Truyền Giáo Vững Vàng, bài 16

Công vụ 13:1-12

Hội Thánh thời sơ lập đã được tương giao với Chúa và hiệp thông với nhau trước khi họ cộng tác và đồng hành trong công tác truyền giáo. Hội Thánh tại Antioch xứ Syri được thành hình trong thời kỳ Hội Thánh chung ở xứ Giu-đê bị bắt bớ sau khi chấp sự Ê-tiên bị giết tại Jerusalem.

Cơ-đốc-giáo mới thành hình và đang phát triển mạnh mẽ tại Jerusalem nhờ các phép lạ và dấu kỳ được thực hiện bởi tay các sứ đồ (Công vụ 5:12-16), vì giới cầm quyền La-mã để yên cho Do-thái-giáo tự do bách hại mọi tín đồ nên cuộc bắt bớ diễn ra dữ dội.

Lúc ấy, giới lãnh đạo Do-thái-giáo rất ghen tị và dùng quyền được giới cầm quyền La-mã cho phép, bắt các sứ đồ giam vào ngục để hôm sau sẽ điệu ra trước hội đồng công luận mà xét xử. Nhưng ban đêm, một thiên sứ của Chúa mở cửa ngục đem các sứ đồ ra và dặn hãy đứng nơi đền thờ mà rao giảng các lời của sự sống nầy.

Họ vâng lời làm y như vậy trong lúc hội đồng họp lại truyền lính vào ngục đem họ ra để xét xử. Dĩ nhiên là không thấy ai trong ngục hết, họ về trình: “Chúng tôi thấy ngục đóng rất cẩn thận và lính canh đứng trước cửa, nhưng lúc mở cửa ra thì chẳng thấy một người nào ở trong đó.

Tất cả đều bỡ ngỡ không biết chuyện gì đã xảy ra, cũng chẳng biết phải làm sao (Công vụ 5:17-24). Khi đang bối rối thì người ta báo tin là các sứ đồ đang giảng dạy tại đền thờ. Viên quản lý đền thờ và nhân viên liền đến bắt các sứ đồ đem về toà công luận nhưng không dám dùng bạo lực vì sợ bị ném đá.

Thầy tế lễ thượng phẩm cật vấn các sứ đồ: Tại sao đã nghiêm cấm, “thế mà các anh đã làm cho Jerusalem tràn ngập giáo lý của mình, lại còn muốn cho máu Người ấy đổ lại trên chúng tôi nữa.” Các sứ đồ trả lời “thà vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta” (Công vụ 5:25-32).

Phái Sa-du-sê của toà công luận giận điên lên và muốn giết các sứ đồ, nhưng Gamaliel, một luật sư danh tiếng người Pharisi, bảo đem các sứ đồ ra ngoài, để khuyên toà công luận.

Sau khi kể chuyện các cuộc dấy loạn đều bị thất bại, ông nói: “Bây giờ, tôi xin khuyên quý vị: Hãy tránh xa những người nầy, cứ để mặc họ, vì nếu mưu định và công việc nầy đến từ loài người thì sẽ bị thất bại; nhưng nếu bởi Đức Chúa Trời mà ra thì quý vị không thể nào tiêu diệt họ được; trái lại, quý vị liều mình chiến đấu chống lại Đức Chúa Trời.

Họ nghe lời khuyên của Gamaliel, gọi các sứ đồ vào, sai đánh đòn và cấm lấy danh Đức Chúa Jesus mà giảng dạy, rồi thả họ ra (Công 5:33-40).

Nhưng vì số người tin Chúa ngày càng đông, và một số hội viên của nhà hội tự do thuộc Do-thái-giáo ưa tranh luận nhưng không thắng nổi chấp sự Ê-tiên, họ vu khống rồi ném đá giết chết Ê-tiên.

Nhân cơ hội đó ở Jerusalem nổi lên nạn Do-thái-giáo bắt bớ Hội Thánh một cách dữ dội; ngoại trừ các sứ đồ, tất cả tín đồ đều phải bị tan lạc trong các miền Giu-đê và Samari, nhiều tín đồ bị tan lạc từ nơi nầy đến nơi khác rao giảng Tin Mừng.

