Tín Đồ Của Chúa, bài 23

Công vụ 14:8-20

Các ban chứng đạo của nhiều Hội thánh Việt-nam ở Hoa kỳ vẫn thường áp dụng các phương pháp truyền giáo do những Hội-thánh Mỹ dạy cho họ. Vào thời kỳ người Việt-nam tỵ nạn, vượt biên hay di dân trong các chương trình nhân đạo, mới tới Mỹ còn chân ướt chân ráo, rất cần sự bảo trợ và giúp đỡ của các nhà thờ Tin Lành, thì chứng đạo kiểu Mỹ có vẻ rất thành công.

Riêng hệ phái Baptist thành lập nhiều Hội-thánh người Việt ở khắp các tiểu bang, số tín đồ tăng nhanh chóng lên tới hơn mười lăm ngàn người thuộc khoảng một trăm năm mươi Hội-thánh.

Tới ngày nay thì thời huy hoàng đó hình như chỉ còn là âm vang của dĩ vãng, không phải là hiện thực nữa. Chuyện gì đã xảy ra? Các Hội thánh đã phạm lầm lỗi gì? Tại sao thời kỳ đó nhiều ngàn tân tín hữu tỏ vẻ chăm chỉ tới nhà thờ, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã lặng lẽ biến mất?

Chỉ cần xem xét lại cách dẫn dụ người chưa tin Chúa để đem tới Hội thánh, thay vì trình bày Phúc Âm một cách cặn kẽ, không thúc ép, chúng ta có thể nhận ra các nhược điểm tai hại vẫn tồn tại tới bây giờ:

Trước hết là đem các lời hứa về ơn phước để người nghe xiêu lòng, kế đến là đem sự trừng phạt ở hoả ngục ra doạ để mong người ta sẽ sợ hãi, rồi thúc giục người nghe nói theo lời cầu nguyện xin tiếp nhận Chúa. Nếu họ đồng ý thì xem như sự chứng đạo đã thành công, hớn hở kể thành tích chứ không tìm cách biết rõ người tân tín hữu đó hiểu biết về ơn cứu rỗi của Chúa ra sao, nắm vững tới mức nào.

Đọc lại công tác truyền giáo của sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba ở Listra, chúng ta thấy sự thành công và thất bại của Phao-lô chỉ cách nhau một khoảng thì giờ ngắn ngủi. Khi ông từ chối sự tung hô của dân ở đó, thì họ bị xúi giục ném đá ông tới lúc tưởng ông đã chết.

Ai giỏi truyền giáo bằng sứ đồ Phao-lô? Ai có sự nhạy bén của Đức Thánh Linh và thấy tâm tình người khác như ông? Nhưng ông đã phạm một sai lầm trầm trọng vì đã không cậy danh Đức Chúa Jesus Christ ở Nazareth để truyền cho người què nhờ Danh Ngài được chữa lành. Nếu Đức Thánh Linh không che chở, ông đã bị thiệt mạng rồi.

Hành trình truyền giáo chuyến đầu tiên của hai sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba tới vùng Tiểu Á, phía nam Thổ-nhĩ-kỳ bây giờ, nhưng các ông ít biết về phong tục và tín ngưỡng của họ.

Việc người què được chữa lành là một thành công chứng minh quyền năng của Đức Chúa Trời ban cho các đầy tớ Ngài là có thật và hữu hiệu. Nhưng diễn biến tiếp theo cho thấy hai ông không lường trước được phản ứng của một sắc dân mê tín lâu đời tưởng hai ông là thần Zeus và thần Hermes (tức là Mộc-tinh và Kim-tinh) hiện hình (11-13).

