Những Điều Cần Biết, bài 17

Tít 3:1–8

Trên đường tiến tới thiên mệnh, mọi con cái Chúa đều vấp phải rất nhiều trở ngại dọc đường, nhưng hầu hết tín hữu đều không biết đó là những trở ngại. Có hai lý do phổ thông là:

1) Vì các trở ngại ấy do tự mình tạo ra nên không biết chúng là các điều cản trở.

2) Vì các trở ngại ấy là những việc rất thường tình trong xã hội, người ta tưởng đó chỉ là những chuyện bình thường, chứ không phải là điều chi cản trở bước tiến của Cơ-đốc-nhân trên thiên trình của họ.

Cho nên, hành trình tâm linh của nhiều người thường xuyên bị trục trặc mà không hiểu nguyên nhân.

Ví dụ, có một số lề thói rất tai hại đã cản trở thiên trình của vô số người, mà chẳng mấy ai thấy chúng là những trở ngại cho thiên trình của mình. Một thói trong các thói xấu ấy là chẳng mấy khi thấy lỗi của mình gây thiệt hại cho người khác.

Trong một tập thể, nếu có ai vượt lên thành công hơn đồng bạn là người ấy sẽ bị ganh ghét, sẽ bị một số người tìm cách kéo xuống cho ngang bằng với họ.

Cái tôi trong mỗi người đều đánh bại đức khiêm nhượng, bị chạm đến một cái là cảm thấy như mình bị sỉ nhục. Khi thấy người chung quanh cũng tầm thường như mình thì rất yên tâm.

Tâm lý đó dẫn tới thói quen đổ thừa cho một ai đó, hay điều gì, về lỗi lầm hay thất bại của mình, hoặc viện cớ nầy nọ để tự biện hộ.

Người ta ít biết mỗi khi vì thói ưa tranh cạnh mà nói lời thiệt hại, nói xấu hay vu khống người khác, thì nó là vật chướng ngại làm hại cho người nói.

Đổ trách nhiệm cho hoàn cảnh về những thiếu sót của mình là chuyện xảy ra thường xuyên ở Hoa-kỳ.

Trong trận quyền anh tái đấu giành chức vô địch giữa hai võ sĩ hạng nặng Mike Tyson với Evander Holyfield vào ngày 28 tháng 6, 1997, trước đó tám tháng Mike Tyson bị Holyfield đánh bại giành lấy đai vô địch, trong trận nầy, Mike Tyson không chống nổi Holyfield trong hai hiệp đầu, hiệp thứ ba, Tyson cắn đứt một mảnh nhỏ vành tai của Holyfiled lần đầu, trọng tài cho tiếp tục trận đấu và Tyson bị trừ hai điểm, Tyson cắn thêm một lần nữa gần đứt vành tai kia của Holyfield, Tyson bị xử thua và bị phạt. Anh ta phân bua hết sức lãng nhách: Tôi còn có con cái phải nuôi và bills phải trả! Vết nhơ của hành vi và lời phân bua đó đã ghi vào lịch sử. Nhiều người trẻ khác ngày nay cũng viện cớ là phải trả nhiều bills quá nên không tiết kiệm được tiền.

Thái độ và thói quen nầy là tảng đá cản trở do chúng ta tạo ra trên thiên trình của mình. Mọi người luôn luôn có sự lựa chọn giữa hai quyết định vâng hay không vâng lời.

Vì khi Kinh-thánh khuyên: “Đừng nói xấu ai, tránh gây gổ, nhưng hãy dịu dàng và cư xử hết sức nhã nhặn với mọi người” (Tít 3:2), thì anh chị em đã có một mẫu mực tốt đặt trước mặt để chọn lựa vâng theo, hoặc cư xử theo cảm tính của cái tôi bên trong muốn trồi lên chứ không chịu thua ai.

Có một tác giả viết một bài phân tích tựa đề “Cái tôi của người Việt,” trong đó ông so sánh tính thích khoe khoang và ưa phô diễn của người Việt với đức khiêm nhượng của nhiều dân tộc khác mà ông có dịp tiếp xúc.

Ông khám phá rằng tính tự cao tự đại của nhiều người Việt là nhằm che đậy mặc cảm tự ti trong những người đó. Sợ người ta hơn mình. Sợ bị thấy là thua kém, vv.

Thế thì, để giải quyết các sự cản trở do chính mình tạo ra, điều hiệu quả nhất là chú tâm vào việc lành. Nhưng làm sao biết việc lành nào để làm? Bởi vì trước khi tin Chúa, chúng ta thì “ngu muội, không vâng phục, bị lừa dối, nô lệ cho đủ thứ dục vọng và lạc thú, sống trong sự gian ác, ghen tị, đáng ghét, và con thường nhau” (Tít 3:3).

Bây giờ, sau khi tin Chúa rồi, hãy nhận biết sự khoan dung nhân ái của Chúa đã bày tỏ cho chúng ta khi Ngài bằng lòng chịu chết thay ta để cứu chúng ta bởi lòng thương xót của Ngài, chứ chẳng phải việc công chính nào của chúng ta hết; do ơn đó, chúng ta được thanh tẩy qua sự tái sinh và đổi mới bởi Đức Thánh Linh (Tít 3:4-5).

Để thực hiện, anh chị em hãy bớt suy nghĩ về cái tôi của mình, mà vâng theo sự chỉ dẫn của Chúa qua lời Kinh-thánh. Hãy nhớ rằng ta không thể thay đổi được quá khứ của ta, nhưng ta có thể thay đổi ảnh hưởng của nó trên mình hiện nay. Thay đổi được hiện tại có nghĩa là thay đổi được tương lai.

