Nắm Vững Niềm Tin, bài 27

Rôma 12:9–21

Những câu còn lại của đoạn 12 là một loạt những giáo huấn về cách các Cơ-đốc-nhân phải cư xử với nhau. Trong các phần trước, sứ đồ Phaolô đã đặt nền tảng cho những nguyên tắc và mệnh lệnh đạo đức Cơ-đốc mà tín hữu cần phải biết. Bây giờ, ông đưa ra ba mệnh lệnh có liên quan với nhau: Thứ nhất là tình yêu thương thành thật; kế đến là phải ghê tởm điều dữ, gắn bó với điều lành; và sau đó là tình yêu thương huynh đệ tôn trọng lẫn nhau. Trong những phần trước, Phaolô nói về đức tin và hoa trái của nó cùng sự ứng dụng đời sống đức tin như thế nào. Bây giờ, ông đề cập tới tình yêu thương thành thật, không giả dối (9). Tức là anh em trong Hội Thánh phải biết yêu thương nhau chân thành, không phải chỉ lời nói đầu môi chót lưỡi, nhưng phải là hành động thiết thực.

Điều dữ mà chúng ta phải biết ghê tởm ở đây là tình yêu thương giả hình. Người ta nói rằng kẻ thù không đáng sợ bằng bạn bè giả trá. Vì vậy, tính tình đáng tởm nhất là sự giả hình của những người vờ vịt trong Hội Thánh; cho nên, Phaolô khuyên hãy gắn bó với điều lành, yêu thương nhau thân thiết như anh em và hết lòng kính nhường nhau (10). Có lẽ đây là phương diện yếu kém nhất của người Việt ở Mỹ. Thường thì tín hữu chỉ gặp ở nhà thờ mỗi tuần một lần và chào hỏi những anh chị em nào mình thân; còn nếu có chào hỏi người khác một cách lợt lạt chỉ vì lịch sự mà thôi. Cách cư xử đó không thích hợp với tính cách con cái Chúa. Vì vậy, khi thấy anh chị em mới, hoặc khách tới Hội Thánh còn bỡ ngỡ, thì mọi thành viên cũ hãy đến chào hỏi và chúc phước cho họ.

Quý anh chị em đừng nên bắt chước cách sống cô lập của người trong xã hội Mỹ. Lối sống ấy chẳng có gì đáng bắt chước. Cách sống theo tình chòm xóm, láng giềng của người Việt rất gần gũi với lời khuyên trong Kinh Thánh. Cho nên, hãy vâng theo lời khuyên dạy rất quý nầy. Mỗi buổi nhóm, chúng ta luôn có một ít thì giờ cho mọi người chào hỏi chúc phước lẫn nhau, hãy tận dụng các cơ hội đó. Vì nếu là con cái Chúa mà cứ sợ anh chị em biết tông tích của mình, thì chẳng lẽ suốt đời cứ phải thủ thế và giấu giếm mãi hay sao? Giấu hoài có được không? Đây là lời khuyên hợp lý và ích lợi nhất của sứ đồ Phaolô cho mỗi chúng ta ứng dụng vào đời sống thực tế trong Hội Thánh; nếu chuyện dễ mà không làm nổi thì chẳng thể nào áp dụng được việc khó hơn.

Toàn thể những lời Phaolô viết ở phần nầy đều là mệnh lệnh, và Đức Thánh Linh muốn tất cả tín hữu đều vâng lời. Ai muốn có đời sống tâm linh mạnh mẽ thì không thể chọn lựa vâng lời mệnh lệnh nào mình thích, còn các mệnh lệnh không thích thì không cần vâng lời. Anh chị em phải hiểu rằng trong lãnh vực tâm linh không có khu vực trung lập. Vì tâm tánh xác thịt thù nghịch với Thánh Linh, nên chúng ta chỉ có thể hoặc ở phía nầy của Chúa hoặc thuộc về phía kia của kẻ thù. Phaolô truyền đạt minh bạch mệnh lệnh của Đức Thánh Linh về sự phục vụ Chúa: “Hãy nhiệt thành, chớ lười biếng; phải có tinh thần sốt sắng; phải phục vụ Chúa” (11). Câu nầy không phải là bốn mệnh lệnh khác nhau; bởi vì phải sốt sắng, nhiệt thành và không lười biếng mới phục vụ Chúa được.

Sự vui mừng trong hi vọng (12a) khác xa vui mừng trong kết quả. Thường thì người ta chỉ vui mừng khi thấy kết quả tốt. Nhưng vui mừng trong hi vọng nghĩa là ngửa trông sự hướng dẫn ban ơn từ trên trong mọi việc chúng ta làm cho Chúa. Có vui mừng trong hi vọng mới có thể kiên nhẫn trong hoạn nạn (12b). Kiên nhẫn không có nghĩa là chịu đựng kiểu thụ động, nhưng can đảm đương đầu cách vững vàng cho tới khi thành công. Để có đủ sức vượt qua nổi những hoạn nạn, đắng cay nhất trong đời, chúng ta phải bền lòng cầu xin Chúa ban năng lực (12c). Không ai trong chúng ta có đủ sức chống lại các thế lực tối tăm. Vì vậy, chúng ta phải cầu nguyện để có sức Chúa ban.

