Hiểu Biết Các Điều Căn Bản, bài 10

Công vụ 1:1–5

Thưa ngài Theophilus, trong sách thứ nhất, tôi đã viết về mọi điều Đức Chúa Jêsus đã làm và dạy từ ban đầu cho đến ngày Ngài được cất lên trời, sau khi Ngài cậy Đức Thánh Linh mà răn dạy các sứ đồ Ngài đã chọn. Ngài cũng dùng nhiều cách chứng tỏ cho các sứ đồ rằng Ngài đang sống sau khi đã chịu chết, và hiện đến với họ trong bốn mươi ngày, phán dạy về vương quốc Đức Chúa Trời. Trong khi họp mặt với các sứ đồ, Ngài dặn họ: Đừng ra khỏi thành Jerusalem nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các con đã nghe Ta nói. Vì Giăng đã làm báp-têm bằng nước, nhưng trong ít ngày nữa, các con sẽ được báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

Bác sĩ Luca là người rất cẩn thận. Qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với những người đã từng ở gần Đức Chúa Jesus, ông thu thập mọi chi tiết liên quan đến Ngài từ những người trong cuộc rồi sắp xếp ghi chép lại theo trình tự lịch sử. Vì trong bốn sách phúc âm, chỉ có phúc âm Luca đề cập tới thời kỳ lịch sử lúc Đức Chúa Jesus giáng sinh (Luca 2:1–2) “Lúc ấy, Caesar Augustus ra chiếu chỉ kiểm tra dân số trong khắp thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện trong thời Quirinius làm tổng đốc xứ Syria.” Cũng chỉ một mình ông tường thuật rất kỹ càng về việc thiên sứ báo tin cho thầy tế lễ Zachariah, cha của Giăng Baptist:

(Luca 1:11-13) “Bấy giờ có một thiên sứ của Chúa hiện đến với Zachariah, đứng bên phải bàn thờ dâng hương. Thấy thiên sứ, Zachariah bối rối, kinh hãi. Nhưng thiên sứ bảo ông: Nầy, Zachariah đừng sợ! Vì lời cầu nguyện của ngươi đã được nhậm. Elizabeth, vợ ngươi, sẽ sinh một con trai; ngươi hãy đặt tên là Giăng.

Sáu tháng sau, vị thiên sứ báo tin cho trinh nữ Mari (Luca 1:30–31) “Thiên sứ tiếp: Hỡi Mari, đừng sợ vì cô đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, cô sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là JESUS.” Rồi trong đêm Đức Chúa Jesus giáng sinh, thiên sứ lại báo tin cho các mục tử (Luca 2:8–11) “Cũng trong vùng ấy, có mấy người chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa hiện đến với họ, vinh quang của Chúa chói rạng chung quanh nên họ rất sợ hãi. Nhưng thiên sứ bảo họ: Đừng sợ! Nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, đây sẽ là niềm vui lớn cho mọi người. Vì hôm nay tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Thế, là Đấng Christ, là Chúa đã được sinh ra cho các ngươi.” Cũng qua sách Luca, chúng ta được biết thêm là hài nhi Jesus lúc mới vào đời được bọc bằng khăn đặt nằm trong máng cỏ (Luca 2:12) “Đây là dấu hiệu để các ngươi nhận ra Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn nằm trong máng cỏ.

Vì vậy, mọi chi tiết do Luca tường thuật đều có tính cách lịch sử và chính xác. Ngoại trừ sứ đồ Giăng, những nhân chứng từng nghe tận tai, thấy tận mắt những việc Đức Chúa Jesus thực hiện và phán dạy, khi kể lại thì thiếu sót và ít hoặc không đề cập tới một thân vị vô cùng quan trọng là Đức Thánh Linh. Qua các bài học trước, chúng ta đã biết các công tác Đức Thánh Linh thực hiện trong lòng người tin là sinh lại con người bề trong của tín hữu, đổi mới và thánh hóa đời sống tâm linh họ; hướng dẫn, dạy dỗ và cầu thay cho Hội Thánh của Ngài. Sứ đồ Phaolô giải thích nhiều về công việc Đức Thánh Linh thực hiện trên mọi con cái thật của Ngài:

