Hiểu Biết Các Điều Căn Bản, bài 02

1Giăng 5:20

Đa số người Việt được sinh ra và lớn lên giữa một dân tộc chịu ảnh hưởng rất nặng từ các nền văn hóa của các dân tộc láng giềng; cho nên, nhiều người Việt tự xưng là Phật giáo mà tín ngưỡng của họ thật ra là tập hợp nhiều niềm tin khác nhau từ Ấn độ qua Trung hoa, thêm tín ngưỡng của các dân tộc láng giềng và nhiều sắc tộc bản địa. Từ ngữ “tôn giáo” vốn không có trong tiếng Hán mà du nhập từ tiếng Nhật có gốc từ chữ religion của Tây phương từ thế kỷ AD 16. Tôn giáo và tín ngưỡng không đồng nghĩa; vì tín ngưỡng là lòng tin hướng tới sự mong ước nào đó, trong khi tôn giáo là những đạo lý căn bản mà người ta tin tưởng và truyền dạy cho nhiều người. Thiên Hệ Từ trong Kinh Dịch Trung Hoa nói về tôn giáo là: “Lấy đạo thần thánh để giáo hóa dân chúng.

Tín ngưỡng tuy được chia thành nhiều loại khác nhau, nhưng đại đa số các loại ấy có nguồn gốc từ bái vật giáo, tức là thờ kính các vật thể trong thiên nhiên như núi non, biển cả, sông hồ, tảng đá, cây cối, nước, lửa, thú vật, sinh vật, các thiên thể, và các vật tổ (thường gọi là totem), tức là những thứ người ta coi là tổ tiên của họ, vv. Có tín ngưỡng sùng kính người, danh nhân như Khổng, Phật, Lão, Quan công, và tổ tiên. Tất cả những thứ tín ngưỡng tương tự như vậy trở thành tôn giáo do người ta lập ra. Còn lòng tin của tín đồ Cơ-đốc-giáo là sự tiếp nối Do-thái-giáo kính thờ Đức Chúa Trời, thì hoàn toàn khác, và khác rất xa các thứ tôn giáo vừa kể; bởi vì niềm tin của họ dựa trên sự mặc khải từ trời, không phải do loài người suy diễn và thành lập tôn giáo có tổ chức.

Con cái Chúa cần phải hiểu rõ rằng sự kính thờ Đức Chúa Trời và đặt niềm tin vào ơn cứu rỗi của Ngài ban cho chúng ta qua Đức Chúa Jesus Christ thì không phải là tôn giáo theo ý nghĩa bình thường như người ta hiểu; cũng không phải là một thứ triết lý sống. Bởi vì đạo của Chúa là sự sống (Giăng 1:4; 6:27, 33, 35, 51). Việc Đức Chúa Jesus, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời giáng sinh làm người để chịu chết chuộc tội cho nhân loại và đã sống lại, rồi về trời, là sự thật, không phải là các truyền thuyết bịa đặt như rất nhiều tôn giáo khác. Những ai thật lòng tin và tiếp nhận Ngài vào làm Chủ trong lòng đều được hưởng tâm linh nhẹ nhàng vì được tha thứ tội lỗi, được biến cải từ xấu xa gian ác thành người có thể sống đời thanh sạch và thiện lương. Họ còn được Đức Thánh Linh ban cho một tâm linh mới và vững vàng trên con đường thánh hóa. Tất cả các điều đó là sự thật.

Mọi người, kể cả giới vô thần, đều phải công nhận rằng mọi sự vật trên thế gian đều phải có khởi đầu. Chẳng một vật thể nào tự sinh tự diệt. Từ thể chất và vật vô sinh tới loài có sự sống, đều được Đấng Tạo Hóa tạo nên. Kinh Thánh là quyển sách cổ duy nhất trên thế gian cho biết rõ chi tiết về nguồn gốc của trời đất và muôn loài trên trái đất. Chẳng sách vở thời cổ của bất cứ tôn giáo nào khác đem đến sự mặc khải cho loài người giống như Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, vì mọi thứ kinh sách do người tự viết đều là tưởng tượng và suy diễn, không do Thánh Linh Đức Chúa Trời mặc khải như Kinh Thánh (2Timôthê 3:16). Từ điểm căn bản nầy, chúng ta biết rõ niềm tin của mình không bị mê muội hay mơ hồ. Bởi vì nếu Kinh Thánh là huyễn hoặc và hoang đường dối trá, thì toàn thể giáo lý và niềm tin Cơ-đốc-giáo khẳng định tới nay đã phải sụp đổ tan tành.

Căn cứ trên những điều chúng ta vừa xét qua về sự thật của Kinh Thánh và sự hiện hữu không thể bác bỏ của Đức Chúa Trời, chúng ta biết nhân loại do Đức Chúa Trời tạo dựng, nên người có khởi đầu, có trí khôn cao nhất trong mọi loài động vật. Như người xưa nhận xét: “Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh,” nghĩa là trong mọi vật do trời sinh ra, chỉ loài người là khôn ngoan tột đỉnh. Chẳng những người có khởi đầu, mà đời người còn có mục đích (Thi Thiên 150:6; Êsai 43:7, 21; Michê 6:8); và chính cuộc sống của mỗi người ở thế gian sẽ quyết định số phận của linh hồn họ khi lìa đời trở về với Đấng dựng nên mình (Truyền đạo 12:7; 2Côrinhtô 5:10). Nghĩa là kết cuộc của số phận mỗi người là tùy theo đường đi và niềm tin mà người đó chọn lựa lúc còn sống ở thế gian.

