Những Điều Cần Biết, bài 08
Daniel 9:3–19
Từ ngữ hay hành động cầu nguyện nghe qua thì đơn giản, nhưng nhiều tín hữu bị lúng túng khi phải cầu nguyện trước nhiều người khác. Lúc ấy rất khó cầu thật lòng.
Riêng chữ cầu có nghĩa là mong mỏi, xin Đấng có quyền gia ơn ban cho điều mình cần. Trong đời mỗi người đều có vô số nhu cầu, mà một số nhu cầu đặc biệt người đời không thể đáp ứng thì chỉ Đức Chúa Trời mới có đủ ơn để làm thoả mãn.
Nói tới khẩn cầu, nài xin, thì người ta hiểu sự cầu xin bình thường sẽ khó được chấp thuận, bởi vì vấn đề phải cầu xin rất là khó khăn, nghiêm trọng. Và chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể giải quyết, vì chỉ một mình Ngài mới có quyền và hiểu biết hết mọi việc.
Chữ khẩn nài còn nói lên một ý nữa là cần sự kiên nhẫn nài xin lâu dài, không bỏ cuộc nửa chừng.
Người ta khẩn nài với Đức Chúa Trời không phải vì các nhu cầu bình thường của loài người, nhưng vì sự việc có liên quan đến sự vi phạm luật pháp của Chúa, hay là bị lời nguyền rủa từ đời tổ phụ trói buộc.
Trong lời cầu nguyện khẩn nài của tiên tri Daniel dâng lên Đức Chúa Trời, ông thay mặt cho toàn dân Israel xưng tội rằng: “Chúng con đã phạm tội làm điều sai quấy, ăn ở gian ác; chúng con đã phản loạn quay lưng lại với điều răn và luật lệ Ngài; chúng con đã không nghe các đầy tớ Ngài là các nhà tiên tri, những người đã nhân danh Ngài mà nói…” (Daniel 9:5–6).
Sau gần bảy mươi năm bị lưu đày sang Babylon, thế hệ những người Giuđa còn sống sót tới thời gian ấy vẫn đau đớn thương nhớ đền thờ mà họ đã từng nhìn thấy vào thời cực thịnh của nước Giu-đa. Án phạt cho cả dân tộc đã được thi hành; hi vọng duy nhất của họ là thời hạn lưu đày sắp hết (2).
Lúc ấy, Daniel hướng mặt về Đức Chúa Trời mà tìm kiếm Ngài trong sự kiêng ăn, quấn vải sô, rắc tro lên đầu, lên tiếng khấn nguyện và nài xin, với hi vọng Đức Chúa Trời lại đoái thương mà chiếu sáng mặt Ngài trên đền thánh của Ngài đang bị hoang tàn (17).
Những lời khẩn nguyện nài xin của Daniel xưng nhận tất cả những sự vi phạm của nhiều đời tổ phụ người Giu-đa. Daniel không thốt một lời biện hộ nào cho dân Israel, ông cũng chẳng dám kể công trạng gì của ông hay của bất cứ người Israel nào.
Vì nguyên tắc của sự cầu nguyện khẩn nài là xưng nhận mọi tội lỗi, rồi nài xin sự nhân từ và lòng thương xót của Đức Chúa Trời mà thôi.
Khẩn nguyện và nài xin là dựa trên đức nhân từ của Đức Chúa Trời, xác nhận sự công chính của luật pháp Ngài, chấp nhận án phạt của Ngài trên những người bị phạt là xác đáng.
Daniel cầu rằng: “11 Toàn dân Israel đều vi phạm luật pháp Ngài, quay lưng đi, không chịu vâng theo tiếng Ngài. Vì vậy, những lời nguyền rủa và thề nguyện chép trong luật pháp Môi-se, đầy tớ của Đức Chúa Trời, đã đổ trên chúng con vì chúng con đã phạm tội với Ngài …….
12 bằng cách giáng đại hoạ trên chúng con, khủng khiếp đến nỗi khắp thiên hạ chưa từng có tai hoạ nào giống như tai hoạ đã giáng trên Jerusalem …
14…vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng con vốn công chính trong mọi việc Ngài làm, chỉ có chúng con không chịu vâng theo tiếng Ngài.”
Đấy là nguyên tắc xưng tội để nài xin sự thương xót của Đức Chúa Trời.
Daniel không ngu dại kể công trạng của ông, mặc dù ông là người rất được Chúa yêu quý và được Chúa dùng một cách đặc biệt giữa triều đình Babylon ngoại giáo. Daniel không hãnh diện về ông, mà cứ đau xót cho dân tộc.
Thời nay, rất nhiều khi chúng ta chưa chịu học nguyên tắc xưng nhận tội lỗi, mà cứ tìm cách biện hộ cho bản thân đối với những sự thất bại xảy tới trên đời sống riêng cũng như tình trạng sa sút chung của Hội-thánh.
Daniel đã nhận ra và nói rõ tội lỗi của dân Giu-đa: “Chúng con đã phản loạn, quay lưng lại với điều răn và luật lệ Ngài” (5). Đức Chúa Trời đã sai nhiều tiên tri đến cảnh cáo Israel về hậu quả tàn khốc của việc họ làm, nhưng chẳng mấy ai để ý tới những lời cảnh cáo đó. Daniel xưng nhận việc ấy; ông không tìm cách làm cho nhẹ đi.
Vậy thì, mục tiêu lời khẩn nài của Daniel là tôn cao Đức Chúa Trời công chính khi Ngài dùng tai hoạ để trừng phạt Israel. Mọi tai họa giáng trên họ xứng với thái độ bội bạc với Chúa để thờ tà thần và phục vụ xác thịt tội lỗi.
