Hướng Đi Mới, bài 15

Thi Thiên 16:7–11

Con sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va là Đấng khuyên bảo con; ngay cả ban đêm lương tâm con cũng nhắc nhở con. Con hằng để Đức Giê-hô-va đứng trước mặt con; con chẳng hề bị rúng động vì Ngài ở bên phải con. Vì thế, lòng con vui vẻ, linh hồn con mừng rỡ; thân xác con cũng được an nghỉ. Vì Chúa sẽ không bỏ linh hồn con trong chốn âm phủ; cũng không để người trung tín của Ngài thấy nơi mộ phần. Chúa sẽ chỉ cho con biết con đường sự sống; trước mặt Chúa có trọn niềm hoan lạc, bên phải Chúa có điều vui sướng vô cùng.

Trong cuộc sống ở trần gian, rất nhiều khi chúng ta đã để cho sự lo lắng về cơm áo gạo tiền chiếm hết thì giờ của mình; đến nỗi không còn chút thời gian nào để chuẩn bị cho phần quan trọng nhất của đời người là sự sống vĩnh viễn mai sau ở một cõi khác. Không phải mọi tín hữu đều có đời sống tâm linh giống nhau; nhưng tình trạng chung là bị thiếu một cái gì đó khiến đời sống đạo thường xuyên trắc trở. Cái gì đó chính là thiếu sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong cả nếp sống riêng tư lẫn sinh hoạt thờ phượng chung của Hội Thánh. Sự thiếu vắng nầy không phải là tiểu tiết nhỏ nhặt, mà là một nan đề trầm trọng. Bởi vì sự hiện diện của Chúa là sức sống của tập thể Hội Thánh và là sự sống trong tâm linh của mỗi cá nhân tín hữu. Chúng ta cần sự sống từ Chúa.

Sự sống của Chúa mặc dù vô hình nhưng có thật. Mỗi cơ thể sống đều tăng trưởng, chỉ là tăng trưởng nhanh hay chậm mà thôi. Sự sống của con cái Chúa và Hội Thánh không dựa trên số người dự nhóm hàng tuần, mà căn cứ trên những đời sống được biến đổi. Mặc dù loài người thường dựa vào con số để đo lường sự thành công, nhưng trong lãnh vực tâm linh thì con số không thể nói hết sự thật. Còn sự đổi mới của nhiều đời sống là thước đo chính xác trình độ tâm linh của tín hữu và có sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa Hội Thánh hay không. – Vậy, Đức Chúa Trời đòi hỏi điều kiện gì để Ngài có thể hiện diện? Điều kiện đầu tiên mà chúng ta đều biết là Ngài đòi hỏi sự thánh khiết trong Hội Thánh của Ngài (1Phierơ 1:15–16) “Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn nết ở của mình, vì có lời chép: Các con phải thánh, vì Ta là thánh.” Đây là điều kiện không thể thương lượng.

Hoặc là Hội Thánh phải duy trì sự thánh khiết để được Chúa ngự đến, hoặc chứa đầy thế gian. – Làm thế nào để Hội Thánh được thanh sạch và thánh khiết? Hội Thánh sẽ đạt được tình trạng đó khi những thành viên cốt cán của Hội Thánh không sống trong tình trạng ô uế tâm linh, không suy nghĩ tính toán những chuyện tội lỗi; miệng không nói những lời dơ bẩn, nhưng theo đuổi các mục tiêu thanh sạch. Chẳng những không làm bậy, nói bậy, mơ ước thế tục, mà còn phải có lòng ao ước được Chúa ngự đến cai trị trong lòng mình, gia đình mình và Hội Thánh. Sở hữu và theo đuổi một đời sống tâm linh thanh sạch là quan trọng và cần thiết. Bởi vì người có tâm linh thanh sạch luôn luôn hành xử theo kiểu thanh sạch, là điều đẹp lòng Đức Chúa Trời và được phước (Thi Thiên 1:1) “Phước cho người nào chẳng đi theo mưu kế của kẻ ác, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng.

Thế nào là hành xử thanh sạch theo ý Chúa? Chỉ có tìm biết ý muốn tốt lành của Chúa để làm theo thì mới có thể hành xử thanh sạch theo ý Chúa. Những tâm linh ấy không thờ ơ với công việc của Hội Thánh; bởi vì nếu mọi người đều ý thức được rằng mình chỉ là một chi thể nhỏ trong thân thể của Chúa, là Hội Thánh, thì không một ai bỏ bê chính thân thể mình cả. – Nếu ai cứ chú trọng vào những việc thế gian, tiền bạc của cải thế gian, hoặc chỉ chú trọng vào những gì thấy được, rờ được, nắm lấy được, thì người ấy không thể nào làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Cũng không ai có thể chạy trốn Chúa bằng cách chạy từ chi hội địa phương nầy sang chi hội khác. Những người chạy trốn Chúa kiểu đó là người chưa bao giờ có Chúa trong lòng và sẽ không bao giờ thoát nổi.

