Hiểu Biết Các Điều Căn Bản, bài 13

Galati 5:22–24

Nhưng trái của Thánh Linh là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ. Không có luật pháp nào cấm các điều đó. Vậy những người thuộc về Đấng Christ Jêsus đã đóng đinh xác thịt cùng với các đam mê và dục vọng mình trên thập tự giá rồi.

Mọi tín hữu thật của Chúa đều biết bước đường trần gian mà chúng ta đang đi, mong đợi ngày tới thiên đàng ở cuối đường, thì sẽ có nhiều sự cản trở khó khăn dọc đường chứ không suôn sẻ như mình mơ ước. Tuy vậy, để giúp chúng ta đạt tới thành công trên bước đường ấy, Đức Chúa Trời đã sắm sẵn các phương tiện, hay giải pháp. Đó là các hoa trái của Đức Thánh Linh sản sinh trong lòng các thánh đồ nào thật tâm muốn gặp Ngài. Chúng ta chỉ xem xét vài khía cạnh của mỗi trái để có thế gói gọn trong một bài học. Bởi vì mỗi trái của Thánh Linh là một lãnh vực bao la.

Trái yêu thương trong trường hợp nầy không chú trọng nhiều tới tình yêu nam nữ, mà đề cập tới đức nhân ái là chính (Êphêsô 5:1–2) “Vậy, anh em hãy trở nên những người bắt chước Đức Chúa Trời như các con yêu dấu của Ngài. Hãy bước đi trong tình yêu thương như Đấng Christ đã yêu thương chúng ta, xả thân Ngài vì chúng ta như một lễ vật và sinh tế tỏa ngát hương thơm dâng lên Đức Chúa Trời;” không phải chỉ tử tế với người mình thích, mà còn quan tâm tới những người mình không ưa hoặc coi thường, hoặc thờ ơ xa lạ (Rôma 12:16) “Hãy sống hòa hợp với nhau; đừng có ý tưởng kiêu ngạo, nhưng hòa mình với những người thấp kém. Đừng tự cho mình là khôn ngoan.

Yêu thương theo ý Chúa không phải là tìm kiếm những gì đáng yêu, nhưng là mang tình yêu của Chúa tới mọi nơi ta đi, vì mình không còn sống cho mình mà sống cho Chúa (Galati 2:20) “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi.” Tình yêu thương có nghĩa là sẵn lòng bỏ công, của và sức lực vì nhu cầu của anh chị em đang cần. Nếu phải nói hết về tình yêu thương Thánh Linh thì vô cùng tận.

Trái vui mừng của Đức Thánh Linh thì trước hết và quan trọng nhất là vui mừng trong Đức Chúa Jesus (Philip 4:4) “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn, tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng đi!” Lòng vui mừng thành thật là rất vui khi thấy vô số anh chị em mình được đổi mới; sung sướng khi thấy đời sống của họ bày tỏ cho người khác thấy hình ảnh Chúa của mình. Chúng ta vui mừng khi thấy sự khiêm nhu đánh bại kẻ kiêu ngạo, người nhút nhát trở nên dạn dĩ chia sẻ tin mừng, và các gia đình từ cha mẹ đến con cháu đều kính yêu Chúa, những tội ác do dục vọng bị biến mất trong Hội Thánh. Đó là sự vui mừng thành thật sinh ra từ linh hồn.

Kinh Thánh tiếng Anh dịch bình an là “Peace.” Đa số người Mỹ áp dụng chữ nầy cho hòa bình, không chiến tranh, và hòa thuận trong một tổ chức. Nhưng trái bình an của Đức Thánh Linh vừa là yên ổn trong tâm hồn, vừa thuận hòa nhau trong Hội Thánh, vừa là thái bình yên ổn. Không thứ gì có thể làm rúng động một linh hồn bình an trong Chúa (Philip 4:6–7) “Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus.” Tình cảnh nguy nan khiến cho cả cộng đồng kinh hoảng; nhưng trái bình an của Đức Thánh Linh sẽ vững vàng đối mặt với thực tế. Một người có Chúa bình an và cách sống hòa thuận là chỗ dựa tinh thần vững vàng cho cả một đám đông hoảng loạn lúc xã hội gặp tình cảnh bất an và hỗn loạn (Philip 4:9) “Những gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở với anh em.

