Theo Dõi Tận Thế, bài 26
1Phierơ 5:1–3
“Tôi gửi lời khuyên nhủ đến các trưởng lão trong anh em, vì tôi cũng là một trưởng lão, là nhân chứng về sự thương khó của Đấng Christ, và cũng là người sẽ được dự phần trong vinh quang sắp được bày tỏ. Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em, không vì ép buộc nhưng do tự nguyện, không vì lợi lộc thấp hèn mà với cả nhiệt tâm, không dùng quyền uy cai trị những người được giao cho mình, nhưng làm gương tốt cho cả bầy.“
Sau khi giáo hội đã được vững lập bởi thế quyền khoảng cuối thế kỷ AD 4 và 5, thì người ta gọi các giám mục Tây giáo hội là “Cha.” Nhưng tới khoảng năm AD 500, thì danh hiệu cha, ‘Papa’ hay ‘Pope’ chỉ dành riêng cho giám mục thành Rome. Mặc dù người đời sau truyền tụng rằng sứ đồ Pedro là giáo hoàng đầu tiên, nhưng không có chứng cứ nào xác nhận ông là giám mục thành Rome hết. Nếu khi sứ đồ Pedro đang còn sống mà nghe tín hữu gọi mình là ‘Cha,’ thì chắc chắn ông không chịu để ai gọi ông như thế. Bởi vì ông vẫn nhớ lời Đức Chúa Jesus dạy đừng để người ta gọi mình bằng “thầy, cha hay chủ.”
(Mathiơ 23:8–10) “Nhưng các ngươi đừng để người nào gọi mình là thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn mọi người đều là anh em. Cũng đừng gọi bất cứ người nào trên đất nầy là cha; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. Cũng đừng để người nào gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ.”
Ông biết hàng lãnh đạo của giáo hội sẽ dễ bị tiền tài và quyền lực cám dỗ; vì thế, ông giục các trưởng lão của Hội Thánh luôn nhớ họ là những người phục vụ và nuôi dưỡng tân tín hữu như lời Đức Chúa Jesus giao cho ông:
(Giăng 21:15–17) “Khi ăn xong, Đức Chúa Jesus nói với Simon Phierơ rằng: ‘Simon, con của Giăng, con yêu Ta hơn những người nầy chăng?‘ Phierơ thưa: ‘Vâng, thưa Chúa, Chúa biết rằng con yêu Chúa.‘ Đức Chúa Jesus bảo: ‘Hãy chăm sóc những chiên con của Ta.‘ Ngài lại hỏi ông lần thứ hai: ‘Simon, con của Giăng ơi, con yêu Ta chăng?‘ Phierơ thưa: ‘Vâng, thưa Chúa, Chúa biết rằng con yêu Chúa.‘ Đức Chúa Jesus bảo: ‘Hãy chăn chiên Ta.‘ Ngài lại hỏi ông lần thứ ba: ‘Simon, con của Giăng ơi, con yêu Ta chăng?‘ Phierơ buồn vì Ngài hỏi mình đến ba lần: ‘Con yêu Ta chăng?‘ Ông thưa rằng: ‘Thưa Chúa, Chúa biết tất cả mọi sự; Chúa biết rằng con yêu Chúa.‘ Đức Chúa Jêsus bảo: ‘Hãy chăm sóc chiên Ta.‘“
Sylvester I (314-335) làm Giám mục thành Rome lúc Hội Thánh được hợp pháp hóa vào thời đại đế Constantine. Năm AD 325, Constantine triệu tập và chủ tọa giáo hội nghị Nicaea, chứng tỏ ông ta có thẩm quyền trên giáo hội. Thời ấy, giám mục thành Rome chưa có thẩm quyền gì trên những Hội Thánh ở các thành phố khác. Tới cuối thế kỷ A.D. 4, các giám mục ở Constantinople, Rome, Jerusalem, Antioch, và Alexandria được gọi là các “Thượng phụ.” Họ là những người lãnh đạo Cơ-đốc-giáo trong những tỉnh mà họ cai quản và chịu trách nhiệm.
Năm AD 395 đế quốc chia thành hai trung tâm quyền lực là Rome và Constantinople. Các giáo phận Antioch, Jerusalem và Alexandria công nhận quyền lãnh đạo của Constantinople. Vì vậy, sự tranh giành quyền lãnh đạo Hội Thánh nẩy ra giữa giám mục thành Constantinople và giám mục thành Rome là Siricius (395-398). Siricius cậy mình ở kinh đô nên muốn thâu tóm hết quyền lực để cai trị Hội Thánh, nhưng chưa kịp thì đế quốc bị chia thành hai phía Đông và Tây, phía Tây lại bị quân hung nô chiếm cứ.
