Chúa Nhật, December 8th, 2013

Các Vấn Đề Quan Trọng, 10

2Cô-rinh-tô 4:18

Mỗi con cái thật của Đức Chúa Trời đều đã được ban cho tất cả các ơn phước thuộc linh từ ‘các nơi trên trời,’ tức là linh giới (Ê-phê-sô 1:3). Nan đề của chúng ta ngày nay là làm sao biết và hưởng các ơn phước từ cõi linh ấy. Vì không biết, cũng không nhận thức những gì mình đang có; cho nên rất nhiều tín hữu sinh hoạt trong Hội-thánh theo tâm lý của người không có ơn gì hết, phải nương cậy trên các ân tứ thuộc linh của những người lãnh đạo Hội-thánh. Thay vì chỉ dẫn và giảng dạy cho anh chị em tín hữu biết cách khám phá và vận dụng những ơn phước họ đang có, một số người vì vô tình hay cố ý kềm giữ các tín hữu, tạo cho họ một tâm lý phải nương dựa vào giới lãnh đạo để nhận được các ơn phước vật chất hay thuộc linh, hoặc sự chữa lành thân thể. Cách thức ấy dễ dẫn tới tình trạng mê tín hay dị đoan trong tâm lý đa số giáo dân.

Tại sao chúng ta biết và tin rằng tất cả các ơn phước thiêng liêng hiện đang ở trong chúng ta và thuộc quyền sử dụng của chúng ta? Trước hết, đó là quà tặng hào phóng trọn-gói từ Đức Chúa Trời ban kèm món quà quý nhất, là Đức Chúa Giêxu, Con Ngài. Như có chép: “Đức Chúa Trời đã không tiếc chính Con Ngài, nhưng vì tất cả chúng ta mà giao nộp Con, lẽ nào Ngài chẳng ban tất cả mọi sự luôn với Con Ngài cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32). Thế thì, khi chúng ta tiếp nhận ơn cứu chuộc của Ngài với lòng chân thành, Thánh Linh của Đức Chúa Trời vào sống trong lòng chúng ta và đem theo tất cả các ơn phước đã được hứa cho mọi người tin. Các ơn phước ấy được ban theo tâm linh mới mà Đức Thánh Linh tái tạo trong lòng chúng ta. Khi chúng ta biết mình đã nhận được tâm linh mới và sự sống mới, thì phải hiểu các ơn phước ấy đang có sẵn.

Đấy là những ơn phước thuộc tâm linh có giá trị vĩnh viễn. Đừng lo về những thứ phước vật chất. Tất cả vật chất đều là tạm thời, chỉ tồn tại một giai đoạn nào đó, rồi không còn nữa. Bất kể chúng là tuyệt vời hay vĩ đại đến đâu đi nữa. Chúng sẽ cũ, rách, mòn, hư hỏng và mục nát. Danh vọng trần thế cũng vậy. Nó chỉ tồn tại một thời gian rồi phai mờ dần. Sự sở hữu tiền bạc của cải rồi cũng sẽ phải chi tiêu hết. Bởi vì nếu ai mong muốn được Chúa ban cho tiền bạc, khi có lại không dám dùng, đem cất kỹ để dành, vẫn sống kiểu đói khổ, thì sở hữu số tiền ấy để làm chi? Trái lại, những ơn phước thuộc cõi linh cứ còn lại mãi; dù trong đời nầy hay qua đời sau. Ai sở hữu các ơn phước ấy trong đời nầy sẽ tiếp tục mang theo mình vào cõi đời đời. Vì vậy, chúng ta cần có thái độ đúng đắn về vấn đề quan trọng nầy. Như Đức Chúa Giêxu từng dạy:

Đừng tích trữ của cải dưới đất là nơi có sâu mối, rỉ sét huỷ hoại, và có kẻ trộm đào ngạch vào nhà mà lấy. Hãy tích trữ của cải trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, rỉ sét huỷ hoại, cũng không có kẻ trộm đào ngạch và nhà mà lấy được” (Mathiơ 6:19–20).

