Đời Sống trong Thánh Linh, bài 10

GiaCơ 4:4–10

Nầy những kẻ ngoại tình kia! Anh em không biết rằng kết bạn với thế gian là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, người nào muốn kết bạn với thế gian, thì người ấy tự biến mình thành kẻ thù của Đức Chúa Trời. Hay anh em cho là vô nghĩa khi Kinh Thánh nói: Thánh Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta thương mến chúng ta đến nỗi ghen tuông?Nhưng ân điển Ngài ban cho càng lớn hơn, nên Kinh Thánh nói: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường.Vậy, hãy thuận phục Đức Chúa Trời. Hãy kháng cự ma quỷ thì nó sẽ chạy trốn anh em. Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi các tội nhân, hãy rửa sạch tay mình; hỡi kẻ hai lòng, hãy thanh tẩy lòng mình đi; hãy sầu thảm, hãy than van, khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa thì Ngài sẽ nhấc anh em lên.

Bất cứ ai đã thật lòng tin Chúa, thì người đó được quyền gần gũi thân mật với Ngài. Có một số người mang ước muốn ấy nhưng chưa biết phải làm thế nào để được gần gũi với Chúa. Hãy đọc lại Philip 3:8–9 để thấy tâm tình của sứ đồ Phaolô đối với Chúa ra sao: “Hơn thế, tôi cũng xem tất cả mọi sự như là lỗ, vì sự nhận biết Đấng Christ Jêsus, Chúa tôi, là quý hơn hết. Vì Ngài, tôi đành chịu lỗ tất cả, và xem những điều đó như rác rưởi, để được Đấng Christ, và được ở trong Ngài. Được vậy không phải nhờ sự công chính của tôi dựa trên luật pháp mà nhờ đức tin nơi Đấng Christ, là sự công chính đến từ Đức Chúa Trời dựa trên đức tin.” Ông khẳng định rằng đối với ông, “sự nhận biết Đấng Christ Jesus, Chúa tôi, là quý hơn hết.” Ông xem mọi lợi thế mà ông có trong địa vị một người Pharisi, thuộc dân Do-thái, đều là lỗ (Philip 3:7) “Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi xem những lợi lộc mình có như là lỗ.” Nỗi khát khao của ông là “được biết Ngài, quyền năng phục sinh của Ngài, được chia sẻ sự thương khó của Ngài, và trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài” (Philip 3:10). Ông có ước ao như vậy vì ông rất gần gũi với Chúa, được Đức Thánh Linh sử dụng để viết phần lớn Kinh Thánh Tân Ước.

Ngày nay, dù số tín đồ của Chúa trên khắp thế giới đông gấp bội phần so với thời sơ lập của Hội Thánh, nhưng mức độ được gần gũi với Chúa và có đời sống quyền năng thì không bao nhiêu. Vậy, chúng ta phải làm gì để được gần gũi thân mật với Chúa? Có năm điều căn bản mà chúng ta có thể thực hiện để lập mối tương giao gần gũi với Đức Chúa Trời; nếu ai chịu thực hiện năm điều nầy thường xuyên mỗi ngày thành các thói quen, thì việc gần gũi với Chúa không khó khăn gì hết. Trước hết, mọi tín hữu đều phải biết cái gì hoặc nguyên nhân nào khiến mình không đến gần Chúa được. Chúng ta biết Chúa của chúng ta là vô cùng thánh khiết, nên cái rào cản ngăn trở giữa người với Chúa chính là tội lỗi bên trong chúng ta. Đó là một thực tế hiển nhiên không thể chối cãi.

Vậy, người nào muốn đến gần Chúa thì phải xưng tội mình với Ngài. Kinh Thánh hứa rằng tội sẽ được tha cho người nào xưng nó ra (1Giăng 1:9) “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính.” Sự xưng tội là phương cách dẹp bỏ các hàng rào cản trở chúng ta đến với Chúa. Nhưng sự xưng tội ấy phải trở thành một thói quen; bởi vì nếu thỉnh thoảng mới xưng tội một lần, mà sự phạm tội hàng ngày là không thể tránh được, thì sự xưng tội ấy không phải là thành tâm. Mà nếu không thành tâm thì tội lỗi sẽ không được tha. Nguyên tắc của sự xưng tội là quyết tâm từ bỏ tội lỗi thì tội mới được tha. Đức Chúa Trời tha tội cho người thành tâm ăn năn xưng tội để nối lại mối tương giao với Ngài đang bị trục trặc (Châm ngôn 28:13) “Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn, nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó thì sẽ được thương xót.

