Hiểu Biết Các Điều Căn Bản, bài 14

Công Vụ 1:8

Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Jerusalem, cả xứ Judea, xứ Samaria cho đến cùng trái đất.

Mặc dù các giáo hội và hệ phái thuộc Cơ-đốc-giáo giới có rất nhiều sự đồng thuận về thần học và Kinh Thánh, nhưng khi nói tới báp têm Đức Thánh Linh thì nổi lên hai ý kiến khác biệt sâu sắc. Phái theo thần học truyền thống cho rằng những người thật lòng tiếp nhận Chúa đều đã nhận báp têm bằng Đức Thánh Linh ngay giây phút tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Họ tin rằng Đức Thánh Linh báp têm người tin vào Đức Chúa Jesus, thì điều đó gọi là báp têm bằng Đức Thánh Linh (1Côrinhtô 12:13) “Vì chúng ta, dù là người Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do, tất cả đều đã chịu báp-têm trong một Thánh Linh để trở thành một thân thể; tất cả đều được uống chung một Thánh Linh.

– Phái chủ trương sự tin Chúa với phép báp têm bằng Đức Thánh Linh là hai sự kiện riêng rẽ, thì dựa trên lời Đức Chúa Jesus xác nhận (Công vụ 1:5) Vì Giăng đã làm báp-têm bằng nước, nhưng trong ít ngày nữa, các con sẽ được báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

(Công vụ 11:15–16) “Khi tôi bắt đầu nói thì Đức Thánh Linh giáng trên họ, cũng như lúc ban đầu Ngài đã giáng trên chúng ta. Tôi nhớ lại lời Chúa đã phán: ‘Giăng đã làm báp-têm bằng nước, nhưng các con sẽ được báp-têm bằng Đức Thánh Linh.’” Và tin rằng phép báp têm bằng Thánh Linh phải có kèm theo các hiện tượng đặc biệt nào đó (Công vụ 2:4) Tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, bắt đầu nói các ngôn ngữ khác, theo như Thánh Linh cho họ nói.

(Công vụ 10:44–46). “Khi Phierơ còn đang nói thì Đức Thánh Linh giáng trên mọi người nghe đạo. Các tín hữu chịu cắt bì, là những người cùng đi với Phierơ, đều kinh ngạc vì quà tặng là Đức Thánh Linh cũng tuôn đổ trên các dân ngoại nữa. Các tín hữu đó nghe họ nói tiếng lạ và ca ngợi Đức Chúa Trời.

Để biết rõ ý nghĩa của phép báp têm bằng Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ không suy diễn theo thành kiến hay sự hiểu biết riêng của mình; cũng sẽ không bảo vệ truyền thống nào đó không được Kinh Thánh hậu thuẫn.–Các sứ đồ có mặt vào đêm Đức Chúa Jesus hiện ra gặp họ trong ngày Ngài sống lại, là những người được nhận lãnh Đức Thánh Linh trước nhất (Giăng 20:22) “Nói xong, Ngài hà hơi trên họ và nói: Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh.

Nhưng 40 ngày sau, Đức Chúa Jesus lại tiết lộ rằng họ sẽ được báp têm bằng Đức Thánh Linh (Công vụ 1:5) “Vì Giăng đã làm báp-têm bằng nước, nhưng trong ít ngày nữa, các con sẽ được báp-têm bằng Đức Thánh Linh.” Vậy thì, thời điểm Đức Chúa Jesus hà hơi ban Đức Thánh Linh vào lòng họ thì chưa phải là báp têm Thánh Linh, mà là khi Đức Thánh Linh chính thức giáng lâm trong tiếng gió thổi ào ào và các lưỡi lửa xuất hiện đậu trên đầu mọi người đang có mặt ở phòng cao vào lễ Ngũ Tuần

(Công vụ 2:1–4) “Đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng động từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy những lưỡi như lưỡi lửa xuất hiện, tản ra và đậu trên mỗi người trong họ. Tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, bắt đầu nói các ngôn ngữ khác, theo như Thánh Linh cho họ nói.”