Mọi ơn phước mà chúng ta có được đều do Đức Chúa Trời ban cho. Không thứ ơn nào Ngài ban xuống là vô giá trị. Kinh-thánh dạy: “Những gì tốt đẹp ta nhận được và những món quà toàn hảo đều đến từ thiên thượng, từ Cha là Nguồn sáng. Với Ngài, không có sự thay đổi, cũng không có bóng tối” (Gia-cơ 1:17). Nhưng để nhận được thì chúng ta phải hiểu, ý thức, tiếp nhận và sở hữu trong cõi linh. Mà điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng cách quyết định tiếp xúc với Đức Chúa Trời qua sự thờ kính Ngài với một tâm linh thành thật. Nghĩa là chúng ta phải chuyển mọi thứ dự định riêng, các mối quan tâm, và những ước ao ích kỷ của mình sang đời sống thờ phượng Ngài trong tất cả lối suy nghĩ, nói hay làm của chúng ta. Điều đó có nghĩa là thật lòng gắn bó cuộc đời của mình vào những đường lối và ý tưởng vĩnh hằng của Đức Chúa Trời, khiến cho chúng ta bắt đầu cư xử và hành động theo ý muốn của Ngài mà thôi.

MS T.D. Jakes giải thích ba ơn phước thuộc linh làm nền tảng đời sống thịnh vượng của mỗi người tin là, đức tin, ân điển và sức lực. Mỗi người chỉ cần hiểu biết sơ qua về ba nguyên tắc cực kỳ quan trọng nầy thì sẽ có thể bước đi vững vàng trong một đời sống đầy ơn phước sung mãn từ Đức Chúa Trời. Khi nói rằng các ơn phước là do Chúa ban, thì người nhận không thể tự tạo ra ơn nào được hết. Ơn phước về đức tin cũng vậy, nó khác với lòng tin bình thường. Đức Thánh Linh, Đấng ngự vào lòng người tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, đem theo ơn đức tin cần phải có cho người tin, nhưng mức độ thì khác nhau. Kinh-thánh chỉ dẫn: “đừng nghĩ quá cao về mình, nhưng hãy suy nghĩ đúng theo mức độ đức tin Đức Chúa Trời ban phát cho từng người”(Rôma 12: 3). Kinh-thánh cũng nói rằng, đức tin vươn lên và lớn mạnh trong lòng chúng ta khi chúng ta đọc, nghe và suy gẫm Lời Chúa (Rôma 10:17). Không phải chỉ nhờ nghe mà tin, vì có nhiều người nghe lời chúng ta rao giảng nhưng không tin (Rôma 10:16). Vậy, ơn đức tin giống như chìa khoá mở các cửa kho ơn phước của Chúa, Ngài sẽ ban tình yêu, khôn ngoan, quyền phép trong mọi cảnh ngộ.

Ân sủng là thái độ trong tính cách của Đức Chúa Trời, khiến Ngài đối xử với chúng ta bằng tình yêu không điều kiện. Ân sủng có nghĩa là sự ban cho mà người nhận không cần phải cật lực phấn đấu trong đời sống để chứng tỏ mình xứng đáng, hoặc bị bỏ mặc dùng sức riêng để chạy tới đích. Ân sủng của Chúa là thứ ơn giúp chúng ta hăng hái tiến tới trong cuộc chạy đua với lòng tự tin –nghĩa là không bị mặc cảm hay xấu hổ nào– bởi vì chúng ta đã được hưởng tình yêu vô điều kiện của Ngài qua kinh nghiệm thực tiễn. Phao-lô viết: “Nhờ Ngài, [bởi đức tin] chúng ta có lối vào để hưởng ân điển, và trong ân điển đó chúng ta đứng vững; chúng ta cũng hân hoan trong niềm hi vọng được chiêm ngưỡng vinh quang Đức Chúa Trời” và “…nơi nào tội lỗi gia tăng, ân điển lại càng dồi dào hơn nữa” (Rôma 5:2, 20). Phần của chúng ta không phải là vất vả để làm cho sự việc phải xảy ra, nhưng nhận biết và vui hưởng ân sủng của Đức Chúa Trời trong chúng ta.

