Nắm Vững Niềm Tin, bài 01

Phục Truyền 30:19–20

Câu chuyện về cây biết điều Thiện và điều Ác chép ở đầu Kinh Thánh là một trong vài chuyện xưa nhất mà loài người đã từng nghe. Rồi cũng đã có vô số những lời bàn, bình luận và phê phán Đức Chúa Trời về việc Ngài đặt cây biết điều thiện và điều ác ở giữa vườn Eden mà lại cấm loài người không được ăn trái của nó. Nghĩa là một câu chuyện cũ xì, chẳng có gì mới; nhưng lâu lâu lại có vài người lôi ra, họ đắc ý, tưởng đó là một khám phá mới về tính bất công và vô lý của Đức Chúa Trời, mà có lẽ mấy ông mục sư hay thần học gia đều bí, không trả lời được. Họ hỏi: Tại sao Đức Chúa Trời lại gài bẫy loài người bằng cây biết điều thiện và điều ác? Đúng là có nhiều người không trả lời được vì chú ý vào cái bẫy của câu hỏi mà quên mất mọi thứ chung quanh cái cây nầy.

Cái bẫy của câu hỏi là nhằm quy lỗi cho Đấng Tạo Hóa, phủi hết mọi trách nhiệm của mình; một thái độ hay thủ đoạn rất thiếu hiểu biết mà tưởng mình khám phá ra điều mới mẻ. Người đặt câu hỏi thường quên là ngoài cây biết điều thiện và điều ác, vườn Eden xưa có vô số “các thứ cây đẹp mắt và ăn ngon. Giữa vườn có cây sự sống và cây biết điều thiện, điều ác” (Sáng thế 2:9). Chúa lại truyền phán: “Con được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về trái của cây biết điều thiện và điều ác thì con không được ăn, vì ngày nào con ăn trái cây đó, chắc chắn con sẽ chết” (Sáng thế 2:16–17). trong số hàng ngàn, hàng triệu trái cây đẹp mắt, ăn ngon, và cả trái của cây sự sống nữa; người ta chỉ bị cấm ăn một cây duy nhất, vì ăn trái cây đó chắc chắn người sẽ chết.

Vậy, khi Adam nghe Chúa dặn đừng ăn trái cây biết điều thiện và điều ác để khỏi phải bị chết, thì đó có phải là cái bẫy hay không? Ông đã vâng lời Chúa, cho tới khi Eva nghe lời dụ dỗ của con rắn thì mới sinh ra cớ sự. Adam đã truyền lại lệnh cấm cho Eva. Eva không tự ý đi tìm trái cấm để ăn. Bà nghe lời đề nghị của con rắn. Ngày nay, những người bị mắc mưu Satan luôn luôn nghĩ rằng họ thông minh hơn người khác, biết điều người ta không biết. Đó là những người đổ lỗi cho Đức Chúa Trời vì tưởng rằng không ai biết hơn họ. Nhưng người ta thường quên, không suy xét có bao nhiêu yếu tố vây quanh sự việc. Nếu đã biết thứ đó là độc, ăn vào sẽ chết, và được dặn rõ ràng, thì thay vì ăn vô số trái cây khác, kể cả trái của cây sự sống, mà chọn sự không vâng lời, thì sự đổ lỗi cho Chúa là thể nào? Bởi vì chọn ăn trái cây biết điều thiện và điều ác chỉ là một chọn lựa rất sai trật giữa vô số sự chọn lựa tốt hơn. Thế thì, trách nhiệm thuộc về ai?

