Hiểu Biết Các Điều Căn Bản, bài 11
1Côrinhtô 6:9–11
“Anh em không biết rằng những kẻ không công chính sẽ chẳng được thừa hưởng vương quốc Đức Chúa Trời sao? Đừng tự lừa dối mình. Những kẻ tà dâm, kẻ thờ thần tượng, kẻ ngoại tình, kẻ đồng tính luyến ái, kẻ trộm cắp, kẻ tham lam, kẻ say sưa, kẻ chửi rủa, kẻ cướp giật, sẽ không được thừa hưởng vương quốc Đức Chúa Trời. Trước đây anh em có đôi người như vậy. Nhưng trong danh Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ và trong Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, anh em đã được thanh tẩy, được thánh hóa và được xưng công chính.”
Bất cứ người nào đã thuộc về Đấng Christ, sự thánh khiết của Ngài đã trở thành mã di truyền (DNA) tâm linh. Tín hữu ấy rất muốn đạt được mức thánh khiết như Chúa đòi hỏi; mặc dù biết rằng khi còn ở thế gian thì mức thánh khiết mà lòng mình muốn đạt tới là rất khó. Tuy nhiên, khi đang theo đuổi sự thánh thiện từ Chúa, chúng ta thường quên mất sự thật rất tuyệt vời là: Trong Chúa, chúng ta đã là thánh. Bởi vì trước khi chúng ta bắt đầu theo đuổi sự thánh khiết, sự thánh khiết của Chúa đã theo đuổi chúng ta, gặp chúng ta, đổ đầy trong chúng ta, và tuyên bố rằng chúng ta thuộc về Ngài. Dù biết hay không biết, có cảm nhận hay không, chúng ta đã được xem là thánh thiện.
Để hiểu điều nầy, chúng ta hãy xem xét tình trạng tín hữu ở Hội Thánh Côrinhtô vào thời sứ đồ Phaolô. Ai đã học qua thư thứ nhất của Phaolô viết cho người Côrinhtô thì biết Hội Thánh ở đó có nhiều vấn nạn lắm: Họ chia rẽ thành phe phái, kiện tụng lẫn nhau, có người phạm tội tà dâm rất nặng, người thì lên mình kiêu căng, vv. Sứ đồ Phaolô gọi họ là những người ấu trĩ, đầy tánh xác thịt (1Côr. 3:1–3a) “Thưa anh em, về phần tôi, tôi không thể nói với anh em như nói với những người thuộc linh, nhưng như với người xác thịt, như những trẻ sơ sinh trong Đấng Christ. Tôi đã nuôi anh em bằng sữa chứ không bằng thức ăn cứng, vì anh em chưa thích ứng được. Ngay đến bây giờ anh em vẫn chưa thích ứng được, vì anh em vẫn còn thuộc về xác thịt.”
Và khờ dại (1Côr. 15:36) “Người khờ dại kia ơi! Vật gì anh gieo, nếu trước hết không chết đi, thì không sống lại được.” Nhưng ở đầu thư ông viết chung cho họ: “Kính gửi Hội Thánh Đức Chúa Trời tại Côrinhtô và những người đã được thánh hóa trong Đấng Christ Jesus, được gọi là thánh đồ…” (1Côrinhtô 1:2). Điều nầy có nghĩa gì? Theo cách chúng ta xét đoán nhau ở thời nay, thì các tín đồ ở Côrinhtô không thể được gọi là tín đồ thánh của Chúa.
