Nắm Vững Niềm Tin, bài 03

Rôma 1:1–17

Ông Phaolô tự giới thiệu mình là sứ đồ được Đức Chúa Jesus kêu gọi, và sứ mệnh của ông là rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Trời. Ông giải thích ấy là Tin Lành đã được các nhà tiên tri của Chúa rao truyền lời phán hứa của Ngài trong Kinh Thánh. Việc đó không phải một tin mới; nhưng là phúc âm về Con Đức Chúa Trời đã giáng sinh làm người Do-thái trong dòng dõi vua David (1–3). Đức Chúa Jesus không chỉ giáng sinh làm người, nhưng khi sống lại từ cõi chết nhờ thần linh thánh khiết, Ngài được xác nhận là Con Đức Chúa Trời quyền năng (4). Chính Đức Chúa Jesus đã ban ân điển của Ngài cho Phaolô làm chức sứ đồ (Galati 1:1) để “vì Danh Ngài đem mọi dân tộc đến sự vâng phục do đức tin” (5). Phaolô chào thăm mọi thánh đồ tại Rôma (6-7).

Tất cả các Hội Thánh ở vùng Hy-lạp và Tiểu Á nhận thư của Phaolô, đều là các Hội Thánh do ông truyền giáo và thành lập. Nhưng ông chưa bao giờ bước chân đến Hội Thánh Rôma. Ông rất mong muốn có dịp thăm viếng tín hữu tại Rôma vì có nghe đức tin của họ được đồn ra khắp nơi (8–10). Phaolô muốn có cơ hội chia sẻ các sự ban cho thiêng liêng cho tín hữu tại Rôma để họ được vững mạnh và khích lệ đức tin của họ, vì ông biết họ chưa hiểu nhiều về các vấn đề nầy, do các sứ đồ khác chưa tới đó (11–12). Lòng của Phaolô luôn nóng cháy trong công tác truyền giáo, nên ông rất muốn có cơ hội truyền giáo ở Rôma, dù dân ở đó là thông thái hay dốt nát cũng vậy (13–15).

Lý do mà Phaolô luôn hăng hái truyền rao Tin Lành, dù rằng niềm tin ấy bị bắt bớ khắp nơi, là vì ông không bao giờ hổ thẹn về chân lý ông rao truyền. Ông nói ông không hổ thẹn “vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin” (16). Lời tuyên bố nầy chẳng những là một tuyên ngôn lừng danh, mà nó còn là chủ đề của toàn thể bức thư mà ông viết cho tín hữu ở Rôma. Vì lý do gì mà người ta hổ thẹn về Tin Lành? Phaolô rao giảng Đấng Christ bị giết trên thập tự giá như một tội phạm, vì nhân loại; sứ điệp ấy bị người Do-thái cho là quái gở, còn dân ngoại chế giễu là điên rồ (1Côr. 1:18, 23–24). Nhưng ông không hổ thẹn vì ấy là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, bất luận Do-thái hay dân ngoại. Bởi lý do đó, sứ điệp ấy gọi là Tin Lành (Mừng).

Lấy bằng chứng nào để Phaolô tuyên bố Tin Lành là quyền năng của Đức Chúa Trời? Trước hết, sự chết chuộc tội của Đấng Christ là phương cách Đức Chúa Trời dùng để tha tội cho người nào có lòng tin. Sự chết của Đức Chúa Jesus thay thế tội cho nhân loại là quyền phép tuyệt diệu để loài người vượt khỏi sự chết mà vào sự sống qua ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Hãy nhớ lại rằng không một giải pháp nào khác trong vũ trụ có thể xóa bỏ tội lỗi loài người đã phạm. Quyền năng thập tự giá của Đấng Christ, do đó, vượt cao xa hơn mọi quyền lực của thế gian và vũ trụ. – Kế đến, chính Phaolô đã được trải qua quyền phép vô song của Đức Chúa Trời khi ông hăng hái bắt bớ tín đồ của Đức Chúa Jesus thì được chính Ngài hiện ra trong hào quang sáng lòa khiến ông bị mù mắt. Ông đã được sáng mắt lại nhờ sự đặt tay cầu nguyện của Ananiah, và ông tin Chúa.

Từ khi tiếp nhận Đức Chúa Jesus, Phaolô chứng kiến quyền phép Đức Chúa Trời được bày tỏ qua nhiều cách: Ông thấy những người bệnh được chữa lành và nhiều người ăn năn tội trở lại với Chúa. Khi ông bị xiềng trong ngục tối, cầu nguyện ca hát ngợi khen Chúa, thì động đất rung chuyển mở toang các cánh cửa ngục và xiềng tù phạm đều bị rớt ra hết. Quyền phép Chúa đã khiến cả gia đình chúa ngục tiếp nhận Tin Lành và chịu báp têm ngay trong đêm (Công vụ 16:25–33). Quyền năng của Tin Lành giải quyết nan đề tội lỗi và đem người ta trở lại gần gũi với Đức Chúa Trời. Tin Lành là quyền năng vì đưa ra ơn cứu rỗi miễn phí cho mọi người trên thế gian, nhưng sự tham dự vào quyền năng ấy chỉ dành cho người nào đặt lòng tin cậy vào Chúa và tiếp nhận ơn cứu rỗi mà thôi.