Nhưng, nói thế không có nghĩa là được miễn, không cần làm việc. Ai đã hiểu về ân điển của Đức Chúa Trời, thì có một lòng tin chắc và sự bảo đảm trong lòng để làm công việc Chúa, vì biết rằng các ơn phước của Ngài đang ở với họ. Ân sủng cũng là quyền năng giúp chúng ta chịu đựng và đi qua những thách thức trong đời. Lúc sứ đồ Phao-lô ba lần cầu xin Chúa cho “cái giằm xóc” (có lẽ là bệnh đau mắt) lìa xa ông, thì Chúa đáp: “Ân điển Ta đủ cho con rồi, vì khi con yếu đuối, quyền năng Ta hành động mạnh mẽ nhất” (2Côrinhtô 12:9). Cái giằm gây nhiều khốn khổ cho Phao -lô, nhưng ân sủng của Chúa cũng cố đức tin ông và giúp ông trì chí qua mọi cuộc chiến và thắng trận vẻ vang. Vì thế, ông xác nhận: “Vì Đấng Christ, tôi rất vui lòng chịu yếu đuối, sỉ nhục, túng ngặt, bắt bớ hoạn nạn; vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cô-rinh-tô12:10).

Sức lực siêu nhiên mà chúng ta sẽ nhận được là ơn ban của Đức Thánh Linh toàn năng đem đến khi Ngài ngự vào lòng chúng ta. Sức ấy của Ngài giúp chúng ta đứng vững khi phải trải qua những hoàn cảnh khó khăn, chịu đựng sự đau khổ, hoặc lúc đời sống làm tan nát lòng, chống trả các mưu chước cám dỗ, và cứ tiếp tục vững vàng trong đức tin. Bất cứ ai có sức mạnh chịu đựng dẻo dai đều đã từng trải qua sự khổ luyện; chúng ta được Chúa kêu gọi làm những việc vượt quá khả năng, tài năng hay sức lực bình thường của mình; vì vậy, Đức Thánh Linh phải cho chúng ta trải qua những hoàn cảnh khó khăn để chúng ta được rèn luyện. Nhờ đó Ngài mới có thể ban cho ta năng lực siêu nhiên để làm những việc siêu phàm. Như vậy, khi gặp khó khăn, chỉ cần tin cậy Đức Chúa Giêxu, Ngài sẽ đổ đầy sức lực của Ngài cho chúng ta đủ sức vượt qua và tiến lên trình độ mới là, từ nay hễ làm mọi việc đều nhờ sức Chúa ban, chứ không dám cậy sức riêng nữa.

Đức-tin. Ân-sủng. Sức-lực. Ba ơn phước nầy của Đức Chúa Trời là một sự phối hợp vô địch. Đức-tin giúp cho chúng ta khả năng để tin những việc người đời không tin nổi. Ân-sủng là sự tự tin để hành động, bất kể công tác, hoàn cảnh, trở lực, tình trạng ra sao đi nữa; vì biết có Đấng hỗ trợ toàn năng vui lòng yểm trợ con cái Ngài bất cứ lúc nào. Sức-lực là sức mạnh phi thường vượt qua và kiên trì chịu đựng mọi hoàn cảnh khó khăn hay khổ nạn nào mà người bình thường không thể chịu đựng nổi. Sự thịnh vượng không tự đến, chỉ đến cho người ở trong Đức Chúa Giêxu.

VanDeQuanTrong10.docx

Rev. Dr. CTB