Một số người ác cảm với phép báp têm bằng Đức Thánh Linh thường trích dẫn Êphêsô 4:5Chỉ có một Chúa, một đức tin, một báp-têm,” để bác bỏ sự cần thiết phải được báp têm bằng Đức Thánh Linh. Ý kiến nầy thường tránh không nhắc tới Công vụ 1:8Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Jerusalem, cả xứ Judea, xứ Samari cho đến cùng trái đất,” bởi vì lời Chúa hứa rằng người sẽ nhận Đức Thánh Linh giáng trên mình thì cũng sẽ được ban cho quyền năng đặc biệt để làm chứng nhân rao truyền Tin Mừng ở nơi nào người đó sinh sống. Tại sao có một số người kiêng kỵ không muốn nhắc tới Đức Thánh Linh? Họ bị mặc cảm điều gì mà tỏ ra phẫn nộ khi nghe nhắc tới báp têm bằng Thánh Linh? Theo thói đời thường tình, thì ấy là phản ứng của người muốn giấu nỗi xấu hổ vì không có.

Vậy, chúng ta phải hiểu thế nào? Làm sao dám nói tín hữu khác là không có Đức Thánh Linh khi họ đã là con cái thật của Chúa? Bởi vì ai thật lòng tiếp nhận Chúa, người đó đã là thánh đồ có Đức Thánh Linh trong lòng rồi; như trong bài chúng ta đã học biết mình có gốc thánh nhờ ở trong Đức Chúa Jesus (1Côrinhtô 1:30) “Vì nhờ Ngài mà anh em được ở trong Đấng Christ Jêsus, Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết và sự cứu chuộc cho chúng ta.

Tuy có Đức Thánh Linh và đã được thiên đàng xem là thánh đồ, nhưng chúng ta hiểu rằng hồn của chúng ta vẫn mang đầy tánh xác thịt yếu đuối của con người cũ đang mong mỏi được thánh hóa ngày càng hơn. Tất cả chúng ta đều cần có sức mới của Đức Thánh Linh ban cho, để có thể thắng hơn sự yếu đuối của xác thịt và thói nết cũ trong bản ngã chưa được thánh hóa. Thánh hóa ngày càng hơn luôn luôn là mục tiêu chúng ta phải nhắm tới (2Côrinhtô 4:16) “Vậy nên, chúng tôi không nản lòng, dù con người bên ngoài bị suy mòn dần nhưng con người bên trong ngày càng đổi mới hơn.

Chúng ta phải nắm vững sự thật nầy: Ý nghĩa mà Phaolô dùng trong câu “báp têm trong một Thánh Linh …” (1Côrinhtô 12:13) với lời Đức Chúa Jesus phán: “Trong ít ngày nữa, các con sẽ được báp têm bằng Đức Thánh Linh” (Công vụ 1:5), thì không giống nhau. Báp têm trong một Thánh Linh là nhận Đức Thánh Linh lúc quy đạo. Còn được báp têm bằng Đức Thánh Linh là được Đức Thánh Linh ban cho quyền năng. Bởi vì tất cả các môn đồ nghe Chúa phán đều là những người tin Chúa rồi, họ biết chắc Ngài đã sống lại và đang nói với họ; họ không cần phải quy đạo, nhận Ngài một lần nữa. Vì Chúa nói rõ: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta ” (Công vụ 1:8). Vậy, phép báp têm Thánh Linh mà Giăng Baptist đã nói (Mathiơ 3:11) Tôi làm báp-têm cho các người bằng nước để ăn năn tội; nhưng Đấng đến sau tôi, uy quyền hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Ngài. Ngài sẽ làm báp-têm cho các người bằng Đức Thánh Linh và lửa.”

(Luca 3:16) “Vì vậy, Giăng trả lời với mọi người: Tôi làm báp-têm cho các người bằng nước; nhưng có một Đấng uy quyền hơn tôi sẽ đến, tôi không đáng mở quai dép cho Ngài. Ngài sẽ làm báp-têm cho các người bằng Đức Thánh Linh và lửa.” Và lời Đức Chúa Jesus tiết lộ trước khi Ngài về trời thì khác với ý nghĩa mà Phaolô nói rằng mọi tín hữu đều được báp têm trong một Thánh Linh.

Để chuẩn bị tiếp nhận một phép báp têm mà nhiều tín hữu chưa có và chưa biết, thì chúng ta phải dựa trên lời Kinh Thánh đã trích để nghiên cứu cẩn thận. Như Kinh Thánh đã phân biệt trong mỗi người đều có ba phần: Thân, hồn, và linh (1Têsalônica 5:23) “Cầu xin chính Đức Chúa Trời bình an thánh hóa anh em một cách toàn diện. Cầu xin tâm linh, linh hồn, và thân thể anh em được giữ vẹn toàn, không chỗ trách được khi Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ quang lâm!

