Truyền Giáo Vững Vàng, bài 27

Luca 10:5–9

Khi Đức Chúa Jesus sai các môn đồ Ngài đi vào các làng của người Do-thái để rao giảng tin lành của Nước Trời, Ngài dặn họ điều đầu tiên phải làm là chúc bình an cho những người họ gặp.

Sự rao giảng tin lành thời đó khác với Tin Mừng thời chúng ta; bởi vì lúc ấy Đức Chúa Jesus chưa bị đóng đinh trên cây gỗ để chuộc tội cho loài người. Các môn đồ của Chúa cũng chưa biết rằng Ngài sẽ phải trải qua nỗi thống khổ trên cây thập tự. Cho nên, họ phải giảng về vương quốc thiên đàng và nhắc người ta phải ăn năn tội lỗi để được vào nước ấy (Mathiơ 4:17; 6:33; Mác 1:14–15).

Người Giu-đa thời đó đều theo Do-thái-giáo kính thờ Đức Chúa Trời, khác với người thời nay mà chúng ta phải rao truyền Tin Mừng về ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus; tức là người thời ấy thân thiện với lời rao giảng về Vương quốc thiên đàng của Đức Chúa Trời hơn người thời bây giờ.

Thế mà, Đức Chúa Jesus dặn các môn đồ của Ngài phải chúc bình an cho nhà nào mà họ vào để rao giảng; mặc dù giữa người dân với họ không có sự thù nghịch gì.

Ngày nay, chúng ta phải giao thiệp với một cộng đồng không mấy thân thiện với đạo của Chúa. Để họ có thể chịu nghe một đề tài khá xa lạ, chúng ta phải tạo được sự tín nhiệm đối với họ, rồi giữa con cái Chúa với người chưa tin phải có mối liên hệ hoà bình; bởi vì đa số tín đồ Tin Lành không mấy thiện cảm đối với những người ngoại đạo mà họ chưa quen biết.

Ít có tín đồ ý thức về tình trạng tâm lý nầy. Sự nghi ngại thường xảy ra vì nhiều người Việt Nam không giấu ác cảm đối với đạo Chúa. Cho nên, chúng ta phải tuyên bố hoà bình giữa mình với cộng đồng mà mình muốn rao truyền Tin Mừng bằng cách chúc bình an cho họ; tức là chúng ta cầu sự bình an Chúa đã ban cho mình được đến trên họ.

Đây là điều phải làm, bởi vì từ xưa tới nay những người đi chứng đạo đã gây chiến với cộng đồng họ muốn rao giảng bằng sự lên án và đem hoả ngục ra doạ người ta. Cách chứng đạo ấy giống như trương tấm biểu ngữ khổng lồ “Nếu không ăn năn tội sẽ bị thiêu đốt trong hoả ngục!” Người chưa tin Chúa sẽ sớm nhận ra thái độ thiếu thiện cảm của các tín đồ Tin Lành đối với họ.

Hãy nhớ lại các sách phúc âm ký thuật rằng Đức Chúa Jesus làm bạn với người có tội, đến nỗi Ngài bị người Pharisi lên án: “…Kìa, một người ham ăn, mê uống, làm bạn với người thu thuế và kẻ tội lỗi” (Mathiơ 11:19). Nếu Chúa chúng ta là bạn của tội nhân, chúng ta không thể xem họ là kẻ thù được. Người ta khó có thể tin Chúa hay theo một đạo mà tín đồ của đạo ấy bày tỏ các thái độ rất khó ưa. Đức Chúa Trời thì quá buồn lòng về thái độ của nhóm người tự xưng là con cái Ngài.

Vì Đức Chúa Trời yêu thương tội nhân nên chúng ta mới được Ngài tha tội và tiếp nhận vào gia đình Ngài. Chúng ta cũng phải biết yêu thương những người đang phạm tội chung quanh mình thì mới có thể thật lòng chúc bình an cho họ.

Khi chúng ta còn là kẻ có tội đáng bị trừng phạt, thì được Đức Chúa Trời yêu thương cứu vớt, vì Ngài không muốn thấy chúng ta bị trừng phạt. Cũng vậy, chúng ta cảm thương số phận hẩm hiu của những người có tội quanh mình, chứ không thương yêu gì con người tội lỗi bên trong họ.

Nhờ tình thương đó chúng ta mới có thể rao giảng chân lý bằng tình yêu thương chân thật. Tức là không giới thiệu Tin Mừng bằng luận điệu lên án tội nhân, ghê tởm con người tội lỗi của họ và quả quyết họ sẽ xuống hoả ngục. Mặc dù ấy là sự thật, nhưng thái độ ấy sẽ che mờ chân lý là Đức Chúa Jesus đã đến để cứu, không phải kết án (Giăng 3:17).

Hành động chúc bình an sẽ giúp chúng ta không còn nguyền rủa cộng đồng của mình nữa. Vì ít khi chúng ta ý thức được rằng mình thường xuyên nguyền rủa những người quanh mình, nhất là những người theo các tôn giáo mà mình không ưa.

Điều nầy không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận mọi thủ đoạn gian dối của kẻ ác. Chúc bình an, không nguyền rủa, nhưng không chấp nhận hay ủng hộ các hành vi xảo trá, giọng lưỡi quỷ quyệt của giới người gian tà. Sở dĩ xã hội điên đảo là vì những người bị lừa gạt ủng hộ các kẻ đó; nhưng nếu chúng ta chúc phước, chúc bình an, thì mình gây dựng được thành phố nhờ phước lành Chúa ban cho mình (Châm ngôn 11:11).

