Chúa Nhật, January 12th, 2014

Các Vấn Đề Quan Trọng, 14


Sáng Thế Ký 12:1–9

Kinh-thánh vẫn dạy: “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, sự nhận biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng” (Châm Ngôn 9:10). Muốn đạt thịnh vượng trong đời sống từ vật chất đến tinh thần, người ta phải có sự khôn ngoan, hoặc tìm được người khôn ngoan chỉ dẫn cho mình trong những vấn đề hay quyết định quan trọng. Bất cứ sự đầu tư liều lĩnh mù quáng nào về lãnh vực kinh tế hay tài chính, mà thiếu những thông tin rõ ràng và thiếu khôn ngoan, đều dẫn tới các thất bại thảm hại. Sự khôn ngoan khuyên chúng ta không nên đi theo vết xe đã lật xuống hố.

Mỗi năm mới đến, hay đứng trước một giai đoạn mới của đời sống, mỗi chúng ta đều có các suy nghĩ và ước vọng tốt lành cho tương lai. Không ai muốn lặp lại những thất bại đã qua khi suy tính về các kế hoạch trong năm mới. Trong lúc chúng ta cần sự khôn ngoan dẫn đường, thì Kinh-thánh dạy rằng: Sự kính sợ Chúa của chúng ta, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan! Sự nhận biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng! Bây giờ đã biết được hai mấu chốt nầy rồi, chúng ta cần tìm hiểu cặn kẽ sự kính sợ và nhận biết Chúa gồm có những gì, và làm thế nào để thực hiện những điều đó.

Không gì hay hơn là cùng nhau quan sát đời sống của một người được Đức Chúa Trời gọi là bạn của Ngài, ông Áp-ra-ham, tổ phụ của dân Do-thái, một người được Chúa ban cho vô vàn ơn phước và sự thịnh vượng suốt đời ông sống trên trần gian. Có rất nhiều mặt trong đời sống của Áp-ra-ham dẫn đến kết quả được Chúa ban phước. Nhưng sự khởi đầu rất đáng chú ý, ngoài lòng tin và sự vâng lời Đức Chúa Trời, là đời sống thờ phượng Chúa của ông.

Khi “Đức Giê-hô-va hiện ra với Áp-ram và phán: ‘Ta sẽ ban xứ nầy cho dòng dõi con.’ Tại đây, Áp-ram lập một bàn thờ cho Đức Giêhôva, là Đấng đã hiện ra với ông. Từ đó ông di chuyển đến vùng đồi núi phía đông Bêtên, rồi đóng trại giữa Bêtên ở phía tây, và A-hi ở phía đông. Ông cũng lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va và cầu khẩn Danh Ngài” (7–8).

Thờ phượng Chúa là dâng cho Ngài điều tốt nhất mà Ngài đã ban cho chúng ta. Khi Áp-ram được Đức Chúa Trời gọi ra khỏi xứ Ur vùng Lưỡng-hà, thì ông chưa nhận được ơn phước nào từ lời Ngài hứa sẽ ban cho ông bảy phước lớn nhất (2–3), cũng chưa được đổi tên thành Áp-ra-ham. Tuy vậy, Áp-ram bắt đầu lập bàn thờ để thờ Đấng đã hiện ra với ông. Sau đó, khi dời lên Bê-tên, ông lại lập một bàn thờ tại nơi ấy. Sự lập bàn thờ là cách thờ phượng cụ thể vào thời bấy giờ, là nghĩa bóng về lòng tôn kính Chúa của chúng ta ngày nay.

Bê-tên (Beth-El) có nghĩa là ‘Nhà của Đức Chúa Trời,’ là biểu tượng về mối tương giao với Chúa; A-hi là biểu tượng về thế gian. Áp-ram đã đóng trại giữa Bê-tên và A-hi, là biểu tượng về đời sống thờ phượng Chúa và đời sống thường nhật ở đời của chúng ta. Áp-ram điều hoà sự thờ phượng và việc làm ăn sinh sống của ông thật quân bình. Ông lập bàn thờ giữa Bê-tên ở phía tây và A-hi về hướng đông. Biểu tượng nầy có nghĩa là sự thờ phượng Chúa không phải là hối hả đi vào rồi đi ra. Áp-ram đóng trại ở đó có nghĩa là lúc nào ông cũng thờ phượng Chúa trong sự thoả mãn và thoải mái, lúc nào cũng thuận tiện cho các sinh hoạt thường nhật. Ông dành thì giờ thờ kính Chúa, không cần phải gấp rút thực hiện bổn phận nào, cũng chẳng bỏ lơ bổn phận kia.

Ý nghĩa hình bóng của nơi chốn Áp-ram lập bàn thờ cho Chúa là để cho chúng ta ngày nay áp dụng. Thờ phượng Chúa trong sự gấp rút luôn luôn là sai trật. Lê la kéo dài bài giảng chứng tỏ mình thiêng liêng lại là một sai trật trầm trọng khác. Con dân Chúa đến nhà thờ nhằm mục đích thờ phượng Chúa. Họ cần có thì giờ chú tâm để hết tâm linh của họ vào sự thờ phượng. Sự ồn ào quá đáng không giúp cho tinh thần thờ phượng thêm hưng phấn. Niềm vui trong sự hiện diện của Chúa và không khí kính thờ mới đem đến tinh thần hưng phấn cho tín hữu trong sự thờ phượng.