Nếu ông Phaolô nhân danh Đức Chúa Jesus người Nazareth, truyền cho người què đứng lên, giống như Phierơ nói ở Cửa Đẹp tại Đền Thờ Đức Chúa Trời ở Jerusalem, thì có lẽ người Lycaoni nơi đó đã có phản ứng khác. Họ sẽ ngạc nhiên về Danh Đức Chúa Jesus; ông Phao-lô cũng giải thích một cách dễ dàng cho họ hiểu nguồn gốc của quyền năng làm cho phép lạ xảy ra.

Sự hiểu biết về phong tục tập quán của người nghe đạo sẽ giúp ích rất nhiều cho người làm chứng đạo tính trước cách nói và dự trù chiến thuật đối phó với các thế lực ma quỷ sẽ hành động trong người nghe đạo, thay vì phải lúng túng chống đỡ các lời nói tấn công hay chất vấn gắt gao của họ.

Đa số người Việt nghĩ rằng tín ngưỡng của họ là phật giáo; thật ra người ta thấy phật giáo là phổ thông trong dân gian, nhưng không biết nhiều điều mà phong tục họ thực hành là trái nghịch với giáo lý đạo phật.

Hầu hết các sự tin tưởng về thần thánh, ma quỷ ra từ Lão giáo, mà giáo chủ là Lý Nhĩ, tự Bá Dương, sinh ra khoảng cuối thế kỷ 13 trước công nguyên, là người soạn bộ Đạo Đức Kinh, đời nhà Chu bên Tàu. Hơn hai ngàn năm sau, vua Đường Thần Tông phong cho ông là Thái Thượng Lão Quân vào năm 1013.

Nhưng nhân vật làm chuyển hướng Lão giáo từ lý thuyết thanh tĩnh vô vi sang tu tiên, luyện thuốc mong được trường sinh bất tử, sinh ra giới đạo sĩ, pháp sư, phù thuỷ, là ông Trương Đạo Lăng, gọi là Trương Tiên Sư, chuyển Lão giáo thành Đạo giáo rồi đạo nầy nhập với đạo phật Bắc-tông, nhập với Khổng giáo. Người Tàu đem tôn giáo họ sang Việt Nam thành đạo dân gian người Việt.

Có biết được các nguồn gốc sinh ra cách tin tưởng của người Việt và Việt gốc Hoa, chúng ta mới hiểu tâm lý ưa lợi dụng lòng tốt của người khác trong vòng dân tộc mình.

Các con cái Chúa thì thấm nhuần đức nhân ái nên thích giúp đỡ người có nhu cầu. Đức Chúa Jesus dạy rằng đừng cho tay trái biết tay phải làm việc thiện gì (Mathiơ 6:3), nên chúng ta rất ân cần giúp đỡ mà không cần được trả ơn.

Nhưng cũng nên hiểu rằng những người vốn quen với tập quán theo đạo là cách lợi dụng thần thánh để thoả mãn các nhu cầu vật chất, sẽ chỉ chú trọng tới những thứ vật chất của cải trong đời nầy mà thôi; cho nên, giới người đó không chú ý tới lãnh vực tâm linh hay đạo đức.

Vì thế, nếu ai nói tới các vấn đề tâm linh và đạo đức thì họ không bao giờ muốn nghe. Cách thức truyền giáo cho những người nầy không phải là lời nói mà là cách sống làm gương để họ nhận ra con đường Chúa dạy là thanh sạch và trong sáng; họ sẽ ăn năn khi soi mình trong gương đó.

Xem lại gương truyền giáo không sờn lòng hay mệt mỏi của Phao-lô, người nghiên cứu sách Công vụ thấy rằng ông vốn là người Do-thái-giáo thuần thành (Công vụ 22:3); nhưng để có thể rao giảng phúc âm về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, ông phải hiểu tận tường tin mừng đó.

Vậy lý do nào khiến quá nhiều anh chị em tín hữu ngày nay không thể trình bày một cách rõ ràng, ngắn gọn về tin mừng mà mình đã tiếp nhận? Nguyên nhân nào khiến mình chưa hiểu rõ? Có phải do Kinh thánh không trình bày rõ ràng, hay Hội-thánh không giảng dạy giáo lý, cũng không tổ chức huấn luyện thành viên?

