Theo Dõi Tận Thế, bài 29
Khải Huyền 3:1–2
“Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Sạt-đe rằng: Đây là lời phán của Đấng có bảy linh của Đức Chúa Trời, và bảy ngôi sao: ‘Ta biết các công việc của con; con có tiếng là sống, nhưng lại là chết. Vậy, hãy tỉnh thức và làm cho vững những gì còn lại, tức là những gì gần chết, vì Ta không thấy các công việc của con là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời Ta.’”
Rất nhiều người, kể cả vô số tín đồ trong các giáo hội Cơ-đốc, vẫn thường hiểu sai về danh xưng Tin Lành. Người ta tưởng rằng hễ ai tin nhận và kính thờ Đức Chúa Jesus mà không phải là tín đồ Công giáo La mã, thì đều được gọi là Tin Lành. Thật ra chữ Tin Lành không thuộc về các giáo phái Cải Cách. Trước kia họ được gọi là Protestant, những người phản đối, hoặc bị Công giáo Việt Nam gọi là giáo hội Thệ Phản (phản bội lời thề). Ở Mỹ từ cuối thế kỷ 20 tới nay, người ta gọi các giáo phái, hệ phái đã thành hình trong thế kỷ 19 và 20 là Evangelicals: Những người làm theo Phúc Âm, mà Phúc Âm là Tin Mừng, cũng là Tin Lành, để phân biệt với các giáo hội thành hình từ phong trào cải cách ở các thế kỷ trước, tự xưng là thượng giáo hội (high churches).
Tuy nhiên, như lời trong thư của Đức Chúa Jesus gửi cho Hội Thánh Sardis nhận xét rằng các giáo hội Cải Cách có tiếng là sống nhưng lại là chết. Đúng vậy! Chúa đã nhận xét và tuyên bố thì không thể sai trật được. Những người Công giáo La mã thường thán phục anh em Tin Lành là giỏi Kinh Thánh! Điều đó có thể đúng khoảng vài chục năm trước đối với một số tín hữu thường xuyên học Kinh Thánh thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam; nhưng hiện nay đại đa số chẳng giỏi giang gì cả, bởi vì rất lười đọc Kinh Thánh ở nhà hoặc học tại nhà thờ. Có tiếng sống là vì người ngoài nhìn vào thấy đi nhà thờ và hăng say cãi lẽ đạo, nhưng lại là chết vì chẳng buồn giở quyển Kinh Thánh ra xem. Có người để nó đóng bụi trên bàn hay kệ sách từ năm nầy qua năm khác.
Mới đây, một cán bộ cộng sản Việt Nam nhận xét rằng quyển Kinh Thánh là tác phẩm văn hóa vô giá của nhân loại. Ông ta viết: “Chưa dân tộc nào biên soạn và còn lưu giữ được một tác phẩm kinh điển có giá trị như Kinh Thánh phần Cựu Ước. … Kinh Thánh còn là một tác phẩm văn học đồ sộ, di sản quý báu của nhân loại.” Thế mà những người có tiếng là sống thì chẳng mấy khi chịu nghiên cứu Lời Chúa cho chính họ. Đó là dấu hiệu của một tâm linh đang ngắc ngoải, gần chết. Để có thể biết các giáo phái, hệ phái, nhà thờ, và tín hữu nào đang chết dần chết mòn, chúng ta quan sát mười dấu hiệu bộc lộ ra bên ngoài không thể lầm lẫn vì không che giấu được:
1. Những tín hữu đang chết rất ít khi tham dự các buổi cầu nguyện chung để cùng nhau tìm kiếm Chúa, bởi vì họ không có một cảm nhận nào về sự hiện diện của Ngài ở giữa họ. Rất ít người cầu nguyện với nhau, vì họ không nghĩ rằng Chúa sẽ tới đó để nghe và đáp lời cầu nguyện của họ. Vậy, dấu hiệu thứ nhất của một Hội Thánh đã chết là không có buổi cầu nguyện hưng phấn, còn tín hữu thì chẳng mong gì lời cầu nguyện của Hội Thánh hay của mình được Chúa đáp lời.
2. Không có sự hiện diện của Chúa tại các buổi nhóm; mặc dù Đức Chúa Jesus hứa nơi nào có đôi ba người nhân danh Ngài nhóm lại, thì Ngài ở giữa họ (Mathiơ 18:20) “Vì nơi nào có hai, ba người nhân danh Ta họp nhau lại thì Ta sẽ ở giữa họ.” Nguyên nhân: Cửa trời ở trên nhà thờ ấy đóng lại cứng như đồng (Phục Truyền 28:23) “Bầu trời trên đầu anh em sẽ như đồng và đất dưới chân anh em sẽ như sắt.” Người tinh ý sẽ nhận xét cách thức và giọng điệu cầu nguyện của các mục sư vừa không chân thành, vừa theo một khuôn mẫu sáo rỗng. Đấng thấy rõ lòng người sẽ chẳng khi nào chịu tới những nơi thực hành cách ăn nói giả dối.