(1Côrinhtô 12:3–11) “Vì vậy, tôi muốn anh em hiểu rằng, không một ai được Thánh Linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn mà lại nói: Đức Chúa Jêsus đáng nguyền rủa! Nếu Đức Thánh Linh không hướng dẫn thì cũng không ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa! Có nhiều ân tứ khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Linh. Có nhiều lãnh vực phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, Đấng làm mọi việc trong mọi người. Sự thể hiện của Thánh Linh được ban cho mỗi người là vì lợi ích chung. Người nầy được Thánh Linh ban cho lời nói khôn ngoan; do cùng một Thánh Linh, người khác nhận được lời nói tri thức. Cùng một Thánh Linh ban cho người nầy đức tin; do cùng một Thánh Linh, người khác nhận được ân tứ chữa bệnh. Người thì được làm các phép lạ, người thì được nói tiên tri, người thì được phân biệt các thần linh, người thì được nói các thứ tiếng lạ, người thì được thông dịch các thứ tiếng ấy. Tất cả những điều nầy là công việc của cùng một Thánh Linh; Ngài ban phát ân tứ cho từng người tùy theo ý Ngài.

Hãy nhớ rằng, có Đức Thánh Linh trong lòng với được Đức Chúa Jesus làm báp têm bằng Đức Thánh Linh là hai điều khác nhau.

Khi viết các bài tường thuật công việc của các sứ đồ trong sách Công Vụ, bác sĩ Luca lại tường thuật những lời dặn dò sau cùng của Đức Chúa Jesus cho các môn đồ trước khi Ngài được rước về trời. Ở phần nầy, bác sĩ Luca đặc biệt nhắc lại lời Đức Chúa Jesus dặn dò các môn đồ Ngài về Đức Thánh Linh. Sứ đồ Mathiơ là người đầu tiên tường thuật lời của Giăng Baptist tiết lộ về Đức Thánh Linh (Mathiơ 3:11, 16; 4:1) “‘Tôi làm báp-têm cho các người bằng nước để ăn năn tội; nhưng Đấng đến sau tôi, uy quyền hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Ngài. Ngài sẽ làm báp-têm cho các người bằng Đức Thánh Linh và lửa.‘ … 16 Khi được báp-têm xong, vừa lúc Đức Chúa Jêsus lên khỏi nước, thì kìa, các tầng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu đậu trên Ngài.4:1 Sau đó, Thánh Linh đem Đức Chúa Jêsus vào hoang mạc để chịu ma quỷ cám dỗ.” Luca cũng tường thuật việc Đức Chúa Jesus chịu báp-têm, rồi Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu giáng xuống đậu trên Ngài:

(Luca 3:21–22) “Khi tất cả dân chúng đều chịu báp-têm, Đức Chúa Jêsus cũng chịu báp-têm. Lúc Ngài đang cầu nguyện thì trời mở ra, và Đức Thánh Linh ngự xuống trong hình thể giống như chim bồ câu đậu trên Ngài; lại có tiếng từ trời phán: Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn!” Vì bác sĩ Luca biết Chúa qua Phaolô, và mấy chục năm sau khi Đức Chúa Jesus đã về trời thì ông mới tới Jerusalem; cho nên, theo lời ông viết thì ông đã cẩn thận tra cứu mọi việc từ đầu rồi ông mới viết theo thứ tự.

Theo sứ đồ Giăng ghi chép lại, thì khi kêu gọi dân Judah, Đức Chúa Jesus đã đề cập tới Đức Thánh Linh, mà lúc ấy chưa ai biết (Giăng 7:38–39) “Người nào tin Ta thì những dòng sông sự sống sẽ tuôn tràn từ lòng mình, đúng như Kinh Thánh đã nói. Ngài nói điều nầy chỉ về Thánh Linh mà những người tin Ngài sẽ nhận được; bởi Thánh Linh chưa giáng xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được tôn vinh.” Rồi trước khi chịu bị khổ hình cũng đã giải thích cho các môn đồ Ngài biết về Đức Thánh Linh mà Ngài sẽ sai xuống thế gian sau khi Ngài về trời:

(Giăng 14:16–17) “Ta sẽ cầu xin Cha, Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi khác để ở với các con đời đời, tức là Thần Chân Lý mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì không thấy và không biết Ngài. Nhưng các con biết Ngài vì Ngài đang ở với các con, và sẽ ở trong các con.

