Tâm Linh Trưởng Thành, 26

Hêbơrơ 4:1–6

Ai thật lòng tin Chúa thì rất muốn được nghe tiếng Chúa phán với mình. Ai cũng đọc được Logos, nhưng không có nhiều người thường được nghe Rhema. Ông Abraham thời xưa chẳng biết gì về các vấn đề thần học sâu sắc như Hội Thánh ngày nay, nhưng Đức Chúa Trời thường xuyên phán và trò chuyện với ông. Lý do ông được như vậy vì Chúa thấy ông là một người biết vâng lời. Đức Chúa Trời đã chọn một người biết vâng lời để qua người đó sinh ra nhiều dân tộc; Ngài lại chọn dân tộc dòng chính của người vâng lời để làm mô hình cho bước đường tâm linh của những người tiếp nhận ơn cứu độ của Ngài qua sự chết và sống lại của Đức Chúa Jesus Christ.

Vì vậy, sứ đồ Phaolô giải thích: “Những lời Kinh Thánh được chép từ xưa cốt để dạy dỗ chúng ta, rèn luyện đức kiên nhẫn và an ủi chúng ta, để nhờ những lời ấy chúng ta được niềm hi vọng” (Rôma 15:4). Hãy điểm sơ qua lịch sử của dân Israel từ thời nô lệ tới kỳ vào đất hứa, rồi so với những bước đường tâm linh theo Chúa của chúng ta trùng hợp như thế nào, để học được các bài học hữu ích.

Lịch sử của dân Israel bắt đầu bằng biến cố gia đình Jacob lìa xứ Canaan di cư đến Ai-cập vừa để tái hợp với Joseph, đứa con yêu quý mà Jacob tưởng đã chết, vừa để trốn cơn đói kém đang hoành hành khắp vùng Trung Đông, vào thời Joseph được vua Ai-cập phong làm tể tướng; nhờ lời Joseph giải mộng đã giải cứu cả nước Ai-cập và toàn vùng khỏi bị nạn đói tiêu diệt.

Các vua Ai-cập đời sau không còn biết gì tới công lao của Joseph sau khi ông qua đời; họ đối xử khắc nghiệt với người Hêbơrơ lúc ấy đã nẩy nở thành một dân tộc Israel đông đảo, xem họ như nô lệ phải phục dịch các việc nặng nhọc nhất. Dân Israel kiều ngụ tại Aicập được 430 năm, qua năm thế hệ. Tuy họ được thong thả ở trong nhà họ tự xây cất, ăn uống no đủ, nhưng không được chút quyền gì hết, kể cả quyền nuôi con trai do mình sinh ra. Đây là thời kỳ thứ nhất.

Nỗi khát khao nung nấu trong lòng họ là mong được giải thoát khỏi đời nô lệ. Đức Chúa Trời nghe tiếng kêu than của Israel, nên sắm sẵn Môise làm người lãnh đạo, thực hiện nhiều dấu kỳ phép lạ trước mắt vua quan Ai-cập để giải cứu dân Israel ra khỏi kiếp làm nô lệ và dẫn họ về đất hứa. Tuy nhiên, sau niềm vui được giải thoát, dân Israel phải lang thang suốt 40 năm trong hoang mạc.

Đây là thế hệ của những người đã tận mắt chứng kiến và tự mình kinh nghiệm những phép lạ, quyền năng dị thường và bàn tay dẫn dắt diệu kỳ của Đức Chúa Trời. Nhưng họ đã sử dụng sự tự do và thi hành bổn phận cách sai trật. Dân Israel liên tiếp quên mất quyền năng phép lạ của Chúa đã giải cứu và nuôi sống họ; họ luôn luôn muốn làm theo ý riêng. Hậu quả là họ lê bước mòn mỏi giữa hoang mạc, không được đặt chân vào đất hứa. Đó là thời kỳ thứ nhì.

Thế hệ thứ ba là những người được sinh ra trong thời kỳ dời cư liên tiếp giữa các sa mạc và đồng hoang. Thế hệ nầy có thái độ khá hơn các thế hệ trước. Dưới sự lãnh đạo của Giôsuê sau khi Môise qua đời, họ được nghe những việc Đức Chúa Trời đã thực hiện để cứu cha ông họ khỏi xứ Ai-cập và đem họ về miền đất hứa. Kết quả của lòng tin ấy là họ được tưởng thưởng một miền đất trù phú. Họ nhìn thấy Đức Chúa Trời liên tiếp thay họ chiến cự, tiêu diệt các kẻ thù khổng lồ, giúp họ được sống đời phước hạnh và thịnh vượng. Lúc ấy là thời kỳ thứ ba.

Ba thời kỳ lịch sử trên đều có ý nghĩa tâm linh của từng giai đoạn. Tình trạng người Israel làm nô lệ ở xứ Ai-cập tiêu biểu cho tình cảnh bị tội lỗi trói buộc của người đời nay. Họ không thể làm gì khác hơn là cứ triền miên phạm tội. Khi người Israel bôi máu chiên con bị giết trong lễ Vượt-qua trên mày cửa để được thoát khỏi sự huỷ diệt, rồi được thoát khỏi kiếp làm nô lệ, sống đời tự do, thì hình ảnh đó tiêu biểu cho Huyết Đức Chúa Jesus đã vì nhân loại chịu chết, giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, như nhiều người trong Hội Thánh xưa nay được hưởng, vì huyết ấy vẫn đang bao phủ, che chở đời sống từ khi chúng ta chịu tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Cuộc sống nô lệ của người Israel tại Ai-cập tượng trưng cho đời sống của chúng ta khi chưa được cứu độ. Chúng ta bị đủ thứ tội lỗi đè nặng dưới ách nô lệ của chúng, như người ghiền ma túy bị nó cai trị không sao thoát ra được. Một số người quá mừng rỡ khi được Đức Chúa Trời giúp họ cai nghiện; họ không muốn trở lại cuộc sống nô lệ cũ. Nhưng cũng có những người được giúp đỡ cai nghiện mà không chịu tiếp nhận Chúa, nên nhanh chóng trở lại lối sống lầm than trước kia.  