– Linh đã tiếp nhận Đức Thánh Linh khi ta tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa; thân thì hoạt động theo sự điều khiển của hồn và linh. Tánh tình yếu đuối bạc nhược, cùng với những ham muốn chính đáng hay thấp hèn đều nằm trong hồn. Vậy, hồn là lãnh vực cần được đổi mới. Nếu báp têm bằng Đức Thánh Linh là biện pháp mà Đức Chúa Trời dùng để giúp đỡ chúng ta, thì phép báp têm ấy là cách để Đức Thánh Linh chiếm hữu toàn thể tâm hồn, cai trị, chỉ dẫn, và ban cho quyền năng để chúng ta có thể sống đẹp lòng Ngài.

Tại sao phép báp têm bằng Đức Thánh Linh có nhiều ích lợi cho người nhận? Vì báp têm ấy giúp chúng ta gần gũi và yêu mến Chúa hơn. Kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện trong nếp sinh hoạt tôn giáo của một tín đồ bình thường là điều ai cũng có thể nhận ra được. Tín hữu thường cầu nguyện rất ngắn và không mấy thân mật với Chúa. Lý do là vì không có bao nhiêu điều để tâm sự trò chuyện với Ngài như trò chuyện với bạn bè hay người thân yêu. Dù Đức Thánh Linh ngự trong tâm linh chúng ta, tín hữu vẫn chưa có mối tương giao thân mật với Ngài; thường không cảm thấy Ngài gần gũi và thân yêu với mình. Mặc dù nhiều tín hữu rất hăng hái tranh cãi khi đạo bị chê bai công kích; nhưng hiểu biết bao nhiêu về đức tin mình có thì bị rất hạn chế và tri thức thì mơ hồ.

Tình trạng vừa nói là rất phổ biến, vì dù tín hữu tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời nhưng ít người cảm nhận được tình yêu vô điều kiện và sự lo lắng chăm sóc của Ngài đối với từng người trong chúng ta. Đối với Chúa thì phúc lợi và sức khỏe của linh hồn chúng ta luôn luôn nằm trong tâm trí Ngài. Chúng ta đều hiểu tình yêu của cha mẹ đối với con cái bao la như thế nào. Tuy vậy, rất ít người biết tình yêu của Đức Chúa Cha đối với con cái Ngài bao la hơn bội phần. Do chúng ta thường xuyên phạm tội nên cảm thấy sợ Chúa hơn là yêu thương Ngài. Đứa con nào yêu thương gần gũi cha mẹ sẽ ngại phạm lỗi khi nó biết cha mẹ sẽ đau lòng.– Bởi tình yêu vô bờ, báp têm bằng Đức Thánh Linh là cách Đức Chúa Trời dùng để giúp chúng ta rèn luyện bản thân dễ dàng hơn.

Qua sự đổ đầy của Đức Thánh Linh vào linh và hồn tín hữu, người nhận báp têm sẽ mong gần gũi với Chúa qua giờ phút cầu nguyện để bày tỏ nỗi lòng với Ngài. Người được báp têm ấy sẽ có cơ hội nghe tiếng Chúa rõ hơn; bởi vì thường được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Càng gần gũi Chúa chừng nào, linh hồn ta sẽ đổi mới nhanh chừng đó. – Từ điểm nầy, chúng ta dễ biết nguyên nhân thất bại của rất nhiều tín hữu trong đời sống đạo là vì chưa được hưởng sự đổ đầy Đức Thánh Linh vào hồn mình. Nghĩa là người ấy chưa thật lòng muốn được Đức Thánh Linh điều khiển hồn và linh mình theo ý Ngài. Đừng sợ các buổi nhóm có sự hiện diện mạnh mẽ của Chúa; đừng sợ chuyện kín đáo của mình bị phơi bày. Chúa không khinh dể người có lòng ăn năn thống hối:

(Thi 51:17) “Sinh tế đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm linh đau thương; Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.

Chúa biết rõ chúng ta và không ai đo nổi tình Ngài yêu thương con cái Ngài; vì vậy, Ngài sẽ giữ để ai có lòng đau thương thống hối sẽ không bị nhục nhã mà được anh chị em mình tôn trọng. Ai sẵn sàng vâng phục mọi lãnh vực của đời sống mình cho Chúa, thì cơ hội được báp têm Thánh Linh chắc chắn sẽ đến. Vì Đức Chúa Trời muốn dùng đời sống chúng ta làm vinh danh Ngài.

HieuBietCacDieuCanBan14.docx

Rev. Dr. CTB