Một số người đến Antioch được tay Chúa ở cùng, giảng Tin Mừng cho cả người Hy-lạp nên có nhiều người tiếp nhận Chúa. Nghe tin ấy, Hội Thánh ở Jerusalem cử Banaba đến thăm Antioch. Ông thấy ơn Chúa ở đó thì thúc giục mọi người cứ vững lòng theo Chúa.

Vì Banaba là người tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và đức tin, nên có rất nhiều người theo Chúa. Nhưng để kết quả nhiều hơn, Banaba đi Tarse tìm Saul, một người Do-thái-giáo nhiệt thành nhưng đã tin đạo, đem về Antioch để cùng ông dạy đỗ tín đồ. (11:19-26).

Antioch trở thành một trung tâm truyền giáo, những người lãnh đạo là tiên tri và giáo sư đều cộng tác với nhau. Vì vậy, khi Đức Thánh Linh phán trong kỳ họ kiêng ăn và thờ phượng, thì tất cả đều nhận biết tiếng của Đức Thánh Linh bảo dành riêng hai người Banaba và Saul cho công tác Ngài đã kêu gọi họ.

Sau kỳ kiêng ăn và cầu nguyện, các vị lãnh đạo ở Antioch đặt tay, không phải để phong chức, nhưng để chỉ định một công việc đặc biệt do Đức Thánh Linh sai khiến, và cũng để chúc phước cho hai người trong công tác mới (Công vụ 13:1-3).

Hãy để ý việc Đức Thánh Linh phán trong lúc họ thờ phượng và kiêng ăn chứng minh rằng những vị lãnh đạo ở Antioch có mối hiệp thông chặt chẽ với Chúa và với nhau. Họ nghe tiếng Chúa khi cùng nhau thờ phượng.

Sự thờ phượng, kiêng ăn và cầu nguyện là sinh hoạt thỉnh thoảng thực hiện một lần của những người thật gần gũi với Chúa. Một hội chúng không có sinh hoạt kiêng ăn, cầu nguyện, thờ phượng là một hội chúng chưa đạt đến mức độ hiệp thông với nhau trong sự hiệp thông với Chúa nên khó có thể nghe tiếng Chúa phán dạy rõ ràng.

Mẫu mực về cộng tác và đồng hành trong tình hiệp thông được tìm thấy ở Hội Thánh Antioch. Khi Đức Thánh Linh sai phái, Banabas và Saul liền đi xuống Seleucia, một hải cảng nằm ở hướng tây nam của Antioch rồi từ đó đi thuyền buồm đến đảo Cyprus.

Họ lên bờ ở cảng Salamis, phía đông nam của đảo, và bắt đầu rao giảng Tin Lành trong các nhà hội của người Do-thái. Bởi vì ở các nhà hội ấy có nhiều người sẵn lòng nghe giảng lời Chúa trong Cựu Ước và là nơi họ được giảng một cách tự do (Công vụ 13:4-5).

Khi xem xét các hoạt động của tín hữu bị tan lạc khắp nơi trong thời kỳ sơ lập của Hội thánh, để có thể rao giảng Tin Mừng về sự hi sinh cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Jesus, những môn đồ bị tan lạc ấy đến nơi nào cũng đều phải cộng tác chặt chẽ với nhau.

Mặc dù Kinh Thánh Tân Ước chỉ ghi lại công cuộc truyền giáo của Phao-lô và Banaba từ trung tâm Antioch tới vùng Nam Âu và Hy-lạp, nhưng số tín đồ từ Jerusalem chạy xuống vùng Bắc Phi, hoặc đi xa hơn xứ Hy lạp về hướng đông đến vùng Nam Á, đã thành lập các Hội Thánh vững vàng ở những nơi họ lánh tới và sinh sống ở đó.

