Nắm Vững Niềm Tin, bài 13

Rôma 5:12–21

Trong phần đầu của đoạn nầy, Sứ đồ Phaolô nói về kết quả ngay lập tức của việc được xưng công chính bởi đức tin là được hòa giải với Đức Chúa Trời, không còn ở vị trí thù nghịch với Ngài. Phần tiếp theo mà chúng ta sẽ xem xét hôm nay sẽ cho chúng ta biết toàn thể địa vị của chúng ta được thay đổi; con dân Chúa được hưởng hạnh phúc lớn lao và sâu nhiệm hơn nhiều. Bởi vì trước khi nhận được ơn cứu rỗi do ân điển Chúa ban cho, tất cả loài người, trong đó có chúng ta, đều bị nhận chịu hậu quả việc làm của thủy tổ loài người là Adam; nhưng bây giờ mọi người nào chân thành tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa thì được giải thoát ra khỏi thân phận hẩm hiu của dòng dõi Adam và được chuyển qua một địa vị vinh quang mới: Được ở “trong Đấng Christ.

Trong 3 câu đầu (12–14), sứ đồ Phaolô nói về hậu quả của tội lỗi do tổ phụ Adam gây ra. Adam do đó là đại diện của cả loài người; Adam phạm tội, cho nên tội lỗi của Adam bị gán trên cả nhân loại. Phaolô tóm tắt và giải thích trong câu 12: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian, và bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã lan tràn đến mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội.” Những câu tiếp theo là phần Phaolô giải thích lý do sự chết ngự trị trên con cháu của Adam, dù họ không phạm cùng một tội giống như tội của Adam. Đức Chúa Trời tạo dựng loài người để ban sự sống. Ngài đã cảnh cáo Adam rằng: “Về trái của cây biết điều thiện và điều ác thì con không được ăn, vì ngày nào con ăn trái cây đó, chắc chắn con sẽ chết” (Sáng thế 2:17). Lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời rất là nghiêm trọng, vì Ngài không nói chơi hay dọa dẫm suông.

Eva tin lời con rắn hơn tin lời chồng thuật lại mệnh lệnh của Đức Chúa Trời; Adam vì quá yêu vợ, không còn nhớ lời dặn của Chúa, nên cùng với vợ ăn trái cấm. Hậu quả là sự chết thể xác đã theo ngõ tội lỗi để vào thế gian, còn hậu quả của sự phạm tội là loài người bị tách rời khỏi vinh quang của Đức Chúa Trời (Rôma 3:23). Chẳng những nhân loại bị thừa hưởng tội của Adam, họ còn tạo ra tội của riêng mình nữa. Cho nên, không ai có thể trách móc tổ phụ Adam, mà mình tự trách mình thì đúng hơn. Sứ đồ Phaolô giải thích rằng tội lỗi của người ta cũng không phải vì luật pháp quy định: “Vì tội lỗi đã có trong thế gian trước khi có luật pháp; nhưng khi chưa có luật pháp thì tội lỗi không được kể đến. Tuy nhiên, sự chết đã ngự trị từ Adam đến Môise, cả trên những người không phạm cùng một tội với Adam” (13–14). Vậy thì, dù tội lỗi chưa bị kể, hậu quả của nó đã có.

Điều Phaolô muốn nói là tội lỗi đã vào thế gian, dù nó chưa thể bị trừng phạt về mặt luật pháp; nhưng tội của Adam là bất tuân mệnh lệnh trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Sau Adam, Chúa đã không truyền phán mệnh lệnh trực tiếp nào cho tới thời Môise. Dù người ta không bị luật pháp trừng phạt, họ vẫn bị chết vì họ đã phạm tội “trong Adam.” Adam là người đại diện cho cả nhân loại. Vì Adam phạm tội nên sự chết mới có thể ngự trị và thống trị trên cả thế giới (14a, 17a). Nhân loại bị sự chết thống trị là một tin buồn, nhưng Phaolô chỉ cho chúng ta thấy hạnh phúc của những người tin nhận Đức Chúa Jesus. “Nhưng tội lỗi không giống như sự ban cho thiên thượng. Vì nếu bởi tội của chỉ một người mà nhiều người phải chết thì ân điển của Đức Chúa Trời càng lớn hơn, và quà tặng bởi ân điển của một Người là Đức Chúa Jêsus Christ lại càng dư dật cho nhiều người khác nữa” (15).

Tin vui hay tin mừng mà mọi người nào thật lòng tin và tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus sẽ nhận được là quà tặng công chính và ân điển của Đức Chúa Trời ban cho: “Tặng phẩm nầy không giống như hậu quả do tội lỗi của một người. Vì sự phán xét do một tội đã dẫn đến sự kết án; nhưng sự ban cho thiên thượng thì sau nhiều lần phạm tội lại dẫn đến sự xưng công chính. Nếu chỉ vì tội của một người, mà qua người đó sự chết đã thống trị thể nào, thì cũng chỉ nhờ một Người là Đức Chúa Jêsus Christ, mà những ai nhận ân điển và quà tặng công chính cách dồi dào, sẽ càng thống trị trong sự sống thể ấy” (16–17). Nếu người đọc chú ý đọc lại câu 16 thì sẽ thấy tại sao đạo của chúng ta được gọi là Tin Lành, vì sự ban cho thiên thượng là quá tuyệt vời!