Thành viên của một cơ thể sống sẽ mong muốn thấy cơ thể ấy như thế nào? Không người nào muốn thấy cơ thể mình trong tình trạng bị bạc nhược, không một chút dấu hiệu gì là có sức sống mạnh mẽ. – Vậy, nếu chúng ta thật lòng tin chính chúng ta là các chi thể của thân thể Chúa thì chi thể phải có sự sống của thân thể, liên quan mật thiết tới ĐẦU của thân thể, là Đức Chúa Jesus, và có thể vận dụng uy quyền của CÁI ĐẦU! – Vậy, tín hữu phải mong mỏi được thấy điều gì xảy ra trong Hội Thánh? – Chúng ta phải mong muốn quyền phép của Chúa được bày tỏ ra rõ ràng cho thế gian thấy. – Chúng ta khác với thế gian và mọi tôn giáo của loài người nhờ có quyền phép Đức  Chúa Trời vận hành trong Hội Thánh. Sở dĩ quyền phép chưa diễn ra vì đức tin ta không cụ thể.

Ngày xưa, ông Mác tường thuật Đức Chúa Jesus về quê hương Ngài “Ở đó Ngài không thể làm một việc quyền năng nào ngoài việc đặt tay trên một vài người đau ốm và chữa lành cho họ. Ngài ngạc nhiên vì lòng vô tín của họ(Mác 6:5–6). Ngày nay, hầu hết tín đồ của các Hội Thánh thì chưa bao giờ thấy phép lạ hay quyền năng của Chúa được bày tỏ ra. Nếu có ai trình bày hoặc chỉ cho thấy thì không tin. Bởi vậy, việc quyền năng không thể diễn ra giữa Hội Thánh. Hầu hết chúng ta chỉ nương cậy vào đức tin của người khác, không dám dùng đức tin của mình để cầu xin Chúa bày tỏ quyền phép và sự cứu giúp của Ngài. – Hội Thánh ở đây phải tiến tới chỗ cầu mong sự chữa lành bệnh hoạn và tật nguyền cho con cái Chúa phải xảy ra. Nếu chúng ta tin, Chúa sẽ làm.

Chúng ta còn phải mong mỏi trở thành những con cái của Chúa có đầy đủ uy quyền để trừ quỷ cho những ai cần, và cũng có khả năng đuổi tất cả các thứ quỷ của thế giới tối tăm đang cản trở sự truyền giáo của Hội Thánh. – Tìm đâu ra uy quyền ấy? Chúng ta chỉ sở hữu được uy quyền đó qua Đại Danh của Đức Chúa Jesus (Công vụ 3:6;) “Nhưng Phierơ nói với anh: Tôi không có vàng bạc gì cả, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ người Nazareth, hãy đứng dậy và bước đi!” (16:18) Cô cứ làm như vậy trong nhiều ngày khiến Phaolô rất bực mình nên quay lại nói với quỷ rằng: Ta nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ra lệnh cho mầy phải ra khỏi người nầy. Ngay giờ đó, quỷ liền ra khỏi.” – Nghĩa là ai có Chúa ở trong mình, thì người đó có uy quyền của Ngài (Công vụ 19:13–16) “Bấy giờ có mấy thầy phù thủy người Do Thái đi từ nơi nầy đến nơi khác, cũng thử lấy danh Chúa là Đức Chúa Jêsus đuổi tà linh khỏi những kẻ bị ám. Họ nói: Ta nhân danh Chúa là Đức Chúa Jêsus, Đấng mà Phaolô rao giảng, truyền lệnh chúng bay. Những người làm việc nầy là bảy con trai của thầy tế lễ thượng phẩm Do Thái tên là Sêva. Nhưng quỷ nói với họ: Ta biết Đức Chúa Jêsus và cũng biết rõ Phao-lô nữa, nhưng các ngươi là ai? Người bị quỷ ám xông vào họ, áp đảo và đánh bại cả bọn đến nỗi họ phải bỏ nhà chạy trốn, mình trần truồng và đầy thương tích.

– Đây không phải là một bí quyết gì xa lạ, bởi vì chính Đức Chúa Jesus đã truyền cho mọi người nào tin Ngài hãy dùng Danh Ngài mà trừ quỷ (Mác 16:17) “Những người tin sẽ được các dấu lạ nầy kèm theo: Họ sẽ nhân danh Ta đuổi quỷ; sẽ nói những ngôn ngữ mới.” Sở dĩ ngày nay rất ít tín đồ Tin Lành dám nhân Danh Chúa mà đuổi quỷ, vì đại đa số không tin đó là sự thật; hoặc không dám nghĩ rằng mình có Chúa ở trong lòng. Tại sao có tình trạng đó?

Hãy liệt kê các nguyên nhân khiến cho Hội Thánh yếu kém, không có quyền năng của Chúa, hoặc chỉ là một câu lạc bộ tôn giáo. Danh sách nầy khá nhiều: Không mong mỏi nhận được quyền năng của Chúa; không tìm kiếm hay cầu xin Chúa ban cho mình; không ao ước được trang bị năng lực siêu nhiên vì không nghĩ đến; không tự xét sự yếu kém của mình và hài lòng vì thấy nhiều chi hội quanh mình cũng chẳng hơn gì; và điều trầm trọng là không thấy sự yếu kém của Hội Thánh là gieo sự sỉ nhục cho Đức Chúa Trời. – Chúng ta phải thay đổi, phải tính đến những việc phải làm để chữa trị tâm bệnh của chúng ta và làm biến đổi tình hình từ yếu trở nên mạnh.

HuongDiMoi15.docx

MS CTB