Nguyên nhân thứ nhì gây ra cản trở là: những cái xấu trong xã hội đã trở thành phổ thông nên chẳng ai thấy là xấu nữa.

Trước đây, những vụ ngoại tình đổ bể bị xem là các chuyện động trời trong xã hội. Ai cũng biết đó là tội nặng. Toà án thời xưa xử án tù những người phạm các lỗi ấy.

Nhưng trong xã hội thời nay, khi lũ người gian xảo tội lỗi muốn kéo toàn xã hội xuống hố sa đoạ làm cho dục tình dâm dật trở thành chuyện bình thường qua cách sống nhơ nhớp của lũ tài tử dâm tà, thì xã hội bị lôi cuốn theo.

Người ta tôn các khuôn mẫu sống sượng của Hollywood lên làm thần tượng; đến nỗi nhiều giáo đồ trong Hội-thánh Chúa ngày nay cũng bắt chước lối sống sa đoạ, lối ăn mặc hở hang khiêu dâm, mà tưởng rằng đó là thời trang sành điệu.

Chạy theo tiền bạc để làm giàu bằng mọi cách gian xảo cũng là một chuyện bình thường nữa trong xã hội ngày nay. Những việc gian dối lớn nhỏ đã thành cách hành xử trong cộng đồng thiểu số; đến nỗi bất cứ việc gì có liên quan tới lợi lộc vật chất hay tiền bạc, thì nhiều tín hữu sẵn sàng tham gia, không cần biết điều mình làm đúng hay sai, gian lận hay không.

Vì lương tâm không trong sáng trong các việc liên quan tới tiền bạc của cuộc sống mỗi ngày, tiền bạc dâng cho Chúa cũng bị trục trặc.

Đức Chúa Trời nhìn vào tấm lòng của người dâng hiến chứ không phải là hành động; cho nên đừng cố ý quên món nợ mình đã hứa nguyện mỗi tuần hay hàng tháng. Đức Chúa Trời kể hành động gian lận trong sự dâng hiến là ăn cắp tiền của Chúa (Malachi 3:8–10).

Sự cản trở đó có vẻ không quan trọng, nhưng sự tai hại của nó thật là lớn cho người cố ý vi phạm.

Còn rất nhiều thứ nữa có vẻ bình thường và cộng đồng không lên án; nhưng là con cái Chúa, chúng ta cần phải rất cẩn trọng.

Khi có những việc mình chẳng biết có chính đáng hay không mà thấy có tín đồ tham gia, thì đừng vội vàng bắt chước vì thấy có món lợi trước mắt. Vì hễ điều chi có vẻ không trong sáng, đòi hỏi sự không thành thật, thì đó là các tảng đá cản đường mà ít người nhận ra.

Người nào đã phạm tội tái đi tái lại nhiều lần, dù đã biết điều đó là sai, thì hi vọng chuộc tội thật là mong manh “Vì nếu chúng ta đã nhận biết chân lý, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có sinh tế nào chuộc tội được nữa” (Hebrew 10:26).

Anh chị em cần phải sáng suốt để nhận biết cái gì bị thiên đàng xem là tội lỗi, để tránh không vi phạm, dù cho nó hợp pháp đối với luật pháp của chính quyền nào đó ở thế gian. Ví dụ sự ly dị hay thực hành đồng tính luyến ái.

Hễ đặt câu hỏi đúng thì sẽ có câu trả lời đúng; đặt câu hỏi sai thì câu trả lời sẽ sai. Vì vậy sự luyện tập đặt câu hỏi đúng là rất cần thiết. Đừng đặt câu hỏi như: Tại sao người ta có thể làm mà tôi không được làm? Hãy đặt câu hỏi đúng là “Nếu mình làm việc nầy thì Chúa có vui không, hay là Ngài sẽ buồn lòng?

Sự luyện tập đặt câu hỏi đúng không phải là việc khó, nếu chúng ta đã được đổi mới tâm trí. Vì như sứ đồ Phao-lô dạy: “Đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng phải được biến hoá bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, hài lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời” (Rôma 12:2).

Một trong nhiều phương diện để luyện tập tâm trí đổi mới là tập nhận trách nhiệm trong mọi việc mình làm. Khi nào biết mình sai thì không tìm cách biện hộ hay đổ vấy cho người khác, mà nhận trách nhiệm việc mình làm rồi chấn chỉnh chính mình.

Sự trưởng thành của đời sống tâm linh không xảy ra tức thì, sự thật thì nó là một tiến trình lâu dài. Không người nào có thể nhờ sức riêng mà làm cho tâm linh mình trưởng thành, vì điều đó là công việc của Đức Thánh Linh. Phần của chúng là là lập quyết định và tạo điều kiện dễ dàng cho Đức Thánh Linh vận hành trong lòng ta.

Nếu tín hữu nào đã quyết định không bắt chước người chung quanh khuôn rập theo đời nầy, thì mọi cách suy nghĩ và hành động sẽ hướng về Đức Thánh Linh để được Ngài hướng dẫn. Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt người nào giao quyền làm chủ cho Ngài.

Khi ấy, Ngài sẽ chỉ dẫn cho chúng ta biết phân biệt giữa điều nên làm với các điều không được phép làm. Khi ấy, ta sẽ nghe tiếng Chúa rất rõ ràng, đời sống tâm linh tăng tiến lên các trình độ cao hơn, đọc Kinh-thánh sẽ hiểu biết sâu nhiệm hơn, và ích lợi cho Chúa hơn.

Hãy tập cư xử theo Đức Thánh Linh thì chúng ta sẽ giải quyết được mọi trở ngại trong đời.

NhungDieuCanBiet17.docx
Rev. Dr. CTB