Nắm Vững Niềm Tin, bài 16

Rôma 7:1–13

Trong phần trước, sứ đồ Phaolô xác quyết rằng ai liên hiệp với Đức Chúa Jesus thì không còn ở dưới quyền luật pháp mà ở dưới ân điển (6:14b). Tới đây, ông giải thích: “Anh em không biết rằng luật pháp chỉ cai trị người ta đang khi họ còn sống thôi sao?” (7:1b). Ông dùng tình trạng phụ nữ có chồng để làm ví dụ về việc luật pháp ràng buộc người ấy với chồng; nếu chồng chết thì phụ nữ ấy được giải thoát khỏi sự ràng buộc (2–3). Nhưng áp dụng vào mối liên quan giữa con cái Chúa với luật pháp thì hơi khập khiễng; bởi vì không phải luật pháp chết, mà tín đồ của Chúa (người vợ) tình nguyện chết đối với luật pháp. Tuy nhiên, sự áp dụng đó lại đúng với câu (1). Vì khi chúng ta bị kể như đã chết rồi, thì luật pháp chẳng còn quyền gì trên người chết ấy nữa.

Cũng vậy, thưa anh em của tôi, nhờ thân thể của Đấng Christ mà anh em đã chết về luật pháp và nay thuộc về một người khác, là Đấng đã sống lại từ cõi chết, để chúng ta kết quả cho Đức Chúa Trời” (4). Lời lý luận: “nhờ thân thể của Đấng Christ mà anh em đã chết về luật pháp” có nghĩa là khi tín hữu hợp nhất với Đấng Christ, mà thân thể Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, thì bất cứ điều gì xảy ra cho thân thể Chúa cũng phải xảy ra đối với người đó. Vì Đấng Christ bị giết chết trên cây thập tự, thì tín hữu cũng bị chết theo Ngài; và vì tín hữu đã chết thì mọi sự ràng buộc trước kia cũng chấm dứt. Đồng lúc đó, tín hữu bước vào mối liên hệ mới nhờ đã được sống lại. Qua mối liên hệ mới ấy, chúng ta là người thuộc về Đức Chúa Trời để sống kết quả cho Ngài.

Khi còn sống trong xác thịt (5), tức là lúc còn ở dưới sự cai trị của luật pháp, thì những sự đam mê tội lỗi trong con người, bị luật pháp cấm đoán, cứ trỗi dậy. Không phải luật pháp khơi dậy niềm đam mê tội lỗi, nhưng các sự ham muốn bị cấm trở nên rất mạnh mẽ, thúc giục lòng chúng ta phạm những điều luật pháp cấm, vì bản chất tội lỗi trong lòng lúc nào cũng muốn phạm luật. Khi chúng ta phạm tội thì kết quả là sự chết. “Nhưng bây giờ chúng ta đã được thoát khỏi luật pháp, đã chết đối với điều đã giam cầm chúng ta, để chúng ta phục vụ theo cách mới của Thánh Linh, chứ không theo cách cũ của văn tự nữa” (6). Vậy, ai đã thật liên hiệp với Đức Chúa Jesus và sống lại với Ngài thì đã thoát khỏi sự giam cầm của luật pháp nên không bị buộc phải tuân theo văn tự ấy nữa.

Tại sao? Luật pháp không giúp chúng ta được xưng công chính, không giúp ta hòa thuận với Đức Chúa Trời, không thánh hóa và không thể dẫn ta vào sâu trong mối tương giao với Chúa, cũng không làm cho ai được thánh khiết trước mặt Ngài. Vì chúng ta đã được biết Chúa nên muốn phục vụ Ngài; nhưng khi bị văn tự luật pháp trói buộc, chúng ta không thể tự do phục vụ. Nay đã chết và được thoát khỏi ách luật pháp rồi, chúng ta có thể phục vụ theo cách mới của Đức Thánh Linh. Sự phục vụ theo cách mới nghĩa là được thúc đẩy bởi lòng kính mến Chúa, không do miễn cưỡng phục vụ vì sợ sẽ bị trừng phạt. Vì thế, ai phục vụ theo văn tự luật pháp thì sẽ thường xuyên phạm tội, không thể tránh được. “Vậy chúng ta sẽ nói thế nào? Luật pháp là tội lỗi sao?” (7a).

Người ngoài có thể nghĩ rằng: “Chắc có cái gì sai trật trong luật pháp của Chúa đây!” Chẳng có gì sai trật hết. Bởi vì “Nếu không nhờ luật pháp thì tôi không biết đến tội lỗi. Nếu luật pháp không nói: Ngươi chớ tham lam thì tôi đã không biết tham lam là gì” (7b). Có thể ví điều răn như máy chiếu quang tuyến X soi rọi bệnh tật khó thấy. Không ai nói cái máy là xấu vì nó lôi bệnh ra ánh sáng. Có rất nhiều thứ mà chúng ta không biết chúng là tội cho tới khi luật pháp cho biết nó vi phạm luật thánh. “Nhưng tội lỗi đã nắm lấy cơ hội trong điều răn, khơi dậy trong tôi đủ mọi thứ tham dục, vì không có luật pháp thì tội lỗi chết. Trước kia, không có luật pháp thì tôi sống; nhưng khi có điều răn thì tội lỗi lại sống, còn tôi thì chết; lẽ ra điều răn đem sự sống đến cho tôi lại đưa tôi đến sự chết” (8–10). Qua mấy câu nầy, sứ đồ Phaolô trình bày thực trạng trong lòng người.

