khó thực hiện nhất của nếp sống Cơ-đốc-nhân là học cách tiếp tục “để mặt trần, phản chiếu vinh quang Chúa như một tấm gương” (18), tức là không để cho sự bận rộn che khuất Chúa.

Hãy chú ý tới sự tự do mà Đức Thánh Linh đem tới sau khi giải thoát chúng ta khỏi các xích xiềng của tánh nết xấu xa, tội lỗi. Vì “Chúa là Thánh Linh, Thánh Linh Chúa ở đâu, nơi đó được tự do” (17). Chúng ta được tự do để mặt trần mà chiêm ngưỡng vinh quang Chúa như soi gương. Khi chúng ta chịu làm như vậy thì “được biến hoá giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang, nhờ Chúa là Thánh Linh” (18). Bí quyết để được biến hoá là thường xuyên suy gẫm, ngưỡng vọng sự thánh khiết, công nghĩa và yêu thương của Đức Chúa Trời. Suy gẫm về cách đối xử nhân từ của Ngài với chúng ta. Khi chúng ta lấy Ngài làm tấm gương để soi mình vào đó thì vinh quang của Chúa sẽ biến đổi chúng ta giống như hình ảnh Ngài.

Trước khi chấm dứt một giai đoạn cũ, bước vào một thời kỳ mới tươi đẹp và sáng sủa trước mắt, chúng ta hãy dùng lời khuyên dạy sau làm phương châm: “Và như thế, có vô số nhân chứng đang vây quanh chúng ta như một đám mây rất lớn, chúng ta hãy cất bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi cản trở, khiên nhẫn theo đuổi cuộc đua đã được bày ra trước mặt, chăm chú nhìn lên Đức Chúa Giêxu là khởi nguyên và kết thúc của đức tin, Đấng đã vì sự vui mừng đặt trước mặt, bền lòng chịu đựng thập tự giá, coi khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời. Vậy anh em hãy suy nghiệm về Đấng đã chịu đựng sự chống nghịch của những người tội lỗi như thế, để khỏi bị nản chí sờn lòng” (Hê-bơ-rơ:12:1–3). Hãy sống thờ kính và hầu việc Chúa cách nào đạt kết quả tốt nhất, Ngài được vinh quang nhất. Vì tình Ngài yêu thương chúng ta là quá vĩ đại.

VanDeQuanTrong12.docx

Rev. Dr. CTB