Nắm Vững Niềm Tin, bài 12

Rôma 5:6–11

Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội” (6). Chữ yếu đuối ở chỗ nầy có nghĩa gì? Nguyên nghĩa của chữ đó là “không có sức.” Sứ đồ Phaolô nói về tình trạng suy đồi về đạo đức của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, tức là dù biết mình phạm lỗi lầm nhưng bất lực, không có cách nào chỉnh đốn hoặc thay đổi gì được. Một ví dụ nhỏ có thể làm sáng tỏ ý nầy: Người lái xe vô ý chạy quá tốc độ, bị cảnh sát chận lại; dù anh ta hối hận hoặc đau khổ cũng không thể thay đổi hoặc xóa bỏ thực tế mình đã vi phạm luật; chỉ biết bất lực nhìn cảnh sát ghi giấy phạt. Chữ yếu đuối của câu 6 mô tả tình trạng bất lực đó. Nhưng, Đức Chúa Trời không bắt chúng ta đền tội mình, Đấng Christ đã đến thế gian để chịu chết thay cho chúng ta.

Chúng ta phải hiểu rõ tình cảnh của mình, nói riêng, và nhân loại, nói chung; thì mới thấu hiểu nghĩa cử của Đức Chúa Jesus và biết ơn Ngài. Thứ nhất, chúng ta yếu đuối, không có sức và chẳng làm chi được; thứ nhì, chúng ta xấu xa, không thánh thiện. Vậy thì, vì chúng ta là loài người không thiện lương, không công chính, không xứng đáng, không có giá trị gì để được người khác chết thay cho mình. Huống chi “… khó có ai chịu chết thay cho người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện” (7). Hãy thử suy nghĩ: Khi chúng ta gặp hoạn nạn trong hoàn cảnh khó khăn thì khó tìm ra người liều thân giúp đỡ và giải cứu, nói gì người sẵn sàng hi sinh mạng sống cho mình. Chính chúng ta cũng khó hi sinh cho người mình biết là lương thiện.

Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân, thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta” (8). Phaolô dùng hình ảnh rất tương phản để so sánh: Chúng ta không sẵn lòng chết thay cho người công chính; nhưng Đấng Christ đã chết thay cho mọi người có tội, dù là người phạm nhiều tội đáng tởm hơn hết. Tại sao Đức Chúa Jesus lại sẵn lòng chịu hình phạt án chết thay cho chúng ta? Hành động đó của Ngài, biến cố hi sinh của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá là sự bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với loài người cách rõ ràng hơn hết. Không hành động nào khác chứng tỏ đức yêu thương của Ngài tốt hơn sự hi sinh của Đức Chúa Jesus. Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu ấy (Giăng 15:13–14).

Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình. Đây là phát biểu rõ hơn hết về tình yêu thương. Khi Đức Chúa Jesus hi sinh vì chúng ta, chúng ta chưa phải là bạn hữu của Ngài. Đa số trong chúng ta vốn thù nghịch với Ngài nhưng Ngài vẫn vui lòng chịu chết để tội lỗi chúng ta được tha. Tình yêu ấy còn lớn hơn tình yêu thương vì bạn mà hi sinh. Không một hành động bày tỏ tình yêu nào khác có thể so với sự hi sinh của Đức Chúa Jesus đã thực hiện cho chúng ta. “Vậy, bây giờ chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công chính rồi, thì hẳn chúng ta sẽ càng nhờ Ngài mà được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời càng hơn” (9). Đấng Christ đã chịu chết đền tội chúng ta, và Ngài sống lại để chúng ta được xưng công chính.

Đại đa số tín hữu ở các Hội Thánh ung dung thụ hưởng lợi ích được tha tội và được xưng công chính; nhưng rất ít người chịu dành thì giờ suy gẫm câu Kinh Thánh trên (9) để hiểu tình yêu của Đức Chúa Trời đối với mình: Ngôi Lời của Ngài đã xuống trần trong vai trò Đức Chúa Jesus để thực hiện điều mà toàn thể vũ trụ chẳng thể ngờ đến, ấy là Ngài sẵn sàng lìa địa vị cao quý nhất để chết thay cho những tội nhân mạt hạng. Sự việc đó là điều khó nhất, nhưng Chúa đã thực hiện rồi. Vậy, việc Ngài cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời càng dễ dàng hơn biết chừng nào! Cho nên, ấy là việc Đức Chúa Jesus chắc chắn sẽ xưng công chính cho người nào bởi đức tin sẵn sàng tin quyết rằng Ngài là Đấng Cứu Tinh của linh hồn người ấy.