Một phương diện yếu kém nữa của rất nhiều người trong Hội Thánh là làm ngơ trước nhu cầu của các thánh đồ gặp khó khăn (13). Không thường liên lạc hoặc không ân cần tiếp khách thì không thể biết nhiều nhu cầu cấp bách của anh chị em mình. Qua những lời khuyên nầy, chúng ta sẽ nhận ra mình cần phải thay đổi cách sống nhiều lắm thì mới được Chúa đẹp lòng. Bởi vì với thực trạng hiện tại của Hội Thánh, nếu phải qua một cuộc sát hạch thì hầu hết chúng ta đều bị thiên đàng đánh rớt. – Sau những lời giáo huấn về cách cư xử với nhau trong Hội Thánh, sứ đồ Phaolô chuyển sang nói về cách cư xử với người ngoài gia đình của Chúa. Sự thù ghét kẻ ác là phản ứng bình thường của người ngay thẳng; nhưng mệnh lệnh là chớ nguyền rủa họ mà hãy chúc phước cho họ (14).

Mệnh lệnh nầy dù thật khó nhưng hoàn toàn phù hợp với lời Đức Chúa Jesus dạy cách đối xử với kẻ thù (Mathiơ 5:43–48). Sở dĩ tính cách của con cái Chúa vượt trội hơn người thế gian rất xa là vì tình yêu thương của Chúa ban trong lòng chúng ta áp dụng luôn cho kẻ thù của mình. Tuy nhiên, sự bắt bớ con dân thật của Chúa không phải chỉ từ người ngoài, nhưng cũng từ những người xưng là Cơ-đốc-nhân nữa (Giăng 16:2). “Vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (15), tức là chia xẻ, thông cảm niềm vui, nỗi buồn của nhau, là cách tín hữu có thể “sống hòa hợp với nhau” (16). Đức Chúa Trời không ưa người có ý tưởng kiêu ngạo (Thi Thiên 138:6), nhưng Ngài yêu những người biết hòa mình với giới người nghèo khó, khiêm nhường hoặc có vị thế xã hội thấp kém hơn.

Không lấy ác trả ác là lãnh vực khó áp dụng nhất của sự dạy dỗ đạo đức Cơ-đốc. Bởi vì muốn chú tâm làm điều thiện thì không thể lấy ác trả ác được (17), mà phải cố gắng sống hòa thuận với mọi người (18). Tại sao Phaolô nói “nếu có thể được“? Bởi vì trong đời luôn luôn có những người thù nghịch và hiềm khích với những ai không đồng lòng với họ về tín ngưỡng, quan điểm xã hội hay chính trị. Dù mình có muốn hòa thuận với họ thì họ cũng chẳng để cho người khác yên. Giống như câu tục ngữ: “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng.” Tuy vậy, con cái Chúa vẫn phải hòa hoãn trong mọi sự tiếp xúc; không thảo luận các vấn đề chính trị rất nhạy cảm mà phe chống Chúa hung hăng đả kích mọi ý kiến nghịch lại quan niệm hay chủ trương của họ.

Ý tưởng báo thù vẫn luôn ám ảnh các nạn nhân của bọn người ác; bởi vì người bị áp bức luôn cảm thấy uất ức trước sự bất công mà họ phải chịu. Đối với con cái Chúa thì sự báo thù thuộc về Ngài (19). Ví dụ rõ ràng nhất trong Kinh Thánh là David không tự tay báo thù vua Saul, dù ông có hai cơ hội tự tay giết Saul; ông dành sự báo thù đó cho Đức Chúa Trời. – Ngược lại, Phaolô khuyên rằng: “Nếu kẻ thù anh em đang đói, hãy cho họ ăn; nếu đang khát, hãy cho họ uống” (20). Mặc dù tính gian ác trong lòng người ta là không có giới hạn, nếu chúng ta hoàn toàn tin cậy Chúa sẽ can thiệp bảo vệ mình, Ngài sẽ thực hiện. Tuy vậy, tâm tính thiện lành không có nghĩa là ngây thơ tin lời những kẻ gian xảo. Chúng ta đối xử nhân từ nhưng vẫn cảnh giác đề phòng kẻ đánh trộm.

Câu “vì làm như vậy khác nào anh em đặt than lửa hồng trên đầu họ” (20b) là một câu ví von có ý nghĩa biểu tượng. Chẳng ai chịu đứng yên cho người khác bỏ than cháy đỏ lên đầu mình; vì vậy, cách đối xử nhân từ của chúng ta đối với kẻ thù sẽ khiến lương tâm họ bị cắn rứt không ngừng. Mục đích của lòng nhân từ là giúp cho người có tội biết ăn năn hối cải, Cho nên, “đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác” (21). Những lời khuyên nầy mặc dù không dễ nhưng ai biết vâng lời Chúa đều có thể thực hiện được.

NamVungNiemTin27.docx

Rev. Dr. CTB