Nắm Vững Niềm Tin, bài 34

Rôma 16:1–27

Có lẽ nữ chấp sự Phoebe của Hội Thánh Cenchreae là người đem bức thư rất quan trọng của sứ đồ Phaolô đến cho tín hữu ở Rôma. Vì vậy ông mong anh chị em ở đó tiếp rước bà một cách xứng đáng trong Chúa (1–2). Nữ chấp sự nghĩa là một trong số những người lãnh đạo ở Hội Thánh Cenchreae. Hơn nữa, bà là người đã trợ giúp nhiều thánh đồ, trong đó có cả Phaolô. Hai người kế tiếp được Phaolô gửi lời chào là Priscilla và Aquila. Trướ­c đó họ lìa Rôma đến Côrinhtô, quen và cùng làm việc với Phaolô khi ông truyền giáo lần đầu ở đó (Công vụ 18:2-3, 18); họ đã liều mình cứu mạng ông khi ông bị nguy khốn. Bây giờ họ đã trở lại Rôma và có Hội Thánh tại nhà mình (3–5a).

Tiếp theo lời chào thăm Priscilla và Aquila, sứ đồ Phaolô chào thăm nhiều người được nêu tên lần đầu tiên trong các thư tín của ông: Epaenetus, người đầu tiên ở Êphêsô, Tiểu-Á, tiếp nhận Tin Lành. Mari, người tận tình giúp đỡ Phaolô trước khi di cư qua Rôma (5b–6). Andronicus và Junia, bà con với Phaolô và từng bị tù với ông, được kể là đã tiếp nhận Chúa trước Phaolô và thuộc về những sứ đồ nổi bật (7). Cái tên Junia là phần gây nhiều thắc mắc và tranh luận từ trước tới nay; vì là tên của phụ nữ, mà thời ấy thì phụ nữ không thể là sứ đồ. Người ta đoán hoặc Junia kết hôn với Andronicus, hoặc là em gái của người đó. Theo sự suy diễn sau nầy về câu viết của Phaolô thì hai người hoặc là sứ đồ nổi bật, hoặc là trong lúc phục vụ Hội thánh thì được 12 sứ đồ tôn trọng.

Tuy họ tin Chúa trước, nhưng họ không thuộc về hàng ngũ 12 sứ đồ do Đức Chúa Jesus chọn lựa. Theo câu nầy thì danh hiệu sứ đồ không chỉ dành riêng cho 12 người, mà còn được dùng cho nhiều người khác nữa như: Phaolô, Barnabas, Silas, Apollos, Timôthê. Tuy nhiên, để biết các điều kiện đòi hỏi để được xem là sứ đồ, chúng ta phải xem các định nghĩa của Kinh Thánh. Trước hết là định nghĩa của sứ đồ Phierơ (Công vụ 1:21–22): Phải ở với các môn đồ của Đức Chúa Jesus suốt thời gian Ngài thi hành thánh vụ, từ khi Ngài chịu báp-têm cho tới ngày Ngài được cất lên, và biết làm chứng về sự sống lại của Ngài, đó là định nghĩa về 12 sứ đồ. Còn những người được Chúa gọi làm sứ đồ về sau trong Hội Thánh (1Côrinhtô 12:28; Êphêsô 4:11–12), thì không thuộc nhóm 12.

Về những người nầy thì ông Phaolô cũng có định nghĩa dấu hiệu của một sứ đồ là: Chịu đựng, các dấu lạ, các phép mầu, và các việc quyền năng (2Côrinhtô 12:12). Thời nay, Hội Thánh chung tin rằng những người có khả năng truyền giáo đầy kết quả, biết thành lập Hội Thánh địa phương, có khả năng huấn luyện nhân sự, sắp đặt họ làm lãnh đạo Hội Thánh địa phương ấy rồi đi truyền giáo ở nơi khác, thì được xem như các sứ đồ của thời đại đó. – Tất cả những người còn lại trong Rôma 16:8–15 thì hầu như không có tên ở bất cứ nơi nào khác trong Kinh Thánh Tân Ước. Việc Phaolô biết rành rẽ về những người ấy chứng tỏ rằng ông đã quen biết họ trong thời gian ông thực hiện ba vòng truyền giáo tại Tiểu Á, xứ Macedonia và xứ Hy-lạp; bây giờ họ đang sống ở Rôma.