Vậy, tại sao Phaolô gọi họ là thánh đồ trong khi người đọc Kinh Thánh thấy họ chưa đạt mức trưởng thành trong đạo? Có phải ông nịnh hoặc vuốt ve lấy lòng họ chăng? Không phải vậy. Ông nhắc họ phải biết tự trọng; ông nhấn mạnh một sự thật rằng: Trong Đấng Christ họ là thánh; bởi vì đối với những người đã đặt lòng tin nơi Chúa thì điều quan trọng bậc nhất là họ đã trở thành thánh đồ vì có tâm linh được thánh hóa dù còn ấu trĩ trong đức tin, chưa trở nên các môn đồ trưởng thành được. Thần học gia John Murray viết: “Có một sự thật thường bị bỏ qua, là trong Tân Ước, các chữ đặc biệt mô tả sự nên thánh là nói về một sự kiện dứt khoát, không phải một tiến trình.” Nghĩa là khi một người lập quyết định thật lòng tin Chúa, thì người đó đã được trở nên thánh đồ.
Vậy, bước đường thánh hóa mà mọi con cái Chúa đều phải đi qua thì sao? Trước khi sự thánh hóa trở nên một tiến trình, thì nó là một sự kiện xảy ra một lần vào thời điểm người tin nhận Chúa. Dù Phaolô khiển trách tín hữu ở Côrinhtô, ông vẫn xác quyết ở 1Côrinhtô 6:11 “Trước đây anh em có đôi người như vậy. Nhưng trong danh Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ và trong Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, anh em đã được thanh tẩy, được thánh hóa và được xưng công chính.” Họ được thanh tẩy, xưng công chính và thánh hóa ngay giây phút họ tiếp nhận Đức Chúa Jesus vô lòng họ. Nhờ gì họ được như vậy? Nhờ được ở trong Đức Chúa Jesus 1Côrinhtô 1:30 “Vì nhờ Ngài mà anh em được ở trong Đấng Christ Jêsus, Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết và sự cứu chuộc cho chúng ta.”
Gốc thánh của mọi tín hữu không phải nhờ công lao họ nỗ lực sống một đời thánh thiện giống như Đức Chúa Jesus. Nhưng nhờ ở trong Ngài thì chúng ta được thánh khiết hơn mình tưởng. Nên thánh, hay thánh hóa xảy ra ở hai giai đoạn: Lúc ta tin nhận Chúa, trở thành thánh đồ vì Ngài bước vào đời ta chuyển sự thánh khiết của Ngài vào trong ta, một sự kiện dứt khoát do Ngài thực hiện. Và giai đoạn thứ nhì là tín hữu dần dần trưởng thành trong nếp sống tâm linh để phản ảnh sự thánh khiết của Ngài, nên gọi là tiến trình hoặc bước đường thánh hóa. Tức là phần hồn của ta cũng được biến đổi dần, để nhường cho Chúa làm Chủ hoàn toàn. Khi cả linh và hồn đều đầu phục Đức Chúa Jesus, thì Đức Thánh Linh chỉ dẫn và ban những ân tứ đặc biệt để chúng ta phục vụ Ngài.
Hầu hết con cái Chúa đều hiểu lầm về danh phận thánh đồ của mình. Vì chúng ta thường nhận biết mình bất toàn, yếu đuối, dễ vấp ngã, và không rõ giá trị căn cước mới mà Đức Chúa Jesus ban cho khi mình tiếp nhận Ngài. Danh hiệu của căn cước mới đó là thánh đồ. Không ai có quyền cướp hoặc hủy bỏ danh phận quý báu đó của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ bị lừa gạt bởi những danh xưng của người đời phong thánh cho ai đó. Đối với các sứ đồ như Phaolô, thì thánh đồ và Cơ-đốc-nhân là đồng nghĩa. Có thánh đồ nổi tiếng trong vô số thánh đồ bình thường; tất cả đều là thánh đồ trước mặt Đức Chúa Trời. Không cần phải làm phép lạ hay công việc đặc biệt nào hết. Vì thánh đồ là những người đặt lòng tin vào ơn chuộc tội mà Đức Chúa Jesus đã thực hiện trên thập tự giá.
Trong lời chào thăm ở phần đầu tất cả các thư của sứ đồ Phaolô viết cho các Hội Thánh thời Tân Ước, ông đều gọi mọi tín hữu là các thánh đồ. Hãy xem các câu sau đây:
Roma 1:7 “Tôi kính gửi đến tất cả những người yêu dấu của Đức Chúa Trời tại thành Rôma, là những người được gọi làm thánh đồ.”
