Hướng Đi Mới, bài 02

Công Vụ 16:12–14

Chúng tôi đến Philíp, thành đầu tiên của tỉnh Macedonia, thuộc địa Rôma. Chúng tôi lưu lại đó vài ngày. Vào ngày sa-bát, chúng tôi ra ngoài cổng thành, gần bờ sông, là nơi chúng tôi tin rằng người ta họp lại để cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống và giảng cho các phụ nữ đang tụ họp ở đó. Có một phụ nữ lắng nghe chúng tôi, tên là Lydia, quê ở thành Thyatira, chuyên bán vải sắc tía, là người thờ kính Đức Chúa Trời. Chúa mở lòng Lydia khiến bà chú ý đến lời Phaolô nói.

Sứ đồ Phaolô và đoàn truyền giáo của ông đi tìm nơi mà họ nghĩ rằng có những người kính sợ Đức Chúa Trời sẽ tới cầu nguyện trong ngày Sabát. Khi đi truyền giáo tới những nơi xa lạ, họ tìm những người có tấm lòng ít trở ngại; tức là những mảnh đất có thể tiếp nhận hột giống Tin Lành. Trong suốt cuộc hành trình truyền giáo, ít khi họ truyền đạo cho người thờ cúng tà thần. Những người họ tìm cách tiếp xúc đầu tiên là người Hêbơrơ, không phải dân ngoại. Hãy ghi nhớ điều đó.

Mỗi sắc dân đều có vài điểm hay tính cách đặc biệt, chữ Hán Việt gọi là đặc thù. Chữ đặc thù được định nghĩa là nét riêng biệt làm cho tính chất của sự vật, hiện tượng, nổi bật khác hẳn sự vật hay hiện tượng cùng loại. Đạo Tin Lành do người Tây Phương truyền sang Việt Nam với tất cả sự tận tụy và hăng hái rao truyền ơn cứu rỗi cho người Việt. Tuy nhiên, số giáo sĩ được chỉ dẫn, dạy dỗ, và chịu khó nghiên cứu về đặc thù tâm lý của người Á-Đông thì không có bao nhiêu; cho nên, khi áp dụng cách truyền giáo học từ trường Kinh Thánh Âu Mỹ, họ gặp nhiều trở ngại. Cụ thể là rất ít người Việt được đọc Kinh Thánh hoặc được biết các chuyện tích trong Kinh Thánh; văn hóa người Việt khác hẳn văn hóa Tây Phương. Người Mỹ lớn lên trong một nền văn hóa đậm nét Cơ-đốc-giáo; trong khi người Việt rất xa lạ với khái niệm sẽ được tha tội và được cứu rỗi nhờ đức tin.

Hậu quả của cách truyền giáo hãy tin Chúa để được lên thiên đàng đã tạo ra nhiều thế hệ tín hữu không chú trọng lắm về mối tương giao với Chúa của họ. Tại sao chúng ta bàn tới các vấn đề nầy? Đa số người Việt và người Tàu tin có Ông Trời; điều đó không thể bác bỏ được. Nhưng người chưa tin Chúa không biết chút gì về bản tính yêu thương của Đức Chúa Trời. Vì vậy, họ rất sợ bị Trời đánh. Một số người dựng “bàn ông Thiên” để thờ Trời theo quan niệm sai trật về ông Trời từ đời tổ tiên. Người Phật giáo lại được dạy Phật Thích Ca là Đấng Thế Tôn, ngang hàng với Thượng Đế hoặc đẳng cấp cao hơn Ông Trời nữa. Một số đông nữa thì thờ đa thần, nghĩa là đối với họ thì quyền lực nào gần gũi mới đáng sợ và cần phải thờ kính, nếu không sẽ bị hại. Khi nghe giảng Ngôi Lời của Đức Chúa Trời giáng trần để tương giao với nhân loại thì người ta chưa hiểu nổi.

