Nắm Vững Niềm Tin, bài 15

Rôma 6:15–23

Không phải Phaolô dùng (15) để lặp lại câu hỏi trước (1), nhưng ông đặt câu hỏi nầy để sẽ nói về mối liên hệ giữa tín đồ Đấng Christ với luật pháp Môise. Đây là lời ông thảo luận về tác động của việc con cái Đức Chúa Trời đang ở dưới ân điển, không còn ở dưới quyền của Luật Môise. Vì Luật Môise cho người ta biết tội lỗi (Rôma 3:20b), vậy, nếu không áp dụng luật Môise thì tín hữu có mang tội không? Có phải rằng vì ở dưới ân điển, không bị luật Môi se chi phối, nên chúng ta chẳng cần tuân phục luật pháp nào hết không? Phaolô trả lời: “Chẳng hề như vậy” (15b). Tình hình xã hội thời Phaolô hoàn toàn khác hẳn tình trạng xã hội ngày nay. Lúc ấy, nô lệ là tình trạng rất phổ biến. Người đang tự do có thể bị bắt làm tù binh và bị bán làm nô lệ cho dân tộc khác; hoặc có thể vì nợ nần nên tự bán thân làm nô lệ. Và dù là người tự do vẫn bị các tầng lớp trên cai trị và ức hiếp.

Cho nên: “Anh em không biết rằng nếu anh em đem thân làm nô lệ để vâng phục người nào, thì anh em là nô lệ cho người mình vâng phục sao?” (16a). Dù thời xưa hay thời nay, hễ chúng ta quyết định vâng phục thứ gì thì sẽ nhận kết quả của sự vâng phục ấy (16b). Bất cứ tín hữu nào quyết định liên hiệp với Đức Chúa Jesus trong sự chết của Ngài thì cũng được sống lại với Ngài. Người ấy đang ở trong tình trạng mới của địa vị mới là được tha tội và được xưng công chính. Vì thế, tín hữu không còn có thể sống như thời mình hành động theo ý thích riêng nữa. Chúng ta đã vâng phục và thuộc về phía công nghĩa, không còn làm nô lệ cho tội lỗi thì không thể nào sống như một người nô lệ cho chủ tội lỗi. Chỉ có hai sự lựa chọn (16b); vì không có đất trung lập để ẩn náu.

Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, vì anh em đã từng làm nô lệ cho tội lỗi mà nay thật lòng vâng phục tiêu chuẩn giáo huấn đã ủy thác cho anh em, và anh em đã được giải thoát khỏi tội lỗi, trở thành nô lệ cho sự công chính” (17–18). Khi được địa vị làm con cái Đức Chúa Trời thì không phải là trở thành người vô-luật-pháp chẳng cần tuân theo luật nào hết. Được giải thoát khỏi tội lỗi nghĩa là chúng ta sẽ trở thành người vâng theo những lời dạy của Chúa. Vâng lời không có nghĩa là máy móc giữ các luật lệ, quy tắc của giáo hội; nhưng là sự thay đổi trong lòng vì ta vui mừng vâng theo các điều răn mới do Chúa truyền dạy, không miễn cưỡng giận dỗi. Chúng ta vâng lời Chúa vì kính mến Ngài, biết ơn Ngài về chương trình cứu rỗi miễn phí và các sự ban cho quý báu của Ngài.

Lời phát biểu “vâng phục tiêu chuẩn giáo huấn đã ủy thác cho anh em” (17) có phần khó hiểu nếu chỉ đọc lướt qua. Phần nầy có nghĩa là khi người Rôma tiếp nhận Chúa, họ vuột ra khỏi quyền cai trị của tội lỗi, không còn làm nô lệ cho nó. Đức Chúa Trời giao họ cho những người lãnh đạo Hội Thánh dạy dỗ họ về chân lý của Ngài. Các tân tín hữu ấy vâng theo các lời dạy dỗ thay vì tiếp tục làm nô lệ cho tội lỗi. Đây là khuôn mẫu cho Hội Thánh, như các tín hữu ở Jerusalem “chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ” (Công vụ 2:42). Cho nên, hễ khi nào tín hữu ở các Hội Thánh biết rõ địa vị của mình là đã được giải thoát khỏi thân phận nô lệ cho tội lỗi, thì phải vâng phục khép mình dưới sự công chính của Đức Chúa Trời (18), không thể sống đời phóng túng như người thế gian.

Sở dĩ sứ đồ Phaolô phải dùng hình ảnh nô lệ để giải thích giáo lý về vấn đề vâng phục sự công chính là vì đa số người thời ấy ít được học hành đầy đủ. Hình ảnh về tình trạng nô lệ giúp cho tín hữu dễ thấy địa vị của họ trong Đức Chúa Jesus là thế nào (19a). Nhưng, không phải Phaolô muốn chúng ta xem đời sống người tín đồ của Đức Chúa Jesus giống như nô lệ, mà là người được giải thoát khỏi ách nô lệ cho tội lỗi. Người ta thường bị trói buộc bởi thói quen của những sự ham muốn trong lòng mình, nên trở thành nô lệ cho những sự ham muốn ấy. Bây giờ, hãy tập thói quen vâng phục đức công chính thì chúng ta sẽ tiến bước mạnh mẽ trên con đường thánh hóa (19b). Tức là ưa thích những hành động và kết quả thánh thiện, mà ác cảm với bất cứ điều gì tà ác. Tập thói quen vâng phục sự công chính tức là chừa bỏ sự nói dối; vì dối trá sẽ tiếp tục sinh ra dối trá, tâm tính tà dâm sẽ tiếp tục sinh những chuyện dâm dật. Vì tội lỗi sẽ làm nẩy sinh thêm tội lỗi.

