Chúa Nhật, October 27th, 2013

Các Vấn Đề Quan Trọng, 05

Phục Truyền 30:1–19

Sau khi biết qua về nguy cơ bị nguyền rủa, rồi nhận thấy đời sống mình hình như bị rối loạn, chúng ta có thể đi đến kết luận là mình đang bị ai đó nguyền rủa. Tuy nhiên, trước khi có thể kết luận cách chính xác, chúng ta phải tự vấn lòng mình rằng: Có phải lâu nay tôi đã không vâng lời Chúa chăng? Rất nhiều khi những rắc rối mà chúng ta gặp phải là do chính mình tạo ra. Điều cần phải nhớ luôn là chúng ta sẽ gặt những gì mình gieo. Vì thế, hầu hết các hậu quả của sự nguyền rủa mà chúng ta vướng phải thường chỉ đơn giản bắt nguồn từ sự không vâng lời Chúa của chúng ta mà thôi. Chúng ta rất có thể suy diễn là mình đang bị ai đó nguyền rủa, nhưng thật ra là do gặt phải những gì mình đã gieo. Vì thế, đừng vội nghi ngờ hay lên án bất cứ người nào, mà hãy tỉnh táo và cẩn thận xem xét cái nguồn của sự rắc rối mình đang gặp phải là từ đâu tới.

Những lời Môi-se nhắc nhở người Do-thái trước khi họ tiến vào đất hứa, là lời hứa đầy hạnh phúc cho những người biết vâng lời Chúa và lời ngăm đe về sự nguyền rủa kinh hoàng cho người nào không vâng lời Đức Chúa Trời (Phục Truyền 28). Những tai hoạ do bị mắc phải sự nguyền rủa của Chúa đến trên người bị hoạ là do chính người ấy tự rước lấy. Chúng ta phải hiểu cách rõ ràng là Đức Chúa Trời không hề nói Ngài sẽ nguyền rủa dân mà Ngài đã chọn. Nhưng chính họ tự đặt mình vào chỗ bị nguyền rủa, hoặc tự rước lấy sự nguyền rủa của luật pháp Chúa cho chính mình. Vì: “Tất cả những lời nguyền rủa nầy sẽ giáng trên anh em, đuổi theo và bắt kịp anh em cho đến khi anh em bị tiêu diệt, vì anh em đã không vâng theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũng như không tuân giữ các điều răn và luật lệ mà Ngài truyền cho anh em” (Phục-truyền 28:45).

Nếu có ai lầm lỡ phạm tội không vâng lời Chúa, tự rước lấy sự nguyền rủa vào chính mình, thì người ấy phải làm gì? Chúa đã ban cho chúng ta phương cách vĩnh viễn thoát khỏi sự nguyền rủa do không vâng lời Ngài, ấy là ăn năn vô điều kiện và tức khắc vâng lời Ngài. Vì Chúa có hứa một lời tuyệt diệu cho những ai là con dân Ngài biết ăn năn, hồi tâm, trở lại (Phục-truyền 30:1–10). Các đoạn 28–30 của sách Phục-truyền-luật-lệ ghi rõ rằng con dân Chúa phải lập sự lựa chọn nào mình muốn: “Hãy xem, hôm nay tôi đặt trước mặt anh em sự sống và phước lành, sự chết và tai hoạ. Nếu anh em tuân giữ các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà hôm nay tôi truyền cho anh em, …… thì……Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho anh em …… xin trời và đất làm chứng rằng tôi đã đặt trước mặt anh em sự sống và sự chết, phước lành và sự nguyền rủa” (Phục-truyền 30:15–16, 19).

Mỗi tín hữu phải lập quyết định vâng lời Chúa trong mọi sự việc mà mình phải đối diện mỗi ngày. Khi chúng ta vâng lời Chúa thì phước hạnh của Ngài tuôn đổ trên ta; nhưng mỗi khi không vâng lời Ngài, chúng ta tự tạo ra những đau đớn, khốn khổ cho chính mình. Đấy chính là tự rước vào đời mình sự nguyền rủa của sự không vâng lời Chúa. Một ví dụ điển hình về sự nguyền rủa do không vâng lời mà Đức Chúa Trời đã phán qua tiên tri Ma-la-chi trong vấn đề dâng nộp phần của Chúa trong số lợi tức thu nhập Ngài đã ban cho chúng ta. Chúa phán rất rõ rằng ai không nộp một phần mười thu nhập của mình là người tự rước lấy sự nguyền rủa cho chính người ấy:

Người ta có thể ăn trộm Đức Chúa Trời được sao? Thế mà các con ăn trộm Ta! … Các con đã ăn trộm một phần mười và tế lễ phải dâng. Các con bị nguyền rủa vì tất cả các con, cả nước, đều ăn trộm Ta” (Ma-la-chi 3:8–9).

Thông điệp của Đức Chúa Trời gửi cho mỗi con cái Ngài là quá rõ ràng, không thể lầm lẫn, mặc dù vẫn có một số người tìm cớ để tránh né bổn phận của họ bằng cách biện luận rằng, luật lệ nộp một phần mười lợi tức thu nhập chỉ dành cho người Do-thái thời Cựu-ước mà thôi. Chúng ta ngày nay không còn phải tuân theo luật ấy nữa, vì chúng ta đang ở dưới giao ước mới! Hay lý sự rằng, một phần mười mà người Do-thái ngày xưa phải nộp là lợi tức của hoa màu và gia súc tăng gia chứ không phải tiền bạc. Hoặc cho rằng, người Do-thái phải nộp một phần mười lợi tức nông sản hay chăn nuôi là vì họ phải trả tiền thuê đất cho Đức Chúa Trời, bởi vì tất cả đất đều thuộc về Chúa (Larry Richards, Bible Questions Answered). Thật ra, những người lý luận như trên chỉ nhằm trốn tránh bổn phận và sợ bị thiệt hại về tiền bạc của cải mà thôi.