Tuy nhiên, câu hỏi người ta vẫn đặt ra để đổ lỗi cho Đức Chúa Trời, là tại sao Ngài tạo nên thứ cây độc địa đó làm gì? Đến đây thì vấn đề hoàn toàn không đơn giản là bà Eva và ông Adam phạm tội hay không phạm tội. Cây biết điều thiện và điều ác được đặt ra vì quyền tự do lựa chọn của loài người. Nếu nhân loại không có quyền tự quyết, thì chưa phải là nhân loại đúng nghĩa. Thế nhưng, ý chí tự do không phải là vô giới hạn. Một xã hội mà mọi người đều tự do theo ý riêng, thì xã hội ấy sẽ loạn. Ý chí tự do luôn luôn mang một ý nghĩa là có một giới hạn nào đó. Ý chí tự do là sự lựa chọn giữa nhiều thứ, không phải sự vô giới hạn. Không có sự lựa chọn thì không có ý chí tự do. Bà Eva lựa chọn cây biết điều thiện và điều ác thay vì cây sự sống. Bà tin lời con rắn hơn lời dặn dò của Adam. Adam vì yêu vợ nên chọn sự chết thay vì sự sống.

Trong một phạm trù khác, cây biết điều thiện và điều ác là sự thiết lập nguyên tắc toàn trị của Đức Chúa Trời. Chỉ có Ngài mới có quyền lập ra luật pháp. Hễ điều gì Chúa định là đúng thì nó đúng; điều gì Ngài cho biết là sai thì nó sai. Nếu Chúa không nói ăn trái cây biết điều thiện và điều ác là sai, thì ăn nó không sai. Nhưng vì Ngài đã ra lệnh, thì tội của loài người là không vâng lời vì không tin Lời Chúa phán là ăn trái của nó chắc chắn sẽ chết. Adam và Eva vừa ăn trái cấm xong, biết mình phạm lỗi nên đi trốn khỏi mặt Chúa. Một lương tâm biết lỗi là cái dấu của sự không vâng lời. Đấng Toàn Trị cõi vũ trụ đã thiết lập luật về đạo đức và đặt trong lòng người, gọi là lương tâm. Sứ đồ Phaolô cho biết vấn đề nầy:

Dân ngoại vốn không có luật pháp, nhưng tự nhiên làm những việc luật pháp dạy bảo thì mặc dù không có luật pháp, họ là luật pháp cho chính mình rồi. Họ cho thấy rằng những gì luật pháp đòi hỏi đã được khắc ghi trong lòng họ; chính lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, còn tư tưởng họ khi thì cáo buộc, khi thì biện hộ cho họ” (Rôma 2:14–15).

Đức Chúa Jesus cho biết luật đạo đức là điều răn lớn thứ nhì, nhưng trước tiên phải biết Kính Thờ Đức Chúa Trời: “‘Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và quan trọng hơn hết. Còn điều răn thứ hai cũng giống như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’” (Mathiơ 22:37–39). Đức Chúa Trời đã đặt đạo đức vào lương tâm loài người, và ban cho họ quyền tự do lựa chọn con đường họ đi.

Cây biết điều thiện và điều ác không phải là một cái bẫy, nhưng đó chính là phương tiện cho loài người bày tỏ sự tin cậy và yêu mến Đấng đã tạo dựng và bày tỏ lòng yêu thương chăm sóc đặc biệt của Ngài. Trước khi loài người ăn trái cấm, mỗi buổi chiều lúc trời mát, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngự xuống vườn Eden để đi dạo và trò chuyện với người (Sáng thế 3:8). Ngài đã nắn nên người là sinh vật duy nhất theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài (Sáng thế 1:26); người cũng là tạo vật duy nhất mà Chúa trò chuyện với. Vậy, Ngài có vui chút nào khi người vi phạm luật Ngài không?

Vì loài người đã thất bại, Đức Chúa Trời đã ban ơn cứu rỗi; cho nên, ngày hôm nay chúng ta nhắc lại bài học nầy để giữ vững đức tin nơi Đấng Yêu Thương chúng ta; Đấng đã tự bỏ mình để chúng ta được sống. Để không ai trong chúng ta còn đổ lỗi cho Chúa vì tính tình yếu đuối bất toàn của mình. Chúng ta vẫn có quyền tự do chọn lựa giữa sự sống và sự chết. “Hãy yêu mến Giêhôva Đức Chúa Trời, vâng theo tiếng phán Ngài và gắn bó với Ngài, vì Ngài là sự sống của anh em” (Phục Truyền 30:20a).

NamVungNiemTin01.docx

Rev. Dr. CTB