(Giăng 16:7, 13) “Dù vậy, Ta nói thật với các con: Ta đi là ích lợi cho các con. Vì nếu Ta không đi thì Đấng An Ủi sẽ không đến với các con. Nhưng nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến. … 13 Khi Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn các con vào mọi chân lý; vì Ngài không tự mình nói, nhưng sẽ nói những gì mình nghe, và công bố cho các con những gì sẽ đến.

Sở dĩ chúng ta phải biết rõ ràng và nắm vững những phần Kinh Thánh nói về Đức Thánh Linh, bởi vì Ngài giữ một vai trò quan trọng bậc nhất trong đời sống mọi tín đồ của Đức Chúa Jesus. Bất cứ người nào đã bằng lòng tiếp nhận Đức Chúa Jesus, làm con của Đức Chúa Trời, thì Ngài ban Đức Thánh Linh vào lòng để làm bảo chứng (2Côrinhtô 1:22) “Ngài cũng đã đóng ấn Ngài trên chúng ta, và ban Thánh Linh của Ngài vào lòng chúng ta để làm bảo chứng.” Vì vậy, Thánh Linh là ấn chứng của Chúa trong lòng người tin (Êphêsô 4:30) “Anh em chớ làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời; vì trong Ngài, anh em được ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc.” Tức là tín hữu phải có Đức Thánh Linh mới là tín đồ thật.

Trước khi có thể hiểu và tiếp nhận phép báp têm bằng Đức Thánh Linh, tín hữu phải nắm vững sự hiểu biết về vai trò của Ngài trong đời sống đạo của mình. Ngài là món bảo đảm về sự cứu rỗi của người tin (Êphêsô 1:13–14) “Trong Ngài, anh em là người đã nghe lời chân lý, là Tin Lành mà anh em được cứu rỗi. Cũng trong Ngài, anh em đã tin và được đóng ấn bằng Đức Thánh Linh như lời hứa. Đấng ấy là bảo chứng của cơ nghiệp chúng ta cho đến khi những người thuộc về Ngài nhận được sự cứu chuộc, để ca ngợi vinh quang của Ngài.

(2Côrinhtô 5:5) “Đức Chúa Trời là Đấng đã chuẩn bị chúng ta cho điều nầy, và Ngài đã ban Thánh Linh làm bảo chứng cho chúng ta.” Ai là tín đồ thật của Đức Chúa Jesus, người ấy phải biết rõ mình được những gì khi tin nhận Ngài. Có thể nào người thật lòng tin Chúa mà không biết chút gì về Đức Thánh Linh được không? Việc đó đã xảy ra thời xưa và cả thời nay (Công vụ 19:2) “Ông hỏi họ: Từ khi tin, anh em đã nhận lãnh Đức Thánh Linh chưa? Họ trả lời: Chúng tôi chưa từng nghe nói có Đức Thánh Linh nào cả.” Tại sao có những người tin Chúa lại không biết gì về Đức Thánh Linh? Trường hợp thứ nhất là không được giảng giải cho biết; trường hợp thứ nhì là không chịu đọc Kinh Thánh; trường hợp thứ ba là không thật lòng tin Chúa nên không nhận được Đức Thánh Linh, vì vậy, chẳng biết gì về Ngài.

Kinh Thánh Tân Ước đã trình bày rõ ràng về Đức Thánh Linh; nếu ai xưng là tín đồ Tin Lành mà không quen thuộc hoặc không hiểu biết bao nhiêu về Ngài, thì bị lọt vào hai, hay cả ba trường hợp vừa nói; cho nên, trong số những điều căn bản mà mọi tín hữu cần phải hiểu biết về niềm tin của mình là Đức Thánh Linh và những công việc của Ngài. – Ít nghe giảng về Đức Thánh Linh là nguyên nhân khá phổ biến. Có lẽ những người làm công việc giảng dạy ít dám nói về Đức Thánh Linh vì sợ rằng họ bị tín đồ hỏi những điều họ không nắm vững; cho nên, họ tránh né các bài giảng về Đức Thánh Linh và các việc quyền năng của Ngài thực hiện cho Hội Thánh. Những ai trung tín đọc Kinh Thánh thì đều biết về Ngài dù không được nghe giảng. Ai không biết là vì không đọc.