3. Quyền năng của Chúa không thể hiện. Đức Chúa Jesus cho biết khi Vương quốc của Đức Chúa Trời đến đâu, thì tà linh, tà thần phải bỏ chạy (Luca 11:20) “Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay của Đức Chúa Trời mà đuổi quỷ, thì vương quốc Đức Chúa Trời đã đến với các ngươi rồi.” Ngài cũng dạy rằng nếu con dân thật của Ngài dùng đức tin cầu nguyện thì đức tin ấy có thể dời núi (Mác 11:23–24) “Thật, Ta bảo các con, ai bảo hòn núi nầy: ‘Hãy nhấc lên, và lao xuống biển,’ nếu trong lòng người ấy không có chút nghi ngờ, nhưng tin điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều đó sẽ được thực hiện. Vì vậy Ta bảo các con, bất cứ điều gì các con xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin rằng mình đã nhận được rồi, thì các con sẽ được điều ấy.” Sứ đồ Phaolô nói rằng Hội Thánh nào có Chúa hiện diện thì các phép lạ phải trở thành chuyện bình thường (Galati 3:5) “Đấng đã ban Thánh Linh và làm nhiều phép lạ giữa anh em, là do anh em làm theo luật pháp, hay là bởi nghe và tin?”
4. Khi Đức Chúa Jesus giảng đạo, thì Lời dạy của Ngài có thẩm quyền (Mác 1:22) “Mọi người đều kinh ngạc về sự dạy dỗ của Ngài, vì Ngài dạy một cách có thẩm quyền, chứ không như các thầy thông giáo.” Ở các Hội Thánh mà người chăn bầy mang tinh thần bạc nhược hoặc cả Hội Thánh đang chết thì người ấy rao giảng Lời Chúa không có uy quyền cũng chẳng được xức dầu (1Giăng 2:27) “Về phần các con, sự xức dầu mà các con đã nhận từ Ngài ở trong các con, và các con không cần ai dạy mình cả. Vì sự xức dầu của Ngài dạy các con mọi điều, và sự xức dầu ấy là thật, không phải giả dối; hãy cứ ở trong Ngài, như sự xức dầu ấy đã dạy các con.” Lý do chính khiến người rao giảng không có thẩm quyền là vì đức tin của người ấy quá yếu, không tiếp nhận Lời Chúa bằng đức tin; cho nên, chẳng ích lợi gì cho tâm linh của người đó và những người nghe (Hêbơrơ 4:2) “Vì Tin Lành được rao giảng cho chúng ta cũng giống như cho họ; nhưng lời họ đã nghe không đem lại ích lợi gì, vì trong khi nghe, họ không tiếp nhận lời ấy với đức tin.”
5. Vật sống thì tăng trưởng. Hội Thánh nào không có người tin Chúa qua hàng chục năm trường, không ảnh hưởng chút gì tới cộng đồng, thì đó là dấu hiệu một Hội Thánh chết. Bởi vì dấu hiệu ấy chứng tỏ không có sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sức sống của Hội Thánh là sự hiện diện của Chúa, thiếu sự hiện diện ấy Hội Thánh không thể tăng trưởng. Vào thời những tín đồ bị bắt bớ phải chạy tản lạc khắp nơi, đi đến đâu họ cũng rao giảng Tin Lành có kết quả (Công vụ 8:4) “Vậy, những người bị tan lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác truyền giảng Tin Lành.”
6. Thời lượng giờ thờ phượng đóng khung cứng ngắc từng phút. Tín hữu thấp thỏm mong cho buổi nhóm mau kết thúc. Hội Thánh địa phương nào làm như vậy có nghĩa là họ không cho phép Đức Thánh Linh can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Nếu Đức Thánh Linh tác động đặc biệt trên người nào đó, thì đại đa số người trong Hội Thánh và ban lãnh đạo rất là bực bội vì chương trình bị đảo lộn, không theo thứ tự mà họ đã dự định. Đó là dấu hiệu rõ ràng của một hội chúng đã chết.
