Nắm Vững Niềm Tin, bài 33
Rôma 15:14–33
Đến phần nầy, sứ đồ Phaolô nêu ra ba phẩm chất quan trọng mà Hội Thánh tại Rôma đang sở hữu: Giàu lòng nhân ái, đầy sự hiểu biết và có khả năng khuyên bảo lẫn nhau (14). Tại sao họ được phẩm chất giàu lòng nhân ái? Người ta không thể giàu lòng nhân ái nếu không được các động lực đúng hay chính đáng thúc giục. Mọi người đều phải hiểu rằng trong thực tế, mọi sự dâng hiến hoặc bố thí chỉ được Chúa khen ngợi khi các hành động ấy được thực hiện vì lòng yêu mến Chúa hoặc đức nhân ái thúc đẩy. Người nào làm vì muốn được nổi danh thì mọi việc từ thiện đó đều trở thành vô nghĩa. Lòng nhân từ thương xót chân thật luôn luôn nổi lên trong tâm hồn người giàu lòng nhân ái, khi người ấy biết về sự thiếu thốn cùng khổ của những ai không còn chút hi vọng nào nữa.
Hội Thánh tại Rôma có đầy đủ sự hiểu biết về những gì? Hãy để ý là sứ đồ Phaolô đã không viết thêm cho họ bất cứ vấn đề thần học nào. Ông công nhận họ đã biết đủ; mặc dù ông nhấn mạnh về sự được xưng công chính bởi đức tin, vì đó là điều quý báu trước mặt Đức Chúa Trời. Rồi họ cũng biết bản chất của tánh xác thịt, nhu cầu phải được thánh hóa; dù đã được cứu chuộc, người ta vẫn còn bản chất con người cũ trong mình, là bản chất gây rắc rối cho tín hữu. Nhưng Đức Chúa Trời ban con người mới vào lòng người tin. Phaolô nói rằng tín hữu ở Rôma cũng biết họ sẽ hưởng vinh quang trong cõi đời đời sẽ đến. Vì họ đã học Kinh Thánh kỹ càng nên có đầy đủ sự hiểu biết.
Điều thứ ba mà sứ đồ Phaolô khen ngợi tín hữu Rôma là họ có khả năng khuyên bảo lẫn nhau. Đức Chúa Trời không định cho các mục sư phải là người gánh vác hết mọi chuyện khuyên lơn bảo ban cho tất cả tín hữu; nhưng là anh chị em trong Hội Thánh phải biết hoàn cảnh của nhau để cảm thông và trợ giúp nhau khi cần thiết. Vì Hội Thánh là một gia đình, nên việc con dân Chúa sống biệt lập với nhau và chỉ gặp gỡ vào các buổi thờ phượng Chúa Nhật tại Hội Thánh thì không phải là khuôn mẫu hay cách sống mà Chúa muốn chúng ta thực hiện. Nếu ai muốn được Chúa hài lòng và khen ngợi thì hãy kết thân với các anh chị em khác để có khả năng biết hoàn cảnh của nhau mà cầu thay, khuyên bảo, hay trợ giúp khi cần, như một cộng đồng kiểu mẫu của con dân Chúa.
Được khen ngợi không có nghĩa là tín hữu Rôma không có những điều thiếu sót: Họ cần phải được nhắc nhở bởi những lời nói thẳng thừng (15). Ví dụ “Đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình” (12:2a). Chúng ta ngày nay cũng vậy, khi sinh hoạt và làm việc mỗi ngày giữa người chưa tin Chúa, chúng ta rất dễ bị lôi cuối vào cách hành xử của thế gian quanh mình. Hãy nhớ rằng đời sống của Cơ-đốc-nhân không phải là hưu hạ nhàn nhã, nhưng phải luôn luôn tỉnh thức để đối phó với kẻ thù. Đời sống hiện nay của mỗi tín hữu đều giống như các chiến binh thập tự đang tham gia vào cuộc chiến tranh sống còn chống lại một kẻ thù cực kỳ hiểm ác và quỷ quyệt. Hắn biết cách cám dỗ tín hữu phạm tội, biết chọc giận để tín hữu sa bẫy.
Làm tín đồ của Chúa thì phải biết phục vụ trong vai trò “thi hành chức tế lễ cho Tin Lành của Đức Chúa Trời” (16a); tức là phải sống gương mẫu cho người thế gian biết sự vĩ đại của Đức Chúa Trời qua cách chúng ta thờ phượng Ngài. Điều kế tiếp mà họ thiếu sót là chưa dẫn được “dân ngoại trở thành lễ vật đẹp lòng Chúa, được thánh hóa bởi Đức Thánh Linh” (16b). Vậy thì, chỉ sống làm tín đồ của Chúa mà thôi thì chưa đủ; chúng ta phải kết thân, cầu thay, chứng đạo cho bạn bè và người quen biết chưa tin Chúa. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chúng ta đều vô ích nếu chưa được Đức Thánh Linh thánh hóa con người bề trong. Bởi vì nếu không có sự rờ chạm của Đức Thánh Linh thì mọi việc làm của chúng ta đều thiếu sức sống, không gây ảnh hưởng cho ai được hết.