Khi người ta chưa biết chân lý, thì họ chẳng mấy quan tâm tới sự công chính (20). Việc bỏ thói xấu để theo đuổi sự thánh thiện không bao giờ nhanh chóng hay dễ dàng. Người ta dễ chiều chuộng sự ham muốn hay đòi hỏi của xác thịt. Cho nên, người nào chỉ theo đạo mà chưa vâng phục chân lý thì cứ phạm đi phạm lại tánh xấu vốn có. Nếu muốn thay đổi thì phải kiên trì trong ý chí quyết tâm từ bỏ thói xấu mình vốn thường phạm trong quá khứ. Chúng ta chỉ có thể thành công khi dâng thân thể mình làm nô lệ cho sự công chính, khởi sự tập thói quen mới, dứt bỏ thói xấu cũ, phục vụ Đức Chúa Trời cách chân thành. Tức là hướng lòng trung thành của mình về Chúa và trình dâng thân thể mình trong sự vâng phục Ngài. – Chỉ cần nhìn lại thời mình chưa biết chân lý thì biết bao nhiêu điều phải hổ thẹn. Chúng dẫn tới sự chết ở đời sau và bị trừng phạt nơi hỏa ngục (21).

Bây giờ, sau khi đã được mở mắt để thấy chân lý về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chúng ta giống như người được giải thoát khỏi gông cùm của tội lỗi, trở thành con cái ngưỡng vọng Đức Chúa Trời, muốn được hoàn toàn thuộc về Ngài. Cũng giống như người ta luôn luôn chiều chuộng đối tượng mình yêu thương, thì nay vì chúng ta yêu kính Chúa, tự nguyện tùy thuộc vào Đức Chúa Trời, muốn làm vừa lòng Ngài trong mọi việc. Đây chính là ý nghĩa của lời Phaolô nói rằng chúng ta trở thành nô lệ của Đức Chúa Trời (22a). Quyết tâm ấy chính là bí quyết được thánh hóa để nhận lãnh sự sống đời đời nơi thiên đàng khi lìa bỏ trần gian (22b).

Cuộc sống bước đi trên con đường thánh hóa rất là thú vị, hân hoan và hạnh phúc. Chẳng có sự xấu hổ nào trên con đường nầy. Người ta hổ thẹn khi tội lỗi họ bị phơi bày cho mọi người thấy; cho nên, chẳng ai muốn bị xấu hổ trước mặt người khác. Cuộc sống vâng phục sự công chính như một nô lệ của Đức Chúa Trời thì không có bất cứ điều gì phải hổ thẹn. Đức Chúa Trời nâng người thuộc về Ngài lên các địa vị cao trong xã hội và ban phước cho họ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có nhiều ví dụ thời xưa như Joseph (Sáng thế 39:1–6; 21–23); Samuel (1Samuel 3:19–21); Daniel (Daniel 2:48; 5:11–12; 6:1–3). Đó là những người vâng phục Chúa, tình nguyện làm đầy tớ của Ngài, nên họ được nhận lãnh các ơn phước kỳ diệu đầy vinh dự. Họ không có tội lỗi nào để phải bị hổ thẹn cả.

Khi tội lỗi làm kẻ cai trị thì nó trả tiền công cho các nô lệ của nó. Mỗi một tội đều dẫn tới sự chết của linh hồn ở đời sau (23a). Sự chết nầy không giống sự chết của thân thể. Khi thân thể chết đi, bộ óc chấm dứt hoạt động thì năm giác quan của người chết cũng kết thúc. Nhưng linh hồn của người không có Chúa vẫn sống và bị đưa vào âm phủ chờ ngày bị phán xét để trừng phạt vĩnh viễn nơi hỏa ngục. Linh hồn của người thuộc về Chúa được đưa về nơi nghỉ ngơi chờ ngày được thưởng nhiều hay ít tùy theo thành tích lúc còn sống trên thế gian có ích lợi cho Vương quốc Thiên Đàng. Phaolô gọi đó là “sự ban cho của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, Chúa chúng ta” (23b).

Trong phân đoạn nầy, sứ đồ Phaolô đã hai lần giải thích bí quyết được thánh hóa, tức là phần hồn và linh được trở nên thánh thiện, trong sạch, không bị ô uế bởi tội lỗi tầm thường. Bí quyết ấy là vâng phục sự công chính, vâng phục Đức Chúa Trời để được làm nô lệ ích lợi cho Ngài. Không có điều xấu hổ nào cho người được thánh hóa. Chỉ có vinh dự và tôn trọng đến từ thiên đàng ban cho những tín hữu nào quyết tâm sống đời vâng phục Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài.

NamVungNiemTin15.docx

Rev. Dr. CTB