Nếu có người hỏi chúng ta lấy bằng chứng gì để biết rằng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người qua Đức Chúa Jesus Christ là sự thật? Ai trả lời được câu hỏi nầy thì sẽ có khả năng dẫn người quen, bạn bè chưa tin Chúa đến tiếp nhận món quà cứu rỗi của Ngài. Kinh Thánh tường thuật rằng ai ăn năn từ bỏ tội lỗi, đến với Đức Chúa Jesus để nhận được sự tha tội, người đó được cứu rỗi (Công vụ 2:37–38), và vượt khỏi sự trừng phạt mà vào sự sống (Giăng 5:24). Toà án Luật Pháp của Đức Chúa Trời kể người ấy là vô tội (Rôma 3:24). Nhưng làm thế nào chúng ta biết mình đã nhận được các ơn lớn lao nầy? Ấy là Đức Thánh Linh được ban vào lòng tín hữu để làm chứng cho thân vị và công việc Đấng Christ đang làm trong lòng những người tin (1Giăng 3:24).

Đức Thánh Linh thường xuyên nhắc nhở chúng ta về Đức Chúa Jesus thật sự là ai và Ngài đã làm gì cho người tin Ngài (1Giăng 4:2, 6). Nhờ hoạt động của Đức Thánh Linh trong đời sống mình, nên người tin Chúa biết chắc Đức Chúa Trời đang ngự trong lòng họ (1Giăng 4:13) – Ai cũng có thể đọc các câu Kinh Thánh nầy, nhưng họ nói rằng tín đồ quá chủ quan vào lý thuyết; vì họ cần bằng chứng. – Vì thế cách sống của tín hữu là bằng cớ cụ thể của sự tái sinh mình đã nhận được do tuân theo điều răn của Chúa (1Giăng 2:3). Điều răn căn bản nhất mà ai muốn trở thành con cái chân thật của Chúa đều phải tuân theo, ấy là: Tin Đức Chúa Jesus và yêu thương nhau (1Giăng 3:22–24). Đức tin chân thành sẽ tự bày tỏ ra bằng tình yêu thương cụ thể đối với người khác, nhất là đối với anh chị em mình trong Hội Thánh (1Giăng 4:7–12, 20–21; 5:1–2). Đó là dấu hiệu không thể làm lẫn.

Người ta có thể giả bộ các biểu hiện bên ngoài, nhưng người nào biết chắc mình thật đã nhận ơn cứu rỗi sẽ biết các sự đổi mới trong lòng mình: Người ấy rất nhạy bén và cảnh giác đối với mọi thứ tội lỗi (1Giăng 1:5–9). Khác với người thường xuyên phạm tội, chúng ta rất e dè đối với tội lỗi vì biết mình được Đức Chúa Trời thánh cứu vớt khỏi sự nhơ nhớp của đời rồi. Ta quay lưng không muốn phạm tội và chỉ muốn đẹp lòng Chúa của mình.– Sự biến đổi thật ở bề trong là các điều ưa thích mới: Kính mến Chúa và giữ mình cho thanh sạch (1Giăng 2:3–4; 3:3, 9). – Tình yêu thương mới trong lòng lại là một bằng chứng nữa (1Giăng 3:14, 16–17; 4:11, 19–20).– Chúng ta tin vững chắc rằng Đức Chúa Jesus là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, là tư tưởng và Lời phán của Ngài (Giăng 1:1, 14).

Chúng ta biết Đấng mình tin là thật, vì biết Ngài là Chủ và Chúa cai trị đời sống và lòng của chúng ta (1Giăng 2:15–17). Sở dĩ người tin Chúa chân thật sẽ mời Ngài vào làm Chủ đời mình vì tâm linh người ấy đã được chuyển từ vũng lầy tối tăm vào nước vinh quang sáng láng của Đức Chúa Trời (Côlôse 1:13). Người tín đồ chân thật sẽ được sở hữu những điều mà người chưa tin Chúa không thể nào hiểu hoặc có được: Đó là được Đức Thánh Linh chiếm hữu và ban cho các uy quyền và những sự hiểu biết đặc biệt (Giăng 16:7, 13–15); chúng ta có uy quyền thắng hơn tội lỗi và sự cám dỗ; cũng sẽ đem hương thơm về sự hiểu biết Chúa lan ra khắp nơi (2Côrinhtô 2:14).

Người vô thần hay tín đồ các tôn giáo khác không quan tâm bao nhiêu tới thế giới bên kia sau khi chết, bởi vì họ chỉ sống cho hiện tại trong đời nầy. Chúng ta là tín đồ của Đức Chúa Jesus thì biết rõ niềm tin của mình dựa vào sự thật. Bằng chứng của sự thật là Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự vào trong lòng biến đổi chúng ta thành người mới với tình yêu thương chân thành đối với mọi người. Chúng ta biết mình được đổi mới trong lòng, và người chung quanh cũng thấy sự thật ấy nữa. Hơn thế nữa, những gì Kinh Thánh nói trước đều đã xảy ra không sai. Vì thế, lời Kinh Thánh bày tỏ về Đức Chúa Trời và ơn cứu rỗi của Ngài là thật, không ai bác bỏ nổi.

Tóm lại, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Jesus, Đức Thánh Linh là một Đức Chúa Trời có thật. Sự cứu rỗi Ngài ban là thật. Đời sống người tin được Đức Thánh Linh hướng dẫn và biến đổi thành con người mới là thật; và thiên đàng mà chúng ta sẽ được Ngài đem về sau khi tận thế cũng là sự thật, vì niềm tin của chúng ta là những điều có thật của một Đấng làm Chủ sự thật (1Giăng 5:20).

HieuBietCacDieuCanBan02.docx

Rev. Dr. CTB