Điều kế tiếp mà Daniel nêu lên để cầu khẩn lòng thương xót của Chúa là than vãn về nỗi sỉ nhục của thành thánh Jerusalem tương phản với danh lừng lẫy của Đức Chúa Trời qua các phép lạ và việc diệu kỳ Ngài đã thực hiện khi giải thoát dân Israel khỏi kiếp nô lệ tại Ai-cập và dắt họ bằng tình yêu thương trong suốt bốn mươi năm về miền đất hứa (15).
Lời khẩn nài của Daniel là gương mẫu cho các lời cầu nguyện nài xin của chúng ta ngày nay: “Chúa ôi, tuỳ theo mọi việc công chính của Ngài, xin Ngài nguôi giận và ngưng phẫn nộ đối với thành Jerusalem của Ngài, tức là núi thánh Ngài. Chính vì tội lỗi của chúng con và sự gian ác của tổ phụ chúng con mà Jerusalem và dân Ngài bị những kẻ chung quanh chúng con sỉ nhục” (16).
Rồi dựa trên nỗi sỉ nhục của Jerusalem, nơi có đền thánh mang danh Chúa đang bị dân ngoại làm nhục, Daniel cầu xin:
“Vì vậy bây giờ, lạy Đức Chúa Trời của chúng con, xin lắng tai nghe lời khấn nguyện nài xin của đầy tớ Ngài! Vì danh Chúa, xin chiếu sáng mặt Ngài trên đền thánh hoang tàn của Ngài. Lạy Đức Chúa Trời của con xin lắng tai nghe, xin ghé mắt nhìn cảnh hoang tàn của chúng con và thành phố mang danh Ngài! Chúng con không dựa vào sự công chính của mình mà cầu khẩn Ngài, nhưng dựa vào sự thương xót vô biên của Ngài” (17–18).
Bí quyết thành công của sự cầu nguyện khẩn nài là nói lên danh thánh của Đức Chúa Trời và dựa trên sự thương xót vô biên của Ngài mà cầu xin sự tha thứ. Sự tha thứ sẽ được ban cho khi người cầu nguyện hết lòng ăn năn xưng mọi tội lỗi của mình và của mọi người có liên quan.
Lúc ấy, Daniel mới nói điều ông muốn cầu khẩn: “Lạy Chúa, xin lắng nghe! Lạy Chúa, xin tha thứ! Lạy Chúa, xin đoái xem và hành động! Lạy Đức Chúa Trời của con, vì danh Ngài, xin đừng trì hoãn; bởi vì thành Ngài và dân Ngài đã được gọi bằng danh Ngài!” (19).
Mặc dù Daniel cầu thay cho dân tộc của ông, nhưng ông dùng sự cầu nguyện khẩn nài để xin Chúa chấp thuận. Kết quả lời cầu nguyện khẩn nài của Daniel được nhanh chóng chấp thuận.
Vị thiên sứ Gabriel là sứ giả được Đức Chúa Trời sai đến trả lời cho Daniel nói rằng: “Ngay khi ngươi bắt đầu cầu xin thì lời đã ban ra, và ta đến để công bố lời đó cho ngươi, vì ngươi rất được yêu quý” (23). Thiên sứ Gabriel truyền cho Daniel biết các lời tiên tri về thành Jerusalem trong lịch sử tương lai khá xa.
Một gương nữa của sự cầu xin khẩn nài là người đàn bà Canaan xin Đức Chúa Jesus giúp chữa lành cho đứa con gái của bà bị quỷ ám (Mathiơ 15:22–28). Bà không dám đến trước mặt Chúa, chỉ kêu nài từ sau lưng: “Lạy Chúa, là con cháu vua Đavít, xin thương xót đến tôi! con gái tôi mắc quỷ ám khốn cực lắm!”
Nhưng Đức Chúa Jesus im lặng. Các môn đồ của Chúa lại xin Ngài đuổi bà đi. Đức Chúa Jesus đáp: “Ta chịu sai đến đây chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Israel đó thôi.”
Bấy giờ bà tới gần quỳ lạy và thưa: “Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi với!” Chúa đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn!” Bà thưa “Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống!”
Bà bị hậu quả lời nguyền rủa của Nô-Ê trên người cháu nội là Canaan (Sáng thế 9:22–27), khiến cho người Israel xem dân tộc Canaan của bà không hơn loài chó.
Có thể bà mẹ người Canaan ấy biết dòng tộc Canaan đã bị Đức Chúa Trời lên án và rủa sả là lý do khiến bà bị người Israel xem như loài chó. Nhưng lúc ấy bà không cần danh dự, việc quan trọng không phải là phẩm giá của bà mà là tình cảnh khốn cực của đứa con gái đang bị quỷ ám.
Bà chấp nhận mình không hơn con chó, vì bà đang khẩn cầu lòng nhân từ và thương xót của Đức Chúa Jesus, để xin Ngài chữa cho con gái bà thoát khỏi tay quỷ dữ.
Lời bà ngụ ý dù dân Canaan chẳng đáng hưởng phép lạ, nhưng bà chỉ xin cho con bà được hưởng ơn dư thừa rơi rớt mà thôi.
Đức Chúa Jesus ngạc nhiên trước đức tin của bà, liền phán “Hỡi đàn bà kia, ngươi có đức tin lớn, việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn.” Kết quả: Con gái bà ở nhà được chữa lành lập tức.
Chúng ta hãy học tập nguyên tắc cầu nguyện khẩn nài là hạ mình xuống ăn năn xưng tội, tôn cao đức công chính của Đức Chúa Trời, để được Ngài thương xót đáp lời khẩn nài về những việc chỉ một mình Ngài giải quyết được.
NhungDieuCanBiet08
Rev. Dr. CTB