Áp-ra-ham, tổ phụ của đức tin chúng ta đã lập ra gương mẫu về sự dâng hiến một phần mười nói trên hơn 500 năm trước khi có luật pháp (Hê-bơ-rơ 7:4–6). Về việc dâng hiến cho các việc thiện thì sứ đồ Phao-lô khuyên tín hữu ở Cô-rinh-tô là: “Ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người nên quyên góp tuỳ theo lòng mình đã định, không miễn cưỡng hoặc do ép buộc, vì Đức Chúa Trời yêu mến người dâng hiến một cách vui lòng” (2Cô-rinh-tô 9:6–7). Thế thì, ngoài số 1/10 phải nộp cho quỹ hoạt động của Hội-thánh, tín hữu nên lạc hiến cho các nhu cầu hay việc từ thiện. Nếu việc nộp 1/10 chỉ là một luật lệ có tính cách giai đoạn, thì Đức Chúa Trời không công bố sự nguyền rủa trên những ai vi phạm và phước lành dư dật cho người vâng lời. Như vậy, luật 1/10 chỉ nhằm thử xem con dân Chúa có vâng lời Ngài trong vấn đề tiền bạc hay không mà thôi.

Các tai hoạ của người bị nguyền rủa vì không vâng lời trong việc nộp 1/10 là hoa quả bị cắn phá bởi thú vật lẫn côn trùng, trái rụng khi còn non đối với những người Do-thái làm nghề nông ngày xưa, là biểu tượng của sự làm ăn thất bại hay nhiều tai hoạ bất ngờ xảy đến làm hao tài tốn của, số tiền để dành bị tiêu sạch đối với chúng ta ngày nay; cộng với những tai hoạ do bị nguyền rủa bởi tội không vâng lời Đức Chúa Trời. Trong khi đó, lời hứa về các ơn phước hào phóng và dư dật sẽ được ban cho người biết vâng lời. Đầu tiên là các cửa sổ trên trời mở ra tuôn ơn phước xuống đến nỗi không chỗ chứa; Chúa sẽ ngăn cấm vật cắn phá để mùa màng, hay lợi tức từ công việc vừa dư dật, vừa không bị tổn hại; tức là thành công và thịnh vượng. Kế đến là sự khoẻ mạnh về tâm linh, tâm trí, và thể chất (trái không rụng non). Phước ấy là rõ ràng, vì mọi người sẽ khen chúng ta là có phước; chỗ chúng ta ở sẽ được gọi là đất nước được vui thích (Malachi 3:12).

Người ta luôn luôn muốn được ở gần những người được phước, cũng như muốn sống ở đất nước nào thanh bình và hạnh phúc. Đời sống của người vâng lời Đức Chúa Trời sẽ nhận được ơn phước dư dật đến nỗi toả ra phước hạnh cho mọi người gần gũi với họ. Không ai có thể phủ nhận được rằng Đức Chúa Trời đã ban phước cách dồi dào trên một đất nước có đa số người trung tín vâng lời Chúa trong việc nộp 1/10 thu nhập của họ, đến nỗi ai cũng mơ đến đó. Nhưng từ khi đa số dân nước ấy thay đổi thái độ, từ chối không dâng nộp phần của Chúa, thì vô số việc rắc rối và tệ nạn không thể giải quyết nổi cứ ùn ùn kéo đến. Những gương nhãn tiền đó là bài học cụ thể cho chúng ta suy gẫm. Ai quỵt số tiền phải nộp thì phải bị hậu quả thiếu thốn và tai hoạ; ai tôn trọng và vâng lời Chúa qua sự hiến dâng hào phóng đều nhận lại ơn phước trăm ngàn lần hơn.

Nhiều tín hữu có thể đã bị lãnh lấy sự nguyền rủa mà không biết do hậu quả của việc không vâng lời Chúa. Dù cho những người ấy có ra sức cầu nguyện, học Kinh-thánh, hoặc thực hiện đủ thứ công tác tôn giáo, cũng không thể cất bỏ sự nguyền rủa ấy ra khỏi đời mình. Nếu nguyên cớ bị nguyền rủa là do không vâng lời, thì cách thức duy nhất có thể đảo ngược tình hình là ăn năn tội không vâng lời, rồi bắt đầu vâng lời Chúa. Vậy hãy công nhận, xưng tội và ăn năn sự không vâng lời Chúa; cầu xin Ngài tha thứ cho tội ấy rồi bắt đầu vâng lời Ngài. Hơn nữa, chúng ta phải biết sống một đời tín hữu đắc thắng kể từ ngày ăn năn tội. Sau đó hãy đo sự tăng trưởng và tiến bộ của nếp sống thuộc linh mình bằng thước đo thuộc linh: Đọc Kinh-thánh và cầu nguyện hàng ngày; cầu thay và chứng đạo cho người chưa tin Chúa; tham dự Hội-thánh tin cậy và bước theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh; tạ ơn và ca ngợi Chúa hàng ngày về ơn cứu độ của Ngài.

Hãy đảo ngược sự nguyền rủa do tội không vâng lời bằng các ơn phước dư dật của đời sống vâng lời Đức Chúa Trời. Bởi vì lý sự chống nghịch mệnh lệnh của Chúa chỉ là vô hiệu và vô ích.

VanDeQuanTrong05.docx  (Sách tham khảo: Breaking Christian Curses, của Dennis Cramer)

Rev. Dr. CTB