Vào thời ấy, các thánh đồ gặp nhau đều chào nhau bằng cái hôn thánh (16). Mặc dù việc chào nhau bằng cái hôn là phong tục xã giao của người Trung Đông thời bấy giờ (Luca 7:45), nhưng chào bằng cái hôn thánh là chào bằng tình yêu thương thành thật và hoàn toàn trong sáng, không mang dã tâm đen tối hoặc không thành thật. Tục lệ nầy trong Hội Thánh bị hủy bỏ khi giáo phụ Clement ở Alexandria (một trung tâm Cơ-đốc-giáo lớn ở Bắc Phi) vào cuối thế kỷ AD 2 phê bình và lên án sự lợi dụng việc chào nhau bằng cái hôn thánh đã trở thành ý định gian tà của rất nhiều người. Tuy vậy, ngày nay vẫn còn có các giáo phái Cơ-đốc giữ hình thức chào nhau bằng cái hôn thánh.

Những lời khuyên cuối cùng của Phaolô bày tỏ sự lo ngại của ông về những người chuyên lập bè đảng và gây vấp phạm, cùng những người chống lại sự dạy dỗ mà tín hữu tại Rôma đã học (17). Ông khuyên hãy tránh xa những người như vậy. Làm thế nào để nhận biết hạng người ấy? Các dấu hiệu sẽ bộc lộ là họ không phục vụ Chúa chúng ta, là Đấng Christ, nhưng phục vụ tham vọng trong lòng họ bằng lời lẽ đường mật, dua nịnh để lừa dối những anh chị em thật thà (18). Ông Phaolô vẫn hi vọng rằng những người đọc thư của ông sẽ khôn ngoan về điều lành, thanh sạch và không phạm điều dữ, vì họ có lòng biết vâng phục (19).

Đức Chúa Trời bình an và sự bình an của Đức Chúa Trời là hai bảo bối vô địch của tất cả con dân chân thật của Ngài (20). Dù ma quỷ luôn luôn tìm cách cám dỗ để hãm hại chúng ta, nhưng sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ lòng và trí chúng ta trong Đức Chúa Jesus Christ (Philip 4:7). Cách để có sự bình an của Đức Chúa Trời là chúng ta phải được Đức Chúa Trời bình an ngự trong lòng luôn (Philip 4:8–9). Chẳng những vậy, chúng ta cũng phải được ân điển của Đức Chúa Jesus ở với mình luôn luôn; bởi vì không có ân sủng của Ngài, chúng ta rất dễ vấp ngã (Êphêsô 2:8–9).

Vì thư nầy được viết từ Côrinhtô, nên những người thường xuyên cùng truyền giáo với Phaolô ở Côrinhtô cũng gửi lời chào thăm anh chị em ở Rôma (21). Đến đây, độc giả được biết người chép các thư tín do sứ đồ Phaolô đọc, ông tên là Tertius, một người cộng tác rất âm thầm. Có lẽ ông viết rất nhanh, chữ đẹp và dễ đọc, còn Phaolô thì có lẽ bị mắt yếu, không viết được nhanh và rõ như Tertius (22). Cũng hãy để ý đây là lần duy nhất ông Tertius nói tới mình, mặc dù công của ông là rất lớn. Hai người quan trọng nữa vẫn cộng tác với Phaolô là Gaius và Erastus, với một anh em trong Chúa tại Côrinhtô là Quartus (23–24).

Rôma 16:25–26 là chỗ đầu tiên mà người đọc Kinh Thánh Tân Ước thấy Phaolô đề cập sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời được giấu kín từ ngàn xưa. Trước khi viết thư Rôma, Phaolô đã nêu lên sự mầu nhiệm ấy trong thư 1Côrinhtô 2:7. Sau thư Rôma, sứ đồ Phaolô viết rõ hơn cho tín hữu tại Êphêsô và Côlôse (Êphêsô 1:9; 3:4–6; Côlôse 1:26–27; 2:2). Đối với người Do-thái thì việc Đấng Messiah của họ phải chịu thương khó để dân ngoại được thừa hưởng giao ước của Đức Chúa Trời là chuyện không thể hiểu nổi. Nhưng với người có Đức Thánh Linh thì hiểu Chúa Cứu Thế là sự mầu nhiệm mà vũ trụ không thể hiểu được. Vậy, sự mầu nhiệm mà Đức Chúa Trời giấu kín từ bao đời là chính Đấng Christ của Ngài ngự vào lòng con dân Ngài để hi vọng được vinh quang của họ là sự thật.

Cũng qua công tác của Đức Chúa Jesus Christ nhập thể rồi hi sinh để cứu nhân loại, kế hoạch vô cùng khôn ngoan của Đức Chúa Trời được toàn thể thần thánh của toàn vũ trụ đem vinh quang dâng lên cho Ngài (27); bởi vì không một ai có thể nghĩ ra một chương trình khôn ngoan tuyệt vời như Đức Chúa Trời chúng ta. Ngài xứng đáng hưởng vinh quang và mọi lòng tôn trọng của con dân Ngài từ nhiều đời trước cho đến vĩnh viễn về sau. Ngài thật xứng đáng hưởng vinh quang.

NamVungNiemTin34.docx

Rev. Dr. CTB