Những Điều Cần Biết, 02

Gia-cơ 4:1–6

Có rất nhiều lời cầu nguyện của chúng ta không được Chúa nhậm hay đáp lời. Người cầu xin chân thành trông đợi thì rất thất vọng nhưng thường không hiểu nguyên nhân. Còn đối với đại đa số tín hữu thì chẳng mấy ai quan tâm về những lời cầu nguyện của họ hay của Hội-thánh có được Chúa đáp lời hay không.

Một sự thật có thể nhận thấy rõ ràng là vô số lời cầu nguyện tại nhà thờ hay các buổi nhóm chỉ là thủ tục phải có hay nghi lễ phải thực hiện. Khi điều đó đã trở thành một thông lệ, thì sự cầu nguyện chẳng còn chút hiệu quả nào. Bởi vì nếu mở miệng ra cầu xin mà không trông mong lời cầu xin của mình hay của Hội-thánh sẽ được Đức Chúa Trời trả lời, thì những lời cầu nguyện ấy sáo rỗng, không có chút thành tâm nào để được Chúa đoái nhậm.

Nguyên nhân thứ nhì là nơi nào không tin rằng thời nay Đức Chúa Trời vẫn còn tiếp tục làm phép lạ, thì sẽ chẳng bao giờ thấy phép lạ xảy ra; cho nên, họ cũng không trông đợi lời cầu nguyện của họ sẽ được Chúa thực hiện.

Các hình thức tôn giáo chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa; vì thế, nhiều người suốt đời không bao giờ thấy hay kinh nghiệm được điều gì mầu nhiệm từ Vương-quốc thiên đàng hết. Mặt khác, thái độ chỉ quen hình thức tôn giáo bề ngoài và chỉ chú trọng vào những gì thấy được bằng mắt, sẽ khiến giáo hữu không thể thấy sự đáp lời của Chúa.

Sứ đồ Gia-cơ nói rõ là người nào cầu xin với dụng ý thoả mãn dục vọng của mình thì lời cầu xin không được nhậm. Chúng ta có thể thêm vào là ai cầu xin kiểu bông lông vớ vẩn, chẳng phải bởi đức tin, thì những lời cầu nguyện kiểu đó chẳng bao giờ thành cả (Gia-cơ 1:5–8).

Một nguyên nhân nữa khiến lời cầu nguyện không được nhậm là vì cầu xin điều trái ngược ý Chúa. Vì cầu nguyện không phải là thuyết phục Chúa làm điều Ngài không muốn hay trái ngược với bản thể của Ngài, mà cầu nguyện là đồng ý với những gì Chúa muốn làm.

Tình trạng đó thường xảy ra vì tín hữu ít suy gẫm Kinh-thánh, chưa có mối tương giao thân mật với Chúa, cho nên không biết ý muốn của Ngài ra sao.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến cho sự cầu nguyện của rất nhiều người chẳng bao giờ có hiệu quả là do nếp sống của họ không đẹp lòng Chúa. Những người nầy tuy vẫn ở trong Hội-thánh nhưng chưa đủ tư cách để được thiên đàng ghi tên làm một thành viên hợp pháp trong thân thể Đấng Christ trên thế gian; cho nên, không thể làm đại diện hợp pháp cho Adam thứ nhì, nghĩa là không thể hiệp ý với Hội-thánh yêu cầu Đức Chúa Trời hành động.

Có thể nhiều tín hữu đã quên mất lời dạy của Kinh-thánh rằng: “Làm bạn với thế gian là thù nghịch với Đức Chúa Trời (4), nên vẫn còn ham mê rất nhiều thứ thuộc cõi trần tục không được Đức Chúa Trời đẹp lòng; nhất là phương diện giải trí qua phim ảnh, âm nhạc, sách báo, cũng như các phương diện đối nhân xử thế và các quan điểm về những chủ thuyết, niềm tin do người ta đặt ra.

