Tín Đồ Của Chúa, bài 08

Phi-líp 2:1-11

Đức Chúa Jesus vốn có hình Đức Chúa Trời, bình đẳng với Đức Chúa Trời, nhưng đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ và trở nên giống như loài người.

Nhiều người chúng ta đã từng trải qua những cảnh ngộ vô cùng khốn khổ; bây giờ nếu có ai rủ rê những người đã thoát khỏi cảnh khổ ấy trở lại sống như ngày trước, thì không ai dại dột lìa bỏ địa vị an nhàn mình đang có để trở về cảnh sống khốn khổ không có lối thoát năm xưa.

Đức Chúa Jesus biết rõ kiếp người ở trần gian là quá thấp hèn so với chốn thiên đàng vinh quang; Ngài còn biết rõ nỗi nhục nhã của án tử hình bị đóng đinh trên cây gỗ của Con Đức Chúa Trời là đau khổ đến mức nào. Nhưng điều đó không ngăn cản được lòng vâng phục Đức Chúa Cha trong chương trình cứu độ nhân loại. Vì tình yêu thương vô bờ bến, Đức Chúa Jesus sẵn sàng vâng phục để làm gương cho chúng ta.

Trước khi chúng ta kỷ niệm sự chết hi sinh rồi sống lại vinh quang của Đức Chúa Jesus, bài học về gương mẫu vâng phục của Ngài vẫn luôn sáng chói để chúng ta suy gẫm rồi lập các quyết định của mình sao cho thích hợp với ơn mà mình đã nhận từ Chúa.

Ngoài việc vâng phục ý muốn của Đức Chúa Cha để chịu khổ hình, Đức Chúa Jesus đã để lại nhiều gương mẫu mà mỗi con cái Chúa cần học hỏi. Câu chuyện về ông trưởng ty thuế vụ tên là Xa-chê được biến đổi và nhận ơn cứu rỗi đáng được xem xét (Luca 19:1-10).

Mọi người đều ghét và khinh Xa-chê, vì việc ông ta làm là xấu. Ông ta biết thân phận của mình bị đồng bào khinh bỉ. Xa-chê đã làm nhiều điều bất chánh để được giàu có.

Hầu hết tín hữu đều né tránh, không dám kết bạn hay thân cận với những người như vậy: Chúng ta không muốn sự kết bạn của mình bị người đời dùng để nói xấu đạo Chúa.

Đức Chúa Jesus lại hành động khác hẳn; Ngài nói với Xa-chê Ngài sẽ đến ở đêm tại nhà của ông ta (Luca 19:5). Ngay lập tức tiếng phê phán nổi lên: “Người nầy vào nhà kẻ tội lỗi mà trọ” (7).

Đức Chúa Jesus biết nhu cầu khẩn thiết nhất của Xa-chê là tình bạn, vì chẳng ai dám làm bạn với Xa-chê gian xảo và tham lam cả. Người ta càng cô lập Xa-chê chừng nào, ông ta càng tham thêm chừng nấy để lấy tiền lấp vào chỗ trống thiếu tình bạn trong tâm hồn.

Sự chiếu cố của Đức Chúa Jesus khiến nhân sinh quan của Xa-chê thay đổi ngay tức khắc: “Lạy Chúa, nầy, tôi lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; nếu có làm hại ai bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư” (8). Tiếng phê phán im bặt, vì Đức Chúa Jesus phán với Xa-chê: “Hôm nay sự cứu rỗi đã vào nhà nầy. ……. Bởi Con Người đã đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất” (9-10).

Hầu hết chúng ta không bắt chước được gương của Đức Chúa Jesus đã nêu ra; bởi vì không ai muốn bị người khác hiểu lầm, chê bai, chỉ trích, hay lên án việc lành mình làm.

Tin đạo không phải là sự biến đổi mà Chúa thực hiện trong lòng người tin. Hầu hết tín hữu chúng ta cũng bị lầm lẫn về động lực thúc đẩy chúng ta phục vụ.

Người có tính siêng năng thì sẵn sàng phục vụ trong Hội-thánh, mặc dù có nhiều lúc phàn nàn tính lười biếng trong những người chẳng bao giờ phục vụ anh chị em mình.

Còn đối với những người mình ghét hoặc không muốn tiếp xúc vì chẳng có chút tình thương yêu nào đối với họ, thì chúng ta tránh xa. Lý do là chúng ta tưởng rằng mình chỉ có thể phục vụ khi nào tình yêu thương đối với người đó phải có ở trong ta trước đã. Mà bản tính bình thường của con người là không thể yêu thương những loại người xấu xa và rất khó ưa.

Nếu mỗi tín hữu đều nghiền ngẫm lời tiết lộ của Đức Chúa Jesus: ‘Con Người đã đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất,‘ thì chúng ta sẽ thấy nhiệm vụ của mình, nếu mình thật lòng yêu kính Chúa.

Sự thật mà mỗi tín hữu cần phải nắm vững là chúng ta chỉ có thể sẵn lòng phục vụ những người đang sống quanh mình, khi tinh thần phục vụ ấy được lòng chân thành yêu mến Chúa thúc giục.

Sự hiểu lầm của rất nhiều tín hữu là nghĩ rằng mình chỉ có thể phục vụ người khác khi mình yêu mến họ bằng tình yêu của Chúa. Nhiều khi chúng ta chờ đợi mãi mà tình yêu thương người khác chẳng bao giờ tới!