Sự đồng hành và cộng tác phải diễn ra một cách tích cực thì mới thuyết phục được người ở địa phương đó tin Chúa và thành lập Hội Thánh. Lúc ấy chỉ có một Phúc Âm, một mục tiêu rao giảng Tin Mừng mở rộng nước Chúa, chứ chưa bị tình trạng giáo phái như thời nay.

Cho nên, đoàn truyền giáo của Banaba, Phao-lô và Giăng Mác cũng vậy. Họ cộng tác truyền giảng Tin Lành, trước cho người Do-thái lưu vong, sau cho người nói tiếng Hy-lạp.

Chúng ta cần phải hiểu cách suy nghĩ của tín hữu Do-thái thời bấy giờ; đối với họ thì ơn cứu rỗi của Chúa phải đến cho người Do-thái trước đã, vì là một dân được Chúa tuyển chọn từ thời tổ phụ Abraham, dù nay họ phải bị lưu lạc thì ơn tuyển chọn đó vẫn còn.

Về sau, Đức Thánh Linh phải dùng các khải tượng đặc biệt cho sứ đồ Phierơ và Phao-lô, thì họ mới hiểu được Tin Mừng là ơn Chúa ban cho mọi người, bất kể dân tộc nào (Công vụ 10:9-16, 28-29; 16:6-10).

Chẳng những các sứ đồ đồng hành và cộng tác với nhau, họ còn được Đức Thánh Linh đồng hành và cộng tác vì tình hiệp thông với Ngài. Cho nên, sau khi trải qua khắp đảo, họ đến hải cảng Paphos ở phía tây nam của đảo, nơi có dinh của tổng đốc Sergius Paulus. Vị tổng đốc mời họ đến vì muốn được nghe đạo (Công 13:7b).

Ở đây, Saul (đã đổi tên thành Phao-lô nghĩa là nhỏ, vì Saul là lớn) phải trực diện đương đầu với tên thuật sĩ Elymas, người đang cố sức cản ngăn không cho tổng đốc Sergius Paulus nghe lời giảng của các sứ đồ (8).

Bấy giờ, Saul cũng gọi là Phao-lô, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhìn thẳng vào tên thuật sĩ ấy và nói: ‘Ngươi là con cái của ma quỷ, kẻ thù của mọi điều công chính, đầy xảo trá và độc ác! Ngươi cứ bẻ cong đường ngay thẳng của Chúa mãi sao? Nầy, bây giờ tay Chúa trừng phạt ngươi; ngươi sẽ bị mù, không thấy mặt trời trong một thời gian’” (9-11a).

Ngay lập tức, Elymas bị sự tối tăm giáng trên mình, mắt anh ta mù loà không còn thấy đường nữa, anh ta phải nhờ người khác dắt mình đi. Tổng đốc Sergius Paulus quá kinh ngạc liền tin Chúa. Đức Thánh Linh đã cộng tác và đồng hành với các sứ đồ khi họ hiệp thông với Ngài.

Chúng ta đang ước ao có thể truyền rao đạo Chúa một cách hiệu quả cho đồng bào mình đang ở trong bóng tối của tội lỗi và vô số điều tin tưởng sai lạc; nhưng tình hiệp thông của chúng ta quá lỏng lẻo, chưa biết cộng tác hay đồng hành với nhau sao cho đúng cách và thiết thực.

Mỗi người đều có các đối tượng chưa tin Chúa và muốn họ tiếp nhận Tin Mừng, nhưng chẳng ai biết phải làm thế nào.

Nếu mọi người đều hết lòng vun đắp tình hiệp thông thay vì chỉ lo cho việc riêng; dành thì giờ thảo luận và trao đổi với nhau những điều cần thiết để giải quyết những thứ trở ngại, mà người mình quen biết chưa biết cách dẹp bỏ, thì chúng ta sẽ đỡ mất thì giờ mà còn hiệu quả trong việc truyền giáo qua sự đồng hành và cộng tác.

TruyenGiaoVungVang16..docx

Rev. Dr. CTB