Chúa Nhật, July 24th, 2011

Bài Giảng VBC

Phước Của Người Được Tha Tội

Thi Thiên 32:1–11

“Ai sẽ được lên núi Đức Giêhôva?  Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài?  Ấy là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết, chẳng hướng linh hồn mình về sự hư không, cũng chẳng thề nguyện giả dối.” (Thi Thiên 24:3–4)  Nếu chúng ta chỉ đọc hai câu nầy, sẽ thấy tuyệt vọng vì nhận biết mình không thể đạt được trình độ Chúa đòi hỏi.  Nhưng trong giao ước mới Đức Chúa Giêxu đã thiết lập với con dân Ngài, thì chúng ta lại tràn trề hi vọng và vững lòng.  Thi Thiên 32 mở đầu bằng lời khen “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khoả lấp tội lỗi mình” (1).  Con dân Chúa thời Cựu Ước chỉ trông cậy vào sự chuộc tội mỗi năm một lần qua sự dâng một con thú làm tế lễ chuộc tội.  Vì huyết của con vật bị dùng làm lễ vật hi sinh không đủ để chuộc tội trọn một đời người, và không thể cất bỏ tội lỗi được (Hêbơrơ 10:4).

Tuy nhiên, David đã nhận được kinh nghiệm về sự tha thứ từ Chúa ban.  2Samuel 11 và 12 kể lại  chuyện David nhận biết tội mình ra sao, và Chúa đã tha ông bằng cách nào.  David đã lạm dụng quyền làm vua phạm tội thông dâm với người vợ vô cùng xinh đẹp của một vị tướng dưới quyền đang chiến đấu ngoài mặt trận; bà thụ thai.  Sau khi âm mưu gán cái thai cho người chồng không thành, David mượn tay quân thù giết người chồng và cưới mỹ nhân đó làm vợ mình.  Khi tiên tri Nathan được Chúa sai đến vạch tội ông, David ăn năn thống hối về tội lỗi mình.  Đức Chúa Trời tha cho ông khỏi chết vì tội ấy, nhưng ông phải chịu các sự trừng phạt đầy nhục nhã về sau.  Một con trai lớn của ông vì lòng dâm dục và si mê sắc đẹp đã cưỡng hiếp người em gái cùng cha khác mẹ; người anh của cô gái nầy đã giết người đó để trả thù cho em rồi bỏ trốn.  Mấy năm sau được vua cha tha tội, người nầy trở về dùng mưu kế và nhan sắc của mình lấy lòng dân chúng, rồi nổi loạn tìm giết vua cha và công khai làm nhục các cung phi của cha mình để dứt tình cha con.

David sáng tác bài thơ ThiThiên 51 đầy sự ăn năn thống hối sau khi được tiên tri Nathan cho biết ông đã được tha tội (bài hát Create In Me A Clean Heart).  Trong tâm tình đó, David nói: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khoả lấp tội lỗi mình.” Tại sao huyết thú vật không thể cất bỏ tội lỗi, mà tội của David được tha? Một số người không biết Đức Chúa Trời đã định sẵn sự hi sinh của Đức Chúa Giêxu để xoá sạch tội lỗi con dân Ngài phạm dưới giao ước cũ.  Hêb.9:15 ghi: “Ngài là Đấng Trung Bảo của giao ước mới, lấy cái chết mình chuộc các tội đã phạm dưới giao ước thứ nhất, để tất cả những người được kêu gọi có thể nhận lãnh cơ nghiệp đời đời theo lời hứa.” Những ai dốt nát về điều nầy, bởi tính kiêu căng vô lối cậy sự công nghĩa riêng, đã trở lại giữ các lệ luật của giao ước cũ.  Điều đó chẳng những vô ích mà còn nguy hiểm cho chính họ.  Vì “Đức Thánh Linh dùng điều nầy để dạy chúng ta: Chừng nào trại thờ thứ nhất đang còn, đường vào nơi chí thánh chưa mở” (Hêb.9:8).  Nghĩa là chừng nào họ còn giữ lệ luật của thời đại đền tạm và đền thờ dưới đất, họ chưa thể vào nơi chí thánh nhận sự tha tội.

Nói về sự phạm tội thì Kinh Thánh đưa ra hai tình trạng khác nhau: tội lỗi và quá phạm.  Tội lỗi thì thuộc về bản chất sai lầm vốn có trong lòng người, không có ranh giới rõ ràng. Quá phạm hay vi phạm là thái độ cố ý có tính toán vượt qua một ranh giới nào đó mà mình đã biết.  Vì vậy, quá phạm có mức độ phạm tội nặng hơn là tội lỗi.  Trường hợp phạm tội của David không phải là tội lỗi mà là quá phạm.  Thế nhưng ông reo mừng rằng khi được tha thứ cả những quá phạm lẫn tội lỗi thì không có phước nào sánh bằng: “Phước thay cho người nào Đức Chúa Trời không kể gian ác cho, và trong lòng không có sự giả dối” (2). Thật vậy, lòng chúng ta cảm thấy như được rũ bỏ một gánh nặng ngàn cân khi biết rõ mình đã được tha thứ.  Nhưng, điều kiện là trong lòng không có sự giả dối.  Sở dĩ người ta cứ tái phạm nhiều lần cùng một thứ tội, vì trong lòng vẫn tính sự quá phạm, chưa thật lòng ăn năn.  Những người như thế không thể nhận ơn phước Chúa.

“Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiêu tàn, và tôi rên xiết trọn ngày; vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi; nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô hạn mùa hè” (3–4).