Để biết phương diện trần tục nào mà cõi thiên đàng dứt khoát không chấp nhận thì so sánh nó với những lời dạy của Kinh-thánh. Nếu nó trái ngược với Lời Chúa thì đã quá rõ ràng.

Nhưng có một số chủ thuyết, tư tưởng hoặc truyền thống của một xã hội nào đó có vẻ rất cao đẹp bề ngoài, nhưng ẩn dưới bề mặt là sự nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời và quyền của Ngài cai trị vũ trụ.

Cho nên, sự làm bạn với thế gian không phải chỉ là những tội lỗi về đạo đức mà còn là đồng tình với những chủ thuyết và quan điểm tư tưởng chống Đức Chúa Trời. Ví dụ như một số thuyết chính trị phủ nhận quyền sống của các thai nhi, thuyết nhân bản thế tục (secular humanism), hay các khuynh hướng chính trị công khai chống báng các giá trị đạo đức mà Đức Chúa Trời đã công bố rõ ràng, như sự thực hành đồng tính luyến ái là tội nặng, vv.

Nhiều người không biết phân biệt sự khác nhau giữa nhân quyền trong đạo đức Cơ-đốc với chủ nghĩa đòi tự do thoả mãn nhục dục tự xưng một cách lừa dối là nhân quyền, cho nên sẵn sàng ủng hộ thế lực chính trị nào hứa tranh đấu cho quyền lợi vật chất thấp hèn của các giới người nào đó. Khi người nào lập quyết định ủng hộ và đồng tình với các thế lực chống Chúa, thì người đó đã quyết định làm bạn với thế gian rồi.

Một nguyên nhân khác khiến cho sự cầu nguyện luôn thất bại là không hiểu, hay hiểu sai về Chúa của mình. Giống như trẻ con không cần phải học hết các chương trình giáo dục mới có thể dạn dĩ tới gần cha mẹ để trò chuyện hay bày tỏ các nhu cầu của chúng, thì mọi con cái Chúa đều có thể tự tin dùng những lời cầu nguyện đơn giản và chân thành nhất để tương giao với Chúa mà không cần phải qua các lớp ở trường thần học. Sở dĩ nhiều người bị thất bại trong nếp sống cầu nguyện là vì hiểu sai về phương diện nầy.

Lời cầu nguyện không cần phải chỉ dẫn cho Chúa hiểu hoàn cảnh khó khăn của mình, hoặc Chúa nên làm thế nầy, thế nọ, vv, thì mới đạt được mục đích ta mong ước. Đức Chúa Trời của chúng ta biết Ngài phải làm những gì và cách làm nào hiệu quả nhất cho nhu cầu của con cái Ngài. Người nào tưởng Chúa chưa biết rõ thì cầu nguyện sai trật.

Chúng ta chỉ cần trình bày cho Chúa tình trạng của mình và xin Ngài ban cho sự chỉ dẫn cần thiết: “Lạy Cha, con tin rằng Cha biết rõ cảnh ngộ của con. Xin Cha dạy con biết cầu nguyện thế nào để được đẹp ý Cha về việc đó. Con tạ ơn Cha.

Hãy nhớ rằng không ai trong chúng ta biết rõ hơn Đức Chúa Trời về những gì cần phải làm để việc ta mong muốn ích lợi cho Hội-thánh sẽ xảy ra, cũng như nó sẽ xảy ra như thế nào. Vì vậy, cầu nguyện trong tinh thần và thái độ vâng phục là bí quyết dẫn tới thành công.

Câu chuyện sau đây về cuộc phục hưng Hội-thánh của Chúa ở nước Argentina vào thập niên 1950 đã diễn ra do kết quả của sự cầu nguyện trong tinh thần vâng phục.

Giáo sĩ R. Edward Miller đi truyền giáo tại một thị trấn nhỏ ở Argentina trong nhiều năm mà kết quả thì quá ít oi. Hội-thánh do ông thành lập và cai quản chỉ loe ngoe hơn chục tín đồ. Ông đã thử mọi phương pháp ông được biết–ngoại trừ các buổi cầu nguyện lâu dài.