Vậy, đặc thù tâm lý của người Việt trong lãnh vực tín ngưỡng thì như thế nào? Có phải người Việt chưa tin Chúa đang là một đồng lúa đã chín vàng chờ được gặt hái, như Đức Chúa Jesus phán về người Samari hay không? (Giăng 4:35) “Chẳng phải các con nói: ‘Còn bốn tháng nữa là đến mùa gặt sao?Nhưng Ta nói với các con: Hãy ngước mắt lên và xem những cánh đồng đã vàng sẵn sàng cho mùa gặt.” Câu trả lời là không phải! Những nét đặc biệt nào làm cho tinh thần tôn giáo của người Việt không giống tâm lý của dân Do-thái ngày xưa? Thời ấy, tình cảnh và lòng ước ao của dân Do thái là gì? – Họ đang bị người La mã cai trị, nên mong đợi Đấng Cứu Thế xuất hiện để giải cứu họ như các lời tiên tri từ xưa (Luca 24:21a) “Chúng tôi hi vọng Ngài là Đấng sẽ cứu chuộc dân Israel.

Người Việt không có tâm tình đó. Người Việt cũng không hiểu gì về quan niệm nhờ sinh tế chuộc tội để được tha tội. Ảnh hưởng của ngoại giáo về việc lập công đức để chuộc lỗi, hoặc cúng kiến hối lộ thần linh thì rất phổ thông trong người Việt và các dân tộc thờ đa thần. Cho nên, họ xa lạ với khái niệm một Chúa duy nhất. Thế thì, bởi vì người Việt từ xưa tới nay chưa bao giờ là một cộng đồng được ví như đồng lúa đã vàng sẵn cho mùa gặt; cho nên, muốn chứng đạo cho họ, các Hội Thánh người Việt không thể áp dụng cách thức truyền giáo của Tin Lành Âu Mỹ. Khi chúng ta đọc Lời Đức Chúa Jesus giảng giải ẩn dụ người gieo giống

(Mathiơ 13:18–23) “Vậy, các con hãy nghe giải thích ẩn dụ về người gieo giống. Ai nghe đạo của vương quốc thiên đàng mà không hiểu thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng mình; ấy là hạt giống rơi dọc đường. Hạt giống rơi trên đất đá là người khi nghe đạo thì liền vui mừng tiếp nhận; nhưng đạo không đâm rễ trong lòng, chỉ tồn tại nhất thời, nên khi vì đạo mà gặp hoạn nạn, hay bắt bớ, thì người ấy liền vấp ngã. Hạt giống rơi giữa bụi gai là người nghe đạo, nhưng sự lo lắng về đời nầy, sự quyến rũ của giàu sang làm cho đạo bị nghẹt ngòi nên không kết quả. Còn hạt giống gieo trên đất tốt là người nghe, hiểu đạo và có kết quả: một thành một trăm, một thành sáu chục, một thành ba chục.

Những phản ứng của bốn loại người khi nghe Tin Lành giống như bốn loại đất tiếp nhận hột giống, là tâm lý chung của loài người; nhưng cách thức suy nghĩ và hiểu của người Việt khác với người Tây phương. Nếu đất trên đường đi là biểu tượng của những tấm lòng cứng cỏi, thì ba thứ đất còn lại tượng trưng cho ba loại người khác nhau. Tuy nhiên, đừng ai nghĩ rằng đá và bụi gai trong lòng người Việt giống đá và gai của các dân tộc khác.

Người Do-thái thời xưa biết Đức Chúa Trời và thờ kính Ngài. Họ biết Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết và hiểu sự thánh khiết là gì (Lêvi-ký 11:44) “Vì Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con; hãy biệt mình ra thánh và phải thánh, vì Ta là thánh;” họ biết Ngài sẽ trừng phạt những ai thờ hình tượng tà thần (Xuất Aicập 22:20) “Kẻ nào dâng sinh tế cho các thần khác ngoài Đức Giê-hô-va sẽ bị tận diệt.” (Phục Truyền 6:14–15) “Không được theo các thần khác, bất cứ thần nào trong các thần của những dân tộc ở chung quanh anh em, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng ngự giữa anh em, là Đức Chúa Trời kỵ tà. Hãy cẩn thận kẻo Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ nổi thịnh nộ với anh em và tiêu diệt anh em khỏi mặt đất.