Để hiểu được nguyên tắc quan trọng nầy, các con cái Chúa phải tự xét mình xem mức độ giận dữ của mình đối với tình trạng vô đạo của xã hội đến mức nào, rồi khẩn thiết cầu xin Đức Thánh Linh biến đổi tâm tính mình, để mang được tình yêu của Chúa đến cho cộng đồng mình đang sống.

Một lý do nữa, mà chúng ta phải chúc bình an, liên quan tới chiến lược và chiến thuật tranh giành những linh hồn tội nhân ra khỏi tay ma quỷ (chiến lược là kế hoạch lâu dài, chiến thuật là cách thức áp dụng từng trận đánh).

Như lời sứ đồ Phao-lô đã tiết lộ, người ta chưa tin Chúa vì ma quỷ bịt mắt họ (2Côrinhtô 4:4). Nhưng Satan không thể có mặt ở mọi nơi cùng một lúc, vì thế hắn dùng các thứ quỷ khu vực thi hành nhiệm vụ của chúng. Chúng ta không thể dùng sự giận dữ của mình để đối phó với kẻ thù trong linh giới, mà đến với đối tượng truyền giáo của mình bằng lời chúc phước.

Lời chúc bình an qua danh Đức Chúa Jesus sẽ làm tê liệt thủ đoạn bịt mắt của thế giới tối tăm cho toàn khu vực, và lời chúc qua Danh Ngài có thẩm quyền huỷ bỏ tai hoạ giáng trên cá nhân đã phạm lời nguyền chống nghịch luật pháp của Đức Chúa Trời, do tổ tiên của họ và chính họ gây ra.

Đức Chúa Jesus cho biết sự bình an của Đức Chúa Trời thì rất cụ thể, mặc dù mắt không thấy (Luca 10:6). Người đáng hưởng sự bình an của Chúa sẻ cảm nhận được điều gì đó rất tích cực và rất cụ thể từ con cái Chúa chúc bình an cho họ.

Người quen chúc rồi cũng nhận biết ơn Chúa từ mình ra bay qua người khác. Sự bình an của Đức Chúa Trời không phải là một ơn phước tưởng tượng, nó rất cụ thể, vì nó có thể tiết ra hoặc trở về với người đang sở hữu nó.

Lời chúc bình an vừa có uy lực làm tê liệt ma quỷ, vừa là phương tiện tạo ra mối liên hệ thân mật với người mình đang định sẽ giới thiệu Tin Mừng cho. Tuy nhiên, sự chúc bình an chỉ là bước đầu của nhiều giai đoạn tiếp theo.

Người ta dễ tin lời nói của người mà họ có tình thân mật và tin cậy được. Cho nên, phải kết thân với người đã nhận được sự bình an để biết rõ nhu cầu khẩn thiết của họ là gì.

Người hám thành tích thường thất bại trong việc truyền giáo. Vì thế, đừng vội vàng khi chưa tạo được lòng tin. Anh chị em nào chưa biết mình có được Đức Thánh Linh hướng dẫn hay không thì phải giải quyết những gì cản trở mình tiếp nhận sự hiện diện của Ngài trong đời sống tâm linh.

Vì người nào sống theo xác thịt, tức là chú tâm vào những việc thuộc ước muốn xác thịt, thì chưa thể nhận lãnh Thánh Linh, vì cách sống không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Người có Thánh Linh mới có thẩm quyền của Danh Đức Chúa Jesus để chúc bình an cho người khác.

Cách để biết mình có Đức Thánh Linh hay không thì dễ dàng lắm: Người có Thánh Linh hết lòng sống theo Ngài, từ bỏ cách sống chỉ muốn thoả mãn các điều ham muốn của xác thịt. “Vì chú tâm vào xác thịt sinh ra sự chết, còn chú tâm vào Thánh Linh sinh ra sự sống và bình an” (Rôma 8:6). 

Vậy, chúng ta phải làm gì để đời sống mình cứ chú tâm vào Đức Thánh Linh? Trong thư viết cho tín hữu Hội-Thánh Philip, ở đoạn 4 sứ đồ Phao-lô chỉ dẫn: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn (4); hãy bày tỏ tính nhu mì cho mọi người thấy (5); đừng lo lắng gì hết, trong mọi sự dùng lời cầu nguyện, nài xin và sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời (6); sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí chúng ta trong Đấng Christ Jesus (7).

Nhưng một ơn phước khác còn cần hơn sự bình an mà mình mong muốn. Phao-lô dặn chúng ta phải thực hiện hết các “điều gì chân thật, đáng trọng, công chính, thanh sạch, đáng yêu chuộng, đáng biểu dương, điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi; những điều tốt gì đã học, đã nhận, đã nghe, đã thấy, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở với anh em” (8–9).

Vậy, để được sở hữu sự bình an của Đức Chúa Trời, và được Đức Chúa Trời của sự bình an ở với mình, thì sống theo Thánh Linh bằng cách thực hiện những điều Phao-lô dạy cho tín hữu ở Hội-Thánh tại thành Phi-líp.

Ai muốn sống theo Đức Thánh Linh sẽ quyết tâm thực hiện đời sống đạo không mấy khó khăn nầy. Cái khó là chống lại các sự ham muốn của xác thịt.

Ai đã thắng xác thịt thì sống theo Thánh Linh là chuyện thực hiện được. Hãy nhờ sức Chúa, chúng ta sẽ thắng.

TruyenGiaoVungVang27.docx

Rev. Dr. CTB