Tín Đồ Của Chúa, bài 22

Công vụ 8:4-40

Ông thuật sĩ Simon tự biết những việc kỳ lạ mình làm, để khiến dân Samaria khâm phục, thật ra chỉ là các màn ảo thuật. Đến khi thấy chấp sự Philip dùng danh Đức Chúa Jesus đuổi được uế linh, tà linh và các thứ quỷ, chữa lành bệnh và tật nguyền thì ông ta lấy làm lạ lắm.

Vì dân thành Samari đều tin Chúa và chịu báp têm trong danh Đức Chúa Jesus, nên thuật sĩ Simon cũng tin rồi chịu báp têm như mọi người khác, nhưng ông ta ở luôn với Philip, có lẽ với ý định học nghề làm phép lạ trừ quỷ và chữa bệnh, để sau nầy ra hành nghề thì kiếm được khối tiền.

Các màn ảo thuật luôn luôn khiến người xem phải khâm phục, vì các pha giống như phép lạ diễn ra trước mắt hàng ngàn người xem, mà không ai thấy được bí quyết của ảo thuật gia ra sao cả. Khả năng thực hiện ma thuật của Simon cũng vậy. Nhưng khi ông ta quan sát Philip thì biết không phải là ảo thuật.

Phần Kinh-thánh nầy cũng đưa tới vài điều thắc mắc khó giải đáp: Tại sao Đức Thánh Linh chưa giáng xuống trên người Samari, dù họ đã được ông Philip làm phép báp têm bằng nước qua danh Đức Chúa Jesus? (Công vụ 8:14-16).

Sự nhận lãnh Đức Thánh Linh khi người ta tin nhận Đức Chúa Jesus khác như thế nào với sự Đức Thánh Linh giáng xuống qua sự cầu nguyện đặt tay của hai vị sứ đồ? (15-16).

Vì thuật sĩ Simon bỏ tiền xin mua cho được quyền phép làm ra dấu hiệu chứng tỏ người Samari nhận được Đức Thánh Linh qua sự cầu nguyện đặt tay của hai vị sứ đồ Phierơ và Giăng, dấu hiệu đó biểu hiện ra sao? (17).

Nếu không ai giải thích các câu hỏi nầy một cách thoả đáng, sẽ có một số lý thuyết khẳng định về hiệu quả sự đặt tay của một số người xưng là được ơn hay được Chúa chỉ định, khiến cho nhiều người hoang mang rồi vấp ngã.

Mặc dù có nhiều sự suy đoán được đặt ra, từ việc cho rằng những người Samari đó chưa thật nhận ơn cứu rỗi, tới lý thuyết cho rằng người có ơn phải đặt tay trên tân tín hữu để họ được nhận lãnh báp têm Đức Thánh Linh phải là khuôn mẫu cho mọi người tin, vv., có ba lý thuyết khác có phần hợp lý hơn:

Lý thuyết A cho rằng người Samari đã thật sự nhận được sự cứu rỗi khi họ tiếp nhận Đức Chúa Jesus qua lời giảng của Philip; nhưng Đức Chúa Trời tạm giữ sự ban cho ơn của Đức Thánh Linh tới khi Phierơ và Giăng đặt tay, để giữ sự tiếp nối giữa Hội thánh Jerusalem với Hội thánh mới ở Samaria, ngăn ngừa sự tách rời thành giáo hội riêng rẽ.

Lý thuyết B tin rằng họ đã nhận được Đức Thánh Linh khi tin Chúa, nhưng nhận lãnh ân tứ đặc biệt khi Phierơ và Giăng đặt tay.

Lý thuyết C cũng tin họ đã nhận Đức Thánh Linh, đặt tay là được đầy dẫy Ngài mà thôi.

Cho tới nay việc xảy ra ở Samari vẫn còn là vấn đề tranh luận giữa hai phái thần học truyền thống với phái ân tứ-ngũ tuần.

Tuy nhiên phái ân tứ-ngũ tuần có lợi thế ở phần Kinh thánh nầy nhiều hơn; bởi vì phải có một dấu hiệu đặc biệt nào đó xảy ra khi Đức Thánh Linh giáng trên người được hai vị sứ đồ đặt tay, thì mới khiến cho thuật sĩ Simon thèm muốn khả năng đó và đòi trả tiền mua (18-19).

Tên thuật sĩ nầy bị Phierơ quở nặng vì không thật sự ước ao nhận Đức Thánh Linh cho mình, nhưng chỉ muốn có năng lực truyền quyền năng của Đức Thánh Linh cho người khác. Bởi vì nếu được năng lực đó thì anh ta có uy quyền thuộc linh rất lớn.

Thuật sĩ Simon nghĩ rằng Đức Thánh Linh là một quyền lực mà anh ta có thể vận dụng tuỳ ý, chứ không biết Ngài là một Thân Vị Đức Chúa Trời cai trị đời sống của anh ta. Tội của Simon là ý muốn sở hữu quyền năng tâm linh nhằm mục đích kiếm lợi lộc cho bản thân; vì vậy tội ấy rất nặng.

Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh trong Phierơ giúp ông nhìn thấu tâm địa thật của con người đứng trước mặt ông (Công vụ 5:1-4).

Trường hợp thuật sĩ Simon không hoàn toàn giống như A-na-nia. Bề ngoài thì anh ta có vẻ thật lòng tin Chúa và nhận phép báp têm; vì chấp sự Philip không làm phép báp têm cho người nào không chịu xưng nhận Đức Chúa Jesus là Chúa Cứu Thế, Đấng đã chết thay cho mình. Nhưng Philip đã làm báp têm cho Simon rồi nhận Simon tới ở chung với ông nữa.