Việc Áp-ram đóng trại giữa Bê-tên và A-hi là một biểu tượng khác về môi trường cho những người thờ phượng Chúa. Tâm trí người thờ phượng cần phải được thoải mái, minh mẫn, tâm linh hăng hái để sẵn sàng bước vào cuộc thờ phượng. Sự mệt mỏi thân thể, sự chịu đựng tiếng ồn quá lớn không đưa được người thờ phượng vào sự hiện diện thánh của Đức Chúa Trời. Ngược lại các điều kiện đó làm cho người thờ phượng bị chi phối, phân tâm, không thể tham dự được cuộc thờ phượng. Ngày nay người ta dùng các bài hát tôn vinh của truyền thống giáo hội tây phương thay thế cho hành động thờ phượng ngày xưa. Hình thức ca hát ngợi khen tự nó không có gì sai. Việc đó trở thành sai khi bị lạm dụng hoặc chỉ là hình thức khô cứng vô hồn.

Chắc rằng Đức Chúa Trời hiện ra với Áp-ram không phải đang lúc ông bị bề bộn việc nhà, hoặc khi ông đang phải đối phó với các nhu cầu của đời sống; mà trong lúc ông đang để tâm thờ kính Ngài dù khi làm việc. Ngày nay chúng ta cần dành thì giờ mỗi ngày ở riêng với Chúa trong sự tĩnh lặng của nhà riêng mình, hay bất cứ khi nào có thể tương giao trò chuyện với Chúa trong tâm linh; những lúc như vậy rất quý báu cho đời sống và vô cùng lợi ích cho tâm linh chúng ta. Vì các phút giây đó là lúc chúng ta có thể tương giao nồng thắm với Chúa yêu quý của mình.

Ai chưa thiết lập được mối tương giao như vậy, thì đời sống tâm linh không thể trưởng thành như đáng phải có; cũng không thể thờ phượng hay hầu việc Chúa một cách có hiệu quả. Giáo sư Viện-trưởng Oswald Chambers nói rằng “Giá trị còn mãi của sự công khai phục vụ Chúa được đo lường qua mức độ thân mật trong thời gian tương giao riêng và hợp nhất với Chúa của chúng ta.” Sự dành riêng một số ngày nào đó để thờ phượng lại có thể là một cái bẫy khác. Nó làm chúng ta xao lãng nhu cầu phải có thì giờ tương giao riêng với Chúa mỗi ngày. Đó là lý do chúng ta phải “đóng trại mình” ở môi trường nào sẵn sàng có thì giờ tĩnh lặng với Chúa, dù tình trạng chung quanh có ồn ào đến đâu đi nữa. Vì thờ phượng là môi trường hít thở của tâm linh chúng ta.

Chúa hứa ban phước cho Áp-ram, ông dâng lên Chúa sự thờ phượng thật lòng của ông. Như đã nói, thờ phượng là dâng cho Chúa điều tốt nhất mà Ngài ban cho chúng ta. Vì lý do đó, chúng ta hãy tự hỏi mình đã làm gì với điều tốt nhất mình có? Tinh thần thờ phượng của mình đạt mức độ nào? Nếu chúng ta lo tích trữ ơn phước tốt nhất mình đang có để sử dụng cho lợi ích riêng, thì chẳng những nó không đem tới ích lợi gì, mà sẽ bị hư hoại; như ngày xưa dân Israel lượm bánh mana trong hoang mạc rồi để dành vì sợ sẽ không còn. Hôm sau bánh ấy hoá sâu và bốc mùi hôi thối (Xuất Ai-cập 16:20).

Đức Chúa Trời không cho phép chúng ta để dành các ơn phước tâm linh hoàn toàn cho riêng mình. Các ơn phước ấy phải dâng lại cho Ngài như một món quà yêu thương để Ngài dùng nó làm ơn phước cho nhiều người khác. Đó chính là hành động thờ phượng của người khôn ngoan. Chúng ta ai cũng muốn được thịnh vượng trong năm mới. Mỗi người phải biết đầu tư nơi nào sinh lợi nhiều nhất. Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài bằng sự thông biết và bằng các ơn phước mà Ngài đã ban cho chúng ta trong những ngày qua.

Giống như những nhà đầu tư khôn ngoan tính trước khi biết các cơ hội đem lợi ích béo bở sẽ tới, và họ chuẩn bị sẵn sàng để đón lấy cơ hội, thì chúng ta ngày nay cũng vậy. Đức Chúa Trời đã dùng miệng tiên tri Ngài báo trước các ơn phước đặc biệt vô cùng lớn mà Ngài sẽ ban cho Hội–thánh Khởi Đầu Mới, sự thịnh vượng sẽ đến cho người nào tham gia vào chuyến tàu hạnh phúc nầy. Từ chối ơn phước Chúa đã hứa ban là quyết định vô cùng dại dột. Vì không ai sẽ tiếp tục đi chiếc tàu mà mình đã được cho biết trước là nó sẽ chìm. Chúng ta sẽ nhận lãnh thịnh vượng hay không là do tinh thần thờ phượng Chúa và chọn nơi mình sẽ đóng trại như Áp-ram khi xưa.

VanDeQuanTrong14.docx

Rev. Dr. CTB