Điều đó đã có thể thực hiện được vì “nhờ một Người là Đức Chúa Jêsus Christ, mà những ai nhận ân điển và quà tặng công chính cách dồi dào, sẽ càng thống trị trong sự sống thể ấy” (17). Sự trừng phạt không còn đè nặng trên mọi con dân chân thật của Chúa. Vì vậy, anh chị em ơi! Hãy xem lại đời sống đức tin của mình đã thực sự trở thành con cái của Chúa hay chưa! Những ai chân trong chân ngoài thì không thể nào hiểu lẽ đạo chân chính được. “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Đức Chúa Trời và loài người, là Đấng Christ Jêsus, cũng là Người” (1Timôthê 2:5). Đây là sự thật! Nếu mọi giáo chủ khác do loài người thờ kính không thể cứu vớt được chính họ và bất cứ một ai, thì nhớ về họ làm chi để bị thiên đàng kết tội là phản nghịch?

Chỉ có một con đường dẫn tới sự sống vĩnh cửu ở đời sau là Đức Chúa Jesus. Ngài tuyên bố: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Cho nên, không thể có cái gọi là đạo nào cũng tốt, hoặc đường nào cũng dẫn tới sự giải thoát. Lý luận ấy chỉ là sự lừa gạt của những kẻ cố chấp, cố bám víu truyền thống sai lạc, không dám chấp nhận tổ tiên mình đã đi lầm đường. Những người đang đi trên bất cứ con đường nào, nếu biết mình đang bị lạc đường thì vẫn có thể trở lui bất cứ lúc nào. Bởi vì không lìa bỏ lối đó thì càng đi càng lạc xa thêm. Trong bốn câu cuối 18–21, Phaolô tóm tắt lại lý luận của ông đã viết ở câu 12: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian, và bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã lan tràn đến mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội.

Bốn câu cuối nầy có hai phần; phần thứ nhất là hai câu 18–19Vì thế, bởi sự phạm tội của chỉ một người mà mọi người bị kết án, thì cũng vậy, bởi hành động công chính của một Người mà mọi người được xưng công chính và được hưởng sự sống. Vì, bởi sự không vâng phục của một người mà nhiều người trở thành tội nhân, thì cũng vậy, bởi sự vâng phục của một Người mà nhiều người sẽ trở nên công chính.” Đây là sự so sánh của Phaolô giữa Adam với Đấng Christ. Adam, từ lúc ban đầu là một người trong trắng và vô tội nhưng bị dụ dỗ đã phạm tội không vâng lời mệnh lệnh trực tiếp của Vị Chúa Tể vũ trụ; cho nên, qua ông mà tội lỗi đã vào thế gian. Rồi tội lỗi dẫn đến sự chết lan tràn trên giống người từ đó đến nay, vì mọi người cũng đều đã phạm tội.

Đấng Christ đã đến thế gian làm một người không bị nhiễm chút tội lỗi nào. Ngài vâng phục chương trình của Đức Chúa Cha cứu chuộc nhân loại, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự để thực hiện chương trình ấy (Philip 2:8). Bởi sự vâng phục của Ngài, thì những ai tin Ngài đều được trở nên công chính (19). Phần thứ nhì là hai câu 5:20–21Luật pháp đã đến làm cho tội lỗi gia tăng; nhưng nơi nào tội lỗi gia tăng thì ân điển lại càng dư dật hơn. Như thế, tội lỗi thống trị bằng sự chết, còn ân điển cai trị bằng sự công chính để đem lại sự sống đời đời qua Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.” Câu “Luật pháp đã đến làm cho tội lỗi gia tăng” không phải là làm cho tội lỗi nhiều thêm, nhưng là làm cho tội lỗi bị nổi bật lên rõ ràng (highlighted).

Luật pháp giúp cho chúng ta thấy nhu cầu khẩn thiết của mình là được xưng công chính, thoát khỏi tội lỗi, nhưng tuyệt vọng vì không làm được. Trong cảnh tội lỗi càng nổi bật, chúng ta càng thấy mình sẵn sàng tiếp nhận ân điển của Chúa ban cho qua sự chết hi sinh của Đức Chúa Jesus, câu “ân điển lại càng dư dật hơn” có nghĩa như vậy. Ai đã thật lòng tin Chúa, người ấy không còn ở trong Adam mà ở trong Đấng Christ để nhận quà tặng miễn phí là sự sống đời đời. Lưu lại trong Adam hay tiếp nhận ân điển để được ở trong Đấng Christ là quyết định của mỗi người.

NamVungNiemTin13.docx

Rev. Dr. CTB