Bất cứ mệnh lệnh nào trong luật pháp bảo “Đừng làm …” thì mệnh lệnh đó trở thành sự thúc giục tâm tánh phản nghịch và tội lỗi trong chúng ta. Điều răn chẳng có lỗi gì cả, lỗi nằm trong lòng chúng ta. Ai cũng biết ăn vụng mà bị bắt gặp thì xấu hổ lắm. Ca dao Việt nói “Ăn vụng ngon thay!” hay “Ăn vụng quen tay, ngủ ngày quen mắt.” Biết là xấu nhưng vẫn thích ăn vụng, vì cái gì lén lút, hồi hộp mà thực hiện được thì rất thỏa mãn, nên vô cùng hấp dẫn. Lời răn “đừng ăn vụng” chẳng có gì là xấu, chỉ bản tính thích ăn vụng mới là xấu. Một khách sạn nằm sát biển ở Florida đề bảng “Không được câu cá từ ban công!” nhưng thường bị bể kính cửa sổ hoặc người thuê ở tầng dưới bị quấy rầy, vì người ở trên câu cá từ ban công. Họ dẹp tấm bảng, từ đó chẳng còn ai câu cá nữa.

Chữ chết trong (8b): “Vì không có luật pháp thì tội lỗi chết” không phải là bị tiêu diệt nhưng là nằm im không hoạt động. Không có luật pháp nghĩa là khi chưa biết tinh thần của luật pháp, trước khi nó chiếu vào lòng và lương tâm vị sứ đồ, thì tội lỗi nằm yên như đã chết. Chữ sống trong (9a) “không có luật pháp thì tôi sống” có nghĩa là khi còn xa lạ và chưa biết tới những điều cấm kỵ của luật pháp, Phaolô nghĩ rằng ông trong trắng và sẽ không bị trừng phạt. Nhưng khi học điều răn thì tội lỗi trồi dậy khuấy động bản chất bên trong khiến ông biết mình sẽ bị trừng phạt. Luật pháp và điều răn được thiết lập để đem sự sống đến cho người nào giữ trọn luật ấy. Nhưng không ai giữ nổi, nên thay vì đem sự sống, điều răn đưa người ta tới chỗ bị trừng phạt, tức là sự chết (10).

Vì tội lỗi nắm lấy cơ hội, dùng điều răn lừa dối tôi và nhân đó giết chết tôi. Cho nên, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công chính, và tốt đẹp. Vậy, có phải điều tốt đẹp đem sự chết đến cho tôi không? Chẳng hề như vậy! Nhưng đó là tội lỗi đã dùng điều tốt đẹp làm cho tôi chết, để bản chất thật của tội lỗi được phơi bày, và qua điều răn, tội lỗi trở nên cực ác” (11–13). Tội lỗi lừa dối cách nào? Nó hứa hẹn đem đến sự thỏa mãn; nó đưa ra đủ thứ biện hộ; nó cũng hứa sẽ không bị trừng phạt. Người ta sẽ không bị lừa gạt nếu biết sự thật. Loài người bị tội lỗi lừa dối vì không biết sự thật về hậu quả sự phạm tội sẽ xảy đến cho mình. Vì thế, Đức Chúa Jesus phán: “Các ngươi sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ giải thoát các ngươi” (Giăng 8:32).

Vậy, Đức Chúa Trời ban điều răn và luật pháp để làm gì? Loài người không biết rõ bản chất tội lỗi bên trong mình mạnh tới mức nào. Bản chất ấy nằm im cho tới khi nó bị khơi dậy thì người ta mới biết sức mạnh của nó. Luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời là thánh, công chính và tốt đẹp được ban ra với mục đích khiến tội lỗi phải bị lôi ra phơi bày bản chất thật của nó là vô cùng xấu xa. – Trong phân đoạn nầy, sứ đồ Phaolô cho biết rằng tuy mục đích của luật pháp là phơi bày tội lỗi, nhưng tội lỗi lợi dụng sự cấm đoán của luật pháp thúc giục người ta phạm tội nhiều hơn. Bởi vì bản chất tội lỗi bên trong con người muốn phá bỏ luật lệ để khẳng định sự độc lập của mình. Cho nên, khi luật pháp cấm đoán thì bản chất xấu trong ta sẽ phản ứng để chống lại.

Trong thư thứ nhất viết cho tín hữu ở Côrinhtô, sứ đồ Phaolô vạch rõ: “Cái nọc của sự chết là tội lỗi, sức mạnh của tội lỗi là luật pháp” (1Côrinhtô 15:56). Sự chết đã vào thế gian nhờ nọc độc của tội lỗi; mà sức mạnh của tội lỗi trở nên dữ dội trong tâm trí loài người khi điều lòng họ ưa thích bị luật pháp cấm đoán. Luật pháp của Đức Chúa Trời không thể giúp ai dẹp bỏ nỗi sợ chết. Chỉ Tin Mừng mới có thể làm điều đó. Vì vậy, ơn cứu rỗi từ trời giúp chúng ta thoát khỏi luật pháp.

NamVungNiemTin16.docx

Rev. Dr. CTB