Hướng Đi Mới, bài 03
Mathiơ 13:1–9
“Cũng trong ngày ấy, Đức Chúa Jêsus rời nhà, ra ngồi bên bờ biển. Dân chúng tụ họp quanh Ngài đông lắm, đến nỗi Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Ngài dùng ẩn dụ để nói với họ nhiều điều. Ngài phán: ‘Có một người đi ra gieo giống. Trong khi gieo, một số hạt rơi dọc đường, chim đến ăn hết. Một số hạt khác rơi trên đất đá, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên. Nhưng khi mặt trời mọc lên, bị nắng thiêu đốt thì chúng chết khô vì không có rễ. Một số khác rơi giữa bụi gai, gai mọc lên làm cho chúng nghẹt ngòi. Một số khác nữa rơi trên chỗ đất tốt nên kết quả: hạt được một trăm, hạt được sáu chục, hạt ba chục. Ai có tai, hãy lắng nghe!‘”
Bất cứ ai thật lòng tin Chúa và có đọc các mệnh lệnh Ngài dặn dò trong Kinh Thánh, đều biết bổn phận của mình là phải truyền rao ơn cứu rỗi của Ngài cho người chưa biết hoặc chưa tin (Mat. 5:13–16) “Các con là muối của đất, nhưng nếu muối mất vị mặn thì làm thế nào cho nó mặn lại được? Muối ấy trở nên vô dụng, phải ném bỏ đi và bị người ta chà đạp dưới chân. Các con là ánh sáng cho thế gian. Một cái thành xây trên núi thì không thể bị che khuất được. Không ai thắp đèn mà lại đặt dưới cái thùng, nhưng đặt trên chân đèn để nó soi sáng mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời.”
(Mathiơ 28:18–20) “Đức Chúa Jêsus đến và phán với họ rằng: ‘Tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta. Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế.‘”
Tuy nhiên, hầu như có ít tín hữu chịu vâng theo mệnh lệnh truyền giáo của Chúa. Tại sao vậy? Một trong các nguyên nhân chính là việc ấy không dễ dàng; nó đòi hỏi người thực hiện phải được trang bị đầy đủ và hiểu biết kỹ càng. Cũng rất ít người nhận ra việc họ thất bại là vì không để ý sự khác biệt giữa gieo với gặt. Các chuyến đi truyền giáo của bất cứ Hội Thánh nào cũng mong mỏi và hi vọng sẽ gặt hái được nhiều kết quả. Nhưng họ luôn thất bại vì không ai chịu bình tâm suy xét sự mâu thuẫn trầm trọng trong cách suy nghĩ ý nghĩa của việc gieo khác với gặt.
Mục đích của các chuyến đi, hay chiến dịch chứng đạo, là gặt hái kết quả ở cánh đồng hoang mà mình chưa bao giờ khai khẩn hoặc gieo giống! Chưa gieo thì lấy kết quả nào để gặt? Ngược lại, nếu là chuyến đi tìm đất tốt để gieo hột giống thì phải tìm đúng chỗ đất để gieo. Không thể nào vừa gieo xong rồi đòi cây phải mọc ngay lập tức để gặt tại chỗ; hơn nữa, lòng người là các miếng đất chưa được khai khẩn sẵn sàng thì làm sao thành đất tốt được? Nói cách khác, cách truyền giáo của nhiều Hội Thánh là làm kiểu cầu may, được thì tốt, không được thì làm lại. Nghĩa là không khi nào thấy các nhược điểm, cách tính toán sai lầm, và vô số thiếu sót trong công tác chuẩn bị của họ. Vấn đề mà mọi người hướng tới là tìm phương pháp nghe nói đã thành công để áp dụng, chứ chưa bao giờ thấy một đoàn truyền giáo chịu ngồi lại xem xét họ thất bại vì đã sai như thế nào.
Điều đó làm bộc lộ nhược điểm gì trong cách suy nghĩ của những người lãnh đạo cuộc truyền giáo? Hầu như mọi người từ trên xuống dưới đều tưởng rằng cứ ra ngoài chợ sẽ gặp đất tốt. Nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ sửa soạn sẵn đất tốt cho Hội Thánh của Ngài gieo hột giống Tin Mừng; vì sẽ có người tiếp nhận và kết quả ngay lập tức. Thực tế không giống như nhiều người tưởng. Khi bị thất bại thảm hại thì quy trách nhiệm cho người nghe đạo là cứng lòng. Sự lặp đi lặp lại hoạt động cũ đã bị thất bại thì sẽ lại đưa đến kết quả thất bại như cũ, không thể nào đưa đến một kết quả khác được. Dù cho có tiến hành bao nhiêu cuộc huấn luyện truyền giáo theo kiểu cũ, cũng hoàn toàn vô ích. Bởi vì cách làm xưa nay hoàn toàn phản lại các nguyên tắc căn bản về đất và hột giống.