Nín lặng nghĩa là giấu giếm tội lỗi.  David nói rằng khi ông giấu giếm tội lỗi thì xương cốt ông đau đớn khổ sở, lòng ông nặng nề, vì ngày và đêm Chúa cáo trách tội của ông.  Sự cáo trách đó làm ông không còn sức lực như thân thể bị kiệt nước dưới sức nóng nung đốt của mùa hè.  Ai đã được Đức Thánh Linh nhận lời mời ngự vào lòng, nếu phạm tội mà giấu giếm không chịu xưng ra, thì sẽ không thể chịu nổi sự cáo trách của Ngài.  Nếu con cái Chúa thấy mình khổ sở mệt mỏi mà không bị bệnh hoạn gì, thì nên biết rằng đó là Đức Thánh Linh đang muốn con cái Ngài thật lòng ăn năn, lìa bỏ sự giả dối để được Ngài tha thứ, trở lại tương giao thân mật với Ngài.  Còn ai vẫn đi nhà thờ, vẫn mang tâm tính cũ mà không bị cáo trách gì, thì đó là dấu hiệu người ấy chưa có sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong lòng.

Không nín lặng được nên David thú tội cùng Chúa “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi. Tôi nói, tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giêhôva; còn Chúa tha tội ác của tôi” (5).  Lòng chân thành xưng tội với Chúa là đặc quyền và lợi thế chỉ con cái Chúa mới có.  Xưng tội đem đến sự tha thứ là lời hứa của Kinh Thánh (1Giăng 1:9).  Đức Chúa Trời yêu thương nhân từ đã giải quyết sự bế tắc của con cái Ngài bằng ân sủng rộng lượng nhưng đầy công nghĩa trong ơn ấy.  Xưng tội có nghĩa là quyết tâm không phạm nữa.  Còn tội đã phạm thì Đức Chúa Trời đã xoá sạch nó bằng huyết vô tội của Đức Chúa Giêxu.  “Bởi cớ ấy phàm người nhân đức đều cầu nguyện cùng Chúa trong khi có thế gặp Ngài.” Làm như vậy họ sẽ thoát khỏi tai hoạ mà người khác phải chịu, trong gian truân họ được Chúa bảo hộ, và được Ngài lấy bài hát giải cứu bao phủ che chở (6–7).

Người đã ăn năn xưng tội còn nhận được sự chỉ dẫn mà ai trong trần gian ở mọi thế hệ đều mong ước (8).  Người được chỉ dẫn bởi Đấng Toàn Năng, Đấng biết trước tương lai, thì không bao giờ sợ thất bại, không lo lắng trước các vấn đề nan giải, vì Chúa sẽ chỉ dạy trong từng quyết định về mọi việc. Tuy vậy, không phải ai cũng khôn ngoan nhờ cậy sự dạy dỗ và hướng dẫn của Chúa, vì có một số người vẫn mê thú vui trần tục và của cải vật chất hơn là yêu mến cõi thiên đàng. Vì thế Chúa khuyên đừng ngu ngốc, nghĩa là bướng bỉnh như ngựa và con la (9).  Sự ngu dại của chúng ta là tưởng mình có thể làm theo ý riêng rồi sau đó sẽ trở lại với Chúa.  Ý nghĩa của câu nầy nói rằng trước sau gì chúng ta cũng phải làm theo chương trình Chúa đã định.  Nếu ai đi theo sự dạy dỗ, chỉ dẫn của Ngài thì có phước hơn là bị Ngài dùng hoạn nạn để sửa trị (ví dụ bản thân).

Khi Kinh Thánh khẳng định rằng “kẻ ác có nhiều nỗi đau đớn,” mà ai trong chúng ta đang có các nỗi đau đớn không giải quyết được, thì phải suy xét lòng mình, tâm tánh, và đời sống mình đang cưu mang điều chi đó không đẹp lòng Chúa.  Khi bị trải qua nhiều nỗi đau khổ vô cùng tận trong thời hoạn nạn, nhiều tín hữu gặp nhau trong cảnh lưu đày mới nhận thức được trước đó mình đã sống gian ác tội lỗi như thế nào trước mặt Chúa (10).  Rất nhiều nước mắt ăn năn đã đổ ra trong đêm ở các nhà giam tối tăm đói rét.  Tuy vậy, sự nhân từ đã vây phủ người trở lại đặt lòng tin cậy nơi Giêhôva Đức Chúa Trời.  Tin cậy Chúa tức là thuận phục sự hướng dẫn của Chúa, nhận Đức Chúa Trời làm Đấng chăn giữ mình.  Ơn phước và sự bảo vệ che chở của Chúa cứ đi theo con cái Ngài ở mọi hoàn cảnh.  Đức Chúa Trời không bao giờ thất hứa.  Không bao giờ!

“Hỡi người công nghĩa, hãy vui vẻ và hớn hở nơi Đức Giêhôva!  Hỡi những người có lòng ngay thẳng, hãy reo mừng” (11) Người công nghĩa là người đã được Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi và phục hồi địa vị thánh đồ, đem ra khỏi chốn hoạn nạn, đặt vào nơi sung sướng khoảng khoát cách xa chỗ mà người đó muốn lìa bỏ.  Hãy tin cậy đức thành tín, lòng nhân từ thương xót của Chúa cũng như đức thánh khiết của Ngài.  Ăn năn về các quá phạm của mình để kinh nghiệm ơn tha thứ và sự dìu dắt tuyệt vời của Chúa chúng ta; rồi sẽ vui vẻ hớn hở và reo mừng trong ơn Ngài.

PhướcCủaNgườiĐượcThaTội.docx

Rev. Dr. CTB