Tới năm 445, Giám mục Leo I thuyết phục hoàng đế Valentinian III công nhận ông ta là Tổng giám mục trên tất cả các Giám mục. Leo I muốn toàn thể giáo hội ở cả hai phía đông và tây đều phải công nhận quyền cai trị của ông, nhưng vào năm 451, đại đa số giám mục của toàn giáo hội họp Đại hội đồng Giám mục tại Chalcedon thỏa thuận với nhau chia quyền ngang nhau giữa Giám mục thành Rome với Thượng Phụ thành Constantinople cai trị trên giáo hội Cơ-đốc-giáo.
Vào năm 452, Leo I thuyết phục Attila the Hun, lãnh tụ của rợ Hung nô vùng Tây Á và Đông Nam Âu, đừng hủy phá thành Rome. Ba năm sau, ông ta lại thuyết phục được Genseric, lãnh tụ của nước Vandals, lãnh thổ Đức thời thế kỷ 5, rằng xin đừng hủy phá thành Rome. Những thành công đó giúp ông nổi danh và đoạt quyền cai trị trên giáo hội. Leo I tự xưng là Chủ của toàn Hội Thánh, ông cũng ra sắc chỉ rằng ai chống lại quyền lực của ông ta thì chắc chắn phải bị xuống hỏa ngục.
Ngày 3 tháng Chín, năm 590, Giám mục thành Rome, Gregory I, được xem là Giáo hoàng đầu tiên của giáo hội Cơ-đốc-giáo. Ông được xem là Giáo hoàng trong sạch nhất và giỏi nhất trong số các giáo hoàng. Ông nhậm chức trong lúc Âu châu hỗn loạn, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, các vua Âu châu được ổn định. Ông làm trong sạch nội bộ giáo hội, bãi chức các giám mục bất xứng và chống lại việc mua bán chức vị trong Hội Thánh.
Lúc Hồi giáo sắp chiếm trọn Âu châu và tiêu diệt Cơ-đốc-giáo, thì tướng Charles Martel đánh bại chúng ở Toulouse vào năm 732. Con ông là Pepin lên ngôi, giao miền trung nước Ý cho Giáo hoàng Stephen II, khởi đầu việc giáo hoàng có lãnh thổ riêng, kéo dài tới năm 1870.
Con của Pepin là Charlemagne, cai trị 46 năm, đánh thắng tất cả các cuộc chiến tranh và chinh phục lãnh thổ. Lãnh thổ ông ta bao gồm Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Hung, Bỉ, và một phần Tây Ban Nha và Ý. Các Giáo hoàng cộng tác với Charlemagne, vì vậy uy thế của giáo hoàng gia tăng như một quyền lực đáng nể trên thế giới Tây phương.
Nicholas I (858) là giáo hoàng đều tiên đội vương miện. Năm 857, một nhóm văn kiện bí mật xuất hiện xưng rằng đó là một số thư từ và sắc lệnh của các giám mục và giáo hội nghị từ thế kỷ 2 và 3. Các văn kiện ấy tôn cao quyền lực của giáo hoàng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau người ta khám phá ra đó là các văn kiện hầu hết là giả mạo của một người lấy bí danh là Isidore Mercator. Vì thế người ta gọi nó là Isidorian Decretals.
Trong thời gian nó chưa bị khám phá, giáo hoàng Nicholas I đã dứt phép thông công Photius, Thượng phụ Constantinople. Ông nầy cũng trả đũa dứt phép thông công Nicholas I. Từ trước, mọi cuộc họp hội đồng giám mục đều họp ở các nơi nói tiếng Hy-lạp gần Constantinople. Cho tới năm 869, Đông giáo hội hoàn toàn lìa bỏ Tây giáo hội.
Sau Nicholas I (867) thì tình trạng lúc đó bị gọi là đêm khuya của thời ám thế, kéo dài 200 năm tới đời giáo hoàng Gregory VII (1073). Giữa giáo hội đầy dẫy hối lộ, hủ bại, vô luân, và giết chóc. Liutprand giám mục Cremona ở Ý (920-972) ghi chép lại những sự kiện xảy ra dưới thời Marozia, tình nhân nổi tiếng của giáo hoàng Sergius III (904-911). Hai mẹ con Theodora và Marozia cai trị Rome và lộng hành dâm dật ở dinh giáo hoàng (Hồng y Baronius ở thế kỷ 16 gọi ấy là thời “Dâm phụ chuyên chính“).
