Nắm Vững Niềm Tin, bài 02

Rôma 10:6–13

Thư của sứ đồ Phaolô viết cho tín hữu tại Rôma là một tài liệu vô cùng quan trọng về giáo lý và niềm tin Cơ đốc. Bởi vì chủ đề chính của thư Rôma là phúc âm căn bản; tức là chương trình cứu rỗi và xưng công chính của Đức Chúa Trời ban cho cả nhân loại (1:16). Đối với Do-thái-giáo thì trong nhân loại chỉ có hai loại người: Người Israel là dân được Đức Chúa Trời tuyển chọn, được Ngài ban cho giao ước; mọi dân tộc khác trên thế giới không được dự phần giao ước với Đức Chúa Trời thì bị gọi là dân ngoại. Người Hy-lạp là tên gọi đại diện cho dân ngoại ở ngoài giao ước thánh của Chúa. Sứ đồ Phaolô giới thiệu ơn cứu rỗi là công tác Đức Chúa Trời vẫn đang tiếp tục thực hiện, để mọi dân tộc đều đến với Ngài nhờ đức tin vào Đức Chúa Jesus, Đấng Cứu Thế, mà Đức Chúa Trời dùng để cứu người; không phân biệt dân Israel hay bất cứ dân tộc nào khác.

Thư Rôma là một phần chính của Kinh Thánh Tân Ước, tác phẩm giải nghĩa Tin Mừng một cách trong sáng nhất. Các vấn đề thần học, lý thuyết và thực hành của Cơ-đốc-giáo đều nằm trong thư nầy. Đây là phần Kinh Thánh mà mọi tín hữu đều phải thường xuyên đọc và suy gẫm. Vì càng hiểu thư Rôma chừng nào, thì đức tin càng vững vàng và đời sống đạo càng thánh sạch chừng đó. Khi sứ đồ Phaolô viết thư nầy, thì Hội Thánh ở đó đã thành hình một thời gian rồi. Không biết ai đã thành lập Hội Thánh. Vì không phải là công việc của sứ đồ Phierơ như có giáo hội quả quyết. Người ta tin rằng những tín đồ Do-thái-giáo từ Rôma về Jerusalem dự lễ, tiếp nhận Chúa, rồi đem Tin Mừng về xứ mình; hoặc người của gia đình Cornelius từ Caesarea trở về quê hương sau khi tiếp nhận Chúa (Công vụ 10:44–48), Nhưng, qua sự quen biết của Phaolô với nhiều người ở cuối thư, thì rất có thể Hội Thánh Rôma được thành lập bởi những người ở Tiểu Á tin Chúa qua Phaolô.

Dựa trên các chi tiết trong sách Công Vụ và hai thư gửi cho tín hữu ở Côrinhtô, thì thư nầy được viết tại Côrinhtô ở vòng truyền giáo thứ ba của ông. Bởi vì Phaolô chưa bao giờ đặt chân tới Rôma, và ông hi vọng sẽ ghé thăm Rôma trên đường ông đi qua Tây Ban Nha (15:23–24). Vì vậy, có lẽ thư được viết khoảng năm AD 60. Theo các sử gia Kinh Thánh, thì các thư của Phaolô được sắp xếp theo thứ tự thời gian như sau: Hai thư Têsalônica, Galati, hai thư Côrinhtô, Rôma, Côlôse, Êphêsô, Philip, Philêmôn, 1Timôthê, Tít, và 2Timôthê. Sở dĩ thư Rôma được sắp xếp trước tiên trong Tân Ước, chẳng những vì nó là thư dài nhất, nhưng vì nó là nền tảng thần học căn bản đồ sộ vững chắc về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban sự công chính cho người nào có đức tin vào công tác chuộc tội của Đấng Christ. Tất cả các thư của Phaolô đều giải nghĩa nền tảng ấy.

Cho nên, chủ đề của thư xoay quanh Phúc Âm của Đấng Christ (1:16–17). Sứ đồ Phaolô muốn người đọc thư ông hiểu rằng đức tin là cách cách tội nhân có thể được Đức Chúa Trời công chính tiếp nhận như một người công nghĩa; và làm cách nào tội nhân đã được xưng công chính phải sống cho sự vinh quang của Đức Chúa Trời mỗi ngày. Một chủ đề nữa trong thư Rôma là: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin” (1:17b), thì Phaolô lấy Lời Đức Chúa Trời phán với tiên tri Habakkuk “Hãy xem, kẻ kiêu căng không có tâm hồn ngay thẳng; nhưng người công chính sẽ sống bởi đức tin mình” (Habakkuk 2:4). Vì vậy, thư Rôma thường được mô tả là sự giải nghĩa thần học Cựu Ước theo quan điểm Phúc Âm của Đức Chúa Jesus Christ. Vì Phúc Âm của Đấng Christ dạy cho mọi người đã phạm tội biết cách họ có thể lên thiên đàng qua chính Ngài là tế lễ chuộc tội cho họ.