Có thể có người vẫn chưa dám tin vào hạnh phúc tuyệt diệu mình được hưởng mà không tốn công lao gì hết. Đó là những người từng được nuôi dưỡng trong môi trường tôn giáo coi trọng nỗ lực công đức cá nhân. Não trạng nầy cho rằng lợi ích nào không do công lao mình thì chẳng đáng được hưởng; và có lẽ nó rất ít giá trị. Vì lý do đó, một số người dù vẫn đi nhà thờ, vẫn học Kinh Thánh, nhưng đời sống tâm linh không thể trưởng thành nổi vì muốn lập công để xứng đáng hưởng phước thiên đàng. Họ không để ý lời dạy nầy: “Vì nếu khi chúng ta là kẻ thù nghịch mà nhờ sự chết của Con Ngài, chúng ta còn được hòa giải với Đức Chúa Trời, thì huống chi nay đã được hòa giải rồi, chúng ta lại càng được cứu nhờ sự sống của Con Ngài là dường nào” (10).

Ngược lại, một số người khác thì cứ điềm nhiên thụ hưởng ơn cứu rỗi, được tha tội và xưng công chính mà không tìm hiểu, cũng không quan tâm tới nhiệm vụ tín hữu của mình để sống một cách ích lợi cho Vương quốc thiên đàng. Vì lý do ấy, nhiều Hội Thánh địa phương không thể tăng trưởng nổi. Tác giả thư Hebrew viết về những người như vậy: “Chúng tôi có nhiều điều cần nói về vấn đề nầy nhưng rất khó giải thích, vì anh em đã trở nên chậm hiểu. Đáng lẽ, bây giờ anh em phải làm thầy rồi; thế mà anh em vẫn cần người ta dạy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời cho anh em. Anh em vẫn còn phải uống sữa thay vì dùng thức ăn đặc. Ai chỉ uống sữa thì chưa hiểu đạo công chính, vì còn thơ ấu. Nhưng thức ăn đặc dành cho người trưởng thành, là cho những người nhờ thực hành mà luyện tập khả năng phân biệt điều lành và điều dữ” (Hêbơrơ 5:11–14).

Hãy cùng nhau suy nghĩ một chút: Đức Chúa Trời mong mỏi mọi con cái Ngài phải trở thành những người có kết quả cho Vương quốc Ngài (Mathiơ 13:22–23). Chúng ta thì sao, đã có kết quả gì chưa? Có bị sự lo lắng về đời nầy và lo làm giàu mà nghẹt ngòi không lớn lên nổi, chẳng sinh ra được một hột nào không? Nếu tin Chúa đã lâu năm mà chưa kết quả thì còn chờ đợi đến bao giờ? Ý nghĩa của điều lành là gì và điều dữ là gì khi áp dụng vào đời sống không kết quả của chúng ta? Nếu quý anh chị em biết thụ hưởng câu nầy “Không những thế, chúng ta lại còn vui mừng trong Đức Chúa Trời bởi Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, nhờ Ngài mà bây giờ chúng ta nhận được sự hòa giải” (11), thì có sẵn lòng học thông thạo lẽ đạo căn bản để biết chứng đạo không?

Tình hình thế giới hiện nay, tình trạng xã hội mà chúng ta đang sống thì tràn ngập tội lỗi, đến nỗi có vô số người mang danh là trí thức nhưng không còn biết phân biệt giữa đúng với sai, giữa thiện với ác. Dân bình thường thì chỉ chạy theo danh, lợi, quyền, tiền bạc, và sắc dục; người thiện lương không biết phải tin vào đâu! Chẳng ai trong chúng ta sẽ sống vĩnh viễn. Có thể một số người sẽ còn sống tới ngày tận thế; nhưng thời gian trên đất của chúng ta quá ngắn ngủi. Sứ đồ Phaolô dặn bảo một đồ đệ thân thiết là ông Titus, một mục sư mà ông đặt ở đảo Crête để chăn dắt Hội Thánh ở đó rằng, hãy dạy các tín hữu lời nầy: “Anh em tín hữu chúng ta phải học tập chú tâm vào việc lành, để cung ứng những trường hợp có nhu cầu cấp bách, chứ đừng sống một cuộc đời không kết quả” (Tít 3:14). Vậy kết quả không phải chỉ là biết chứng đạo mà cả bên trong lẫn bên ngoài.

Vậy, hãy sống đạo thế nào để ngày chúng ta phải khai trình với Chúa yêu quý của mình thì không bị kể vào hàng kẻ ác bị quăng ra nơi có khóc lóc và nghiến răng; nhưng được Chúa kể là con cái ngay lành và trung tín, được Ngài đưa vào hưởng phước trong Vương quốc của Ngài.

NamVungNiemTin12.docx

Rev. Dr. CTB