Người Do-thái tin rằng dân ngoại chỉ có thể được cứu sau khi cải đạo sang Do-thái-giáo, chịu đủ mọi nghi lễ tẩy rửa và cắt bì của đạo ấy, thì Phaolô công bố rằng: “Tin Lành là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp” (16). Hầu như mọi nỗ lực của Phaolô trong suốt những vòng truyền giáo của ông đều nhắm vào dân ngoại, nhưng ông công nhận quyền ưu tiên của người Do-thái trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tại sao? Dân Do-thái được hưởng mối liên hệ đặc biệt với Chúa qua hàng thiên niên kỷ. Đức Chúa Jesus đã giáng sinh làm người Do-thái. Đến bất cứ nơi nào, Phaolô đều vào giảng trong nhà hội Do-thái trước tiên; khi họ cự tuyệt, ông mới quay sang giảng Tin Lành cho dân ngoại.

Tuy vậy, trong Đấng Christ thì: “Người nào trong anh em đã được báp têm để thuộc về Đấng Christ đều mặc lấy Đấng Christ. Tại đây không còn phân biệt người Do-thái hay người Hy-lạp, người nô lệ hoặc người tự do, nam giới hay nữ giới, vì tất cả anh em đều là một trong Đấng Christ Jesus” (Galati 3:27–28). Vì vậy, khi chúng ta chịu báp têm để thuộc về Đấng Christ, là đã mặc Ngài vào, tức là tự nguyện đồng chết và đồng sống lại với Ngài, hợp nhất với Ngài vì đã nhận Ngài là sự công nghĩa và thánh hóa của mình, muốn tiếp nhận tâm trí Đấng Christ làm tâm trí của mình và bước đi như Ngài đã bước đi; thì vấn đề người Do-thái hay dân ngoại chẳng có gì quan trọng nữa. Ở điểm nầy, mỗi con cái Chúa phải biết chắc mình đã lột bỏ tâm tánh của con người cũ để mặc lấy tâm tánh mới do Chúa ban cho. Vì ai chưa mặc Đấng Christ, người ấy chưa thuộc về Ngài.

Phaolô viết tiếp rằng: “Vì trong Tin Lành nầy, sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ từ đức tin đến đức tin” (17a). Nghĩa là Chúa cho thế gian thấy bản tính công chính của Ngài và đặt sự công chính vào lòng người nào có đức tin. Nhưng tại sao gọi sự công chính ấy “được bày tỏ từ đức tin đến đức tin,” nó có nghĩa gì? Loài người không thể biết chút gì về sự công chính và ân điển của Đức Chúa Trời nếu Ngài không bày tỏ cho biết. Tuy nhiên, cần phải có đức tin mới thấy điều Chúa đã bày tỏ. Nghĩa là phải có đức tin mới nhận biết Chúa là công chính – Rồi phải có đức tin mới có thể trải qua kinh nghiệm nhận lãnh sự công chính Ngài ban. Ấy là từ đức tin đến đức tin. Gọi là Tin Lành hay Tin Mừng vì Đức Chúa Trời đã quyết định chia sẻ sự công chính của Ngài cho chúng ta–và cũng quyết định kể người tin là công chính “nhờ ân điển Ngài, bởi sự cứu chuộc trong Đấng Christ Jesus, họ được xưng công chính mà không phải trả một giá nào” (Rôma 3:24).

Vì như đã có lời chép “Người công chính sẽ sống bởi đức tin” (17b Habakkuk 2:4). Câu nầy sẽ là chủ đề xuyên suốt thư Rôma. Như chúng ta vừa đọc và hiểu rằng nhờ đức tin tín hữu sẽ nhận ra sự công chính mà Đức Chúa Trời bày tỏ qua Tin Lành về sự hi sinh của Đức Chúa Jesus. Rồi cũng nhờ đức tin, chúng ta tiếp nhận sự công chính mà Đức Chúa Trời đặt vào tâm linh chúng ta. Một số giáo hội đòi hỏi giáo dân đặt lòng tin vào lời giảng của giới tăng lữ, các lời tuyên bố của giáo hoàng, và truyền thống sai trật của giáo hội, chứ không đặt đức tin vào Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta thì nhờ đức tin mà biết chắc qua ơn hi sinh của Đức Chúa Jesus, sự cứu rỗi đã đến với mình như Kinh Thánh đã chép. Vì vậy, ai đã thật lòng tiếp nhận Đức Chúa Jesus làm Vị Cứu Tinh của mình, người ấy sẽ nhờ đức tin mình mà được cứu rỗi.

Vì ý nghĩa của chữ công chính không dễ hiểu, nên kỳ tới sẽ dành một phần thời gian để giải thích kỹ càng và rõ ràng. Hầu cho chúng ta sẽ nắm vững niềm tin mình đang đặt vào Chúa.

NamVungNiemTin03.docx

Rev. Dr. CTB