Sự thất bại của chương trình truyền giáo không phải là phương pháp dở, mà là sai trật nguyên tắc! Có chuẩn bị đất mới có đất để gieo; có gieo và có chăm sóc cây lúa lớn lên khỏe mạnh thì mới có hột lúa chín để gặt. Đó là nguyên tắc căn bản mà mọi nông gia đều biết rất tận tường. Tuy nhiên, hầu như không Hội Thánh Việt nào để ý tới nguyên tắc đó để áp dụng. Mọi người đều theo truyền thống sai trật của những người đi trước.– Có một dạo, các Hội Thánh Việt Nam rất ngưỡng mộ sức tăng trưởng rất nhanh của Hội Thánh Phúc Âm Toàn Vẹn Yoido ở Seoul, Nam Hàn. Nhiều vị mục sư đã chịu khó sang đó dự nhóm để tìm hiểu. Khi họ trở về tường trình cho Hội Thánh nhà, thì nói rằng Hội Thánh Đại Hàn tăng trưởng nhờ tinh thần cầu nguyện nóng cháy của rất nhiều tín hữu.
Về phương pháp thì thấy họ tổ chức các nhóm tế bào (cell groups) học Kinh Thánh. Thế nhưng chẳng thể áp dụng gì cho Hội Thánh nhà được. Lý do: Chỉ thấy bề nổi của tổ chức mà không hiểu rằng để đạt được kết quả ấy phải có một hội chúng thật yêu mến Chúa, vâng lời Ngài và đời sống tâm linh mạnh mẽ. Phong trào nhóm nhỏ rộ lên một thời gian rồi xì hơi không còn chút dấu vết gì hết. Có thể ví việc truyền giáo của nhiều Hội Thánh Việt giống như gieo hột giống vào hốc đất khô hạn rồi bỏ đi và hi vọng hột giống sẽ tự mọc và kết quả. Đó là não trạng của người bị niềm hi vọng hão huyền của chính mình nhốt trong nhà tù ảo tưởng.– Trong bài học trước, chúng ta thảo luận qua bốn loại đất tiêu biểu cho bốn loại lòng người. Những người làm nghề nông hiểu rất rõ ẩn dụ gieo giống do Đức Chúa Jesus kể. Bởi vì đời sống của họ gắn liền với đất.
(Mathiơ 13:18–23) “Vậy, các con hãy nghe giải thích ẩn dụ về người gieo giống. Ai nghe đạo của vương quốc thiên đàng mà không hiểu thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng mình; ấy là hạt giống rơi dọc đường. Hạt giống rơi trên đất đá là người khi nghe đạo thì liền vui mừng tiếp nhận; nhưng đạo không đâm rễ trong lòng, chỉ tồn tại nhất thời, nên khi vì đạo mà gặp hoạn nạn, hay bắt bớ, thì người ấy liền vấp ngã. Hạt giống rơi giữa bụi gai là người nghe đạo, nhưng sự lo lắng về đời nầy, sự quyến rũ của giàu sang làm cho đạo bị nghẹt ngòi nên không kết quả. Còn hạt giống gieo trên đất tốt là người nghe, hiểu đạo và có kết quả: một thành một trăm, một thành sáu chục, một thành ba chục.”
Điều thứ nhất mà nhà nông suy xét trước khi quyết định gieo trồng là xem đất ấy có trồng tỉa được gì hay không? Thứ hai là cần phải làm những gì để khai khẩn, chuẩn bị miếng đất cho hột giống dễ nảy mầm và mọc lên? Thứ ba là đất ấy cần phải có bao nhiêu phân bón để cây lúa sống mạnh mẽ, kết quả nhiều nhất? – Rồi khi nhà nông chọn đất trồng lúa hay bất cứ cây gì, thì đất ấy phải gần nguồn nước hoặc có thể dẫn nước từ xa tới tưới cho cây trồng; nếu là nơi khô hạn, không thể dẫn nước đến thì phải bỏ hoang. Nếu phải ví von vấn đề truyền giáo giống như công việc của nhà nông, thì chúng ta PHẢI biết người mà mình định giới thiệu ơn cứu rỗi thuộc loại đất nào. Có kết thân được không? Có thuận lợi trò chuyện thăm viếng được không? Nếu được, mới tiến tới.