Chữ nhịn nhục ở đây là trái nhẫn nại hoặc kiên nhẫn. Người có tính nhẫn nại mới có thể nhịn nhục (2Timôthê 4:2) “Hãy truyền giảng lời Chúa, hãy kiên trì dù trong thuận cảnh hay nghịch cảnh, hãy thuyết phục, khiển trách, khích lệ với tất cả lòng nhẫn nhục và tinh thần dạy dỗ.” Ý nghĩa chính của trái thứ tư nầy là không sớm ngã lòng bỏ cuộc; nó cũng là khả năng chịu đựng các thói xấu trong Hội Thánh, hoặc kiểu cư xử bỉ ổi của người mình gặp ngoài đường. Vì người chưa có Chúa có tánh khí rất xấu. Nhất là thời cả xã hội đang bị thế giới tối tăm cai trị nên nhiều người bày tỏ bản chất cực ác của quỷ dữ; và điều đó xảy ra khắp thế giới. Sự nhẫn nại là vô cùng cần thiết trong thời đại nầy. Hơn nữa, bất cứ Hội Thánh nào cũng có một số tín hữu tiến triển rất chậm trong đời sống tâm linh. Người lười biếng, kẻ ngã lòng, người yếu đuối, kẻ giả hình, vv; vì vậy, mỗi Cơ-đốc-nhân đều cần nhẫn nại đối với anh chị em mình

(1Têsalônica 5:14–15) “Thưa anh em, xin anh em hãy khuyên nhủ kẻ lười biếng, khích lệ người ngã lòng, nâng đỡ kẻ yếu đuối, kiên nhẫn với mọi người. Hãy cẩn trọng, đừng lấy ác báo ác, nhưng luôn tìm dịp làm điều tốt đẹp cho nhau cũng như cho mọi người.

Trái nhân từ là thứ quả rất hiếm, một đức tính rất quý báu khó gặp. Kẻ ác thường ghét người có lòng nhân từ. Nhưng sự nhân từ của Đức Thánh Linh quý hơn lòng nhân bình thường gấp nhiều lần. Người nhân từ lặng lẽ rút lui khi bị xúc phạm, không lấy ác trả ác. Nhưng trái nhân từ của Đức Thánh Linh chẳng những không giận kẻ xúc phạm mà còn chúc phước cho người ấy nữa (Êphêsô 4:32) “Phải hết sức khiêm nhu, mềm mại và nhẫn nhục, hãy chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương.” Mọi tín hữu phải mong được Đức Thánh Linh làm cho trái nhân từ của Ngài thành hình trong tâm tánh mình. Ngoài sự mong muốn và cầu xin, chúng ta phải suy niệm, nuôi dưỡng các đức tính hiền hòa tốt đẹp trong cách cư xử hàng ngày để trái nhân từ có thể ra hoa thành kết quả. Sự kết quả không thể xảy ra nếu chúng ta để cho bản tánh ích kỷ của con người xác thịt cai trị trong lòng mình. Hãy tập chúc bình an và chúc phước cho nơi mình sinh sống và làm việc

(Rôma 12:14–15) “Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em; hãy chúc phước, đừng nguyền rủa. Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.

Tiếng Anh gọi trái hiền lành là ‘goodness,’ được dịch từ tiếng Hy lạp ‘agathosune’ có nghĩa là “đời sống và tấm lòng ngay thẳng.” Vì vậy, chữ hiền lành trong tiếng Việt có thể khiến ta hiểu sai nghĩa chính của nó. Có lẽ chữ “nhân lành” là đúng nghĩa nhất (Mác 10:18) “Đức Chúa Jêsus đáp: Tại sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Không ai là nhân lành cả, ngoài một mình Đức Chúa Trời.” Lành là lòng vô cùng tốt trái ngược với ác, dữ. Nhân lành không phải là phẩm chất chúng ta có thể tự tạo; Giacơ viết “Mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm toàn hảo đều đến từ thiên thượng, được ban xuống từ Cha của sự sáng” (Giacơ 1:17).

Đời sống của Đức Chúa Jesus là mẫu mực nhân lành toàn hảo nhất. Thánh vụ và sự hi sinh của Ngài là ví dụ rõ nhất về đức nhân lành của Đức Chúa Trời đối với loài người. Sứ đồ Phierơ giải thích “Đức Chúa Trời đã xức dầu cho Đức Chúa Jêsus người Nazareth bằng Đức Thánh Linh và quyền năng, rồi Ngài đi khắp nơi làm việc nhân đức và chữa lành tất cả những người bị ma quỷ áp chế” (Công vụ 10:38). Hãy cầu xin Chúa ban tính nhân lành vào lòng ta.