Phaolô nói rằng ông có lý do để hãnh diện trong công tác phục vụ Chúa (17). Ông nêu lên ba điều trong sự phục vụ: 1. Cách ông thực hiện là không nói điều gì khác ngoài những gì mà Đấng Christ thực hiện qua ông để khiến dân ngoại vâng phục Ngài (18). 2. Bằng lời nói và việc làm, bằng quyền năng của dấu lạ phép mầu, bằng uy lực của Thánh Linh Đức Chúa Trời, ông công bố rộng rãi Tin Lành của Đấng Christ khắp nơi (19). 3 là áp dụng nguyên tắc không xây trên nền của người khác trong việc truyền giáo; ông chỉ rao truyền Tin Lành ở những nơi mà Danh Đấng Christ chưa được truyền đến (20-21). Đây là ba nguyên tắc vô cùng quan trọng cho những ai có ý định phục vụ Đức Chúa Trời phải để ý tới; làm sao cho Chúa được vinh danh chứ không phải cá nhân mình.
Nguyên tắc không xây dựng trên nền người khác lập đã ngăn trở Phaolô đến thăm Rôma vào thời gian trước (22). Nhưng bây giờ vùng hoạt động của ông không còn chỗ nào mới nữa, ông phải tìm một địa bàn khác; vì vậy ông muốn thực hiện điều ông vẫn ước ao (23) là ghé thăm Hội Thánh tại Rôma trên đường ông sẽ đi qua Tây Ban Nha. Ông sẽ lưu lại Rôma một thời gian rồi sẽ nhờ tín hữu ở đó đưa ông đi Tây Ban Nha (24). Tuy nhiên, trước khi lên đường qua Rôma Phaolô phải ghé lại Jerusalem để trao các món quà mà nhiều tín hữu ở Macedonia và Achai, tức là từ các Hội Thánh Philip và Côrinhtô, đã quyên góp tiền bạc để giúp những thánh đồ nghèo túng ở Jerusalem (25–26). Gương tốt sáng ngời nầy phải được con cái Chúa ngày nay bắt chước.
Điều Phaolô bộc bạch kế tiếp thì đáng cho con dân Chúa thời nay suy gẫm (27). Có bao nhiêu người biết xấu hổ khi nhận ra tính vô tình của mình đối với người hầu việc Chúa đã phục vụ mình qua nhiều năm tháng mà không bao giờ đòi hỏi quyền lợi? Đầy tớ thật của Đức Chúa Trời không được phép đòi hỏi phải được biết ơn hoặc giúp đỡ về vật chất. Họ vui lòng chịu thiếu thốn miễn là rao giảng được chân lý của Chúa cho con dân Ngài. Đức Chúa Trời là phần của họ. Phần thưởng ấy quý hơn bất cứ điều gì trong vũ trụ. Người hầu việc Chúa tự xem mình mắc nợ anh chị em mà họ phục vụ; mặc dù sứ đồ Phaolô đảo ngược vị trí người mắc nợ, ông cũng không khi nào đòi hỏi các tín hữu ở Macedonia và Achai phải cung cấp các nhu cầu cho ông. Ông tự làm để nuôi mình.
Phaolô dự định rằng sau khi trao hết các món quà cho những thánh đồ nghèo thiếu ở Jerusalem, ông sẽ lên đường qua Rôma. Ông tin rằng khi ông đến, ông sẽ đem cho họ ơn phước dồi dào của Đức Chúa Jesus (28–29). Một sứ đồ mạnh mẽ và vững vàng trong Chúa vẫn cần sự cầu nguyện hợp nhất của các thánh đồ: “Tôi nài xin anh em hãy cùng tôi chiến đấu trong sự cầu nguyện” (30). Cầu nguyện chiến đấu với chiến đấu trong sự cầu nguyện là hai cách cầu nguyện hoàn toàn khác nhau. Một bên là nhân danh quyền năng của Đức Chúa Jesus ra lệnh và trói buộc thế giới tối tăm, truyền khiến chúng phải vâng lệnh; bên kia là kiên nhẫn nài xin và cầu thay lâu dài. Cả hai sự cầu nguyện ấy không có cái nào dễ dàng cả. Phải có tâm tình vì Đức Chúa Jesus và tình yêu thương bởi Thánh Linh mới có thể chiến đấu trong lời cầu nguyện dâng lên Đức Chúa Trời.
Sứ đồ Phaolô được Đức Thánh Linh cho biết trước sẽ gặp gian khổ và bắt bớ bởi những kẻ vô tín trong xứ Judea. Đồng thời, ông cũng xin cầu thay cho ông để các thánh đồ tại Jerusalem sẽ vui lòng chấp nhận ông và chấp nhận các phẩm vật mà ông chuyển cho họ (31). Các sứ đồ đều biết mặt và thành quả truyền giáo của Phaolô giữa dân ngoại, nhưng phần đông tín hữu gốc Do-thái-giáo ở Jerusalem thì rất ít biết về ông. Mọi dự tính của Phaolô là như vậy, nhưng ông biết rằng mọi chuyện có thành tựu hay không là bởi ý muốn của Đức Chúa Trời (32). Là con cái Chúa, chúng ta phải biết chúc phước cho nhau để Đức Chúa trời bình an ở với hết thảy anh chị em trong đức tin (33).
NamVungNiemTin33.docx
Rev. Dr. CTB