Truyền Giáo Vững Vàng, bài 17

2Côrinh tô 8:1-15

Trong vòng các Hội Thánh do sứ đồ Phao-lô truyền giáo, huấn luyện và thành lập, thì Hội Thánh tại thành Phi líp, xứ Ma-xê-đoan, nổi trội nhất về lòng trung thành, tình tương trợ cho những anh chị em đồng đức tin.

Khúc Kinh Thánh vừa đọc chỉ đề cập tới tinh thần phục vụ mạnh nhất của Hội Thánh tại Phi-líp là lòng rộng rãi quyên góp vượt quá khả năng để trợ giúp thánh đồ đang bị đói kém khó khăn ở xứ Judea.

Sứ đồ Phaolô nhắc nhở các tín hữu tại Côrinhtô: “Như anh em đã vượt trội trong mọi việc: Đức tin, lời nói, tri thức, lòng nhiệt thành, và tình yêu thương đối với chúng tôi, thì anh em cũng nên vượt trội trong việc từ thiện nầy” (2Côrinhtô 8:7).

Sự quyên góp từ thiện tuy chỉ là một phương diện nhỏ nhưng rất quan trọng trong tinh thần phục vụ; vì ai đang có cơ hội và khả năng trợ giúp anh em mình, mà chặt dạ, thì người đó khó phục vụ người khác.

Tinh thần phục vụ cao của một Hội Thánh địa phương nào đó luôn luôn tạo cảm tình tốt đối với người chưa tin Chúa. Ví dụ, vô số người Việt vẫn cảm kích vòng tay mở rộng và tình thương chân thành, không vụ lợi, của tất cả các Hội Thánh Mỹ đã tiếp đón và giúp đỡ những người Việt tị nạn, hầu hết đến Mỹ với hai bàn tay trắng, đùm bọc họ cho đến khi họ có nhà ở, có thể tự kiếm sống.

Nghĩ về người Việt, thì số người có lòng ‘thương người như thể thương thân‘ đối với đồng bào mình thật là hiếm hoi, đừng nói gì đến người thuộc các nước sát bên mình. Người ta có thể phản bội, hoặc tỏ ra vô ơn, nhưng không ai có thể nói xấu những người hết lòng phục vụ người khác.

Ngoài tinh thần thờ phượng chân thành và hưng phấn, ngoài tinh thần tương giao, đồng hành và cộng tác, Hội Thánh chỉ truyền giáo thành công khi có tinh thần phục vụ.

Chỉ cần xem đời sống của sứ đồ Phao-lô, chúng ta có thể thấy gương phục vụ là ra sao. Phao lô nói ông “tình nguyện rao giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời cho anh em mà không đòi hỏi gì. 9 Trong thời gian ở với anh em, gặp lúc thiếu thốn, tôi đã không phiền luỵ một ai. … Bất cứ việc gì, tôi cũng đều giữ để khỏi làm gánh nặng cho anh em” (2Côrinhtô 11:7, 9).

Nếu nhìn vào các cảnh ngộ Phao-lô phải trải qua trên bước đường truyền giáo và phục vụ các Hội Thánh, không có bao nhiêu người ngày nay có thể chịu đựng được như ông (2Côrinhtô 11:23-29).

Gương phục vụ không màng tới lợi lộc của Phao-lô đã truyền đến Hội Thánh Phi-líp mà ông thành lập đầu tiên trong xứ Ma-xê-đoan: “Tuy nhiên, anh em góp phần giúp tôi trong cơn hoạn nạn là làm điều tốt đẹp. Hỡi người thành Phi-líp, chính anh em biết rằng trong giai đoạn đầu của Tin Lành, lúc tôi rời Ma-xê-đoan, ngoài anh em ra, không một Hội Thánh nào dự phần vào việc chi thu của tôi. Vì ngay tại Têsalônica, anh em đã một hai lần gửi cho tôi những thứ cần dùng” (Phi-líp 4:14-16).

Khi người thầy của họ bị giam giữ tại Rôma, Hội Thánh Philíp gửi ông Epaphroditus, sứ giả của họ đến để phục vụ Phaolô “Tôi nghĩ cần gửi Epaphroditus về với anh em. Anh ấy là một anh em, một đồng lao và một chiến hữu của tôi, cũng là sứ giả và người phục vụ mà anh em gửi đến để lo cho nhu cầu của tôi…Thế thì, anh em hãy vui mừng trong Chúa mà tiếp đón anh ấy, và hãy kính trọng những người như vậy; bởi vì anh ấy đã vì công việc của Đấng Christ mà suýt chết, liều mạng sống mình để chu toàn những việc mà anh em không thể giúp tôi được” (Philip 2:25, 29-30). Đó là tinh thần của các Hội Thánh phục vụ người lãnh đạo thuộc linh của họ.

Nhưng sự phục vụ chính yếu trong Hội Thánh giữa các con cái Chúa là phục vụ lẫn nhau. Kinh Thánh dùng thân thể của người để làm ví dụ về một Hội Thánh, trong đó mọi chi thể đều cần sự phục vụ của nhau.

1Côrinhtô 12:12-27 nói rất rõ ràng về việc nầy. Vì mỗi cá nhân là một chi thể của thân thể Đấng Christ, mỗi người được Chúa dùng vào một công việc đặc biệt; nếu chi thể nào không chịu thực hiện bổn phận, thì thân thể gặp trục trặc, không thể hoạt động bình thường được.

Nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ về tình trạng chậm hoặc không phát triển của Hội Thánh, thì có thể biết rằng phải có các chi thể nào đó không chịu thực hiện bổn phận của chi thể ấy.

Một Hội Thánh dù nhỏ, ít người, nhưng nếu có sự sống của Đức Chúa Trời ban qua các hoạt động của Đức Thánh Linh, thì Hội Thánh ấy phải tăng trưởng, nhất là về mặt hiểu biết thuộc linh.

Vì vậy, mọi điều dạy dỗ ở Hội Thánh đều nhằm giúp cho đời sống tâm linh của tất cả các chi thể được trưởng thành. Đương nhiên là mức độ trưởng thành của từng người thì khác nhau, tuỳ theo sự nghe của mỗi người.

Người ta để ý thấy có tỉ lệ thuận về tinh thần phục vụ và truyền giáo trong các Hội Thánh có hầu hết tín hữu mạnh mẽ trong đời sống đức tin.

Theo tinh thần của người đời thì đầy tớ phục vụ chủ nhân, người làm thuê phục vụ người chủ. Nhưng Đức Chúa Jesus thì dạy khác: “Nhưng giữa các con thì không phải vậy. Trái lại, ai muốn làm lớn trong các con thì phải làm đầy tớ, còn ai muốn đứng đầu trong các con thì phải làm nô lệ cho mọi người. Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:43-45).

Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đồ trước khi chịu bị nộp vào tay kẻ ác, Đức Chúa Jesus thực hiện lời Ngài dạy bằng cách rửa chân cho các môn đồ. Xong rồi Ngài phán: “Nếu Ta là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Ta đã làm gương cho các con, để các con cũng làm như Ta đã làm cho các con” (Giăng 13:14-15).

Vì chúng ta đã tin nhận Đức Chúa Jesus, đã được làm con cái của Đức Chúa Trời, thì nên từ bỏ những tính cách hay thói quen của người Việt không phù hợp với nước thiên đàng. Ví dụ như muốn được phục vụ, thay vì nên tham gia phục vụ; hoặc cái gì cũng muốn được cấp miễn phí mà không cần biết người khác phải tốn kém của cải và công sức mới làm nên thành phẩm.

Ăn cỗ thì đi trước, mà lội nước thì theo sau‘ là phương châm khôn ngoan của người Việt. Trong khi tập tục và thói quen của giới trẻ hấp thụ nền giáo dục vị tha của văn hoá Cơ-đốc thì xung phong làm cho xong công việc phục vụ trước khi ngồi xuống ăn bữa ăn thông công, dù lúc xong việc chẳng còn gì để ăn cũng không buồn phiền gì hết. Khác hẳn với người tham ăn và ích kỷ, lấy đồ ăn đầy vun không cần biết người tới sau mình còn gì để ăn hay không.

Chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ và tánh xấu của người Việt thì mới có thể học được tinh thần phục vụ trong tình hiệp thông.

Đó là tính cách của người được tái sinh theo ý nghĩa của Kinh Thánh. Vì sinh lại có nghĩa là được biến đổi thành một con người mới. Thân thể, vóc dáng, giọng nói của chúng ta chẳng có gì thay đổi sau khi được tái sinh, nhưng tánh tình, tích cách và cách xử thế của người được tái sinh khác hẳn cách suy nghĩ và cư xử xấu xa của người mà thân, hồn và linh của người ấy vẫn còn bị các thế lực tối tăm cai trị và làm chủ.

Cho nên, Đức Chúa Jesus cho biết rằng: “Thật, Ta bảo thật ngươi, nếu một người không được sinh lại thì không thể thấy Vương-quốc Đức Chúa Trời. … Nếu một người không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh ra, thì không thể vào Vương quốc Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3, 5). Người ta có thể dối nhau và tự dối chính mình, nhưng không ai dối được Đức Chúa Trời.

Có thể có một số người ở trong đạo lâu năm mà chưa biết mình có nguy cơ bị loại trừ, vì vẫn mang bản chất xấu xa của người Á-đông và chưa chịu thay đổi theo lời Chúa.

Chúng ta chỉ có thể thực sự hiệp thông với nhau trong Hội Thánh khi áp dụng được tinh thần phục vụ nhau trong tình thương yêu quan tâm đến nhau như các chi thể của một thân thể.

Tất cả các điều đó sẽ thực hiện được khi mọi người đều chăm sóc và gìn giữ đời sống con người mới đã được tái sinh. Những người như vậy mới có thể tiếp nhận Đức Thánh Linh vào cai quản đời sống mình.

Nếu có anh chị em nào thắc mắc tại sao mình thật lòng tin Chúa mà tâm linh chưa được tái sinh, thì hãy tự xét lại mình có thực sự được giải thoát khỏi các tính xấu của tâm tính xác thịt hay chưa. Đức Thánh Linh không thể ngự vào lòng của người nào chưa chịu được rửa sạch bởi nước thanh khiết của tinh thần phục vụ. Vì vậy, hãy tập tành làm chi thể của một thân thể.

Có trở nên chi thể của thân thể, là Hội Thánh, thì chúng ta mới có thể nghe và nhận được lời truyền khiến, mệnh lệnh dạy bảo và mọi điều chỉ dẫn của Đức Thánh Linh.

Phương cách dễ nhất để nghe tiếng của Đức Thánh Linh là trở thành chi thể của thân thể trong tinh thần phục vụ.

TruyenGiaoVungVang17.docx

Rev. Dr. CTB