Trung tín và trung thành ra từ một gốc nên có nghĩa gần giống nhau. Trái trung tín có nghĩa là không phản bội, giữ lời hứa (1Têsalônica 5:24) “Đấng đã kêu gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó.” Người ta, dù con cái Chúa, hay người đời đều không tôn trọng người không giữ lời hứa; chưa nói gì tới người có tính tráo trở. Sứ đồ Phaolô xác quyết rằng ông không có bản tính nói hai lời (2Côrinhtô 1:18) “Thật, như Đức Chúa Trời là thành tín, lời chúng tôi nói với anh em không phải lúc thì lúc thì Không đâu.” Nhưng dân Việt trước nay hình như không xem trọng chữ tín; thói xấu đó họ học từ dân tộc tính và nhà cầm quyền. Chúng ta là con dân thiên đàng thì phải từ bỏ đặc tính bất trung và bất tín mà mình học từ ngoài đời. Trong tất cả lời nói lẫn việc làm, sự thành tín luôn luôn được quý trọng. Mất đồ đạc còn có thể lấy lại, nhưng mất uy tín vì không giữ lời thì không bao giờ lấy lại được nữa. Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy.

Mềm mại hoặc khiêm nhu chỉ nói lên được một mặt của ý nghĩa chữ ‘gentleness.’ Khiêm nhu trong Kinh Thánh dứt khoát không phải là thiếu sức mạnh, nhưng là sự vận dụng quyền năng cách thánh thiện. Khi Đức Chúa Jesus đến thế gian để cứu vớt tội nhân, Ngài mặc lấy sự nhu mì khiêm nhường (Mathiơ 11:29) “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ.” Tinh túy trong trái khiêm nhu của Đức Thánh Linh là tính dịu dàng của Đấng Chủ Tể vũ trụ cư xử với loài người gian ác. Khiêm nhu không ngăn cản người đạo đức nổi sự giận thánh trước cái ác. Đừng nghĩ rằng vì chúng ta có trái khiêm nhu thì phải nhường cho kẻ ác làm điều xằng bậy. Đối với anh chị em trong Hội Thánh làm điều sai trật, thì đức khiêm nhu sẽ chấn chỉnh anh chị em mình cách mềm mại, dịu dàng:

(Êphêsô 4:2–3) “Phải hết sức khiêm nhu, mềm mại và nhẫn nhục, hãy chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương. Cố gắng duy trì sự hiệp nhất của Thánh Linh bằng sợi dây hòa bình.” Người khiêm nhường hết lòng quan tâm tới việc phục hồi linh hồn anh chị em mình cách dịu dàng chứ không cần ai biết đến.

Trái cuối cùng là tiết độ. Chữ nầy có nghĩa là tự kềm chế. Nó chẳng những là giữ không bị cái gì làm cho ghiền; ăn uống có chừng mực mà còn là không để bị thôi thúc khoe khoang bản thân (1Côrinhtô 9:25a, 27) “Tất cả các đấu thủ phải tự kỷ luật trong mọi sự. … 27 Nhưng tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi giảng dạy cho người khác, mà chính mình lại bị loại bỏ chăng.

Thèm khát danh vọng là một trong các nhược điểm yếu nhất của con người. Một nhược điểm khác là tham ăn và tham lam tiền bạc. Ai khát khao được sinh ra trái tiết độ, người ấy sẽ rất vui mừng thấy nó xuất hiện và hoạt động rất hiệu quả. Nếu suy xét cặn kẽ thì trái tiết độ sẽ giúp chúng ta làm gì cũng có chừng mực. Ăn ngủ điều độ, không mua sắm quá lố khi mình có đủ. Ai hài lòng với tình trạng mình đang có thì dễ tiết độ hơn người hay ham muốn của cải vật chất. Một phương diện cần phải tiết độ nữa là biết cầm hãm lưỡi mình. Vì có người bị cái lưỡi hành hạ, không mở miệng nói thì không chịu nổi. Tiết độ được cái lưỡi là thắng được mình (Giacơ 3:2) “Tất cả chúng ta đều vấp phạm nhiều cách. Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình.

Đức Thánh Linh sẽ sản sinh hoa trái trong lòng con cái thật của Ngài. Các trái ấy là giải pháp của Chúa giúp chúng ta vững vàng tiến bước trên con đường thánh hóa ngày càng hơn. Đó cũng là con đường đầy bảo đảm của người được báp têm bằng Đức Thánh Linh.

HieuBietCacDieuCanBan13.docx

Rev. Dr. CTB