Chúng ta phải hiểu ý nghĩa đúng của sự xưng tội là gì. Chúng ta xưng nó ra và từ bỏ nó vì ý thức rằng tội lỗi mình là nguyên nhân khiến Đức Chúa Jesus chịu bị đóng đinh trên thập tự giá. Nếu ai thật lòng yêu mến Chúa, người ấy rất đau lòng khi nhớ lại Ngài đã chịu thương khó vì tội lỗi mình phạm trong đời. Xưng tội nghĩa là quyết sẽ không phạm tội ấy nữa (Thi Thiên 51:17) “Sinh tế đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm linh đau thương; Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.

Cách thứ nhìđọc Kinh Thánh để nghe tiếng Chúa phán và gần gũi với Ngài. Lời Chúa đã chép trong Kinh Thánh khi ta đọc mà các câu Kinh Thánh ấy trở thành Lời Đức Thánh Linh phán trực tiếp vào tâm linh ta thì gọi là ‘lời rhema.‘ Lắng nghe lời rhema trong khi đọc Kinh Thánh hoặc đang trò chuyện với Chúa mà câu nào đó vang vọng trong tâm linh thì đó là rhema cho ta. Những lời các các vị tiên tri thời xưa là rất quan trọng (2Phierơ 1:19) “Do vậy, lời tiên tri chúng ta có càng được xác quyết hơn. Anh em nên chú ý vào lời nầy như ngọn đèn soi sáng nơi tối tăm, cho đến khi ban ngày lộ ra và sao mai mọc trong lòng anh em.” Cho nên, nếu muốn gần gũi với Chúa, hãy thường xuyên đọc Kinh Thánh để quen với cách phán của Ngài qua những gì đã chép.

Điều thứ ba là trò chuyện với Chúa qua giờ phút cầu nguyện. Dành thời gian cầu nguyện riêng biệt là tốt nhất. Đừng cầu nguyện kiểu hối hả vì đó là giây phút tương giao với Chúa cách thân mật nhất. Cách tốt hơn nữa là ngoài thì giờ dành riêng để cầu nguyện, hãy nhớ đến Ngài mà trò chuyện bất cứ lúc nào. Chúng ta tỏ bày tâm sự; chúng ta cầu hỏi và xin Chúa đáp lời bằng dấu hiệu hoặc bằng lời trực tiếp; có thể qua lời trẻ con, lời bạn bè, lời trong bài giảng, bài hát, hoặc bất cứ điều gì khiến mình nhận ra ấy là ý Chúa muốn phán cho mình. Nếu chưa quen cầu nguyện thì hãy dùng bài cầu nguyện Chúa dạy để làm khuôn mẫu; vì trước hết bài ấy tôn vinh Đức Chúa Trời, sau đó mới khẩn cầu cho các nhu cầu hàng ngày và tránh khỏi bị cám dỗ, cũng không sa vào điều ác. Cuối cùng lại tiếp tục vinh danh Chúa, vì Ngài đáng được tôn vinh.

(Mathiơ 6:9–13) “Vậy, các con hãy cầu nguyện như thế nầy: ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời; Danh Cha được tôn thánh; Vương quốc Cha được đến, Ý Cha được nên ở đất như ở trời! Xin cho chúng con hôm nay thức ăn đủ ngày; Xin tha tội cho chúng con, như chúng con đã tha những kẻ có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con bị cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi điều ác! Vì vương quốc, quyền năng, vinh quang đều thuộc về Cha đời đời. Amen.’

Điều thứ tư là thường xuyên siêng năng tham dự thờ phượng Chúa cùng với Hội Thánh. Trong một xã hội tự do chính trị, người ta không bị trừng phạt về sự hành đạo của họ. Vì thế rất nhiều tín hữu không xem buổi thờ phượng Chúa chung với Hội Thánh là quan trọng. Họ chú trọng tới những sinh hoạt cá nhân hoặc gia đình nhiều hơn. Người ta làm như vậy vì chẳng thấy có nguy hại gì cho đời sống, nhưng không biết rằng cách suy nghĩ và hành động ấy sẽ dẫn tới hiểm họa cho linh hồn mình. Hệ quả đầu tiên là mất phần thưởng vì sẽ không thể chạy tới mức đến chung với mọi người (Hêbơrơ 12:1) “Cho nên, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây quanh như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương mà kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta.” Hệ quả thứ nhì là sẽ bị trừng phạt ở đời sau

(Hêbơrơ 10:25–27) “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy. Vì nếu chúng ta đã nhận biết chân lý rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có sinh tế nào chuộc tội được nữa, nhưng chỉ kinh khiếp đợi chờ sự phán xét và lửa hừng sẽ đốt cháy những kẻ chống nghịch mà thôi. Sở dĩ nhiều người không thể trưởng thành trong nếp sống đạo là vì họ thường xuyên vi phạm nguyên tắc nầy.