Theodora đưa tình nhân là Giám mục John X ở Ravena về Rome để lên ngôi giáo hoàng. John X ra lệnh xử tử Công tước Tuscany, chồng của Marozia. Marozia cho người siết cổ John X chết để trả thù, rồi đưa ba người thay nhau lên làm giáo hoàng là Leo VI (928-929), Stephen VII (929-931), và con trai đầu lòng mình là John XI (931-936). Cháu nội của Marozia là giáo hoàng John XII (955-963) là một tên hoàn toàn vô luân, bị lên án tội sát nhân, khai dối, và loạn luân với hai em gái mình. Hắn đã hiếp dâm nhiều trinh nữ và nữ giáo đồ. Cuối cùng hắn đang ngoại tình với vợ một người thì bị ông chồng bắt gặp dùng búa đập chết, lúc hắn mới 27 tuổi.
Từ 1012-1047, chức giáo hoàng giao cho người nào trả giá cao nhất. Benedict IX (1032-45) làm giáo hoàng lúc mới 12 tuổi. Về sau Giáo hoàng Victor III tường thuật là Benedict IX phạm tội hiếp dâm, sát nhân, và vô số tội ghê tởm khác như đem bọn đồng tính vào diễn trò dâm đãng và dùng dinh giáo hoàng làm động mãi dâm nam. Thời đại huy hoàng nhất của quyền lực giáo hoàng là các năm 1049-1294.
Hildebrand, người điều hành văn phòng năm đời giáo hoàng rồi trở thành giáo hoàng Gregory VII (1073-1085). Ông ta đã dẹp tan thói tục mua quan bán tước của các giám mục và tu sĩ trả tiền cho vua để mua chức vụ trong giáo hội. Việc nầy khiến ông va chạm với triều đình Đức. Chiến tranh nổ ra, Gregory VII bị thua và bị lưu đày rồi chết ở nơi lưu đày. Nhưng Gregory VII đã giải thoát chức giáo hoàng khỏi quyền điều khiển của vương triều Đức. Vài thế kỷ sau đó, Giáo hoàng Innocent II (1198-1216) là người có quyền lực nhất trong các giáo hoàng.
Innocent xưng là đại diện của Đấng Christ trên đất và đòi hỏi mọi người phải thần phục mình. Ông ta khởi động hai cuộc thập tự chinh đẫm máu và thành lập Tòa Án Dị Giáo (Inquisition). Nhưng giáo hoàng Gregory IX là người đã làm cho tòa án kinh hoàng ấy thêm khủng khiếp. Trong 500 năm, tòa án vô cùng tàn bạo nầy đã nhân danh Hội Thánh tra tấn, giết hại và cướp tài sản một cách oan sai của vô số người bị tố cáo không theo đúng luật của giáo hội.
Đến đời Phục Hưng từ 1417 tới 1517 ở Âu châu, lại có thêm các giáo hoàng có nguồn gốc tội phạm, do các hồng y, thân nhân của các giáo hoàng, vua và những gia đình giàu có ở Âu châu, bầu lên. Trong đó các ông Pius II (1458-1464) thích làm thơ, Paul II (1464-1471) thích vàng bạc châu báu, ăn mặc diêm dúa, ai làm phật ý thì khóc; Sixtus IV (1471-1484), người xây dựng nhà nguyện Sistine và ra sắc chỉ về việc cúng tiền cho giáo hội để được giải thoát khỏi ngục luyện tội, cũng là người bị tố cáo tội thực hành đồng tính luyến ái; Innocent VII (1484-1492) ăn nằm với nhiều người đàn bà có chồng sinh 16 người con và khuyến khích thực hiện Tòa Án Dị Giáo tàn bạo nhất ở Tây Ban Nha.
Ông giáo hoàng tồi tệ nhất là Alexander VI (1492-1503), người gồm đủ các sự hủ bại từ nhiều đời giáo hoàng trước hợp lại. Những đứa con hoang của ông ta đều được giao chức vị cao của giáo hội, và ai chống lại ông ta đều bị thủ tiêu. Tóm lại, sự hủ bại đã lan nhiễm trong mọi tầng lớp lãnh đạo của giáo hội La mã. Các chức vụ giáo hoàng, hồng y và giám mục thì đầy dẫy bọn người gian ác sử dụng tổ chức của giáo hội để cai trị và điều khiển người dân Âu châu trong suốt nhiều thế kỷ. Họ tiếp tục hủ bại cho tới khi ánh sáng dân chủ văn minh xã hội phát sinh từ phong trào cải tổ Hội Thánh bứt đứt xiềng xích và phá hủy gông cùm của tầng lớp cai trị thời kỳ Thyatira.
TheoDoiTanThe26.docx
Rev. Dr. CTB