Vậy thì, nếu chúng ta thật lòng tin Chúa thì phải tự xét xem nguyên nhân nào khiến mình biết quá ít về Đấng ngự trong lòng mình? Mục tiêu của mọi tín hữu khi còn ở thế gian là phải được báp têm bằng Đức Thánh Linh (Mathiơ 3:11) “Tôi làm báp-têm cho các người bằng nước để ăn năn tội; nhưng Đấng đến sau tôi, uy quyền hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Ngài. Ngài sẽ làm báp-têm cho các người bằng Đức Thánh Linh và lửa.” (Công vụ 1:5) “Vì Giăng đã làm báp-têm bằng nước, nhưng trong ít ngày nữa, các con sẽ được báp-têm bằng Đức Thánh Linh.” Để đạt tới mục tiêu đó, chúng ta phải tự xét thử xem tình trạng trong Chúa của mình đang ở mức nào.

Đôi khi tín hữu tự hỏi mình có thật là tín đồ của Chúa và có Đức Thánh Linh trong lòng hay không? Mọi dấu hiệu bề ngoài thì có đủ: đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, và trung tín nhóm lại, không giấu giếm tội lỗi, rất muốn chứng đạo, vv., nhưng vẫn có sự cay đắng nào đó trong lòng; ý muốn thánh thiện bị pha trộn với ý định xấu; vì dụ, muốn chân thành cầu nguyện nhưng mong lời cầu nguyện ấy được anh chị em khen ngợi, vv.

Có người sợ rằng khi đến cổng thiên đàng sẽ bị nghe Chúa phán: “Hỡi những kẻ làm ác, hãy lui ra khỏi Ta, Ta chẳng hề biết các ngươi bao giờ” (Mathiơ 7:23), thì đau khổ biết bao! Có vài điều cần phải biết để ai thật lòng tin Chúa sẽ yên tâm: “Nhưng Chúa sẵn lòng tha thứ để người ta kính sợ Ngài” (Thi Thiên 130:4). Đức Chúa Trời luôn luôn nhân từ và sẵn lòng tha thứ cho người nào biết ăn năn tội lỗi. Nhưng làm sao biết mình thật lòng ăn năn? Lòng ai biết đau buồn về lỗi lầm là dấu hiệu tốt. Ông John Owen, người Anh ở thế kỷ 17, có dùng một ví dụ để giúp những người có tâm trạng đó hiểu và hi vọng. Ông phân tích rằng, một cái chân bị tê mất hết cảm giác, có bị đứt cũng chẳng thấy đau đớn gì, nhưng khi hết tê, thì một vết đứt nhẹ cũng khiến chân bị đau xót.

Người ở ngoài Chúa thì linh hồn tê cứng không biết cái ác của tội lỗi. Thỉnh thoảng tội lỗi và hậu quả của nó làm người ta bị tổn thương, nhưng hầu như người ta không khi nào cảm nhận được sự xấu ác của nó. Ai biết đau buồn về tội lỗi là người có linh hồn đã được làm cho sống lại, người ấy đau khổ vì biết mình phạm tội; có lúc tuyệt vọng vì thấy mình quá tệ (Rôma 7:24) “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể hay chết nầy?” Lời giảng của Đức Chúa Jesus đem hi vọng đến cho chúng ta “Phước cho những người than khóc, vì sẽ được an ủi” (Mathiơ 5:4). Ai đã thật lòng tin Chúa, người ấy được Đức Thánh Linh ngự vào lòng, tức là tâm linh; phần hồn vẫn còn vất vả chống lại tánh xác thịt, sự cám dỗ vẫn đeo đẳng không ngừng, nhưng điều quan trọng không phải là bị cám dỗ mà là lòng khổ sở hết sức chống trả các sự cám dỗ ấy.

Chiến tranh không phải là chống cự kẻ địch một cách nhẹ nhàng lịch sự, nhưng kịch liệt chống trả để giành chiến thắng. Tội lỗi thì vẫn cám dỗ, nhưng con cái Chúa phải biết chống trả. Biết đau buồn, biết chống cự tội lỗi, thì chúng ta là con cái của Chúa và có Đức Thánh Linh. Sau khi học biết thêm nhiều về Ngài, chúng ta sẽ học về phép báp têm bằng Đức Thánh Linh.

 HieuBietCacDieuCanBan10.docx

Rev. Dr. CTB