Ông quyết định sẽ âm thầm cầu nguyện một mình tám giờ mỗi ngày, rồi kiêng ăn để quyết tâm đạt kết quả. Sau sáu tháng cầu nguyện, sự trả lời của Chúa là cứ tiếp tục. Thêm vài tháng nữa, ông vẫn cầu nguyện cô đơn một mình.

Lần nầy ông nghe Chúa bảo hãy thông báo cho Hội thánh sẽ tổ chức cầu nguyện hàng đêm suốt một tuần, từ 8 giờ tới nửa đêm. Ông rên rỉ: “Chúa ơi! Tổ chức như vậy thì chỉ vài bà già tới dự để ngồi xem con cầu nguyện thôi, sẽ chẳng có ai khác tới đâu.” Chúa trả lời: “Ta biết.

Đúng như ông đoán, chỉ có ba bà già tới ngồi xem ông cầu nguyện bốn giờ liên tiếp. Tới nửa đêm, ông hỏi có bà nào nghe Chúa nói gì không? Một bà đứng dậy nói có nghe Chúa bảo hãy tới phía trước gõ lên mặt cái bàn gỗ. Ông Miller thấy có vẻ hơi quái dị. Họ về nhà.

Đêm sau cũng ba bà già đó trở lại chẳng làm gì hết, chỉ ngồi xem mục sư của mình cầu nguyện bốn tiếng đồng hồ. Đến cuối buổi cầu nguyện, thì cũng bà già đêm trước lại nghe Chúa bảo hãy tiến lên toà giảng gõ trên mặt cái bàn gỗ. Ai nấy đều thấy có vẻ quái đản. Họ đi về nhà.

Rồi hai đêm tiếp theo cũng như vậy. Bà già nghe tiếng Chúa thì không chịu lên gõ trên mặt bàn gỗ, vì sợ bị coi là khùng. Đêm kế tiếp cũng diễn ra y như các đêm trước. Mục sư Miller nghĩ thầm: “Có phải mệnh lệnh quái dị nầy là bí quyết cho việc lớn sẽ xảy ra? Mà bà già đó không chịu lên gõ mặt bàn thì làm sao đây?

Ông bèn mời mấy bà già cùng với ông đi vòng quanh cái bàn gỗ và gõ lên mặt bàn như lệnh của Chúa. Mục sư Miller gõ trước, hai bà khác gõ tiếp theo, bà già thứ ba, người nghe Chúa bảo, vừa gõ một cái thì bất thình lình Đức Thánh Linh giáng trên cả bốn người.

Tất cả đều ngã xuống, vinh quang của Đức Chúa Trời bao trùm, ba bà già được báp têm bằng Đức Thánh Linh, họ nói tiếng lạ, họ mừng rỡ, hăng hái tôn vinh ca ngợi Chúa, không còn ngồi thụ động như năm đêm đã qua.

Ngày hôm sau, tin mừng loan ra, người ta bắt đầu rủ nhau tới nhà thờ khóc lóc ăn năn tội lỗi và vui mừng thờ phượng Chúa. Cơn phấn hưng Argentina ở thập niên 1950 đã bắt đầu như thế.

Chúng ta hãy xem lại sự cầu nguyện của mình để biết lý do nào mà sự cầu nguyện không kết quả. Hãy từ bỏ những nguyên nhân lâu nay vốn gây ra sự thất bại.

Hãy tập luyện vâng theo mệnh lệnh hay lời chỉ dẫn của Chúa cho hoàn cảnh của mỗi chúng ta. Chắc chắn chúng ta sẽ được Ngài thăm viếng. Chắc chắn Hội-thánh sẽ được Chúa ban phước và phát triển. Chắc chắn tất cả chúng ta sẽ biết cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Đức Chúa Trời.

NhungDieuCanBiet02.docx
Rev. Dr. CTB