Nắm Vững Niềm Tin, bài 14

Rôma 6:1–14

Trong phần trước, sứ đồ Phaolô nói rằng “… nơi nào tội lỗi gia tăng thì ân điển lại càng dư dật hơn” (5:20), lời nói ấy dẫn tới câu hỏi: “Vậy chúng ta sẽ nói thế nào? Chúng ta cứ tiếp tục sống trong tội lỗi để ân điển được dư dật sao?” (6:1). Câu trả lời rất rõ ràng: “Không hề như vậy! Chúng ta đã chết đối với tội lỗi thì làm sao cứ tiếp tục sống trong tội lỗi được?” (2). Thái độ và tình trạng chết đối với tội lỗi là một quyết định dứt khoát. Tín hữu chỉ có thể nhận lãnh ân điển khi nhất quyết cho con người mình phải chết đối với tội lỗi; ai đã được đứng dưới ân điển rồi thì không còn sống đời phạm tội được nữa. Thực tế nầy sẽ giúp tín hữu nhận ra phép báp-têm mình đã nhận có giá trị tới mức nào. Vì ai theo đạo đều được nhận phép báp-têm; nhưng thực tế lòng mình lúc ấy ra sao?

Anh em không biết rằng tất cả chúng ta đều đã chịu báp-têm trong Đấng Christ Jêsus, tức là chịu báp-têm trong sự chết của Ngài sao? Vậy, bởi báp-têm, chúng ta đã được chôn vào trong sự chết với Ngài, để rồi như Đấng Christ nhờ vinh quang của Cha được sống lại từ cõi chết thể nào thì chúng ta cũng được sống trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta đã được hiệp nhất với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ được hiệp nhất với Ngài trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài” (3–5). Đây là những chi tiết và điều kiện vô cùng quan trọng trong thực trạng tâm linh của những người đã chịu phép báp-têm. Hành động bị nhận chìm dưới mặt nước là biểu tượng của quyết định được chôn vào trong sự chết với Đức Chúa Jesus.

Vậy, đối với người chịu phép báp-têm thì đây không phải là một nghi lễ tôn giáo, mà là tham dự vào trong Đấng Christ. Sự chết của Ngài tạo nên một thế giới khác, trong đó không có chỗ cho tội lỗi cai trị; cho nên, ai tình nguyện tham dự vào sự chết của Ngài thì được giải thoát khỏi sự cai trị của tội lỗi, không còn bị buộc phải tiếp tục nếp sống cũ nữa (6). Tại sao? “Vì ai đã chết thì được giải thoát khỏi tội lỗi” (7). Vì được tham dự trong Đấng Christ, nên khi Ngài sống lại, người đó cũng được sống lại từ cõi chết, một sự sống mới trong Đấng Christ không còn dính líu gì nếp sống cũ nữa. Sự trồi lên khỏi mặt nước là biểu tượng của đời sống mới ấy. Đó là ý nghĩa của câu “như Đấng Christ nhờ vinh quang của Cha được sống lại từ cõi chết thể nào thì chúng ta cũng được sống trong đời mới thể ấy” (4b).

Phép báp-têm kết hợp chúng ta vào Đấng Christ. Khi nhận chúng ta vào trong chính Ngài, thì Ngài cũng ban hết mọi điều thuộc về Ngài cho chúng ta. Đó là ý nghĩa của câu “Vì nếu chúng ta đã được hiệp nhất với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ được hiệp nhất với Ngài trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài” (5). Tất cả những lợi ích về việc được ở trong Đấng Christ, đồng chết với Ngài và được đồng sống lại với Ngài đều thực hiện qua lòng tin: “Nhưng nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ thì chúng ta TIN rằng mình cũng sẽ cùng sống với Ngài” (8); bởi vì phải có lòng tin quyết vào quyền năng của Đức Chúa Trời và sự thực hiện của Đức Chúa Jesus mới có thể giúp chúng ta thật được ở trong Đấng Christ.

Tại sao những người được ở trong Đấng Christ sẽ không còn sợ bị sự chết cai trị? Sự chết nói ở đây không phải là sự chết thân thể theo lẽ thường của mọi loài xác thịt trên trần gian, nhưng là sự chết ở đời sau. Người tin Chúa không còn sợ bị sự chết ấy cai trị, bởi vì tin vào sự sống lại của Đức Chúa Jesus “Chúng ta biết rằng Đấng Christ đã sống lại từ cõi chết thì sẽ không bao giờ chết nữa; sự chết không còn cai trị Ngài” (9); mà tâm linh chúng ta được ở trong Chúa rồi, nên không còn sợ linh hồn mình sẽ bị sự chết đời sau trừng trị nữa. Sự chết của Đấng Christ sau khi Ngài thực hiện sự chuộc tội cho nhân loại là kiểu mẫu cho chúng ta noi theo. Các sinh tế trong hệ thống luật pháp Cựu ước trước kia là hình bóng về sự hi sinh của Ngài sau nầy để thiết lập giao ước mới.

Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus, đại diện nhân loại, chỉ chịu chết cho tội lỗi một lần là đủ để thực hiện ơn cứu chuộc cho tất cả chúng ta. Nhưng sự sống lại của Ngài là sống cho Đức Chúa Trời (10). Sự chết của Đấng Christ để đền chuộc mọi tội lỗi của loài người, nhằm tiêu diệt nó, loại trừ nó. Vì thế, ai liên hiệp với Ngài trong sự chết của Ngài thì người ấy không thể sống đời dung dưỡng tội lỗi nữa. Hãy hiểu rằng động lực sự chết của Đấng Christ là giúp cho người liên hiệp với Ngài có thể dứt bỏ tội lỗi. Ngài đã sống lại để sự sống của Ngài tôn cao vinh quang của Đức Chúa Trời. Cho nên, ai là tín hữu thật của Chúa, thì người ấy phải xem như mình đã chết đối với tội lỗi, và đang sống để làm vinh Danh Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ (11).

Sứ đồ Phaolô kêu gọi: “Vậy, đừng để tội lỗi cai trị trong thân thể hay chết của anh em, khiến anh em phải chiều theo dục vọng của nó. Đừng hiến chi thể mình làm công cụ gian ác cho tội lỗi, nhưng hãy hiến chính mình cho Đức Chúa Trời như những con người từ cõi chết sống lại, và dâng chi thể mình làm công cụ công chính cho Đức Chúa Trời” (12–13). Người ta bị tội lỗi cai trị vì luôn chiều theo những sự đòi hỏi của dục vọng xác thịt; mà thân thể dễ bị hư hoại của chúng ta đòi hỏi không ngừng. Dục vọng không phải chỉ là những sự đòi hỏi phải thỏa mãn khoái lạc dục tình, mà thường là những ham muốn của cải vật chất, áo quần mới và đẹp, đồ trang sức, giàu có về tiền bạc, muốn nổi tiếng, muốn được người khác khen ngợi, khoe của, hợm hĩnh khinh rẻ người khác, vv.

Tội lỗi và dục vọng đi đôi với nhau. Sự thúc giục của chúng rất tinh vi và mãnh liệt. Cho nên, sứ đồ Phaolô khuyên rằng: “Đừng hiến chi thể mình làm công cụ gian ác cho tội lỗi” (13a). Công cụ gian ác cho tội lỗi nghĩa là chủ tâm thực hiện những sự ham muốn xấu xa mà Chúa gớm ghiếc. Muốn tránh điều đó thì “hãy hiến chính mình cho Đức Chúa Trời như những con người từ cõi chết sống lại” (13b); những người thoát khỏi tai họa giống như từ cõi chết sống lại sẽ không dám phạm các lỗi lầm đã đưa mình vào chỗ chết; vì vậy, chúng ta hãy cố sức làm hài lòng Đấng đã cứu mình ra khỏi vũng lầy tội lỗi “và dâng chi thể mình làm công cụ công chính cho Đức Chúa Trời” (13c).

Dâng chi thể mình thế nào thì mới là công cụ công chính cho Chúa? Đừng phạm các lỗi lầm trêu chọc cơn thịnh nộ của Chúa. Chúng ta có thể theo đuổi đời sống tươi mới–một đời sống kính mến Chúa, từ bỏ sự ích kỷ và keo kiệt, sống trong tình yêu thương chân thật, vì đó là điều răn của Đức Chúa Jesus truyền dạy “Đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ món nợ yêu thương nhau; vì ai yêu người lân cận mình là đã làm trọn luật pháp. Vì các điều răn: ‘Ngươi chớ phạm tội ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ tham lam,’ và bất cứ điều răn nào khác, đều tóm tắt trong câu nầy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như mình.’ Tình yêu thương không làm hại người lân cận; vì vậy, yêu thương là làm trọn luật pháp” (Rôma 13:8–10). Yêu thương được bày tỏ ra qua sự vâng lời các bậc hướng dẫn tinh thần, khích lệ nhau, kiên nhẫn đối với nhau, và đoàn kết giúp đỡ nhau.

Chúng ta, những môn đồ của Đức Chúa Jesus, đã tiếp nhận ơn cứu chuộc và tha tội của Ngài, đang được ở dưới ân điển, được sự ban phước và bảo vệ của Ngài, thì đừng để tội lỗi cai trị mình nữa (14). Có thể một số người lâu nay sống theo bản tính ích kỷ, hợm hĩnh, lười biếng, không chút kết quả gì cho Vương quốc thiên đàng, thì hãy bắt đầu vâng theo các mệnh lệnh Đức Thánh Linh đã dùng Phaolô truyền đạt cho mọi tín hữu; để chúng ta thật sự thoát khỏi sự trừng phạt đời sau.

NamVungNiemTin14.docx

Rev. Dr. CTB