Thế mà khi Phierơ đến thì con người thật của Simon bị hiện nguyên hình. Nhờ chi tiết nầy, chúng ta có thể biết hai vị sứ đồ chưa đặt tay trên Simon; bởi vì Đức Thánh Linh biết lòng dạ anh ta “không ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời” cho nên anh ta “chẳng được dự phần hay chia sẻ trong việc” được báp têm bằng Đức Thánh Linh (8:21).

Mặc dù Phierơ khuyên Simon hãy “ăn năn việc ác và cầu nguyện với Chúa” (8:22), nhưng có được tha tội hay không thì không có gì bảo đảm “để may ra Ngài sẽ tha thứ ý tưởng ấy.” Vì anh ta đang bị “ở trong mật đắng và trong xiềng xích tội ác” (8:23).

Mục sư C. Morgan viết rất chính xác rằng: “Người ta có thể tới rất gần, lý trí của họ có thể công nhận quyền tối thượng của Đức Chúa Jesus; thậm chí họ có thể quyết định áp dụng lý tưởng đạo đức của Ngài; họ cũng có thể tiến tới chỗ quyết tâm rằng họ sẽ bắt chước gương mẫu toàn hảo của Ngài. Nhưng các điều đó không làm cho người ta thành Cơ-đốc-nhân được.

Vì thuật sĩ Simon đã quen lừa bịp người khác bằng ảo thuật, anh ta dự định khi mua được quyền lực Thánh Linh, thì quyền ấy sẽ giúp anh ta vừa nổi danh, vừa kiếm được lợi lộc mà không cần phải nỗ lực bịp bợm nữa.

Simon thấy tâm địa mình bị lột trần, vì chưa có Đức Thánh Linh, anh ta không biết phải cầu nguyện ăn năn là ra sao: “Xin hãy cầu nguyện Chúa cho tôi, để tôi không mắc phải điều quý ông nói đó” (8:24).

Từ những chi tiết trong câu chuyện thuật sĩ Simon, và việc Đức Thánh Linh giáng trên những người được hai vị sứ đồ đặt tay, chúng ta có thể suy nghĩ thêm một ít về việc người ở thành Samaria thấy nhiều dấu lạ do Philip làm thì tin nhận Chúa và chịu báp têm (8:5-6).

Nhưng có lẽ lòng tin của họ chưa phải là sự thật lòng xưng nhận Đức Chúa Jesus đã chết thay cho tội ác từ nhiều đời tổ phụ cho tới thế hệ của họ vẫn thờ cúng Đức Chúa Trời một cách sai lạc.

Còn Philip thì rất ngạc nhiên vì chẳng ai nhận được Đức Thánh Linh như thường thấy xảy ra ở Jerusalem, nên ông nhắn mời các sứ đồ tới Samaria để giải quyết. Phierơ và Giăng tới “làm chứng và giảng đạo” (8:25) trước khi đặt tay cho các tân tín hữu; nhờ đó họ hiểu, tin và nhận lãnh Đức Thánh Linh.

Ngày nay có lẽ một số người theo đạo mà chưa bao giờ được nhận lãnh Đức Thánh Linh; bởi vì sự tin Chúa chưa phải là do hiểu rõ vai trò Đấng Cứu Chuộc của Đức Chúa Jesus.

Anh chị em cần phải suy xét lại sự hiểu biết của mình về tình yêu thương của Đức Chúa Trời và quyền năng huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus. Có thể là rất nhiều người thật lòng tin Chúa, nhưng chưa thật lòng ăn năn tội, từ bỏ tội lỗi vô cùng xấu xa và con người cũ trong mình theo đòi hỏi của Đức Thánh Linh.

Quyền năng biến đổi của Đức Thánh Linh sẽ diễn ra trong chúng ta khi người theo Chúa thật lòng ăn năn về con người thật bề trong của mình. Quyền năng biến đổi ấy sẽ trở thành quyền năng được ban cho trong tâm linh để chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi và uy quyền xua đuổi các thứ tà linh, uế linh ra khỏi chính mình và giải thoát cho người khác nữa.

Là con cái Chúa, việc được Đức Thánh Linh giáng xuống trên mình và ban cho ân tứ quyền năng không phải thuộc quyền lựa chọn của người theo đạo muốn hay cho rằng mình không cần. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và sự được nhận lãnh Đức Thánh Linh không tách rời nhau; hoặc là có cả hai, hoặc là không được gì hết.

Bài học nầy phải là cơ hội đánh tan sự hiểu biết sai lạc trong lòng của vô số tín hữu trung kiên với đạo, nhưng rất lợt lạt với Chúa mà mình thờ kính.

Chúng ta phải được Đức Thánh Linh giáng vào trong lòng để vừa điều khiển đời sống, vừa giúp chúng ta thành một người biết hoạt động hữu hiệu cho ích lợi của Vương quốc thiên đàng. Ngài sẽ đem theo vào lòng ta rất nhiều ân tứ để chúng ta có thể sử dụng một cách hiệu quả cho đời sống tâm linh mình được ngày càng trưởng thành và chiến thắng vẻ vang trong lãnh vực truyền giáo.

Quyền năng mà các con cái Chúa được phép nhận lãnh chỉ có thể xảy ra qua sự giáng xuống của Đức Thánh Linh đầy dẫy trên người tin mà thôi.

Quyền năng từ Đức Thánh Linh sẽ giúp cho người được báp têm Thánh Linh nhận được các ơn mặc khải để hiểu lời Kinh-thánh, nhận biết và hiểu sự chỉ dẫn, dạy dỗ của Chúa qua những việc xảy ra cách đặc biệt, được cho biết ý nghĩa các chiêm bao tiên tri. Ta sẽ nhận lãnh quyền năng sau khi được báp têm bằng Đức Thánh Linh.

TinDoCuaChua22.docx

Rev. Dr. CTB