Bởi vì khi nào chúng ta có thể đồng tình với sự quan tâm của Đức Chúa Trời đối với người khác, do lòng yêu kính Chúa thúc giục trong ta một cách mạnh mẽ, thì tín hữu mới sẵn lòng phục vụ người đó. Sự phục vụ của chúng ta sẽ không xuất phát từ lòng mình yêu thương người khó ưa, nhưng vì lòng mình yêu mến Chúa nên muốn cứu giúp người mà Chúa quan tâm.

Sự khó khăn mà một số tín hữu vẫn bị vướng mắc trong cái vòng luẩn quẩn là “tôi muốn bày tỏ cho người chung quanh thấy là tôi đã được Chúa biến đổi rồi, nhưng tôi không có khả năng tỏ bày sự biến đổi ấy qua hành động thường ngày.” Hoặc là: “Tôi không cần bày tỏ gì hết, tôi biết tôi được cứu là đủ rồi.

Mấu chốt của vấn đề không phải là phô bày cho người khác thấy mình được Chúa biến đổi như thế nào, mà là chính mình có nhận ra sự biến đổi sâu sắc mà Chúa đã thực hiện bên trong lòng mình hay không. Người thật sự được biến đổi phải nhận ra sự thật ấy trong chính mình trước đã.

Như sứ đồ Phao-lô nói rõ: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng là Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi” (Galati 2:20).

Vậy câu hỏi mình phải tự xét là: “Từ khi tin Chúa mình có được Chúa biến đổi chút nào hay không?” Cách để tự xét là xem mình kính mến Chúa tới mức nào. Chúa có phải là mọi điều mình tôn thờ, hay Ngài chỉ là Đấng mình chạy tới cầu khẩn khi gặp hoạn nạn? Anh chị em vâng lời dạy của Chúa tới mức nào?

Theo đạo so với theo Chúa là hai điều hoàn toàn khác nhau. Người ta chỉ vâng phục Đấng mà họ hết lòng kính mến và yêu thương. Hầu hết chúng ta đều đã từng nghe lời bày tỏ của sứ đồ Phao-lô: ” …..vì cớ Đấng Christ, tôi xem những lợi lộc mình có như là lỗ, vì sự nhận biết Đấng Christ Jesus, Chúa tôi, là quý hơn hết. Vì Ngài, tôi đành chịu lỗ tất cả, và xem những điều đó như rác rưởi, để được Đấng Christ” (Phi-líp 3:7-8).

Tâm tình nầy phải là một gương mẫu để mỗi con cái Chúa phải đạt tới. Nếu ngày nay anh chị em đã nhờ ân điển Chúa được biến đổi rồi, hãy tạ ơn Ngài mỗi khi nhớ lại trước đây mình đã hư hoại ra sao.

Tâm tình như thế mới giúp chúng ta vâng phục Chúa cách hết lòng. Nhưng nếu có ai chưa ra khỏi một bản tính hay thói tật nào đó thì cần hiểu xem lý do nào mình vâng phục thói xấu thay vì được giải thoát.

Chúng ta thường bị một thói quen không tốt cai trị mình; quyền lực của thói xấu ấy rất mạnh. Lý do là vì ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, chúng ta đã đầu hàng thói xấu ấy, cho nó quyền cai trị mình. Hành động ấy gọi là chiều chuộng bản ngã.

Không một sức mạnh nào của linh hồn loài người tự nó bẻ gãy được cái gông xiềng của tánh tình đã thành hình từ lúc mình chịu nhường cho nó phát tác. Chỉ cần một giây phút nhường cho sự ham muốn làm chủ, người ta trở thành nô lệ cho thói xấu ấy.

Nhiều người nghĩ rằng, tôi có thể bỏ thói quen ấy bất cứ khi nào tôi muốn. Không! anh chị em sẽ khám phá rằng thói quen ấy có toàn quyền trên mình, vì anh chị em đã tự ý nhường cho nó cai trị mình rồi. Anh chị em không thể thoát khỏi quyền lực của nó.

Chỉ một mình Đức Chúa Jesus mới có thể giúp chúng ta; vì chỉ một mình Ngài đủ quyền hạn chạm tới tội lỗi và tiêu trừ nó. Chỉ có quyền năng cứu chuộc từ huyết vô tội của Chiên Con thánh đã hi sinh mới có thể chạm tới miền mà tội lỗi hoành hành để tiêu diệt nó.

Cho nên, ai muốn được giải thoát khỏi gông xiềng đang trói buộc mình, người ấy phải hết lòng hạ mình xưng tội, cầu xin Đấng duy nhất có quyền tiêu diệt quyền lực đang trói buộc mình, là Đức Chúa Jesus Christ, Ngài sẽ thực hiện điều ấy cho người thành tâm.

Vì Ngài được xức dầu, tức là được Đức Chúa Trời ban uy quyền, để giải thoát những người đang bị tội lỗi cầm tù mà chịu tiếp nhận ơn cứu độ, và bằng lòng cho Ngài bẻ gãy gông xiềng của thói quen xấu đang trói buộc họ (Luca 4:18-19).

Chúng ta hãy học tập vâng phục Đức Chúa Trời như Đấng Christ đã vâng phục, để được giải thoát khỏi bản ngã thấp hèn của mình, được mặc lấy con người mới mang tính chất mới của thiên đàng; lúc ấy, chúng ta mới hết lòng yêu mến Chúa, vui vẻ phục vụ Ngài, vui vẻ tiếp xúc các phận đời được Đức Chúa Trời quan tâm cứu vớt, nỗ lực sống đạo của chúng ta mới thành công.

TinDoCuaChua08.docx

Rev. Dr. CTB