Đất rừng gần nguồn nước có nhiều cây cối thì phải khai quang và dọn sạch tất cả các gốc cây. Nếu tiềm năng của vùng đất ấy là lớn, thì nhà nông sẵn sàng chịu tốn kém để khai thác. Nếu chúng ta có người bạn mà nhìn vào đời sống thấy có nhiều nan đề, nhưng tương lai có thể thành những người ích lợi cho Vương quốc Đức Chúa Trời, thì hãy sẵn sàng dành thì giờ kết thân, thăm viếng, giúp đỡ trong khả năng của mình. – Ở vùng núi đá Bắc Việt, các sắc tộc sinh sống lâu năm có cách trồng tỉa rất vất vả: Họ gánh đất từ xa về đổ vào các hốc đá trên sườn núi đá vôi nơi họ ở để trồng bắp làm lương thực qua rất nhiều thế hệ. Họ chỉ trồng vào mùa mưa, vì không thể tưới nước cho vô số hốc đá. Họ chịu khó canh giữ rẫy bắp để sinh tồn. Vậy, Hội Thánh nào chịu khó sẽ tồn tại.
Điều chắc chắn là không nông gia nào rải hột giống trên đường đi, trên xa lộ hoặc nền bê tông. Chúng ta đã hiểu lòng của những người chống đối đạo Chúa, thù ghét Đức Chúa Trời cách vô cớ, thì không hột giống phúc âm nào nảy mầm nổi trong lòng những người nầy. Đừng mất thì giờ làm chứng đạo cho họ. Nếu họ là người quen thì cứ tiếp tục cầu thay xin Chúa dần dần thay đổi lòng họ. Còn những mảnh đất có đá, sỏi, và nhiều bụi gai thì thế nào? Đối với người làm nông, chỉ có nền đá tảng là không thể gieo trồng thứ ngũ cốc gì được; còn các loại đất khác đều có thể cần mẫn khai khẩn thành đất tốt gieo trồng được. Tập tành làm nông gia là rèn luyện tánh kiên nhẫn, chịu khó và biết cách dùng đúng các loại nông cụ để dẹp các thứ gây trở ngại cho việc gieo trồng.
Ý hướng của chúng ta bây giờ là chú tâm vào các mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus truyền bảo mọi con dân Ngài. Mặc dù Ngài đã đặt trong Hội Thánh năm chức vụ: Sứ đồ, Tiên tri, Nhà Truyền giáo, Mục sư, và Giáo sư (Êphêsô 4:11–13) “Chính Ngài đã ban cho một số người làm sứ đồ, một số người làm nhà tiên tri, một số người khác làm nhà truyền giảng Tin Lành, một số người khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trang bị cho công tác phục vụ và xây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến khi tất cả chúng ta đều đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, để trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ.”
Nhưng tín hữu không thể dồn hết mọi trách nhiệm cho họ; bởi vì nhiệm vụ của họ là trang bị các công tác phục vụ cho con dân Chúa trong Hội Thánh, chứ không làm thay hết mọi việc. Ai chịu vâng lời thì người ấy được phước và được tưởng thưởng nhiều ơn phước cả thiêng liêng lẫn vật chất. Ai không vâng lời thì vừa mất phần vừa bị phạt. Như trình bày trong bài trước, nhiệm vụ của chúng ta là tìm hiểu lòng bạn mình để biết những thứ đá hay bụi gai cản trở hột giống phúc âm là gì để dẹp bỏ chúng trước khi giới thiệu Chúa cho họ.
Vì các loại đá, sỏi, và bụi gai cản trở có thiên hình vạn trạng trong hoàn cảnh cá nhân của mỗi người; cho nên, việc tìm biết cách thức dẹp bỏ mỗi trở ngại sẽ được thực hiện theo hoàn cảnh thực tế. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là chuẩn bị lòng mình sẵn sàng để được Chúa đại dụng.
HuongDiMoi03.docx
MS CTB