Nếu cho tới ngày nay anh chị em vẫn chưa nắm vững các giáo lý căn bản cũng không thể nối kết các điều căn bản ấy lại với nhau để có thể trình bày một cách mạch lạc, thì lỗi ấy do chính mình gây ra vì không chịu dành thì giờ để học, đừng nói tới sự tương giao với Chúa.

Trong nền giáo dục ở Việt Nam ngày xưa, người ta chỉ có thể trở thành sinh viên đại học sau khi đã thi đậu Tú Tài 2. Mà muốn được thi Tú Tài 2 thì phải đậu Tú Tài 1 trước đã.

Áp dụng điều căn bản nầy vào đời sống đức tin bước đi theo Chúa cũng vậy. Chúng ta phải đạt trình độ hiểu rõ ràng về quyền cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời trên mọi tạo vật do Ngài dựng nên. Khi Ngài ra lệnh thì mọi vật phải vâng lời (Ê-sai 40:25-26). Đấng quyền uy tột đỉnh lại đầy lòng yêu thương (Giăng 3:16).

Khi nhắc tới những điểm căn bản nầy, rất nhiều người nhớ ra là mình đã biết và hiểu rất rõ; nhưng sở dĩ không thể trình bày mạch lạc vì có lẽ chẳng bao giờ dự định dùng sự hiểu biết ấy để làm chứng nhân cho Đức Chúa Jesus.

Vì không có ý định làm nên không tập tành chuẩn bị gì hết. Trăm hay không bằng tay quen; làm thường xuyên thì thạo hơn người giỏi mà không làm.

Cho nên, để có thể trình bày tin mừng một cách đầy đủ mà ngắn gọn, giản dị mà dễ hiểu, thì các con cái Chúa phải chịu khó bỏ thì giờ ra thực tập. Không lý do nào là chính đáng nếu không làm điều nầy! Ai không làm, người ấy phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa.

Có lẽ đã có người nghĩ rằng, còn lâu lắm mình mới phải tới trình diện trước mặt Chúa, cứ từ từ thong thả chẳng sao hết. Đừng mang ý tưởng hết sức dại dột đó, vì không ai có thể biết trước lúc nào mình sẽ qua đời hay tai nạn sẽ tới vào lúc nào. Người có chuẩn bị sẵn sàng là người luôn luôn yên tâm hơn những người chần chờ không chuẩn bị.

Tâm lý ăn xổi ở thì, không tính chuyện lâu dài, hay việc gì cũng làm quấy quá cho qua chuyện thì không bao giờ dẫn tới một kết quả tốt đẹp được, đừng nói gì tới một đời sống ích lợi cho nhân quần, xã hội.

Là con dân của Nước Trời, tính chất con người mới trong chúng ta phải khác hẳn người bình thường với tất cả tánh xấu của họ. Con người mới phải có sự hiểu biết mới về sự sống mới mình đã nhận được.

Chia sẻ Phúc Âm không phải chỉ là nói về Tin Mừng cứu rỗi từ Đức Chúa Trời đã gửi đến thế gian, mà còn là tâm tình về niềm vui và sự biến đổi mình đã nhận được từ ơn cứu rỗi đó như thế nào.

Lấy cái gì để chứng minh Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá; tại sao loài người đã phạm tội và cần được giải thoát; Đức Chúa Trời đã dùng Đức Chúa Jesus để bày tỏ tình yêu của Ngài đối với nhân loại ra sao; giải pháp thập tự giá của Đức Chúa Jesus nhằm mục đích gì; cách để nhận món quà cứu rỗi bằng đức tin sẽ thực hiện ra sao.

Đó là những điều phải học để chia sẻ.

TinDoCuaChua23.docx

Rev. Dr. CTB