7. Trong lúc mọi nơi đều thiếu người chăn bầy, thì sự sống còn của các Hội Thánh lệ thuộc vào vấn đề đào tạo môn đồ. Đức Chúa Jesus giao đại mệnh lệnh của Ngài cho các môn đồ rằng họ “hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, … và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con” (Mathiơ 28:19–20). Sứ đồ Phao-lô thì dặn dò “hãy ủy thác cho những người đáng tin cậy, là những người có khả năng dạy dỗ người khác” (2Timôthê 2:2). Nơi nào không có khuôn mẫu đào tạo môn đồ như Kinh Thánh dạy bảo, thì nơi đó không có sự sống vì không biết vâng lời Chúa.
8. Các Hội Thánh chết cũng không có cảm nhận thiêng liêng nào về công tác truyền giáo giúp cho Hội Thánh tăng trưởng; cũng không biết mục đích của Hội Thánh là làm muối và ánh sáng cho trần gian tăm tối được thấy ánh sáng của Đức Chúa Trời (Mathiơ 5:13–15) “Các con là muối của đất, nhưng nếu muối mất vị mặn thì làm thế nào cho nó mặn lại được? Muối ấy trở nên vô dụng, phải ném bỏ đi và bị người ta chà đạp dưới chân. Các con là ánh sáng cho thế gian. Một cái thành xây trên núi thì không thể bị che khuất được. Không ai thắp đèn mà lại đặt dưới cái thùng, nhưng đặt trên chân đèn để nó soi sáng mọi người trong nhà.” Vì không quan tâm tới ý muốn của Chúa cho cộng đồng của mình, Hội Thánh ấy không tạo được chút ảnh hưởng gì hết; xã hội nơi họ ở không thấy ánh sáng. Tình trạng tội ác gia tăng vì họ thiếu uy quyền của Chúa.
9. Trong các Hội Thánh chết thì có rất ít người chịu tình nguyện phục vụ trong các công tác thánh vụ và phục vụ nhau. Bởi vì khi có sự hiện diện và quyền năng Chúa thể hiện, thì người ta sẽ tình nguyện hiến thân làm những công việc mà Hội Thánh cần phải làm (Thi Thiên 110:3a) “Trong ngày Chúa biểu dương sức mạnh, con dân Ngài sẽ tình nguyện hiến thân.”
10. Tín hữu có tâm linh chết không bao giờ vui mừng dâng hiến tiền bạc cho Chúa. Bởi vì Chúa cho biết: “Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó” (Mathiơ 6:21). Người không trung tín với Chúa trong món nộp 1/10, thì cũng không rộng rãi dâng hiến trong nhiều chuyện khác mà Hội Thánh đang cần. Các hội chúng đang chết thì tình trạng tài chánh cũng eo hẹp thêm.
Hội Thánh chết chú trọng tới chương trình kế hoạch và chú ý tới cái sai. Hội Thánh sống nhắm tới những gì đúng cho mình. Tín hữu tham gia vào cuộc thờ phượng của Hội Thánh sống, còn nơi chết thì đầy người bàng quan; Hội Thánh sống chú trọng tới quyền năng, nơi chết chỉ nói về các nan đề; Hội Thánh sống muốn đạt tới các ước mơ của Chúa, nơi chết cứ nhắc nhở ác mộng.
Giới lãnh đạo không có sự sống của Chúa thì không biết rõ nhu cầu tâm linh của chính mình và của tín hữu để đáp ứng khiến Hội Thánh chỉ sống lây lất. Nhưng nguyên nhân chủ yếu ở các giáo hội, giáo phái, hệ phái đang bị ngắc ngoải là vì xa lạ với quyền năng và những sự dạy dỗ thiết thực của Đức Thánh Linh. Thậm chí có nhiều nơi có ác cảm với Ngài. Đức Thánh Linh là sự sống, là nguồn sức mạnh và ơn phước, là Đấng dẫn dắt, bảo vệ và chăm sóc Hội Thánh; những ai ác cảm và loại trừ Ngài ra khỏi sinh hoạt của Hội Thánh, thì nơi đó chỉ có cái xác thiếu hồn sống.
Vậy thì, khi chúng ta thấy giữa hội chúng của mình có vài dấu hiệu nào trong mười dấu hiệu nầy, thì hãy cầu hỏi Chúa muốn chúng ta cần phải làm gì để làm cho Hội Thánh sống lại. Có thể là thảo luận với nhau và trình bày cho người lãnh đạo thấy tình trạng nguy hiểm của Hội Thánh địa phương mình. Gióng tiếng chuông cảnh tỉnh và cầu xin Chúa can thiệp thăm viếng. Nhóm họp cầu nguyện xưng tội với Chúa và xin Chúa chỉ cho thấy tất cả những nguyên nhân để ăn năn.
TheoDoiTanThe29.docx
Rev. Dr. CTB