Sau khi được trở về quê cũ từ đất lưu đày, người Do-thái dứt khoát loại bỏ hình tượng. Tuy nhiên, họ chưa chịu công nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Messiah mà họ trông đợi. Người Việt thì khác hẳn; người chưa tin Chúa không có khái niệm gì về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Dân Á Đông cố sức làm công đức để xóa tội đã phạm, không hiểu rằng làm như vậy là cố nhuộm màu cho miếng vải dơ bẩn không được giặt sạch, dù sẽ ra màu gì thì bản chất của miếng vải vẫn còn là tấm vải dơ. Người ta chỉ tỉnh ngộ khi được biết điều đó.

Mặc dù sự lo lắng về đời nầy hoặc tâm trạng hời hợt trong người Á-Đông và Tây phương có vẻ giống nhau, nhưng các thứ trở ngại trong lòng hoàn toàn khác nhau. Nếu chúng ta ví đá sỏi nằm dưới lớp đất mỏng là những ác cảm của người Việt đối với đạo Chúa, thì đá sỏi trong lòng người Âu Mỹ là sự nghi ngờ tính xác thực của Kinh Thánh. Nếu các bụi gai trong lòng người Việt có thể ví như phản ứng thù nghịch của gia đình và cộng đồng khi họ tin Chúa, thì người Âu Mỹ không gặp trở ngại đó mà là sự lo lắng. Cho nên, trước khi chứng đạo cho người mình quen biết, con cái Chúa phải tìm hiểu điều gì là đá sỏi, cái gì là bụi gai trong lòng của bạn mình. Giải quyết được các loại trở ngại đó, lòng người nghe sẽ trở thành mảnh đất tốt cho hột giống cứu rỗi của Tin Lành.

Người nào có tâm tình muốn rao truyền Tin Mừng của Chúa cho bạn hữu của mình, thì người ấy phải học biết kinh nghiệm gieo giống của các nông gia. Đối với nhà nông, không có mảnh đất nào chưa được khai khẩn mà là đất tốt để sẵn sàng gieo giống. Trước khi trở nên đất có thể gieo trồng, bất cứ mảnh đất nào cũng phải được khai khẩn, cày bừa kỹ càng. Cũng vậy, trong lòng của người Việt chưa tin Chúa là những mảnh đất có nhiều cỏ gai và đá sỏi; những hột giống gieo vào đó sẽ thất bại và rất khó đem họ trở lại; nếu không nói là sẽ mất họ vĩnh viễn. Hãy để ý những người được đem tới nhà thờ và bị thúc giục tiến lên tiếp nhận Chúa, đại đa số đều nhanh chóng rút lui và không bao giờ trở lại nhà thờ. Nhưng các Hội Thánh vẫn tiếp tục phạm lỗi lầm rất sơ đẳng.

Vậy, chúng ta phải làm gì để chuẩn bị các mảnh đất tốt có thể gieo hột giống đạt được kết quả mỹ mãn? Câu trả lời là tất cả con cái Chúa phải suy gẫm để có nhãn quan và kinh nghiệm của các nông gia. Như nhà nông luôn luôn quan sát đất đai chung quanh để xem sẽ làm gì và gieo trồng vào mảnh đất ấy nông sản gì có lợi ích và kết quả lớn nhất. Ví dụ, bên dưới lớp đất mỏng là tảng đá thì chỗ đó không thể trồng gì được. Cũng vậy, đừng cố sức thuyết phục kẻ vô cớ thù ghét Đức Chúa Trời; vì việc làm ấy rất vô ích. Điều mà chúng ta sẽ làm là tìm xem những loại ác cảm thường có của người chưa tin Chúa đối với Ngài là gì; bởi vì hầu hết các thứ ác cảm ấy bắt nguồn từ sự hiểu lầm, hoặc nghe những lời đồn sai lạc đầy ác ý chống lại đạo Chúa. Rồi hãy áp dụng sự hiểu biết đúng để giải quyết các trở ngại trong những người quen mà mình nghĩ là có thể tin Chúa.

Chúng ta sẽ tiếp tục suy nghĩ về đề tài nầy cho tới khi nắm vững sự hiểu biết và thuần thục về cách thức chứng đạo cho người Việt một cách hiệu quả. Vì chúng ta đang nắm vững chân lý và có Đức Thánh Linh soi sáng trong những công tác dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời.

HuongDiMoi02.docx

MS CTB