Trong hệ thống thờ phượng của người Israel thì có ba loại tế lễ: Tế lễ chuộc tội, tế lễ bình an hay tạ ơn, và tế lễ tận hiến. Thư Rôma lý luận về đời sống được tha tội, xưng công chính, đổi mới và thánh hóa qua khuôn mẫu thần học căn bản về sự Chuộc Tội bởi Đức Chúa Trời, Hòa Thuận với Ngài, và Tận Hiến cho Ngài trong hệ thống tế lễ của Do-thái-giáo. Thế nhưng, hệ thống tế lễ của Do-thái-giáo không thể đem người ta đến sự cứu rỗi chắc chắn, nó chỉ là hình bóng về sự chuộc tội do Đấng Christ thực hiện về sau. Vì mỗi năm họ đều cử hành nghi thức chuộc tội cho cả dân tộc (Hêbơrơ 10:1–4). Cũng vì tình trạng tâm linh của mọi người, Do-thái hay dân ngoại, đều là tội nhân cần được cứu rỗi. Vì thế, Đức Chúa Trời cung cấp ơn cứu rỗi cho nhân loại qua Đức Chúa Jesus Christ, nhờ công tác chuộc tội của Ngài trên thập tự giá.

Tuy nhiên, ơn ấy là một sự ban cho phải được tiếp nhận bằng đức tin – Đây là một nguyên tắc mà Đức Chúa Trời đối xử với nhân loại. Như thời xưa, ông Abraham chỉ nhờ đức tin mà được Đức Chúa Trời kể là người công chính (Sáng thế 15:6; Rôma 4:3). Thư Rôma còn giải thích rõ cho độc giả hiểu rằng, ơn cứu rỗi chỉ là sự khởi đầu của kinh nghiệm đời sống Cơ-đốc-nhân. Mọi tín hữu phải biết rõ mình đã thực sự được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, luật pháp và sự chết tâm linh. – Là một ơn Chúa ban cho, nhưng chỉ có thể xảy ra khi người tin thật lòng hợp nhất với Đấng Christ qua sự chết và sự sống lại của Ngài. Chúng ta chỉ có thể từng trải những điều đó qua quyền phép của Đức Thánh Linh, Đấng được ban vào lòng khi chúng ta tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa.

Còn người Do-thái thì sao? Do-thái-giáo không công nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Thiên Sai theo các lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước, nên một số người trong họ bị loại trừ ra khỏi giao ước, giống như những cành của cây olive thuận tánh bị cắt bỏ, để dân ngoại, được ví như cành cây olive hoang, được Đức Chúa Trời ghép vào cây olive thuận tánh. Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời có toàn quyền quyết định số phận của mọi dân tộc theo ý Ngài, cho nên, nếu dòng dõi của dân Israel trở lại tiếp nhận Phúc Âm, thì họ được ghép trở lại vào gốc cũ của họ, còn những người vốn được ghép trước đây mà lòng cứng cỏi phạm tội, không chịu ăn năn, thì sẽ lại bị cắt bỏ (Rôma 11:17–22).

Phần kết luận của thư Rôma khuyên mọi tín hữu hãy thực hành đức tin vào Đức Chúa Jesus của mình một cách thực tiễn, cả trong Hội Thánh lẫn cuộc sống ngoài đời. Muốn thực hiện điều đó, mỗi người phải hiểu rõ và ghi nhớ những điều sứ đồ Phaolô giảng giải về Tin Mừng trong thư Rôma; ông cũng chỉ dẫn cách sống thế nào để được thừa hưởng các hạnh phúc tuyệt vời của con cái Chúa (Rôma 12:1–2). Quý anh chị em cần hiểu rõ rằng: Khi chúng ta tin Chúa thì không phải là gia nhập một tôn giáo chỉ để thực hành các lễ nghi của tôn giáo ấy, nhưng là thiết lập mối tương giao liên hệ thân mật với Đấng yêu thương chúng ta và hi sinh mạng sống Ngài để cứu chúng ta.

Chúng ta sẽ đi sâu vào sự dạy dỗ của thư Rôma để hiểu rõ giáo lý và niềm tin vào Đức Chúa Trời của mình. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết cách thực hành đức tin và có khả năng chia sẻ niềm tin của mình cho những người chưa biết. Bởi vì khi chúng ta được ở trong Chúa, chúng ta sẽ hưởng vô số hạnh phúc tuyệt vời của đời sống tâm linh, không phải chỉ là sự chữa lành bệnh hay ơn phước tầm thường mà người thế gian vẫn mong muốn. Hãy cùng nhau học và suy gẫm thư Rôma.

NamVungNiemTin02.docx

Rev. Dr. CTB