Khi dân Israel nghe nói có giống người khổng lồ nơi họ sẽ đến, họ sợ hãi, quên mất ơn bảo vệ gìn giữ và quyền phép của Đức Chúa Trời. Họ là những người đã từng kinh nghiệm quyền năng cứu rỗi của Chúa, được Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ, được bảo vệ bởi quyền phép của huyết sinh tế lễ Vượt-qua. Nhưng khi quen thuộc với ơn cung ứng và quyền phép siêu nhiên của Đức Chúa Trời, thì không còn quý trọng Ngài, chán ngán bước đường khó khăn, muốn trở lại đời nô lệ.

Thế hệ đó tiêu biểu cho vô số tín hữu trong Hội Thánh thời nay, dù đã theo đạo nhưng không trung thành với Chúa; lòng hướng về các thú vui thế gian hoặc của cải vật chất; đặt bản ngã lên trên mọi nguyên tắc thánh khiết của Đức Chúa Trời. Tâm linh chưa bao giờ được nghỉ ngơi; cũng không biết gì về quyền phép của Đức Chúa Trời trong trải nghiệm thực tế của đời sống. Hành trình tâm linh của họ như khách lữ hành mòn mỏi giữa sa mạc khô hạn. Một lý do nữa khiến họ lâm vào tình trạng ấy là vì họ cũng được nghe rao giảng một Tin Lành quyền phép, “nhưng lời họ nghe không đem lại lợi ích gì, vì khi nghe, họ không lấy đức tin lãnh hội lời đó” (Hêbơrơ 4:2).

Sau khi đem dân Israel vào đất hứa theo sự hướng dẫn của Chúa, chinh phục và tiêu diệt các dân tộc bị Chúa ghê tởm; trước khi qua đời, Giôsuê tuyên bố: “Vậy bây giờ hãy kính sợ Đức Giêhôva và phục sự Ngài cách thành tâm và trung tín; hãy bỏ xa các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân Amôrít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giêhôva” (Giôsuê 24:14–15). Sự no đủ, yên ổn khiến người ta hướng về các ước muốn xác thịt.

Ý muốn của Đức Chúa Trời là con dân Ngài phải được vào yên nghỉ nơi miền đất hứa tươm sữa và mật, tức là cuộc sống đạo đầy ơn phước và quyền năng của Đức Thánh Linh; lìa bỏ cuộc hành trình mệt nhọc “ngang qua đồng vắng mênh mông gớm ghê” (Phục-truyền 1:19b). Lời hứa của Chúa về đời sống sung mãn của người được đầy dẫy Đức Thánh Linh là điều mà mọi tín hữu đều có thể nhận được; trong đó có khả năng nghe Rhema tạo nên đức tin. Điều kiện là tin lời hứa của Ngài.

Nguyên nhân chính của mọi thất bại trong nếp sống Cơ-đốc là vì không tin lời hứa của Chúa. Nói cách khác, sự không tin lời Chúa hứa là sự thật, sẽ khiến các giáo hữu nầy không nhận được gì hết. Hiểu điều nầy là rất quan trọng, như có chép “Một khi chúng ta thực sự hiểu biết Ngài là Đấng lấy quyền năng và đức hạnh siêu việt kêu gọi chúng ta, Ngài sẽ dùng thần quyền ban cho chúng ta tất cả những nhu cầu để sống và sống đạo đức” (2Phierơ 1:3). Lòng tin lời Chúa hứa là quan trọng.

Lòng tin yếu kém bắt nguồn từ việc không có mối tương giao cá nhân với Chúa. Lòng tin ấy thường dựa vào đức tin của cha mẹ hoặc người khác chứ không có rễ. Nghĩa là đã từng nghe rất nhiều lời giảng về Chúa, nhưng chưa bao giờ biết Ngài cách riêng tư; cho nên, không rũ bỏ nổi những gánh nặng vướng víu, dù quý báu đối với họ, nhưng chẳng có chút giá trị gì đối với thiên đàng.

Cách ra khỏi tình trạng ấy là vâng lời “bỏ xa các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân Amôrít trong xứ mà các ngươi ở” (Giôsuê 24:15); tức là quyết chí từ bỏ những gì mình xem là quý báu nhưng bị Chúa ghét, lập bước đột phá về đức tin để hưởng phước hạnh trong đời sống, hôn nhân, gia đình, và được Chúa hướng dẫn trên bước đường theo Ngài.

Nguyên nhân khiến dân Israel kẹt trong hoang mạc là vì không tin lời hứa của Đức Chúa Trời. Đó cũng là lý do tạo ra những Cơ-đốc-nhân ngày nay sống thiếu quyền năng, bạc nhược, buồn tẻ, khô hạn, không đức tin, không nghe được tiếng Chúa phán. Ai xem xét đời sống tâm linh của mình và ăn năn, sửa đổi. Sẽ được Chúa cho nghe lời Rhema, có đức tin để hưởng đời sống an nghỉ.

TamLinhTruongThanh26.docx

Rev. Dr. CTB