Lý do nào khiến một số tín hữu không coi trọng sự thờ phượng Chúa chung với tập thể tín đồ của Chúa? Có thể có nhiều lý do riêng, nhưng nguyên nhân chung là người không có lòng kính sợ Chúa sẽ không thấy sự thờ phượng Ngài là quan trọng. Loại não trạng chiếm hữu tâm hồn nhiều người là “tôi sẽ được gì khi thờ phượng chung với Hội Thánh?” Giữa sự cho ra để dâng lên Chúa với lấy về điều gì đó cho mình, thì lòng ham muốn thường mạnh hơn. Rất ít người dành thì giờ để sửa soạn tâm trí và tâm linh mình trước khi bước vào cuộc thờ phượng Chúa. Vì thế, tâm trạng thờ phượng cách thản nhiên kiểu tân thời không đem lại lợi ích gì hết; nó còn đi ngược lại điều Chúa đòi hỏi nơi con cái Ngài. Ngày xưa người ta rất kỹ càng khi thờ phượng.

(Thi Thiên 95:1–3) “Hãy đến hát xướng cho Đức Giê-hô-va, cất tiếng reo mừng cho Vầng Đá cứu rỗi của chúng ta. Chúng ta hãy đến trước mặt Chúa với lòng cảm tạ, và reo mừng hát ca ngợi Ngài. Vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời vĩ đại, là Vua cao cả trên tất cả các thần. …. 96:9 Hãy trang sức bằng sự thánh khiết mà thờ phượng Đức Giê-hô-va; hỡi cả trái đất, hãy run sợ trước mặt Ngài.

Đó là lý do mà các tác giả Thi Thiên thường kêu gọi con dân Chúa phải kỉnh kiền mà thờ kính Ngài: (Thi Thiên 29:2) “Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài; hãy trang sức bằng sự thánh khiết mà thờ phượng Đức Giê-hô-va.

(Thi Thiên 95:6) “Hãy đến cúi xuống mà thờ lạy Đức Giê-hô-va; hãy quỳ gối xuống trước Đấng Tạo Hóa của chúng ta!

(Thi Thiên 100:1–3) “Hỡi cả trái đất, hãy cất tiếng reo mừng cho Đức Giê-hô-va! Hãy vui vẻ phục vụ Đức Giê-hô-va, hãy ca hát mà đến trước mặt Ngài. Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng nên chúng ta, chúng ta thuộc về Ngài; chúng ta là dân của Ngài, là bầy chiên trong đồng cỏ Ngài.”

Người nào thường đến nhà Chúa để thờ phượng Ngài và thông công với mọi con dân khác của Ngài, thì kết quả là họ càng ngày càng gần gũi Chúa hơn.

Điều kiện thứ năm là tâm tánh biết vâng lời Chúa. Bởi vì sự gần gũi thân mật với Ngài được xây dựng trên những đời sống nào biết vâng lời Chúa. Đức Chúa Jesus dạy các môn đồ Ngài rằng: “Nếu ai yêu mến Ta thì sẽ vâng giữ Lời Ta, Cha Ta sẽ yêu thương người, Chúng Ta sẽ đến cùng người và ở với người” (Giăng 14:23). Lời hứa nầy đã được thử nghiệm và công nhận là vô cùng hiệu quả. Giacơ, người em trai của Đức Chúa Jesus, mặc dù không tháp tùng Ngài trong thời gian Ngài hành đạo ở xứ Do-thái, nhưng sau khi Ngài chịu chết, sống lại và thăng thiên, thì ông tin Anh phần xác của mình là Đấng Christ và trở thành một sứ đồ trụ cột của Hội Thánh tại Jerusalem. Ông lấy kinh nghiệm mình có để viết: “Hãy thuận phục Đức Chúa Trời. Hãy kháng cự ma quỷ thì nó sẽ chạy trốn anh em. Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Giacơ 4:7–8).

Chúng ta phải hiểu và ghi nhớ trong trí mình rằng tất cả những lời khuyên lơn đã được trình bày trong Kinh Thánh về việc phải vâng lời Chúa, là sự đáp ứng của chúng ta đối với ân sủng của Đức Chúa Trời mà chúng ta đã nhận được qua ơn cứu rỗi của Ngài. Không phải nhờ vâng lời mà chúng ta tạo được và hưởng sự cứu rỗi cho mình, nhưng vâng lời là sự bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu của chúng ta dành cho Đấng đã hi sinh vì mình. Rôma 12:1 cho biết rằng sự vâng lời của chúng ta đối với Chúa là sinh tế sống của tâm linh cảm tạ từ lòng chúng ta dâng lên cho Ngài. “Vậy thưa anh em, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.

Vậy thì, sự xưng tội, siêng năng đọc Lời Chúa, cầu nguyện, thường xuyên tham dự thờ phượng, và vâng lời là cách thức chúng ta phát triển mối liên hệ thân mật gần gũi với Đức Chúa Trời. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng không tầm thường như mình tưởng. Hãy đến gần Chúa để được thân mật và gần gũi với Ngài.

DoiSongtrongThanhLinh10.docx

Rev. Dr. CTB