1Côrinhtô 1:2 “Kính gửi Hội Thánh Đức Chúa Trời tại Côrinhtô và những người đã được thánh hóa trong Đấng Christ Jesus, được gọi là thánh đồ…”
2Côrinhtô 1:1 “Phao-lô, bởi ý muốn Đức Chúa Trời được làm sứ đồ của Đấng Christ Jêsus, và Ti-mô-thê anh em chúng ta, kính gửi Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở Cô-rinh-tô, cùng với tất cả thánh đồ ở khắp vùng A-chai.”
Êphêsô 1:1 “Phao-lô, theo ý muốn của Đức Chúa Trời được làm sứ đồ của Đấng Christ Jêsus, kính gửi các thánh đồ tại Êphêsô.”
Philip 1:1 “Phaolô và Timôthê, đầy tớ của Đấng Christ Jêsus, kính gửi toàn thể thánh đồ trong Đấng Christ Jêsus tại thành Philíp cùng quý giám mục và chấp sự.”
và Côlôse 1:1-2 “Phaolô, theo ý muốn của Đức Chúa Trời làm sứ đồ của Đấng Christ Jêsus, cùng Timôthê là anh em, kính gửi các thánh đồ và anh em trung tín trong Đấng Christ tại Côlôse.”
Lẽ dĩ nhiên chúng ta không thường xuyên có ý nghĩ mình là thánh đồ, vì mình nhận biết các nhược điểm của mình. Nhưng ý nghĩ ấy không đúng. Chúng ta có ăn năn tội lúc tin Chúa không? Có yêu kính Chúa và ghét tội lỗi không? Có ưa thích sự sáng và ghét thế giới tối tăm cùng sự ác không? Nếu có, thì chúng ta thuộc về Chúa, được thanh sạch, không bị uế tạp như người đời; chúng ta là thánh đồ, không còn là tội nhân tuyệt vọng nữa. Là con dân thiên đàng, chúng ta đừng giữ ý tưởng tiêu cực, cảm thấy không xứng đáng. Không! Hãy tạ ơn Chúa vì chúng ta đã là thánh đồ.
Mục sư Charles Spurgeon có ý nghĩ như sau: “Đức Chúa Trời dựng nên ngày và đêm trên trái đất, nhưng Ngài gọi cả hai là ngày. Cũng vậy, mỗi Cơ-đốc-nhân bị pha trộn đêm và ngày với nhau, giữa tội lỗi và sự thánh khiết. Nhưng đừng lấy đêm làm căn cước, hãy lấy ánh sáng ban ngày.” Lời Chúa phán rằng anh chị em đã được Ngài làm cho thánh khiết, và sẽ vào nơi thiên đàng hoàn toàn thánh thiện. Chúng ta chỉ có thể sống đời thánh khiết khi mình biết duy trì địa vị thánh đồ của mình. Sứ đồ Phierơ kêu gọi chúng ta như sau (2Phierơ 1:10–11) “Vậy, thưa anh em, hãy cố gắng hơn nữa để xác định sự kêu gọi và sự chọn lựa của mình; làm như vậy anh em sẽ không hề vấp ngã; và nhờ đó, con đường vào Vương quốc đời đời của Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ được rộng mở cho anh em.”
Cuộc sống theo đuổi sự thánh khiết không phải là sống kiểu tự cô lập, tách rời khỏi mọi người quanh mình. Nhưng là sống an tâm, không sợ hãi, vui mừng tin cậy sự dẫn dắt của Chúa, Ngài sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng chúng ta (Philip 4:6–7) “Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus.” Hãy nhớ rằng Đức Chúa Jesus là Gốc Thánh của người nào chịu ở trong Ngài.
HieuBietCacDieuCanBan11.docx
Rev. Dr. CTB